Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Ngày tu an lạc tháng 3 năm Giáp Thìn tại...

Hà Nội: Ngày tu an lạc tháng 3 năm Giáp Thìn tại chùa Bằng

Ngày 21/4/2024, nhằm ngày mùng 13 tháng 3 năm Giáp Thìn, tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã tổ chức ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng với sự tham dự của đông đảo Phật tử gần xa.

114

Đúng 7h30, Đại đức Thích Quảng Nghĩa – Ủy viên thường trực, Phó văn phòng Ban Hoằng pháp TW, Giáo thọ sư chùa Bằng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

Sau đó, Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ – Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó trưởng Phân Ban Ni giới TW đã quang lâm và có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng về lợi ích của việc tu tập Bát quan trai giới.

Theo Ni sư, Thọ Bát quan trai giới là phúc báu lớn lao trong cuộc đời. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy rằng: “Trai giới của bậc Thánh là dùng một phương pháp thích nghi để làm cho tâm cấu uế được thanh tịnh. Trong ngày trai giới, vị Thánh đệ tử niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới… và thọ trì tám giới. Do tu tập trai giới, vị ấy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới…mà tâm phát sinh niềm tin thanh tịnh, các cấu uế, phiền não nơi tự tâm lắng xuống và bị đoạn tận”(Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương 3, tr370, VNCPHVN, 1996).

Qua đó, Ni sư cũng chia sẻ với các hành giả tu tập Bát Quan trai về Nhân duyên thọ giới Bát quan trai nhờ công đức và sự thỉnh cầu của bà Visàkha (Nguyện Trang Đài) mà Đức Phật đã đồng ý cho người cư sĩ tại gia thọ trì Bát quan trai giới.

Bà Visàkha – Vị nữ đại thí chủ thời Đức Phật vừa hoàn thành nhiệm vụ một người vợ tốt, người mẹ nhân từ với gia đình, cảm hóa cả gia đình chồng với Phật Pháp; lại vừa hoàn thành trọn vẹn vai trò hộ pháp đối với Đức Phật, với Tam Bảo.

Từ câu chuyện Phật hóa gia đình của tín nữ Visàkha, Ni sư nhắc nhở đại chúng “đừng chống trái gì trong đời sống, gia đình và trong công ty, nơi buôn bán, xí nghiệp, mọi nơi mọi chốn. Mình hãy dùng đức hạnh và tâm từ bi, sự hiền lành nhân ái của mình để cảm hóa người khác, làm cho môi trường trở nên hiểu biết, yêu thương. Phụ nữ có gia đình cần hoàn thành trách nhiệm bổn phận người làm vợ, làm mẹ nhưng bên cạnh đó cần tiến tu để đem lại sự an lạc, giải thoát cho chính bản thân, gia đình và xã hội”.

Nhân đây, Ni sư cũng chia sẻ về Ba lợi ích của việc tu Bát quan trai giới:

– Nhờ tu Bát quan trai giới, giữ thân khẩu ý thanh tịnh nên ta được 10 nghiệp thanh tịnh: Thân không sát sinh hại vật, gian tham trộm cắp, tà dâm, rượu chè cờ bạc; Khẩu: không nói dối, nói lời thô ác, nói lời hai chiều, ác độc, vô ích; Ý không tham sân si, không tà kiến. Từ đó cho chúng ta mười nghiệp lành, an lạc, hạnh phúc. Khi xả báo thân nhân duyên lành này sẽ đưa ta về cảnh giới an lành của cõi trời.

– Người thọ trì Bát quan trai giới một ngày là được sống đời xuất gia một ngày. Hãy bỏ bên ngoài những chuyện gia đình, nhà cửa, vợ con, làm ăn buôn bán, chuyện hàng xóm, chuyện quốc gia thế sự, chuyện được mất hơn thua, chuyện khen chê vinh nhục của cuộc đời mà hãy chuyên tâm tu tập một ngày thanh tịnh

– Tu tập Bát quan trai giới gieo duyên giải thoát, rốt ráo, an vui tịch tĩnh đạt tới cảnh giới Niết bàn.

Đồng thời, Ni sư cũng nhấn mạnh “Một giờ đồng hồ không tu thì tâm giải đãi. Ta ngồi tu, kéo tâm về đây. Tâm làm chủ các pháp. Để tâm vật vã trong ý nghĩ thiện – ác, nó hình thành cõi giới ta đang sống. Đừng suy nghĩ tiêu cực, xấu ác vì nó làm cho hoàn cảnh mệt mỏi, tồi tệ thêm. Những điều không tốt, đang và đã xảy ra – vận hành, thì tâm cũng phải đi sát với chính pháp, với tiếng niệm Phật trong từng nhịp thở, làm thanh tịnh môi trường ô nhiễm trong cuộc sống của mình, kiến tạo năng lượng an lành.
Niệm Phật là niệm tâm thanh tịnh của chính mình, chính Phật là ta (Phật Hoàng Trần Nhân Tông). Đừng quên rằng Di Đà ngay tại tâm ta, Tịnh độ ngay tại tâm ta nếu ta sống thanh tịnh, không tạo ác nghiệp, hãy thường nhớ niệm A Di Đà Phật để tâm không u uế trong đời ngũ trược.

Trong bài giảng, Ni sư cũng chia sẻ về câu chuyện Khúc Gỗ trôi sông trong Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1174. Từ đó, Ni sư sách tấn đại chúng “tu tập đừng chấp kẹt trong tà kiến. Tụng kinh, nghe pháp, nương vào bậc Minh sư tu hành đời đời bất thối chuyển. Khúc gỗ đi vào dòng sông mà đi vào biển lớn. Như ta tu trên con đường chính pháp hòa nhập vào Niết bàn. Không để khúc gỗ chìm giữa dòng như ta không tu sẽ bị tham ái, dục vọng, chấp thủ ngã nhấn chìm. Cần giữ gìn Giới, tu tập, sinh định từ đó mà sinh trí tuệ.

Kết thúc bài giảng, Ni sư kể câu chuyện “Chú tiểu đi lấy nước” để nhắc nhở đại chúng không dùng thù hận để hóa giải hận thù, thánh nhân không chỉ biết hóa giải thù hận của bản thân mà còn biết hóa giải thù hận của đối phương. Có ba cách đối diện hận thù: Ghi nhớ hận thù, quyết tâm trả thù; Nhanh chóng quên đi, làm cho bản thân vui vẻ; Chủ động hòa giải với người mình giận. Làm cách thứ ba sẽ tháo gỡ được mâu thuẫn, chính là tặng hoa cho người, cho cuộc đời. Người tu gặp điều trái ý nghịch lòng không ôm, không giận, không hận thù cho mệt lòng. Hãy giữ tâm bồ đề kiên cố bất thối chuyển, giữ lòng theo chính pháp. Tu tập Bát quan trai giới để đạt giải thoát, an vui, thanh tịnh, tinh tấn bất thối chuyển”.

Trong ngày tu an lạc này, đại chúng đã thành kính tụng kinh Phổ Môn và Kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển thứ hai để cầu nguyện Quốc thái dân an, Phật pháp xương minh.

Ban truyền thông Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc