Quang lâm chứng minh và tham dự có Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư Tôn đức Tăng Ni BTS thành phố, chư Tôn đức trụ trì các chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Về phía chính quyền có bà Nguyễn Xuân Diệp – Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy, Chủ tịch UBMTTQVN quận Hai Bà Trưng; bà Thành Thị Kiều Oanh – Phó Phòng văn hóa thông tin quận Hai Bà Trưng; ông Nguyễn Ngọc Thanh – Bí thư Đảng ủy phường Lê Đại Hành; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó bí thư Đảng ủy phường, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành; ông Trần Thanh Tuấn – Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN phường Lê Đại Hành; ông Đàm Quang Vinh – Phó chủ tịch UBMTTQVN phường Lê Đại Hành, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 5 cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, đông đảo Phật tử gần xa và nhân dân địa phương.
Tại buổi lễ, Ni sư Thích Đàm Định đã thay mặt Ban tổ chức tang lễ cung tuyên tiểu sử cố Ni sư Thích Đàm Nhung.
Ni sư Thích Đàm Nhung, thế danh Đoàn Thị Thìn, đạo hiệu Từ Tế, sinh năm Tân Mão 1951. Ni sư là con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em. Thân phụ là ông Đoàn Văn Du, thân mẫu là bà Phạm Thị Quý thuộc thành phần dân nghèo thành thị tại làng Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Từ nhỏ sớm có duyên lành với đạo Phật, Ni sư thường xuyên theo cha đến chùa Thanh Nhàn làm công quả, nghe lời kinh tiếng kệ và nghe sư cụ trụ trì giảng kinh, thuyết pháp, Ni sư đã thâm nhập kinh điển.
Với lòng mến mộ đạo Phật nên năm 20 tuổi, Ni sư xin song thân được xuất gia với cố Ni trưởng Thích Đàm Huề chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn tự).
Năm 22 tuổi, nhận thấy Ni sư là người biết lo toan cho ngôi Tam bảo, lại có lòng hiếu lễ, thuận thảo với các bậc Tôn trưởng nên sư bà Thanh Nhàn đã cho phép Ni sư qua học đạo với Ni trưởng Thích Đàm Hợp chùa Vân Hồ.
Năm 1981, chốn Tổ Đào Xuyên khai giới đàn, thầy nghiệp Sư chùa Vân Hồ đã hướng dẫn Ni sư đi đỉnh lễ cầu xin quý Ngài Yết-ma để được thụ giới Tỷ khiêu Ni tại chốn Tổ. Sau khi đắc giới Cụ túc, Ni sư một lòng phụng sự Tam bảo.
Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được chính thức thành lập vào tháng 11-1981; chùa Bà Đá (Linh Quang tự) trở thành Trụ sở của Thành hội Phật giáo Hà Nội; chùa đã khai giảng lớp Trung cấp Phật học Hà Nội khóa đầu tiên (1989 – 1992); Ni sư vinh dự được thầy nghiệp sư cho ghi danh theo học tại đây.
Năm 2006, nhận thấy ngôi chùa Vân Hồ dù là di tích cấp quốc gia nhưng đã xuống cấp trầm trọng, không đủ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân cũng như các công tác Phật sự nên Ni sư đã phát đại nguyện trùng tu ngôi Tam bảo; trước là để bảo tồn di tích, sau là để phát triển cơ sở Phật giáo.
Trải qua 5 năm từ năm 2006- 2010, đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngôi Phạm vũ huy hoàng Linh Thông tự – Vân Hồ đã được hoàn thành trong niềm vui vô bờ bến của hàng Phật tử thủ đô và Phật tử thập phương.
Không chỉ làm tốt công tác bảo tồn di tích, phát triển cơ sở Phật tự, để củng cố niềm tin, sự thâm tín Tam bảo cho các tín đồ, đạo hữu, Ni sư còn tích cực tham gia công tác từ thiện giúp đỡ những mảnh đời yếu thế, kém may mắn trong xã hội.
Năm 2024, sau thời gian thụ bệnh, Ni sư đã thuận thế vô thường vào hồi 8 giờ 25 phút ngày 12 tháng 10 năm 2024 (Nhằm ngày 10 tháng 9 năm Giáp Thìn). Trụ thế: 74 năm, Hạ lạp: 25 năm, Giới lạp 43 năm.
Tại đây, ông Trần Thanh Tuấn – Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN phường Lê Đại Hành bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Ni sư Thích Đàm Nhung, một vị Ni lưu đầy nhiệt huyết, luôn dấn thân cho các công tác Phật sự của GHPGVN thành phố, cũng như của Ban Trị sự GHPGVN quận Hai Bà Trưng, luôn được Phật tử và nhân dân tin yêu, quý trọng. Không những thế, Ni sư còn là một công dân gương mẫu, luôn đi đầu trong các công tác từ thiên tại địa phương trên tinh thần Từ bi – Cứu khổ – Ban vui của đạo Phật.
Cuối cùng, Thay mặt cho ban tổ chức tang lễ, Đại đức Thích Đạo Thông – Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN quận Hai Bà Trưng đã phát biểu cảm tạ chư Tôn thiền đức đã quang lâm hộ niệm cho cố Ni sư trong suốt thời gian diễn ra tang lễ. Đồng thời, tri ân chư Tôn đức Tăng Ni, các phái đoàn, các ban ngành đoàn thể đã tới viếng Ni sư trong những ngày vừa qua.
Sau đó, chư Tôn đức Tăng Ni đã nhất cú nhất kệ, nhất tâm cầu nguyện cho Giác linh của cố Ni sư Thích Đàm Nhung được thượng phẩm thượng sinh, cao đăng Phật quốc.
Sau lễ truy điệu, chư Tôn đức đã cử hành nghi lễ cung tuyên pháp ngữ và thực hiện nghi thức di quan. Môn đồ pháp quyến, thân quyến đã cung thỉnh lư hương, di ảnh, y bát của cố Ni sư rời khách đường và cung nghinh nhục thân của cố Ni sư về Đài hóa thân Hoàn Vũ (Hà Nội), đầu giờ chiều cung thỉnh xá lợi của cố Ni sư nhập Bảo tháp tại chùa Vân Hồ.
Ban TTTT Phật giáo Hà Nội