Trang chủ Tin tức Hà Nội: Lễ Phật đản PL.2568 đặc biệt của người dân Linh...

Hà Nội: Lễ Phật đản PL.2568 đặc biệt của người dân Linh Đàm

Khi những cánh sen nở rộ khoe sắc hương, cũng là lúc mùa Phật đản đã trở về trong niềm hân hoan mong đợi của những người con Phật. Bởi đó là lúc tất cả được sống trong không khí rộn ràng, cùng tổ chức những sự kiện ý nghĩa kỷ niệm ngày Đức Đại Đạo Sư thị hiện nơi đời.

38

Trong niềm vui đó, tối ngày 15/5 vừa qua (8/4/Giáp Thìn), 20 hộ gia đình sinh sống tại tầng 15 tòa HH1B Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có một lễ Phật đản đáng nhớ được kết tinh bởi tình đoàn kết và lòng mến mộ Đạo Phật.

Trong số những hộ dân ấy, có người không phải là Phật tử, cũng có người không theo Đạo Phật, nhưng bởi tất cả đều có cảm tình với Đạo Phật – một Tôn giáo của lòng từ bi, bình đẳng, một Tôn giáo đề cao sự yêu thương và trí tuệ. Vì vậy, được sự cho phép của chính quyền địa phương, dưới sự kết nối của Phật tử Lê Danh Hùng pháp danh Pháp Thiện và Phật tử Bùi Thị Hà pháp danh Hoa Đức thuộc Đạo tràng Pháp Hoa chùa Bằng – cũng là cư dân của tầng 15 tòa HH1B, họ đã cùng nhau đoàn kết, hòa hợp, tổ chức một buổi lễ Phật đản nhỏ mà ấm áp tình người, ở tại chính dãy hành lang chung của tầng 15 nơi họ sinh sống, trong sự quang lâm hiện diện chứng minh đặc biệt của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Bằng.

Tại đây, Hòa thượng vô cùng hoan hỷ khi lần đầu tiên được nhìn thấy một lễ Phật đản tại tư gia đặc biệt như vậy. Một lễ Phật đản không rầm rộ ở nhà văn hóa, không hoành tráng ở một tầng lầu của công ty tư nhân nào đó, mà là một Lễ Phật Đản tại chính hành lang kết nối 20 hộ dân. Đây cũng chính là thể hiện sự kết nối của tình đoàn kết, hòa hợp, của tình yêu thương giữa tình làng nghĩa xóm. Nhân dịp này, Hòa thượng cũng đã chia sẻ với đại chúng về chữ “Bụt” – là một tên gọi đã xuất hiện trong biết bao câu chuyện cổ tích thời thơ ấu, trong cả những truyện cổ trong dân gian. Bụt không ai khác chính là Đức Phật, vốn rất gần gũi trong tiềm thức của mỗi người.

Hơn nữa, từ “Nam Mô A Di Đà Phật” là từ mà bất kì ai cũng thấy quen thuộc. Đó là câu niệm mỗi khi đứng trước Từ Đường, trước Ban thờ dòng họ Tổ tiên, và trước cả những nơi thờ tự như Đình – Đền – Chùa – Miếu.

Hòa thượng cũng khẳng định Phật chính là một con người có thật, được sinh ra vào ngày trăng tròn năm 624 TCN tại thành Ca Tỳ La Vệ, với vua cha Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài cũng có vợ đẹp con khôn, nhưng với hoài bão của một bậc xuất trần, nhận ra những đau khổ của nhân sinh, Ngài đã ra đi tìm chân lý. Để rồi sau 6 năm khổ hạnh, Ngài đã đắc đạo thành Phật và mang lại sự an bình hạnh phúc cho nhân loại.

Hòa thượng cũng nhấn mạnh những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng của Đức Phật là tinh thần từ bi, trí tuệ, yêu thương và bao dung, với câu nói “Không có đẳng cấp nào trong ta khi nước mắt cùng cùng mặn và giọt máu cùng đỏ”. Vì vậy, Đại lễ Vesak, còn gọi là lễ Tam hợp Đức Phật, là Đại lễ gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đức Phật Thích Ca (ba sự kiệnPhật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn đều diễn ra trong tháng Vesak). Cho nên vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chấp nhận đề nghị của 34 quốc gia thành viên Liên hợp quốc chọn Phật giáo là tôn giáo điển hình vì giá trị đạo đứcvăn hóa và tư tưởng hòa bình bất bạo động của Đức Phật Thích Ca. Từ đó Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóatôn giáo Quốc tế của Liên hợp quốc. Năm 2025, Việt Nam sẽ chính thức một lần nữa được đăng cai tổ chức Đại lễ quan trọng này.

Hòa thượng cũng chỉ ra rằng mỗi chúng ta lớn lên bằng những câu chuyện cổ tích gắn với hình ảnh Bụt vô cùng gần gũi, thân quen như câu chuyện Tấm Cám, Cây Tre Trăm Đốt.v.v… Vì vậy, có thể thấy cha ông ta tin Phật, theo Phật một cách rất gần. Và hình tượng của Đức Phật – của vị Bụt luôn xuất hiện khi con người đau khổ và nhớ nghĩ cầu cứu tới Ngài. Nhưng Bụt luôn hiện ra dưới hình tướng của một cụ già hiền lành, chứ không phải là một vị Phật ngồi tòa sen oai nghi với hào quang rực rỡ. Đức Phật vào thế gian, vào trong lòng người rất gần như vậy, chỉ cần nghĩ tới Phật là Phật hiển lộ trong tâm.

Vì vậy, mỗi người dân hãy học theo hạnh của Đức Phật, sống bỏ ác làm lành, sống vô ngã, vị tha, bao dung, thương yêu và trí tuệ. Hòa thượng giải thích việc tắm tôn tượng Đức Bản Sư qua việc diễn giải kinh điển, để từ đó mong mỗi người hiểu ý nghĩa sâu xa của hành động mang tính biểu trưng này. “Mỗi gáo nước tượng trưng cho tấm lòng thanh tịnh, thành kính của chúng ta. Tưới lên kim thân của đức Phật, là chúng ta nguyện được thân của Phật. Nguyện sống yêu thương muôn người muôn loài như Phật. Trong đó gần nhất chính là tình yêu thương dành cho gia đình, cho những người xung quanh và cho cộng đồng xã hội”.

Sau cùng, Hòa thượng mong rằng nhân dân hãy coi ngôi chùa như một ngôi nhà thứ hai của mình, mỗi khi tới lễ Phật không cần đặt nặng chuyện mua lễ, bỏ lại tất cả những ồn ào huyên náo, quay về an trú trong tĩnh tại, an nhiên, chỉ cần chắp tay lễ bái Phật bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Đồng thời, Hòa thượng cũng mong mỗi người hãy luôn sống yêu thương, đoàn kết và giúp đỡ nhau, cùng nhau sống hướng tới những giá trị tốt đẹp để kiến tạo một tương lai tốt đẹp, một xã hội văn minh thịnh vượng.

Cũng trong buổi lễ đặc biệt này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã hướng dẫn nhân dân Phật tử làm lễ niêm hương bạch Phật, thực hiện nghi thức mộc dục truyền thống trong tiếng niệm Phật âm vang, khép lại buổi lễ thành tựu và ấm tình đạo vị.

Diệu Tường