Quang lâm chứng minh buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Điện – đồng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban văn hóa TW GHPGVN, trụ trì chùa Yên Phú; Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Trí Như – Trưởng BTS GHPGVN huyện Thanh Trì cùng chư Tôn đức HĐTS, chư Tôn đức BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, chư Tăng Ni sơn môn Tổ đình Đồng Đắc, trụ trì các chùa trong toàn thành phố.
Về phía chính quyền có Bà Trần Thị Minh Nga – Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Tài Tâm – Hàm Vụ phó Vụ nội chính – Văn phòng Chính phủ; Đại tá Vũ Tiến Lợi – Trưởng phòng An ninh nội địa Bộ công an; Bà Trần Vân Anh – Phó giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hà Nội; Bà Phạm Bảo Khánh – Phó trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Mạnh Huy – Phó Đội trưởng Đội Phật giáo, Phòng An ninh nội địa Công an thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Hồng Quân – Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; Ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ nội vụ, Chủ tịch Hội kỷ lục gia Việt Nam cùng quý vị lãnh đạo đại diện chính quyền các cấp, các GS TS, các nhà nghiên cứu, quý vị Phật tử gần xa đã về tham dự buổi lễ.
Sư bà Phương Dung không chỉ là Ni sư, mà còn là một công chúa, một Thánh mẫu, một vị Thành Hoàng được nhân dân tôn thờ. Cuộc đời, hành trạng của Sư bà là niềm vinh dự, tự hào, đánh dấu bước phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và huyện Thanh Trì nói riêng. Tại buổi lễ, đại chúng đã được nghe quá trình đặt tên đường Phương Dung, xây dựng hồ sơ công nhận xếp hạng cấp thành phố Đình Yên Phú. Ngoài ra, buổi lễ đã công chiếu video clip tóm tắt thân thế và công lao, cũng như những đóng góp to lớn của Sư bà Phương Dung với Đạo pháp và dân tộc.
Sau đó, đại diện Phòng Nội vụ huyện Thanh Trì đã công bố quyết định của UBND TP Hà Nội về việc đặt tên đường mang tên Sư bà Phương Dung và quyết định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa đình Yên Phú, xã Liên Ninh.
Ngày 2/7/2024, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HĐND; ngày 31/7/2024 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3967-QĐ/UBND về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, huyện Thanh Trì có thêm 2 tuyến đường mới, trong đó có tuyến đường Phương Dung.
Theo quy hoạch, đường Phương Dung là đoạn từ ngã 3 giao cắt điểm cuối đường Ngọc Hồi đến hết địa phận huyện Thanh Trì (cầu Quán Gánh); với chiều dài 2.750m, rộng 46m.
Thay mặt TƯGH, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS bày tỏ niềm vinh dự khi tên vị Tỳ kheo Ni đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được đặt cho 1 tuyến đường. Điều này khẳng định bề dày lịch sử của Phật giáo Việt Nam; thể hiện sự tiếp nối truyền thống yêu nước, gìn giữ giá trị cốt lõi trong văn hóa cổ truyền; từ đó Tăng Ni Phật tử được tiếp thêm động lực, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, cùng xây dựng đất nước phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Phong – Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì tự hào khi Thanh Trì là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống. Tiêu biểu là chùa Yên Phú – một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam – nơi lưu truyền nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây xưa kia là nơi chiêu mộ quân sĩ, nuôi giấu những nhà hoạt động cách mạng kiên trung. Hơn nữa, nơi đây còn là nơi ghi dấu vị Ni giới đầu tiên của Phật giáo Việt Nam xuất gia tu học, đó là Sư bà Phương Dung. Sau khi tuyến đường chính thức mang tên “Phương Dung” và di tích Đình Yên Phú được gắn biển, ông mong rằng Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND xã Liên Ninh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động “về nguồn”, giới thiệu nội dung giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng của di tích, cũng như ý nghĩa tên tuyến đường; tiếp tục duy trì, tôn tạo giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, làm cho di tích Đình Yên Phú và tuyến đường Phương Dung ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.
Sau cùng, chư Tôn đức chứng minh và quý vị khách quý đã thực hiện nghi thức gắn biển tên đường, đồng thời cử hành nghi thức niêm hương lễ Phật, lễ Tổ, trang nghiêm tưởng niệm 31 năm ngày viên tịch của Đức đệ Nhất Pháp chủ GHPGVN – Đại lão HT Thích Đức Nhuận.
Diệu Tường – Quang Phước