Trong niềm vui đó, tối ngày 16/5, tức ngày 09/4/Giáp Thìn, chùa Xuân Tàng (thôn Xuân Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã tổ chức lễ rước Phật đản sinh với mong muốn mang Đạo Phật đến gần hơn với người dân trong khu vực.
Được biết, đây là lần đầu tiên người dân thôn Xuân Tàng mới được tham gia một lễ rước Phật hoành tráng đến vậy. Hơn một năm nay, khi Thượng tọa Thích Tâm Hoan – Ủy viên HĐTS, Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Ban kinh tế tài chính kiêm Phó Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội về trụ trì và trông nom ngôi chùa, Thượng tọa đã sửa sang cảnh già lam trở nên trang nghiêm, tố hảo mà vẫn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của Phật giáo phía Bắc. Năm trước, tới ngày Phật đản, Thượng tọa chỉ tổ chức lễ Phật đản theo nghi thức hành chính. Tuy nhiên năm nay, với kinh nghiệm Tổ chức lễ rước Phật tại chốn Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai tạo được hiệu ứng và tiếng vang lớn qua nhiều năm, Thượng tọa đã mang nét đẹp rước Phật như một luồng sinh khí mới về với những người dân thôn Xuân Tàng nơi đây, khiến ai nấy đều trở nên háo hức, tấp nập rủ nhau về chùa từ sớm để chuẩn bị cho một lễ rước Phật quy mô đầu tiên của thôn.
Đúng 19h00, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, cung đón chư Tôn đức cùng quý vị khách quý quang lâm đại hùng bảo điện để chính thức cử hành lễ Phật đản PL.2568 – DL.2024.
Chứng minh buổi lễ có Thượng tọa trụ trì Thích Tâm Hoan cùng chư Tôn đức Tăng bản tự. Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham dự của ông Lê Minh Xuân – Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phú; ông Nguyễn Văn Duyên – Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Bắc Phú cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền xã Bắc Phú và thôn Xuân Tàng, cùng sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử trong thôn.
Tại đây, Buổi lễ đã được diễn ra theo nghi thức truyền thống với bài Thông điệp Phật đản của Đức Đại lão Hòa thượng Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN do Thượng tọa Thích Tâm Hoan tuyên đọc.
Tiếp đến là giây phút thiêng liêng mong chờ nhất. Sau khi chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng làm lễ niêm hương bạch Phật, màn trình diễn pháo hoa rực rỡ sắc màu đã khởi đầu cho lễ rước Phật đầy vui tươi, rộn ràng nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm của thiền gia.
Đi đầu đội hình rước Phật là đội múa lân, múa rồng, đội cờ, đội phướn, tiếp theo là kiệu hoa rước Phật. Theo sau là đội bát âm, đội múa sen và hàng xe hoa rước Phật được trang trí rất tỉ mỉ và công phu, với hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni, cho đến khi Ngài chứng Đạo, thành Phật và trải qua 49 năm thuyết pháp độ sinh. Để rồi khi Nhập Đại Bát Niết Bàn, những lời dạy đầy minh triết của Ngài vẫn còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay và mãi mãi về sau.
Đoàn rước Phật với đội hình hùng hậu đã đi qua từng ngõ xóm trong thôn, thu hút sự chú ý và tham gia của tất cả bà con nhân dân, trong đó có cả những em nhỏ. Bởi đây là lần đầu tiên họ thấy một lễ rước vừa quy mô và thiêng liêng, nhưng lại vô cùng gần gũi đến vậy. Đoàn rước đi tới đâu đều toát ra năng lượng của bình an và sự hoan hỷ tới đó. Có những gia đình trang nghiêm bày biện ban thờ trước cửa nhà, chắp tay thành kính chờ đoàn rước đi qua. Có những người mến mộ Đạo Phật nở nụ cười rạng rỡ vẫy tay chào đoàn rước. Và có cả những yêu thương gửi gắm qua từng bình nước để trước cửa nhà để đội rước có thể giải tỏa cơn khát trong đêm hè oi bức… Tất cả những điều ấy, đã khiến lòng người dường như gần lại với nhau hơn, không còn khoảng cách thân sơ hay Tôn giáo. Tất cả đều chung một nhịp đập của yêu thương, của từ bi, của tinh thần đoàn kết thôn xóm nghĩa tình, của niềm vui hạnh phúc mừng ngày Phật đản sinh.
Buổi lễ đã khép lại thành tựu viên mãn, nhưng tất cả những người tham dự đều vẫn cảm thấy vương vấn trong lòng, tưởng như đang được sống trong khoảnh khắc màu nhiệm nơi vườn Lâm Tỳ Ni cách đây hơn 2600 năm về trước, có một vị vĩ nhân đã xuất hiện nơi đời để “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”…
Diệu Tường – Ekip Phật Sự Online