Trời Hà Nội trong tháng cuối năm đang chìm trong sương mù, rét đậm, mặc dù vậy các Thiền sinh vẫn nô nức đến chùa tham gia tu tập với con số trên 600 và con số này vượt lên gấp đôi vào ngày thứ ba của khoá tu (30/12) trong buổi Pháp thoại của TT.Thích Chân Quang (BRVT) có chủ đề NHỮNG QUY LUẬT CỦA TÂM LÝ THEO CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO.
Đây là đề tài thuộc lĩnh vực tâm lý học theo cái nhìn của đạo Phật, trong đó có những yếu tố của đạo lý, của nhân quả, và của thiền định, để giúp người nghe có cái nhìn về tâm lý rõ hơn, đồng thời có thể giúp đỡ, hỗ trợ mọi người trong việc điều trị, ổn định tâm lý của họ. Chứ còn cái nhìn về tâm lý của các khoa tâm lý trong y khoa hay trong triết học đã thiếu một mảng quan trọng là LUẬT NHÂN QUẢ. Trong khi LUẬT NHÂN QUẢ chi phối ý niệm con người rất mạnh.
Chính hệ thống tâm lý của tây phương do thiếu yếu tố nhân quả này, vì vậy có nhiều điều không giải quyết được cội gốc và trở nên bế tắc thật sự. Cho nên, yếu tố hiểu về tâm lý là một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống này.
Theo nhận định của Thượng toạ, chúng ta sống trong cuộc đời, trong giao tiếp với mọi người, càng hiểu tâm lý con người, chúng ta càng dễ thành công, đỡ bị vấp váp, đỡ có ấn tượng sai lầm. Đồng thời, một người hiểu đạo, muốn giáo hóa người khác, nếu ta biết tâm lý người đó để lựa lời nói cho thích hợp thì rất cần thiết, sự giáo hóa dễ thành công hơn.
Phải nói rằng đây là đề tài rất hấp dẫn, nó hấp dẫn ở chỗ người truyền đạt. Phong cách giảng dạy của Thượng toạ là biết cách lôi cuốn người nghe hướng vào mình, mặc dù đề tài tâm lý học rất trừu tượng khó hiểu. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà tu hành, Thượng toạ đã dùng phương pháp đối chiếu so sánh rất cụ thể, tạo ra tính dễ hiểu cho nội dung bài giảng, khiến đa số người nghe cảm thấy nhẹ nhàng, biết kiểm soát bản thân lại và không ngờ họ đã “nuốt” kiến thức một cách trơn tru và nhớ dai. Đây là yếu chỉ giảng dạy của Thượng toạ để các Phật tử nắm được những điều cốt lõi trong nội dung bài giảng mà ứng dụng vào sự dụng công tu tập, cũng như cách ứng xử trong đời sống của mình.
Bài trước Thượng toạ đã giảng về SẮC ẤM, tức cái hình hài này đã ảnh hưởng lên tâm hồn con người như thế nào. Còn bài học hôm nay là THỌ ẤM, tức cảm giác vui buồn. Đây là tố chất thứ hai của thân và tâm trong mỗi chúng sinh.
Đi vào nội dung bài giảng, hàng loạt vấn đề cơ bản của cảm thọ đã được Thượng toạ đặt ra. Theo Thượng toạ, để có thể phát sinh được cảm giác vui buồn thì phải có điều kiện. Điều kiện chính là sự tiếp xúc với hoàn cảnh gì đó hay một cái gì phát sinh đánh vào mắt, vào tâm người ta, tạo ra phản ứng vui hoặc buồn.
Mà khi vui hay buồn rồi thì phát sinh một tình cảm tiếp theo là thương hay ghét. Tuy nhiên cái chuổi vui, buồn, thương, ghét đó diễn biến rất nhanh và ta hay bị nhầm nó là một. Riêng trong đạo Phật Đức Phật tách cái chuổi tâm lý này ra làm ba rõ ràng:
– Thứ nhất là điều kiện để làm ta vui hay buồn (Phật gọi là xúc)
– Thứ hai là cảm giác vui buồn (Thọ).
– Thứ ba là cái thương, cái ghét (Ái) sau khi có cảm giác vui buồn đó.
Tiếp theo, bằng nhiều ví dụ, Thượng toạ dựa vào yếu tố 5 Uẩn – dựa vào 12 Nhân Duyên Phật đã dạy, để vừa phân tích vừa chứng minh cho thấy sự diễn biến tâm lý với tốc độ cực nhanh, đến mức ta không kịp nhìn thấy là thế nào.
“Xúc” nếu được định nghĩa theo kiểu trừu tượng khó hiểu mà chính xác thì nó là “Điều kiện” làm phát sinh cảm thọ (Vui, buồn, khổ, vui) trong ta. Còn nếu định nghĩa cho dễ hiểu hơn thì “Xúc” là “Ngoại cảnh”, tức là khi ta tiếp xúc thì tạo nên cảm thọ khổ vui. Cách định nghĩa này dễ hiểu nhưng không đầy đủ, không chính xác, vì thật sự “Điều kiện” đó nó không hoàn toàn bên ngoài mà có khi là nội sinh, tức ở trong tâm tưởng mình tạo ra và được gọi là điều kiện để phát sinh cảm thọ. Ví dụ ta thấy một người tự nhiên họ ngồi mĩm cười sung sướng mà chung quanh không có chuyện gì để phải vui, không còn ai nói chuyện, ngạc nhiên ta đến hỏi thì người đó trả lời “Tôi đang tưởng tượng… nên sung sướng vậy mà”. Bằng hai kiểu định nghĩa này, Thượng toạ muốn tập cho Phật tử làm quen với kiểu định nghĩa trừu tượng khó hiểu nhưng chuẩn xác hơn. Chẳng hạn ta chọn định nghĩa “Xúc” là “Điều kiện”, có khi bên trong – có khi bên ngoài mà tạo nên cảm giác.
Thường “Xúc” là ngoại cảnh được tiếp xúc bởi 5 giác quan trước (Mắt, tai, mũi, lưởi, thân). Ví dụ mắt ta nhìn một bức tranh đẹp thì thấy thích. Đó là con mắt tạo nên một cảm giác là vui, phấn khởi, sung sướng, v.v…rồi ta mới yêu thích. Do đó cảm giác yêu thích là cái đến sau. Hoặc tai nghe bài nhạc hay ta thấy thích là ta đã nhảy tắt qua một giai đoạn tâm lý rồi. Sự thật bài nhạc hay là điều kiện làm cho tâm ta khởi lên một cảm giác sung sướng, lâng lâng gì đó, rồi ta mới thích. Nhưng thường mọi người đều trả lời bỏ bớt một giai đoạn. Ví dụ: Có người hỏi: anh thấy bản nhạc này sao? Nếu trả lời: tôi thấy bài nhạc này hay, tức là câu trả lời này lui một giai đoạn, vì bài nhạc hay chỉ mới là điều kiện thôi (Xúc). Còn như trả lời bài nhạc này tôi nghe thấy thích (Ái), là tình cảm phía sau cảm thọ. Do vậy, không ai trả lời đúng với thọ ấm cả, vì nó bí mật, vô hình quá, nên người ta không nhìn thấy cảm thọ chi phối mình. Mà câu trả lời đúng với thọ ấm là “Bài nhạc này đem đến cảm giác sung sướng khó tả”, đó là thọ ấm, chứ thường ta – trả lời trước đó – là bài nhạc hay; hoặc ta – trả lời sau đó – là thích.
Thượng toạ đặt vấn đề cùng là cái nghe, ví dụ ta nghe một bài nhạc hay và nghe một lời khen. Như vậy có phải ta xếp loại lời khen tặng và bài nhạc hay cùng là một loại (Gây nên cảm giác sung sướng trong lòng ta) hay không.
– Câu trả lời là: Lời khen tặng không giống như bài nhạc, vì một bài nhạc hay nhiều khi không liên quan đến cuộc đời ta nhiều lắm nhưng lời khen tặng không chỉ là tiếng nói qua tai mà là những ý niệm nó đi trong cuộc đời ta, nó gợi lại những công việc ta làm, những đặc tính ta có. Cho nên lời khen tặng là một chuổi những ý niệm trừu tượng sâu sa, nó làm ta thích (phát sinh thọ và ái). Còn bài nhạc chỉ là âm thanh, đôi khi có lời nhạc thì nó có vài ý niệm nhưng ít có ảnh hưởng đến ta, tác giả viết bài nhạc là cảm xúc của người đó. Ta nghe thấy hay nhưng ít liên quan.
Để cho dễ hiểu, Thượng toạ phân biệt trừu tượng khác với cụ thể bằng cách định nghĩa từng khái niệm đó đi kèm với các ví dụ:
– Cụ thể tức là những vấn đề gì nó là ngoại cảnh mà đơn thuần ta chỉ tiếp nhận bằng giác quan.
– Trừu tượng là bắt đầu tổng hợp lại, có những ý niệm bên trong.
Như vậy, Thượng toạ vừa trình bày “Xúc” là điều kiện – là ngoại cảnh qua 5 giác quan cụ thể; đồng thời “Xúc” là điều kiện mà trừu tượng – là sự tổng hợp của nhiều ý niệm.
Theo nhân quả, mỗi một cảm giác sung sướng ta thụ hưởng từ sự tưởng tượng hay từ ngoại cảnh có được, đều gọt bớt đi cái phúc của mình tạo ra từ quá khứ. Ngược lại, mỗi một cảm giác đau khổ mà ta chịu đựng là điều ta trả bớt nghiệp ở quá khứ. Cảm thọ liên quan đến nhân quả tội phước rất nhiều, vì vậy ta phải biết để chọn cách sống. Ví dụ có người khen mà ta chấp nhận thì tổn ít phước; hoặc ta mắc nợ nhiều quá, phước âm thì con đường đọa làm thú đang mở ra, cho nên ta cố gắng sống tằn tiện, đừng vay, đừng mượn. Còn nếu phải tưởng tượng thì nên tưởng tượng điều gì có phúc. Ví dụ tưởng tượng ta nhỏ bé, vâng lời mọi người, yêu thương mọi người, tưởng mình là hạt bụi dưới chân Phật. Hãy tưởng tượng như ngài Xá Lợi Phất «Con xin làm nước, rửa sạch nhơ bẩn của cuộc đời, còn phần con xin đi vào quên lãng ».
Thượng toạ nhắc nhở «Một khi hiểu được phúc, tội liên quan đến thọ ấm (cảm xúc), ta nên điều chỉnh tâm và điều chỉnh cuộc sống của mình. Từng ngày chúng ta phải siêng năng tạo phúc. Vì mỗi một ngày ta thụ hưởng biết bao nhiêu mà cứ tưởng rằng không làm phúc để bù vào và không hại ai là được. Cái hiểu này hoàn toàn sai lầm. Kỳ thực giá trị con người lệ thuộc vào phúc tội rất nhiều, bằng chứng khi ta nhìn một người, tự nhiên khởi tâm quý trọng họ thì biết rằng người đó có nhiều phúc. Ngược lại, nhìn một người mà ta thấy thờ ơ, không quan tâm, đôi khi còn xem thường họ, lý do vì người đó ít phúc quá.
Ở một góc nhìn khác, Thượng toạ phân tích cho thấy THỌ ẤM vừa có tính chất tâm lý vô hình ; vừa có tính chất thể chất hữu hình, nên thọ ấm này trung gian giữa thân và tâm, và nó là thuần túy vô hình. Ví dụ ý nghĩ của ta thuần túy là tâm lý vô hình (DANH). Trong 12 Nhân Duyên Đức Phật gọi tâm và thân là danh và sắc. Sắc là có hình dáng (thân), danh không có hình dáng (tâm). Tâm của ta nó là vô hình nhưng thọ ấm vừa là tâm vừa là thể chất hữu hình, vì những cảm giác khổ vui xuất hiện nơi ta, nó rung động hết các giây thần kinh trong cơ thể.
THỌ ẤM là đầu mối của luân hồi, là động cơ của cuộc sống. Ai làm gì cũng có động cơ. Cái ta muốn nó là ái, mà để tạo ra ái thì phải có thọ khổ hay vui. Chính cảm xúc này mới gây nên cái muốn của ta, để ta sống, ta làm việc, tạo phúc hay tạo tội. Cảm thọ sinh ra ái và ái sinh ra thủ, cho nên cái thọ (cảm giác khổ vui) là động cơ để ta sống và tạo nghiệp mãi mãi. Nói chung, tất cả mọi việc làm của chúng sinh đều xoay quanh trục khổ vui.
Ái (thích, thương, ghét,…) thuộc về hành ấm và đó chính là cổ máy khổng lồ đưa chúng sinh đi vào luân hồi vô tận. Cho nên Phật nói “Ái” là nguyên nhân của đau khổ; hay nói đúng hơn “Ái” là nguyên nhân của luân hồi sanh tử. Nếu chúng sinh nào lắng được ái thì bắt đầu ta mở ra con đường tu tập giải thoát, luân hồi bắt đầu khựng lại, là chết rồi không đầu thai liền, nghĩa là người tu tập đến mức độ cái ái họ lắng xuống thì khi chết họ thường an trú ở cõi tiên vì họ tu thong dong tự tại. (không đầu thai làm người nhưng chưa phải là có phước để an trú cõi trời, mà không phải người có công trạng lớn ở đời để làm thần nên làm tiên). Còn người nào ái nhiều (cái lòng thương ghét mãnh liệt) thì chết đầu thai liền là đọa vào chổ này hay đầu thai vào chổ kia. Lại nữa, nếu người trước đó làm phước nhiều thì lên cõi trời. Đó là vị Thiên tử vừa biết tu tâp; vừa hưởng được phúc cõi trời rất lớn.
Ta hay nhằm lẫn giữa thọ và ái; giữa cái vui và cái thích; cái khổ và cái ghét. Hai cái đó là hai cái khác nhau, nhưng vì nó diễn biến nhanh quá nên ta hay bị nhầm. Ta cũng hay lầm giữa xúc và thọ
Hạnh phúc hay đau khổ là mục đích sống của ta. Tất cả chúng sinh, các tôn giáo, các triết học, các chính trị đều xoay quanh trục khổ vui, điều này do Phật nói trước. Khi Đức Phật đắc đạo rồi, bài Pháp đầu tiên Ngài thuyết là Tứ Diệu Đế – nói về Khổ. Chỉ có trí tuệ như Phật mới nhìn ra, nói ngay cái lõi “Vấn đề chính của chúng sinh là khổ vui. Chúng sinh sống vì khổ vui mà sống, mà theo đuổi, mà tạo nghiệp. Riêng các tôn giáo khác cũng nói vậy nhưng nói gián tiếp. Ví dụ có tôn giáo nói về Thượng Đế “Hãy tin vào Thượng đế để chết được lên cõi trời sống cho sướng”, đây cũng là cách nói khổ – vui. Các nhà chính trị cũng nói khổ – vui. Thậm chí cả tên cướp của giết người hay một người thấy tiền rơi không nhặt cũng lấn cấn giữa khổ – vui và Thượng toạ đã phân tích, chứng minh cho thấy rõ những điều này là có thật; đồng thời một lần nữa nhắc nhở “ Mọi điều trên đời đều xoay quanh trục khổ – vui, mà nếu ai nhìn ra được yếu tố này là người đó đã nhìn tới tận cùng vấn đề của triết học, đạo học và của tâm lý.
– Khi hiểu biết những cái cảm thọ như vậy, từ đó ta phải điều chỉnh cuộc sống của mình, tránh các xúc xấu, tránh điều kiện đem lại cảm giác bất lợi, tránh điều kiện làm ta tổn phước. Thế là, Thượng toạ gợi ý những biểu hiện xúc và điều kiện nào ta nên làm hay phải tránh, vì có những cảm thọ lấy rất nhẹ nhưng lấy từ từ cũng hết phúc, sợ nhất có cái lấy rất mạnh và lấy rất nhanh, chẳng hạn như ma tuý, tình dục.
– Ta hiểu rõ cảm giác để kiểm soát cái tình cảm thương ghét (Ái) của mình. Ví dụ khi có người tử tế, ân cần làm cho ta vui, thế là ta phát sinh tình cảm ái và ái này là động cơ luân hồi sinh tử. Do đó khi thấy một người đối xử tốt hay xấu với mình, lúc này ta phải kiểm soát lòng mình tránh bớt đi, đừng để cái ái phát sinh, vì đây là đầu mối của sinh tử. Có những điều tâm lý chỉ cần biết thôi là ta vượt qua được chứ không cần tu vất vả lắm. Còn người tu thiền định vất vả mà nhiếp được tâm thì dĩ nhiên họ rất phi thường.
– Ta phải tinh tấn thiền định để kiểm soát thọ ấm, khi tâm ta thanh tịnh thì mỗi lần nó gợn lên cái vui hay cái buồn là ta nhìn thấy rất rõ, thay vì trước kia nó ở sau lưng, xúi ta… nay ta quay lại nhìn, buông cho nó lắng xuống. Đó là người biết tu thiền. Khi ta có thiền định, ta biết kiểm soát cái thọ nên sống bình thản, chững chạc, đĩnh đạc hơn, sáng suốt trong mọi công việc. Sau cùng, Thượng toạ nêu ra một số tâm lý liên quan đến thọ ấm, đó là: tiền, tình cảm”.
Được biết, nội dung đề tài NHỮNG QUY LUẬT CỦA TÂM LÝ THEO CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO, sẽ được giảng nhiều kỳ trong mỗi khoá tu tại Thiền Viện Di Đà và Thượng toạ nhận được khá nhiều lời khen, sự đồng cảm từ các Phật tử có duyên được nghe đến nay đã liên tiếp ba kỳ.
Từ trong cái khó mới thấy người Phật tử cần cầu tinh tấn, cần cầu sự giải thoát mọi khổ đau ở thế gian này như thế nào. Mặc dù những cơn gió Đông Bắc thổi đến mang theo những cơn lạnh cắt da cắt thịt, thế nhưng các Phật tử vẫn đến tham dự khoá tu và buổi thuyết Pháp rất đông. Cả Pháp hội trang nghiêm không một tiếng động nhỏ, ai nấy bị cuốn hút sự chú ý vào trong từng lời giảng của Thượng toạ một cách chủ động, vô tình làm hâm nóng trong cái lạnh chuyển mùa./.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận về quang cảnh sinh hoạt của khoá tu lần thứ XI tại Thiền Viện Di Đà – huyện Thường Tín – Hà Nội: