Trang chủ Tin tức Hà Nội: Khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Chính Thành...

Hà Nội: Khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Chính Thành (Đốc Tín)

660

Sáng ngày 6/12/2020 (nhằm ngày 22/10 năm Canh Tý), tại thôn Đốc Tín, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã long trọng diễn ra Đại lễ cắt băng khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Chính Thành trong niềm hoan hỷ của Chư tôn đức Tăng ni, phật tử và nhân dân địa phương về dự.


Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ về phía Giáo hội có: Thượng tọa Thích Minh Hiền Ủy viên Thường trực – Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam, Phó trưởng ban Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, Trưởng ban Trị sự PGVN huyện Mỹ Đức, Trụ trì Tùng Lâm Hương Tích; Đại đức Thích Minh Đồng – Phó Thường trực  ban Trị sự GHPGVN  huyện Mỹ Đức; Thượng tọa Thích Minh Thanh – Chốn tổ đình chùa Khách Thủy, Thanh Oai;  Ban Phật giáo huyện Mỹ Đức; Sơn môn Hương Tích,  cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni nội, ngoại thành của thành phố Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Đặng Văn Triều – Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức;  ông Nguyễn Văn Vỹ – Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Mỹ Đức; ông Hoàng Mạnh Tấn, Trưởng phòng VHTT huyện Mỹ Đức; Ông Nguyễn Tiến Khánh – Chủ tịch UBND xã cùng các ông bà ủy viên Ban thường vụ, thường trực HĐND, UBND, UB MTTQVN, xã Đốc Tín, thôn Đốc Hậu, thôn Đốc Kính và đại diện chính quyền các xã lân cận và các ban ngành đoàn thể, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, đông đảo Phật tử gần xa và nhân dân địa phương.

Ngôi chùa cổ thôn Đốc Tín, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội được xây dựng cách đây khoảng 300 năm. Từ xa xưa, ngôi chùa do dòng họ Đinh có truyền thống nhiều đời giữ chùa. Năm 1881 giặc Cờ Đen đã đốt phá chùa nhưng cụ Tự chùa Đinh Văn Quắc đã chấp nhận chịu cho giặc cắt tai, xẻo mũi để chúng không đốt phá chùa.

Năm 1848 do do chiến tranh tàn phá của giặc Pháp đã đốt phá hoàn toàn, chỉ còn sót lại 2 pho tượng Đức ông, được cụ Đinh Văn Chung, (Tự Pháp Thủy) là đời thứ 6 của dòng họ Đinh Giữ Chùa đã đưa tượng lên chùa Đốc Hậu và cho cả gia đình lên chùa sinh sống và theo con đường giáo lý nhà Phật giáo.

Năm 1991, Hội người cao tuổi và Hội động hương quyên góp phục dựng lại trên nền đất cũ. Bà Đinh Thị Bình, con gái cụ Định Văn Chung (Tự Pháp Thủy) tiếp tục giữ chùa cho đến khi có nhà sư về trụ trì…

Đạo Phật trải qua mấy ngàn năm truyền thừa đã êm ả đi vào lòng dân tộc Việt và thật sự như nguồn suối tâm linh cho nhân loại, dưới vòm trời Á đông. Không nơi nào mang tính tương quan mật thiết, đậm đà bản sắc dân tộc như ngôi chùa dưới lũy tre làng.

Sư cô Thích Đàm Bảo Trụ trì chùa Chính Thành đọc diễn văn khai mạc.

Đây là công trình vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang nét khôi phục lại trang sử cội nguồn của quê hương, góp phần cho nền văn hóa dân tộc, thêm niềm tự hào bất khuất, một thời vàng son Phật giáo song hành cùng dân tộc, đưa đất nước đi đến hưng thịnh mà lịch sử đã từng chứng minh. Nay hội đủ duyên lành, tái hiện lại một việc làm kiên cố như soi sáng đạo pháp dân tộc Việt Nam với khắp năm châu đã mở ra khát ngưỡng bao trái tim.

Mở đầu buổi khai mạc đại lễ cắt băng khánh thành sư cô Thích Đàm Bảo đã nêu: “Ngôi Đại Hùng Bảo Điện nơi đây được khởi công xây dựng vào ngày 26 tháng 2 năm 2018. Đây là công trình mang tính nhân văn, mang nét đẹp văn hóa Phật giáo Việt Nam, thêm một công trình đánh dấu mốc son lịch sử xã Đốc Tín. Bởi bao đời nay chùa thôn Đốc Tín chưa từng có người trụ trì để phụng sự Tam Bảo, hướng đạo cho nhân dân Phật tử…

Trong hai cuộc kháng chiến của đất nước, ngôi chùa trở thành nơi hoạt động cách mạng đã bị tàn phá. Khi đất nước hòa bình trở lại,  cán bộ và nhân dân đã vận động quyên góp dựng lại chùa thờ cúng Phật và tự trông nom chùa. [i]

Với sự động viên khích lệ tín tâm cúng dàng bằng cả vật lực và sức lực của nhân dân, ngôi Chính điện và các công trình khác được thành tựu, như một bông hoa ngát hương rực rỡ trong vườn hoa tâm linh, tô đẹp thêm cho quê hương Đốc Tín có truyền thống là mảnh đất “Văn vật”.

Trong buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Hiền Ủy viên Thường trực – Hội đồng trị sự Trung ương GHPG Việt Nam, Phó trưởng ban Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, Trưởng ban Trị sự PGVN huyện Mỹ Đức, Trụ trì Tùng Lâm Hương Tích đã chứng minh:” Thay mặt cho Hội đồng trị sự GHPG huyện Mỹ Đức tán thán, hưng công sư cô Thích Đàm Bảo đã xây dựng, kiến tạo ngôi Tam bảo được ngày hôm nay để có mặt cắt băng khánh thành, niệm hương thịnh Phật Chư Bồ Tát.

Chùa Chính thành, (gọi là Chùa Đốc Tín) nằm cạnh sông Đáy trước khi vào Chùa Hương. Chúng tôi còn nhớ cách đây khá lâu vào năm 1986, có cụ bà Phật tử Hoàng Thị Ngọc đã nhiều lần thỉnh sư tăng trong Sơn  môn, tổ đình Hương Tích mời ra thường trụ tại đây.

Đặc biệt quê hương Đốc Tín cũng là quê vợ của cố Nhà báo lão thành Mai Thanh Hải, nguyên Phó ban Tôn giáo Chính phủ, người chuyên viết về hoạt động của Hồ Chủ tịch đã có công ghi chép lại trong chuyến tháp tùng Bác Hồ về thăm Chùa Hương ngày 18/5/1958.  Vào năm 1961 Bác Hồ về thăm xã Đại Nghĩa, Mỹ Đức. Quê hương Đốc Tín có nhiều dấu ấn lịch sử, trước khi vào Chùa Hương chúng tôi hay qua đây.

Căn cứ vào văn bia thời hậu Lê, ngôi chùa được xây dựng cách đây 300 năm. Trải qua nhiều thời gian lịch sử thăng trầm. Đặc biệt vào năm 2003, các cụ ở đây và lãnh đạo chính quyền thúc đẩy lại mời chúng tôi ra để trông nom nhưng vì công việc phật sự thường trực nên không ra được.

Sau nhiều lần họp HĐND ông Nguyễn Tiến Khánh – khi đang là Bí thư xã đã đề xuất rất quyết liệt. Chúng tôi có giao cho sư cô Thích Đàm Bảo, từ tổ đình Hương Tích ra đây để trông nom. Từ đó đến nay được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND, MTTQ cùng các đoàn thể chính quyền địa phương, ngôi chùa được xây dựng có khuôn viên chuẩn mực theo đúng quy mô của một ngôi chùa Việt trong truyền thống cũng như trong hiện tại”…

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Khánh – Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh:”Thôn Đốc Tín có lịch sử hình thành từ hơn 400 năm, nằm bên sông Đáy hiền hòa và thơ mộng, nơi tiếp giáp với danh lam thắng cảnh nổi tiếng Chùa Hương. Có lẽ chính nơi đây đã sớm tiếp thu những giá trị tinh hoa của Phật giáo trong đời sống, cùng Đảng, chính quyền xã nhà xây dựng nên một quê hương Đốc Tín Anh hùng, mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, góp một phần quan trong trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài, tín ngưỡng cùng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận lớn dân cư. Thờ cúng ông bà, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người có công với tổ quốc là truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ.

Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng và công lao của Sư thầy Thích Đàm Bảo và các vị tăng – Ni và hàng ngàn Phật tử trong cả nước, kể cả các phật tử  đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đã góp công, góp của xây dựng chùa Chính Thành nhằm chấn hưng Phật giáo nơi đây, phát triển những tư tưởng tốt đẹp”.

Sau gần 3 năm thi công xây dựng, tổng công trình lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguồn kinh phí xây dựng một phần của nhân dân và bà con xa quê cùng phật tử thập phương công đức, phần lớn trong số này thầy trụ trì phải vay mượn còn nợ mấy tỷ đồng. Đến nay ngôi Đại hùng Bảo điện, nhà mẫu và các công trình phụ trợ đã hoàn thành khang trang, bề thế với thiết kế theo kiến trúc chùa truyền thống của quê hương Việt Nam.

Kết thúc lễ, Chư tôn đức Tăng Ni và đại diện lãnh đạo  địa phương đã cắt băng khánh thành ngôi Đại hùng bảo điện chùa Chính Thành Đốc Tín chính thức đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân. Xưa các cụ vẫn thường nói “ Chùa là Bùa làng”, chùa còn là trường học, là nơi tu dưỡng đạo đức văn hóa tâm linh, ngôi chùa giúp chúng ta trở về với Chân – Thiện – Mỹ, trở về với bản tính lương thiện, thanh tịnh vốn có của mình.  Đồng thời góp phần bảo tồn phát huy những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc trở thành một nơi danh lam thắng cảnh của quê nhà.


                                                                              Bài và ảnh: Minh Xuân

[i] Đốc Tín là mảnh đất địa linh nhân kiệt” nơi lưu dấu nhiều những danh nhân, mặc khách. Năm 1770 Vua Lê Hiển Tông và Chúa Trịnh Sâm thăm động Hương Tích đã bén duyên cô gái hái dâu Nguyễn Thị Diễm lập Hoàng Phi. (Đây cũng là quê vợ của Vua Lê Hiển Tông) Năm 1778 Hoàng phi Nguyễn Thị Diễm đã công đức xây dựng một ngôi đình làng cho quê hương, với lối kiến trúc tuyệt mỹ. Thật đáng tiếc ngôi đình xưa đã không còn nữa do Pháp đốt phá năm 1948  do nơi đây là căn cứ cách mạng, nơi xét xử của Tòa án binh…

-Vào năm 1911 Tú tài Nghiêm Phúc Đồng, người bạn thân của thi sỹ Tản Đà đã đưa người bạn của mình về Đốc Tín khi trượt khoa thi Hương và thất tình với cô gái Hàng Bồ, con nhà tư sản Đỗ Thận. Năm 1915, Tú tài Nghiêm Phúc Đồng đã dẫn Tản Đà lấy cô Nguyễn Thị Tùng, con gái Cử nhân Nguyễn Mạnh Hướng. Chính người bạn đời của ông đã khích lệ Tản Đà trở lại con đường làm báo, đưa ông lên đỉnh cao, trở thành một ông Vua trong làng thơ mới sang chói của nước nhà.

– Đốc Tín là nơi thành lập chi bộ Đảng sớm nhất (1938). Nơi bác Đỗ Mười, nguyên UVBCT, Bí thư  Đảng cộng sản Việt Nam từng về đây chỉ đạo phong trào

-Đây cùng là nơi sinh ra nhà báo, nhà hoạt động Nguyễn Phúc Hồ (Bút danh Song Hồ). Ông hoạt động cách mạng và viết báo tuyên truyền từ hồi còn là là sinh viên trường Bưởi – Hà Nội.

– Trước Cách mạng tháng Tám, ông trở về quê hoạt động cách mạng của Liên khu ba và hoạt động tại Chùa Hương. Là người giỏi chữ Hán và hiểu sâu sắc giáo lý nhà Phật,  ông Nguyễn Phúc Hồ đã giúp Hòa thượng Thích Thanh Chân xuất bản cuốn Tạp chí Chùa Hương. Đặc biệt xuất bản cuốn “Chỉ lối Đào Nguyên” để tuyên truyền cách mạng cho du khách đi lễ chùa…

Sau này ông Nguyễn Phúc Hồ công tác tại Ty văn hóa tại chiến khu Việt Bắc, cùng với nhà thơ Tú Mỡ, Xuân Thủy…Ông đã mất tại chiến khu Việt Bắc do bệnh sốt rét khoảng những năm 1949…

-Đây cùng là quê vợ của cố nhà báo lão thành Mai Thanh Hải, Nguyên Phó ban Tôn giáo Chính phủ, cựu học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, người chuyên viết hoạt động Hồ Chủ Tịch. Ông là người có công ghi chép chuyến tháp tùng với Bác Hồ về thăm Chùa Hương ngày 18/5/1958.

Trong suốt thời gian Mỹ ném bom  Hà Nội, gia đình nhà báo Mai Thanh Hải đã đưa gia đình về quê Đốc Tín sinh sống nhiều năm, các con của ông đều học ở trường làng. Người con trai của ông là PGS.TS Mai Hà, nguyên vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế, Bộ KHCN, từng học ở quê Đốc Tín.

-Do có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp vào năm 2000, xã Đốc Tín được Đảng và Nhà nước phong tặng “Danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp”, Bác Đỗ Mười, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có mặt dự lễ…