Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Khai mạc Pháp hội Dược Sư lần thứ XIX tại...

Hà Nội: Khai mạc Pháp hội Dược Sư lần thứ XIX tại chùa Bằng

Hướng đến ngày khánh đản Đức Phật Dược Sư, sáng nay, ngày 04/10/2024 (nhằm ngày mùng 02/09 năm Giáp Thìn), tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), đã khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ XIX vô cùng trang nghiêm với sự tham dự của gần 1.000 Phật tử đến từ Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc và nhân dân Phật tử thập phương.

20

Được biết, Pháp hội sẽ được diễn ra trong 07 ngày, từ ngày 04/10 đến ngày 10/10 (mùng 2 đến mùng 8/9/Giáp Thìn).

Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư một thời vào buổi sáng, một thời vào buổi chiều, một thời vào buổi tối và trưa cúng ngọ. Còn 7h15 sáng và 13h15 chiều các ngày, chư Tôn đức sẽ quang lâm và thuyết giảng cho đại chúng nội dung, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tu tập theo kinh Dược Sư.

Trước đó vào tối ngày 3/10 (1/9/Giáp Thìn), Hòa thượng Trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tăng bản tự đã làm lễ sái tịnh đàn, cúng thỉnh Phật Dược Sư.

Hôm nay, trong buổi khai Pháp đầu tiên, nhận lời thỉnh mời của Hòa thượng trụ trì, Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Cố vấn Ban giám hiệu Trường trung cấp Phật học Hà Nội, trụ trì chùa Đại Từ Ân đã quang lâm và có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng với chủ đề “Ý nghĩa của việc thắp đèn và treo phướn trong Kinh Dược Sư”.

Trong Kinh có dạy nếu người nào gặp bệnh tật, đất nước gặp tai ương thì nên thiết lập 07 tòa Dược sư, để trên tòa cao, đốt đèn dâng hương, treo phướn thần, đại chúng đọc tụng kinh, niệm danh hiệu Đức Phật Dược sư trong 49 ngày, phóng sinh cứu vật, nhờ đó mọi sự mong ước đều được như tác thành tựu.

Với hình tượng ngọn đèn, Thượng tọa chia sẻ Ngọn đèn chỉ tắt trong 04 trường hợp: Dầu hết – Bấc hết – Cả dầu cả bấc đều hết – Bấc còn dầu còn nhưng gió thổi tắt. Con người cũng giống như vậy, cái chết có thể đến trong 04 trường hợp: Hết phúc – Thọ mạng dài ngắn định sẵn do nghiệp – Sống hết tuổi thọ – Mạng sống bị cắt ngang bởi gió nghiệp, chết bất đắc kỳ tử.

Vậy phải làm sao để có bóng đèn được che chở, không bị gió nghiệp cắt đứt mạng sống, thọ mạng được kéo dài? Thượng tọa nhấn mạnh “Bóng đèn che cho ta đó là GIỚI. Ta lấy Giới làm Thầy, lấy giữ giới làm căn bản. Tu bát quan trai giữ giới thanh tịnh một ngày một đêm để gieo duyên xuất gia. Bên cạnh đó, ta tu PHÚC như rót thêm dầu cho đèn. Đây là căn bản của pháp môn Dược sư, cũng chính là ý nghĩa thắp lên ngọn đèn Dược sư. Dược sư là biểu thị cho từ tâm, cho thọ mạng, tương ứng với danh hiệu của Đức Phật A Di Đà là Vô lượng thọ, vô lượng về thời gian từ quá khứ – hiện tại – vị lai. Mạng căn của ta cũng kéo dài. Còn Lưu Ly nghĩa là không gian, gồm có bốn chiều: Đông – Tây – Nam – Bắc; và Thời gian gồm có quá khứ – hiện tại – vị lai. Mỗi vật thể đều chiếm thời gian ba chiều, không gian bốn chiều. Đức Phật Dược sư cũng là không gian và thời gian, chỉ cho pháp thân Phật và thanh tịnh, không sinh không diệt. Vô lượng thọ là Dược Sư tiêu tai. Hai Đức Phật Dược Sư và Đức Phật Di Đà vốn đồng nhau không khác. Con số 7 trong Phật pháp là con số màu nhiệm. Mỗi con người chúng ta phải thắp lên không gian 04 chiều, thời gian 03 chiều để thắp lên 07 ngọn đèn của chính mình. Một ngọn đèn thắp lên thì tăm tối được đoạn trừ. Thắp lên ngọn đèn trí tuệ ở trong tâm thì vô minh đoạn diệt. Vô minh đoạn diệt thì minh sinh, giới sinh định, định phát tuệ, cắt đứt được 12 chuỗi nhân duyên sinh tử. Trong kinh Dược Sư có 12 vị Đại tướng hộ trì thần chú. Ta phải bảo vệ ngọn đèn tuệ mạng và thọ mạng trong suốt 12 giờ của 01 ngày, suốt 12 tháng trong 01 năm, biểu thị là 12 vị thần tướng Dược Xoa hộ trì người tu tập theo pháp Dược Sư. 12 vị thần tướng Đại Dược Xoa vốn là loài quỷ. Nhờ lòng từ bi và sự cảm hóa của Đức Thế Tôn mà 12 vị Tướng Dược Xoa phát tâm hộ trì Tam Bảo, bảo hộ cho người tu tập”.

Thượng tọa cũng chia sẻ trên bước đường tu tập, hành giả đều sẽ gặp chướng ngại. Với ngoại ma, ta tu học sao cho chướng bên trong không sinh thì ngoại ma không phá. Nội chướng sinh thì chiêu cảm ngoại ma phá. Hành giả tu tập cần biến thế lực ngoại ma trở thành vị thần hộ trì Phật pháp. Khi tu, tâm thiện, có sức cảm hóa ngoại ma trở thành lực lượng Hộ pháp tích cực. Học Phật cần có 3 lực lượng hộ Pháp bao gồm Giáo thụ thiện tri thức, Đồng hạnh và Ngoại hộ thiện tri thức.

Với hình tượng lá phướn, trong Phật pháp gọi là Phan, tức cờ nêu của Phật pháp. Nếu nhìn thấy nơi nào dựng phướn từ xa thì biết nơi đó có Pháp hội. Phướn biểu thị cho sợi dây thọ mạng của con người, chiều dọc biểu thị cho không gian, chiều ngang biểu thị cho thời gian. Khi thắp đèn, ánh sáng tỏa theo chiều ngang của Phướn, tức ánh sáng của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly chảy khắp không gian, thời gian trong vũ trụ này. Phướn còn biểu thị cho tâm thành, biết quay đầu, bỏ đao thành Phật. Mỗi người cần treo phướn nhất tâm, quá khứ – hiện tại – vị lai đều nhất tâm. Chiếu ngọn đèn trí tuệ khắp mười phương. Từ đó sẽ biến thọ mạng trong 7 ngày thành 49 ngày, 49 ngày thành vô lượng. Đây là ý nghĩa thắp lên ngọn đèn trong Kinh Dược Sư.

Cuối thời pháp thoại, Thượng tọa Giảng sư sách tấn hàng Phật tử “cần tu tập Giới – Định – Tuệ, như xây dựng một nền móng vững chắc. Giữ Ngũ giới là căn bản nhằm gieo nhân làm người đời này để quả đời sau được thân người; Thụ trì Tam quy để gieo nhân lành với Tam Bảo, đời đời sinh ra đều được gặp Phật – Pháp – Tăng. Tu bát quan trai, tụng kinh Dược Sư để gieo duyên xuất gia trong đời sau, trở thành Phật trong tương lai. Đó là đi tận cùng tới đích. Đích đó có Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang như Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Dược Sư không khác. Đây chính là ngọn đèn Dược Sư mà chúng ta phải thắp sáng trong muôn đời. Hôm nay thắp lên để diệt trừ vô minh của bản thân, sau đó giác hành viên mãn, giúp ta và giúp mọi người đều trở thành Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, thành Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai trong đời vị lai. Ta hãy luôn luôn tạo cho ngọn đèn có bóng đèn vững chãi để bảo vệ nó. Bảo vệ trước: Ngũ ấm ma – Phiền não ma – Tử ma (cái chết là một sự chướng ngại) – Thiên ma. Bên ngoài dù có bao nhiêu sóng gió, người Phật tử cần quay về bên trong, thắp lên ngọn đèn Giới – Định – Tuệ để kéo dài tuệ mệnh, Phật pháp. Muốn hộ quốc tiêu tai, cần bảo vệ tâm Giới – Định – Tuệ của mỗi người, chuyển nghiệp của bản thân và của mọi người, hiểu Phật pháp đúng đắn, kết thành nguyện lực khiến âm vang tụng kinh chuyển biến vũ trụ, tiêu trừ tai nạn, quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc“.

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng Giảng sư truyền trao, đại chúng đã tụng thời Kinh Dược Sư đầu tiên dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tôn đức Tăng bản tự.

Buổi trưa, đại chúng vân tập tại trai đường, thực hiện nghi thức Cúng Ngọ, dùng cơm trong chính niệm.

Đầu giờ chiều, đại chúng trang nghiêm cung đón Đại Đức Thích Thanh Thịnh – Tăng sinh lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc quang lâm chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề: “Phương pháp chuyển hóa bệnh tật theo tinh thần Kinh Dược Sư”.

Theo Đại đức Giảng sư, phương pháp chuyển hóa bệnh tật là tự lực và tha lực. Tụng kinh Dược Sư, nương vào đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, tin và hành trì theo lời dạy và hạnh nguyện của Ngài; ta có lòng tin rằng, lúc nào Đức Phật Dược Sư cũng sẽ gia hộ cho ta. Từ đó ta được an lành. Mỗi ngày, người Phật tử cần giữ gìn ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý, trì trai, giữ giới, bỏ ác làm lành, hành thập thiện, Bồ tát đạo, phát nguyện vãng sinh…

Bởi Thế gian đầy rẫy sự buồn khổ, bon chen, hơn thua; ta hãy xây dựng cuộc sống hiểu và thương với chính bản thân mình, với gia đình và những người xung quanh. Đại đức nhấn mạnh “Mỗi người Phật tử ngồi đây là một vị Bồ tát đi vào đời, mang lòng từ bi đến gia đình và chúng sinh muôn loài. Lúc đó, tâm ta đồng với tâm Phật”.

Đại đức cũng chia sẻ Phương pháp Tha lực, đó là niềm tin vào Đức Phật Dược Sư và hạnh nguyện của Ngài. Ngài luôn bảo hộ và che chở cho ta. Vì vậy cần nhớ niệm và hành theo những hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư để mang từ bi, tình yêu thương giúp gia đình và xã hội được an vui.

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của chư Tôn đức lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc, đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Dược Sư dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức Tăng bản tự vào buổi chiều và tối cùng ngày, nhằm nguyện cầu thế giới hòa bình, Phật pháp xương long, nhân dân an lạc.

Kết thúc ngày Pháp hội đầu tiên, đại chúng ai nấy đều có niềm hoan hỷ vô biên. Hy vọng rằng, như lời nhắn nhủ của quý Thầy, đại chúng sẽ tinh tiến tu tập trong tuần Pháp hội này, để đưa ánh sáng trí tuệ và từ bi của Đức Phật Dược Sư soi rọi bản thể Phật tính của mình.

Diệu Tường – Ban TTTT Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc