Trang chủ Bài nổi bật Hà Nội: Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc gia lần thứ...

Hà Nội: Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc gia lần thứ IV của Ban hướng dẫn Phật tử TƯ

125

Sáng ngày 31/3, tại Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Ban hướng dẫn Phật tử TƯ GHPGVN tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia lần thứ IV với chủ đề “Phát huy truyền thống “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”.

Hội thảo khoa học Quốc gia do Ban hướng dẫn Phật tử TƯ tổ chức đã trở thành hoạt động khoa học thường niên, uy tín, thu hút được đông đảo Tăng ni, Phật tử và nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN TP. Hà Nội; Hòa thượng Tiến sĩ Thích Huệ Thông – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế TƯ; Hòa thượng Thích Khế Chơn – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử TƯ; Hòa thượng Đào Như – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer; Hòa thượng Thạch Sok Xane – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN.

Điều hành Hội thảo là Thượng toạ Tiến sĩ Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN, Chủ toạ hội thảo; Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thanh Điện – Phó chủ tịch HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TƯ, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; Thượng tọa Tiến sĩ Thích Thanh Tuấn – Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng 1 TƯ GHPGVN; Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Nguyên – Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng 2 TƯ GHPGVN; Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Nghiêm – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó chánh văn phòng 2 TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TƯ; GS TS Đỗ Quang Hưng – Ủy viên Đoàn chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo.

Ngoài ra buổi lễ còn có sự hiện diện của chư Tôn đức lãnh đạo Ban hướng dẫn Phật tử TƯ, chư Tôn đức lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội – Huế và thành phố Hồ Chí Minh, chư Tôn đức đại diện cho Ban hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành trong cả nước.

Về phía khách mời có ông Nguyễn Văn An – Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Phạm Tất Thắng – Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban dân vận TƯ; ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN; PGS TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; GS TS Lê Văn Lợi – Phó giám đốc Học viện chính trị Quốc gia HCM; Tiến sĩ Trần Thị Minh – Viện trưởng Viện tổ chức khoa học cán bộ Ban tổ chức TƯ; Trung tướng PGS TS Trần Văn Dân – Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, Cục trưởng Cục khoa học chiến lược và lịch sử công an; PGS TS Vũ Văn Phúc – Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ; TS Nguyễn Văn Thanh – Trưởng Ban tổ chức cán bộ Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Trần Thị Minh Nga – Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Ban tổ chức TƯ; bà Phạm Bảo Khánh – Phó trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cùng sự hiện diện của quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng ban ngành thành phố, các nhà nghiên cứu, các học giả.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hòa thượng Thích Khế Chơn – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử TƯ đã nói lên những ý nghĩa và giá trị văn hóa của Hội thảo, đồng thời khẳng định “Trong thời gian tới, những công tác Phật sự quan trọng cần triển khai là tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư Kiết hạ, các khóa bồi dưỡng Trụ trì, phổ biến Hiến chương, Nghị quyết của Đại hội IX (2022-2027) và Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đến các cấp Giáo hội. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nói riêng sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, ứng xử, tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Giáo hội một cách sâu rộng đến các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ở  nước ngoài; coi trọng hoạt động giáo dục phẩm hạnh, năng lực của đội ngũ Tăng Ni, nhất là đội ngũ Tăng, Ni trẻ”.

Tại hội thảo, hội chúng đã lắng nghe Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN tuyên đọc thư chúc mừng của Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng. Qua bức thư, Đức Pháp Chủ bày tỏ niềm hoan hỷ và nhắc tới vai trò của người Phật tử tại gia trong việc bảo vệ và truyền bá chính pháp với những tấm gương thời cận đại như cụ Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, cụ Tâm Minh – Lê Đình Thám, cụ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, v.v…và v.v… Đồng thời, qua đó, Đức Pháp Chủ mong muốn “Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạch định chương trình giáo dục thanh thiếu niên Phật tử với các tiêu chí : Giữ gìn Năm giới để giúp cho xã hội an lành, hạnh phúc; học tập và thực hành theo Chánh pháp song song với việc bảo vệ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cuối cùng là dấn thân hơn nữa vào các chương trình từ thiện, giáo dục để xây dựng một nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp, đúng với phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam : “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Hội thảo đã đón nhận những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng của chư Tôn đức HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức lãnh đạo các Ban ngành viện và chính quyền các cấp.

Ban đạo từ tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã tán thán những giá trị to lớn và ý nghĩa của Hội thảo khoa học Quốc gia lần này. Theo Hòa thượng, Thời Lý – Trần với khoảng 400 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam phát triển huy hoàng, ngoài công lao của các bậc Tổ sư, Thiền sư, cao tăng của thời đại, còn phải kể đến công đức hộ quốc an dân của các bậc đế vương, các đại thần, cư sĩ. Đó chính là những tấm gương có công với đất nước và có công đức với Phật giáo.

Đặc biệt, trong bức thư chúc mừng của Đức Pháp Chủ cũng có nhắc tới tấm gương của những vị đại cư sĩ Phật tử Phật giáo thời cận đại. Điều đó cho thấy, nhiệm vụ mà GHPGVN giao phó cho Ban hướng dẫn Phật tử TƯ vô cùng thiêng liêng và quan trọng. Đó chính là hướng dẫn cho những người kính yêu và có cảm tình với Phật giáo biết tin theo chính pháp, thực hành theo chính pháp để sống tốt đời đẹp đạo.

Tại hội thảo này, Hòa thượng rất vui mừng khi thấy Ban tổ chức đã có định hướng rất tốt, trong việc làm sống dậy tinh thần của Phật giáo thời Lý Trần, cũng như định hướng cho sự phát triển của Ban hướng dẫn Phật tử trong thời gian sắp tới, đặc biệt chú trọng trong công tác an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm mà GHPGVN cũng đã và đang làm trong suốt thời gian qua. Đây cũng là trọng trách của Ban Hoằng pháp TƯ. Hòa thượng nhấn mạnh “Ban hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng pháp sẽ luôn song hành cùng nhau để cùng đưa giáo pháp Phật đà phổ cập khắp thế gian, hướng Phật tử trở thành người Phật tử thuần thành, một công dân tốt xây dựng đất nước ngày càng phát triển hùng cường”.

Sau lời đạo từ của Hòa thượng, hội thảo phiên tổng thể chính thức bắt đầu với lời phát biểu đề dẫn của Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thanh Điện – Phó chủ tịch HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TƯ, Trưởng Ban tổ chức hội thảo. Theo đó, năm nay, Hội thảo được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, nơi mà cách đây gần 1015 năm, vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn xa, trông rộng của một bậc minh vương kiệt xuất đã có quyết định lịch sử – dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La đổi thành Thăng Long – mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của Kinh đô Thăng Long, quốc gia Đại Việt, đặc biệt mở đầu cho nền Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh. Trong suốt dòng chảy hơn 1000 năm đến nay, Thăng Long – Hà Nội đã tích bồi làm cho nền văn hiến Việt Nam ngày một thêm rực rỡ, là sự kết tinh và lan tỏa các tinh hoa văn hóa dân tộc; là đỉnh cao chói lọi của khí chất anh hùng, của tinh thần hòa bình, hữu nghị. Với tinh thần lan tỏa những giá trị của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời kỳ Lý, Trần nói riêng, Hội thảo được tổ chức nhằm đạt được mục đích như:

Thứ nhất, tổng hợp tri thức của Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni và tín đồ Phật tử; các nhà lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực, nhất là quản lý trên lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về truyền thống “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân” của Phật giáo Việt Nam thời kỳ Lý, Trần, nhằm đúc rút ra các bài học kinh nghiệm liên quan để vận dụng và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp đối với hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường.

Thứ hai, góp phần chia sẻ, lan toả truyền thống “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo Việt Nam đến quý vị Phật tử và Nhân dân để góp phần hoằng dương chính pháp, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường.

Thứ ba, phát huy các giá trị tốt đẹp, nhân văn của Phật giáo nói chung, Phật giáo thời kỳ Lý, Trần nói riêng vào việc lý giải và giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, tiếp tục thực hiện trong quá trình phát triển của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hội thảo cũng là dịp để động viên, khích lệ các Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước tham gia tích cực vào các hoạt động Phật sự do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh tổ chức theo tinh thần của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm vươn lên của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại phiên làm việc sáng nay, hội chúng đã lắng nghe những bài tham luận từ quý chư Tôn đức, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, học giả đóng góp cho hội thảo.

Được biết, chiều nay sẽ là hội thảo phiên chuyên đề với 3 phiên. Ban biên tập sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới quý độc giả.

Tường Long – Cẩm Vân – Diệu Tường – Hoàng Tuấn