Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Hơn 2000 Phật tử tham dự Đêm Vu Lan Báo...

Hà Nội: Hơn 2000 Phật tử tham dự Đêm Vu Lan Báo Hiếu PL.2567 tại chùa Bằng

Đã từ lâu, lễ Vu Lan không chỉ còn là một lễ hội của riêng Phật giáo, mà đã trở thành lễ hội của những người có lòng hiếu đạo. 

106

Trong tinh thần hướng về tứ trọng ân cao cả, tối ngày 24 tháng 08 năm 2023, tức ngày 09 tháng 07 năm Quý Mão, chùa Bằng – Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL.2567 để làm sống dậy truyền thống hiếu kính của nghìn xưa.

Chứng minh Đại lễ có Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; cùng chư Tôn đức Tăng bản tự.

Ngoài ra, buổi lễ còn có sự hiện diện của Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XV; bà Phạm Bảo Khánh – Phó trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; ông Dương Ngọc Kiên – Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; Trung tá Nguyễn Thị Thu Hương – Phó đội trưởng Đội tuyên truyền Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội; Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung – Báo cáo viên Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cùng sự hiện diện của quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành địa phương và sự tham dự của hơn 2000 Phật tử gần xa.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung với ca khúc “Gánh mẹ”

Tại buổi lễ, các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng – cũng chính là những khóa sinh trưởng thành từ khóa tu tuổi trẻ tại chùa Bằng những năm gần đây đã thành tâm dâng hoa cúng dường lên Tam Bảo bằng tất cả tấm lòng thành kính của người con Phật, tri ân Ngài vì những giáo lý vi diệu mà Ngài đã để lại cho đời.

Sau đó, trong tinh thần tri ân và báo ân sâu sắc, Hòa thượng trụ trì cùng quý chư Tôn đức và toàn thể đại chúng đã thực hiện nghi thức niệm hương, nhiên đăng cúng dường, dâng trà cúng chư Phật, chư vị lịch đại Tổ sư, cúng Tổ Tiên để tỏ lòng tri ân trong nhiều đời nhiều kiếp.

Ca sĩ Việt Tú thể hiện ca khúc “Tiếng gọi mẹ ơi”

Ca sĩ Trần Thu Hường với ca khúc “Lời nguyện cầu tháng 7”

Trong niềm hoài cảm sâu lắng về hai đấng sinh thành, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe NSND Lan Hương đọc bài cảm niệm vu lan, trong tiếng đàn bầu du dương sâu lắng, chất chứa những tâm tư trĩu nặng của Nghệ sĩ Hồng Tiếp. Từng lời Nghệ sỹ cất lên như đang đánh thức những trái tim vô cảm vì bấy lâu nay còn mải mê với cuộc sống mưu sinh mà quên mất đi 2 đấng sinh thành, chợt tỉnh giấc mà quay về bên gia đình, bên “hai vị Phật” quan trọng nhất của cuộc đời.

Trong dòng cảm xúc về cha về mẹ, những bông hồng đã được nâng niu, trân trọng cài lên ngực những người con hiếu thảo. Vì rằng “Hoa dù trắng hay hồng đều ý nghĩa…” nên trong mỗi bông hoa đều chứa đựng hình ảnh dịu hiền, sự hi sinh của mẹ, ánh mắt nghiêm nghị của cha, từng cánh hoa là từng giọt nước mắt, từng giọt mồ hôi, sớm hôm tần tảo của cha của mẹ. Tất cả đã được đón nhận với tâm thành kính của những người con Phật đang có mặt tại chùa Bằng.

Ca sĩ Mai Diệu Ly với ca khúc “Bông hồng cài áo”

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hương trình bày ca khúc “Mẹ tôi”

Tiếp theo là nghi thức “Dâng trà” của chư tôn đức và các em khóa sinh. Trong thời khắc thiêng liêng, Đại đức Thích Thanh Hải cùng chư Tăng Pháp tử và đại diện Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã đối trước Tam Bảo, đối trước Hòa thượng thành kính dâng hoa, dâng trà cúng dường lên Hòa thượng tôn sư thể hiện lòng hiếu kính với bậc Thầy mô phạm, đồng thời kính mừng Ngài thêm 1 tuổi đạo mới.

Đặc biệt tại chương trình này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đã dâng tặng lên Thân mẫu của mình bó hoa tươi thắm đượm nghĩa tình như tấm lòng hiếu thảo của Hòa thượng gửi tới đấng sinh thành. Điều đó thể hiện ân tình sâu nặng của một người con tuy đã rời bỏ cuộc sống thế tục, cắt ái từ thân, nhưng không bao giờ quên ơn chín tháng cưu mang – ba năm bồng ẵm, những năm tháng được cha mẹ nuôi dạy để trở thành một vị Hòa thượng như ngày hôm nay.

Trong niềm tri ân và báo ân mùa vu lan báo hiếu, các bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi – những chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính dâng lên chư Tôn đức chứng minh và các bà, các bác, các chú – là những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ bằng những chén trà ấm nóng với trọn vẹn tấm lòng tri ân sâu sắc nhất. Đây là một nghi thức mang đậm nét văn hóa của Phật giáo phía Bắc.

Giây phút ấy, các bạn đã hiểu được: Làm người sống trên đời, không thể nào được phép quên chữ Hiếu, chữ Nghĩa và tinh thần Tứ Trọng Ân cao cả, phải biết tri ân, báo ân. Tri ân và báo ân không phải chỉ là một ngày, một tháng, một năm, mà là cả một đời người điều này lại vô cùng đặc biệt là đối với mỗi người con. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo.

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng nhắc lại tấm gương hiếu hạnh cao cả của Đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni và tôn giả Mục Kiền Liên, đồng thời giải thích ý nghĩa vi tế qua từng nghi thức Dâng trà và chương trình trong Đại lễ. Hòa thượng nhấn mạnh rằng, mỗi nghi thức đều ẩn chứa tinh thần tri ân và báo ân tới 4 ơn trọng mà quý Thầy muốn truyền tải tới hàng Phật tử. Bởi Đạo Phật từ xưa tới nay luôn đề cao chữ Hiếu, “Tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật“. Mỗi người phải luôn khắc ghi tứ ân bao gồm ơn Tam Bảo, ơn quốc gia xã hội, ơn cha mẹ sinh thành – sư trưởng giáo huấn – thầy cô dạy dỗ và ơn chúng sinh vạn loài. Đặc biệt hơn, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử trong tháng vu lan cần tinh tiến tu học, làm các việc thiện lành để hồi hướng công đức về cho Tổ tiên ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp. Với những ai còn cha, còn mẹ trên đời, cần phải biết trân quý, chăm sóc và phụng dưỡng họ, bởi “Cha mẹ ở đời như Phật tại thế”. Hòa thượng mong các Phật tử hãy luôn giữ tinh thần hiếu đạo với cha mẹ ông bà Tổ tiên không chỉ trong mùa vu lan này mà còn trong suốt cả cuộc đời. Hãy biết trân trọng và dựng xây quê hương đất nước, giữ gìn nét đẹp văn hóa, đạo thờ ông bà của dân tộc Việt cùng với lời dạy của Đức Phật để xây dựng một xã hội thuần tịnh”.

Lời đạo từ của Hòa thượng đã khép lại Đêm hội Vu Lan thành tựu viên mãn và tràn đầy cảm xúc về ân nghĩa sinh thành.

Diệu Tường – Cẩm Vân – Tường Long – Duy Anh