Chủ trì hội thảo là Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hòa thượng Tiến sỹ Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN; Giáo sư Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng – Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm Hội đồng Tôn giáo UB TƯ MTTQ Việt Nam.
Tham dự hội thảo có Hòa Thượng Tiến sỹ Thích Thanh Đạt – Chủ nhiệm Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Ni trưởng Thích Đàm Lan – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng ni, đại diện một số cơ quan Trung ương và tổ chức thành viên của Mặt trận có liên quan trong công tác Tôn giáo, một số học giả và nhà nghiên cứu, người hoạt động thực tiễn trong công tác Tôn giáo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, Hội thảo khoa học lần này là nội dung quan trọng trong việc triển khai Đề tài khoa học “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam giao Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện trong năm 2023. Với mục đích, ý nghĩa thiết thực, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu, học giả, người hoạt động thực tiễn và các chức sắc GHPGVN.
“Trên tinh thần khoa học và trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu và các chức sắc Phật giáo cần tập trung trao đổi, thảo luận, chỉ rõ hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; cách ứng vận dụng các giá trị tu học của Phật giáo Trúc Lâm trong công tác đào tạo tăng tài của Giáo hội hiện nay; đồng thời đề xuất cách phát huy những giá trị tôn giáo tiêu biểu của Phật giáo Trúc Lâm trong nước và ngoài nước”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.
Tham luận tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Truyền thông TƯ GHPGVN cho rằng, tư tưởng thiền nhập thế do Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng đã để lại những dấu ấn sâu sắc và giá trị to lớn không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà cả trong đời sống xã hội, không chỉ đối với quá trình xây dựng đất nước bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn có ý nghĩa to lớn đối với đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt là tinh thần hành động cao cả, thiết thực, đánh giặc cứu nước, cứu dân, xây dựng một chế độ thân dân, yêu dân, đoàn kết nhân dân, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
“Những tư tưởng đó của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp trong tư tưởng văn hóa dân tộc được hâm nóng, bồi đắp để phát triển rộng rãi và có sức sống lan tỏa trong đời sống dân tộc Việt Nam”, Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, Giáo sư Lê Mạnh Thát hay Thượng tọa Thích Hạnh Tuệ – Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam hay Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, và cả ý kiến của PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, đều đã đưa ra những nghiên cứu rất giá trị ở nhiều khía cạnh về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và hệ tư tưởng nhập thế của Phật giáo.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội thảo, GS.TS Đỗ Quang Hưng – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, Hội thảo đã góp phần nghiên cứu các giá trị vật chất, tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
“Cối lõi nội dung trong các bài tham luận là việc hướng tới xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, con người của xã hội chủ nghĩa tương lai, phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mĩ. Họ sống có giá trị cho mình, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Nếu được quan tâm, phát huy đúng mức các giá trị văn hóa, đạo đức cao quý của Phật giáo Trúc Lâm sẽ góp phần thiết thực trong việc thực hiện sứ mệnh vĩ đại này”, GS.TS Đỗ Quang Hưng khẳng định.
Được biết, Hội thảo đã nhận được 35 bài tham luận, đưa ra những giá trị sâu sắc mà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang lại. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát huy, vận dụng các giá trị nhân văn và giá trị tu học của Phật giáo Trúc Lâm trong công tác đào tạo tăng tài của Giáo hội hiện nay ở cả trong nước cũng như ở nước ngoài, trong bối cảnh các Thiền viện, tu viện và những thế hệ sau của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang ngày càng hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới.
Diệu Tường – Phúc Thịnh – Hương Diệp