Chủ tọa Hội thảo có HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN; TT. Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng ban Văn hóa TƯ; PGS. TS. Chu Văn Tuấn – Viện Trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Huyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cùng chư Tôn thiền đức trong HĐTS, các Ban ngành Trung ương và các đại biểu, các nhà khoa học, học giả đến từ nhiều cơ quan nhà nước, các đơn vị nghiên cứu đồng tham dự
Phát biểu khai mạc Hội thảo, HT. Thích Thanh Nhiễu cho biết: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất kỳ vọng trong Hội thảo khoa học lần này, từ góc nhìn khác nhau của các nhà khoa học để đánh giá một cách khách quan về Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu công nguyên nói chung, về Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc nói riêng; trên cơ sở đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có thêm được những tư liệu quý giá để tô bồi vào những trang sử vẻ vang, hào hùng của Phật giáo Việt Nam cách đây 2000 năm lịch sử, để cho thế hệ hậu duệ trong hiện tại và tương lai tưởng nhớ, học tập và tiếp bước noi theo những tấm gương sáng của chư vị tiền bối Tổ sư.”
Ban Tổ Chức sau gần 2 tháng thông báo nhận bài tham luận đã tiếp nhận hơn 35 bài của chư Tôn đức GHPGVN và các Giáo sư, Tiến sĩ, các học giả. Hội thảo đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: Phân tích bối cảnh lịch sử và tình hình Phật giáo thời Hùng Vương, đưa ra dấu vết Phật giáo thời Hùng Vương và Trưng Vương qua một số di tích để nhận diện về Sư bà Phương Dung.
Thay mặt TƯ GHPGVN, TT. Thích Đức Thiện phát biểu “qua Hội thảo cho thấy với nhiều cách tiếp cận khác nhau, có góc nhìn toàn diện về Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc. HĐTS GHPGVN mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tiếp tục có những nghiên cứu, không chỉ là Sư bà Phương Dung mà còn có một số Sư Ni trong thời kỳ Hai Bà Trưng. Từ đó sớm có kế hoạch để tôn vinh, tu tạo, bảo tồn lăng mộ của Sư bà Phương Dung cũng như là các di tích đình, chùa Yên Phú”.
PGS.TS Chu Văn Tuấn tổng kết khẳng định Hội thảo lần này đã giúp chúng ta làm rõ về cuộc đời cũng như những đóng góp của Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc. Qua đó giúp chúng ta có những nhận thức nhiều hơn về triều đại Hùng Vương, về lịch sử của dân tộc và đặc biệt hiểu hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Có thể thấy rõ triều đại Hùng Vương đã được xác định một cách rõ ràng hơn và qua đó hội thảo cũng chỉ ra Phật giáo đã xuất hiện trước thời kỳ Hai Bà Trưng cũng như triều đại Hùng Vương.
Không chỉ gợi mở các nghiên cứu, Hội thảo còn là diễn đàn để cập nhật thông tin được đầy đủ hơn về sự đóng góp của Sư bà Phương Dung, tạo ra cơ hội kết nối giữa các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước về Tôn giáo và những nhà tu hành Phật giáo trên cả nước để tiếp tục thảo luận về những vấn đề liên quan tới Phật giáo Việt Nam.
Tin: Ngộ Trí Viên, ảnh: Vân Quảng Tâm