Chứng minh và tham dự Đại lễ có chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự THPG Hà Nội: Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, HT. Thích Thanh Sam – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh, HT. Thích Thanh Tứ – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự…
Về phía quan khách có ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Ngô Thị Doãn Thanh – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Doanh – Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ…
Gần 5000 Phật tử và nhân dân đã hoan hỉ về dự Đại lễ.
Sau phần tuyên bố lý do, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2553 của Đức Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ. Thông điệp nêu rõ: "Kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Bản Sư là sự kiện quan trọng của mỗi người Phật tử, đó cũng là cơ duyên để mỗi chúng ta khẳng định sự trong sáng của giáo lý Đức Phật và sự đóng góp của Phật giáo trong suốt chiều dài hơn 2500 năm qua đối với nhân loại."
Thông điệp nhấn mạnh "Tư tưởng giáo lý về hoà bình, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha và tự giác ngộ đối với chính bản thân mỗi người vẫn luôn là kim chỉ nam đối với người con Phật trên con đường tu tập và phụng sự đạo pháp, dân tộc, đó cũng là tư tưởng phù hợp với sự tiến bộ xã hội."
Kết thúc thông điệp, "Đức Pháp chủ kêu gọi các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mỗi Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với vai trò trách nhiệm của mình hoàn thành tốt mọi Phật sự để thiết thực chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI được tổ chức tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11 năm 2010."
Tiếp theo, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN tuyên độc Diễn văn Đại lễ Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Thích Trí Tịnh. Mở đầu, Hòa thượng Chủ tịch nhắc về nơi Đức Phật đản sinh "Kỷ niệm ngày Khánh đản của Đức Bổn Sư, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam để lòng hướng về quá khứ, về vùng đất thiêng và tưởng như trong hiện tại, chúng ta đang tắm mình trong ánh vàng rực rỡ của kim thân Đức Phật. Lâm tỳ ni nay thuộc phía Nam Nepal, giáp giới Ấn Độ với những di tích linh thiêng, trụ đá của vua A-dục, đền thờ Thánh mẫu Ma da, cây Bồ đề xanh tốt, ao thiêng mà Thánh Thái tử Tất-đạt-đa tắm mát lúc chào đời… "
Tiếp theo, Diễn văn nhấn mạnh ý nghĩa của sự ra đời của Đức Phật, đó là lòng Đại từ bi muốn cứu khổ hết thảy chúng sinh. Đức Phật dạy: “Ta thương các vị hơn cha mẹ thương con. Ta làm Phật ở thế gian này để đối trị với cái xấu ác, loại trừ cái khổ sanh tử, khiến mọi người được đầy phước đức, đạt đến sự an ổn vô vi”."
Diễn văn nêu rõ "Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, như từ suốt hơn 2.000 năm trước đây, luôn luôn song hành với sự phát triển của đất nước. Mặt khác, trong thời đại mới, những hiện tượng suy giảm đạo đức ở khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam cũng là mối quan ngại lớn cho phương hướng phát triển chung. Tăng Ni và Phật tử chúng ta trước hết cần củng cố niềm tin Tam Bảo, biết sợ hãi và biết đối trị với những điều xấu ác, biết hổ thẹn về những hành vi xấu ác của mình; từ đó kiên trì, nhẫn nại, tinh tấn trong việc phát triển trí tuệ, tâm linh."
Diễn văn khẳng định: "Hiện nay như đã nói, 28 năm qua từ khi được thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, để đạt được những thành tựu khả quan, chứng tỏ uy tín, năng lực của mình đối với quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Nhưng uy tín, năng lực lớn lao nhất thì thuộc về đạo hạnh tu hành của Tăng Ni, Phật tử chúng ta; điều này thì khó thể hiện, khó được đo lường, lại là cái cốt lõi của mạng mạch Phật giáo. Chúng ta chỉ biết nhắc nhở nhau giữ trọn cốt cách của người tu Phật, giữ trọn tâm mình cho thanh tịnh, làm việc Đạo, việc đời mà không quên tu tâm, dưỡng tính; nói pháp cho người làm, nhưng chính mình không quên hành trì theo pháp cho chính mình."
Kết thúc, Hòa thượng Chủ tịch kêu gọi các vị Bổn sư, các vị Thân giáo, các Giảng sư, ngành Hoằng pháp, ngành Giáo dục Phật giáo "nỗ lực lưu tâm trong việc đào luyện đội ngũ Tăng Ni trẻ mà tương lai sẽ là “những vị Như Lai sứ hành Như Lai sự”, làm gương mẫu cho quần chúng Phật tử."
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết thúc Đại lễ, chư Tôn đức giáo phẩm đã hành lễ cúng dường Đức Phật và lễ tắm Phật.
Đại lễ kết thúc trong niềm đại hoan hỉ của tứ chúng tham dự.
Phattuvietnam.net trân trọng giới thiệu chùm ảnh của Đại lễ:
Đức Pháp chủ Quang lâm
Từ trái qua: HT. Thích Thanh Sam, HT. Thích Phổ Tuệ, HT. Thích Thanh Tứ
Lễ đài Phật đản
Đại đức Thích Tiến Đạt – Phó ban Trị sự THPG Hà Nội dẫn chương trình
HT. Thích Thanh Tứ tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ GHPGVN
TT. Thích Bảo Nghiêm tuyên đọc Diễn văn Đại lễ Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự
Ông Huỳnh Đảm phát biểu chúc mừng
Chư Tôn đức hành lễ
Hòa thượng Pháp chủ hành lễ Tắm Phật