Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh của TT. Thích Đạo Phong – Ủy viên HĐTS, Phó ban, Chánh Thư ký BTS GHPGVN TP. Hà Nội, Trưởng ban tổ chức; ĐĐ. Thích Viên Hải – Trưởng BTS GHPGVN huyện Chương Mỹ; ĐĐ. Thích Đạo Quang – Phó trưởng BTS GHPGVN huyện Chương Mỹ; Ni trưởng Thích Đàm Khoa – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban Kinh tế GHPGVN TP. Hà Nội; cùng chư Tôn đức Tăng Ni hạ trường chùa Trăm Gian.
Về phía chính quyền huyện Chương Mỹ có sự hiện diện của ông Đỗ Tuấn Anh – Trưởng phòng Nội vụ huyện; ông Đỗ Công Kiên – Phó trưởng Ban Dân vận huyện ủy; ông Vũ Ngọc Sạ – Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện; ông Lê Văn Tụ – Ủy viên ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; ông Tống Văn Thái – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương; ông Tống Quang Lợi – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; cô Nguyễn Thị Lễ – Hiệu trưởng trường THCS Tiên Phương cùng đại diện các ban ngành đoàn thể của huyện, xã, quý thầy cô giáo và học sinh trường trung học cơ sở Tiên Phương cũng đến tham dự chung.
Mở đầu buổi lễ là chương trình văn nghệ và tiết mục dâng hoa của các Thầy cô cùng các em học sinh trường Mầm non xã Phụng Châu dâng lên cúng dường Tam Bảo.
Sau đó, ĐĐ. Thích Đạo Quang đã đọc diễn văn khai mạc Đại lễ, nhấn mạnh “Mùa Vu lan, mùa của hiếu hạnh là lúc để tưởng nhớ, tri ân và báo đáp bốn ơn như lời Đức Phật đã dạy. Đây là một truyền thống luân lý đạo đức được truyền từ nghìn xưa đến nay. Bất cứ dân tộc nào, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng yếu. Cho nên tục ngữ có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó là một quy luật đạo đức và cũng là hạnh nguyện lớn nhất của người con Phật. Do vậy, những lời dạy của Đức Phật rất gần gũi với nếp sống tình cảm của mỗi gia đình người Việt, là tình thương bao la đối với mọi người và cả cỏ cây, quê hương đất nước”…
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, đại diện cho chính quyền đoàn thể đã có những lẵng hoa tươi thắm kính tặng đến chư Tôn đức Tăng Ni Hạ trường để chúc mừng cho buổi lễ được thành công tốt đẹp, đồng thời kính mừng chư Tăng Ni chuẩn bị khép lại 3 tháng an cư, tăng thêm một tuổi đạo.
Tiếp theo, hai em học sinh Tống Thị Thắm và Tống Thị Nguyên đã đại diện cho học sinh trường THCS Tiên Phương đọc bài cảm niệm Vu lan. Trong sự lắng đọng tâm tư, mỗi người có mặt tại buổi lễ đều đang hoài niệm về công ơn sinh thành dưỡng dục như biển trời của hai đấng sinh thành. Suốt cả một đời người, cha mẹ chỉ biết sống, chỉ biết hy sinh cho hạnh phúc của con cái, vì con cái mà chịu biết bao vất vả, gian nan. Trong những lúc con vấp ngã trên con đường đời, cha mẹ là ánh sáng nâng đỡ, soi đường cho mỗi bước chân con đi. Theo thời gian, con ngày càng khôn lớn, ngày càng rời xa cha mẹ. Cha mẹ thì ngày càng già đi, kiệt sức, tiều tụy.
Là một người bình thường, khi chúng ta lớn lên, trưởng thành, đã trở thành cha mẹ, chúng ta lại dành tình yêu thương cho con cái của mình, chúng ta có thể hiểu được tình yêu thương này. Hơn nữa, ít nhiều chúng ta vẫn có thể chăm lo cho cha mẹ khi cha mẹ già đi, vẫn có thể bù đắp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng.
Trong dòng hoài niệm đó, Nghi thức “Bông hồng cài áo” đã được diễn ra vô cùng trang nghiêm và đầy xúc động. Các bạn Thanh thiếu niên Phật tử đã thực hiện nghi thức cài hoa vàng lên tấm huỳnh y của chư Tôn đức, và cài những bông hoa hồng lên áo quý Phật tử về tham dự lễ. Mỗi màu hoa lại mang một ý nghĩa sâu sắc. Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phúc điền y, màu của Đất. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát. Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.
Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ – Cha. Còn ai đã mất cả 2 đấng song thân thì cài hoa màu trắng.
Sau đó, TT. Thích Đạo Phong đã có lời đạo từ tới đại chúng, chia sẻ về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu trong Đạo Phật và tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên. Qua đó sách tấn đại chúng “Để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và Tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa Tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên Tổ“.
Thay mặt cho ban giám hiệu trường THCS Tiên Phương, cô Nguyễn Thị Lễ đã có lời phát biểu, tri ân đến chư Tôn đức Tăng Ni đã tổ chức lễ Vu lan ngày hôm nay nhằm giáo dục, nhắc nhở cho những mầm non tương lai của đất nước luôn biết sống hiếu nghĩa trong tinh thần tri ân và báo ân tới 4 ơn cao cả đó là ơn Tam Bảo, ơn cha mẹ thầy cô, ơn quốc gia xã hội và ơn chúng sinh vạn loài.
Cuối lễ, Ni sư Thích Đàm Thịnh đã đọc bài thơ dâng tặng lên chư Tôn đức Tăng Ni chúc mừng quý Ngài thêm một tuổi đạo, đồng thời chúc cho buổi lễ được thành công viên mãn.
Buổi lễ kết thúc sau khi toàn thể hội chúng đọc bài Kinh Sám Vu Lan và hồi hướng công đức này cầu nguyện cho chư vị Lịch đại Tổ sư và Tổ tiên quá vãng nhiều đời nhiều kiếp được siêu sinh Tịnh độ, cha mẹ hiện tiền phúc thọ tăng long.
Khải Sang