Tọa lạc ở thôn Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) chùa Linh Thông đã được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) trên khu đồi đất thông cao đẹp, một khu đất có di chỉ văn hóa của người Việt cổ.
Năm Quý Sửu (1913), chùa được chuyển về địa điểm trung tâm làng sát ngay sau đình, đã tạo thành một quần thể di tích Đình – Chùa Quỳnh Đô và đã thờ Phật ở đây được gần 10 năm.
Năm Khải Định thứ 8 tức là năm Quý Hợi (1923), nhân dân Quỳnh Đô đồng thời xây dựng cả Đình và Chùa. Sau khi chùa Linh Thông được xây dựng xong, chưa có sư trụ trì, có Phật tử Trương Văn Diệp tự nguyện ra giúp dân, trông nom chùa, sớm hôm đèn hương, cầu kinh lễ Phật phục vụ đời sống tâm linh cho dân làng. Đến năm Mậu Thìn (1928) cụ cố Phật tử Trương Văn Diệp qua đời.
Chùa Linh Thông đã được xếp hạng di tích lịch sử Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Thành phố năm Kỷ Tỵ (1989) và đã trải qua 04 đời sư trụ trì:
– Đời sư thứ nhất: Cố Thiền sư Thích Thanh Mai, thế danh Nguyễn Văn Thồ, trụ trì được 23 năm (1929 – 1951)
– Đời sư thứ hai: Cố sư cụ Thích Minh Tâm, thế danh Trần Văn Hàm, trụ trì được 1 năm
– Đời sư thứ ba: Cố sư cụ Thích Thanh Duy, thế danh Nguyễn Văn Lễ, trụ trì được 35 năm
– Đời sư thứ tư: Cố Đại đức Thích Thanh Tiến, thế danh Lê Văn Tiến, trụ trì được 09 năm
Đầu năm 2006 được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Thanh Trì và lãnh đạo xã Vĩnh Quỳnh, ngày 04/6/2006 tại đình làng Quỳnh Đô đã tổ chức cuộc tiếp xúc với Đại đức Thích Trí Như, UV BTS Thành hội Phật giáo TP Hà Nội, phó trụ trì chùa Yên Phú (Hà Nội). Cuộc tiếp xúc đã diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở và cán bộ, nhân dân, Phật tử Quỳnh Đô đã thống nhất mời Đại đức Thích Trí Như về làm trụ trì chùa Linh Thông.
Đến ngày 5/7/2006, nhân dân và cán bộ Quỳnh Đô phấn khởi đón Đại đức Thích Trí Như về chùa Linh Thông. Sau khi có quyết định bổ nhiệm trụ trì chính thức của Thành hội Phật giáo TP Hà Nội (27/5/2009), Lễ bổ nhiệm trụ trì đã được tổ chức trang trọng tại chùa Linh Thông vào ngày 01/8/2009 và đã thành tựu viên mãn.
Từ ngày Đại đức Trí Như về chùa Linh Thông (5/7/2006 – 3/6/2012) thời gian chưa nhiều nhưng chùa đã có một bước đổi mới, phát triển quan trọng. Trước hết cán bộ, nhân dân, Phật tử rất hoan hỷ đoàn kết hòa hợp, gắn bó với chùa tạo nên không khí lạc quan, phấn khởi và đến chùa lễ Phật, nghe Pháp ngày càng đông. Thầy trụ trì ngoài việc hành lễ phục vụ đầy đủ đời sống tâm linh cho nhân dân địa phương và khách thập phương còn thường xuyên hướng dẫn tín đồ, Phật tử tu tập và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, của địa phương và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo phương châm: Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội.
Nhờ đó mà chùa ngày càng thêm nhiều tiến bộ quan trọng như ngôi Tam Bảo, nhà Tổ được tôn tạo nâng cấp, sân chùa được mở rộng khang trang thoáng đẹp, nhà mẫu, nhà khách, nhà tảo soạn, Tam Quan chùa đã được xây dựng theo mô hình thời hiện đại;…
Tất cả đã làm cho bộ mặt của chùa Linh Thông hoàn toàn đổi mới, hợp với ý nguyện của nhân dân, khác với hình ảnh ngôi chùa cách đây 6 năm. Đây là một sự đổi mới quan trọng làm nền tảng cho đà phát triển trong tương lai của ngôi chùa hiện đại.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm – Thành viên HĐCM GHPGVN, trưởng BTS PG tỉnh Ninh Bình; Đại đức Thích Trí Như – Ủy viên Ban giáo dục Tăng Ni TW GHPGVN, trụ trì chùa Linh Thông; Đại đức Thích Đức Lợi – Phó thư ký Ban hoằng pháp TW; Đại đức Thích Viên Giác – chánh Ban đại diện PG huyện Sóc Sơn, Ni trưởng Thích Đàm Nhâm – Phó ban đặc trách Ni giới TW; cùng nhiều chư tôn đức Tăng Ni trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Về phía chính quyền có: Ông Phạm Đình Thắng – Phó cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH TT và DL); bà Dương Thị Tình Thương – Phó vụ trưởng vụ công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội; ông Đoàn Vũ Dũng – Phó chủ tịch UB MTTQ huyện Thanh Trì; cùng đại diện các cơ quan chức năng, các ban ngành sở tại và sự hiện diện của hàng nghìn Phật tử gần xa đã về tham dự buổi lễ.
Buổi lễ đã được diễn ra theo đúng nghi thức Phật đản truyền thống.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được tại buổi lễ: