Trang chủ Văn hóa Hà Nội: Chùa Phúc Thiện đón bằng di tích lịch sử cấp...

Hà Nội: Chùa Phúc Thiện đón bằng di tích lịch sử cấp Thành phố

271

Về dự lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp Thành phố cho chùa Phúc Thiện gồm có: bà Trần Kim Hương, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội; bà Bùi Thị Nhung, cán bộ văn phòng của UBND Thành phố Hà Nội. Ông Đặng Đăng Khoa, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ứng Hòa; Ông Trương Ngọc Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cùng các đồng chí lãnh đạo xã Liên Bạt; lãnh đạo chính quyền thôn và trên 300 người dân, tăng ni phật tử thôn Bặt Trung.

Ông Đặng Đăng Khoa, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ứng Hòa lên trao bằng di tích cho nhà sư Thích Đàm Hải, Trụ trì chùa Phúc Thiện.

Nói về lịch sử, chùa Phúc Thiện đã tồn tại cách đây gần 1000 năm theo những thông tin khảo sát, nghiên cứu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Theo thông tin từ các cụ cao niên trong thôn Bặt Trung thì Chùa trước đây nhỏ bé và rêu mốc, được lợp bằng lá cọ; xung quanh là ao. Trong chùa có quả chuông với tấm bia đá là cổ nhất và một số các vật dụng khác có từ thời nhà Nguyễn. Trong vòng 70 năm trở lại đây thì Chùa có 4 đời sư Trụ trì. Sư trụ trì hiện tại là Thích Đàm Hải, trù trì chùa Phúc Thiện được 10 năm.

Nhìn ngắm ngôi chùa được tu bổ, xây dựng và sửa chữa nguy nga, không còn lợp bằng lá cọ như trước, ông Tạ Hữu Huân, Bí thư Chi bộ thôn Bặt Trung bày tỏ: “Được sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp trên, Chùa Phúc Thiện đã kịp thời tu bổ, nên những giá trị lịch sử chùa Phúc Thiện vẫn được bảo tồn và thêm phần cổ kính. Hơn thế nữa, lễ đón nhận bằng di tích cho chùa Phúc Thiện đúng vào dịp cán bộ và nhân dân trong thôn đang chuẩn bị tổ chức hội làng truyền thống nên tôi vô cùng phấn khởi, tự hào.

Chùa là nơi thờ cúng các Đức phật được người trời đưa xuống đế giáo hóa, cải hóa cho mọi người. Dạy cho con người biết làm ăn lương thiện, đoàn kết giúp đỡ nhau. Chùa là nơi thanh tịnh, có tiếng chuông mõ sớm tối, có nén nhang thơm thành tâm của người đi lễ phật và mọi người đến lễ, cầu trong những ngày rằm, mồng một, ngày tết, lễ hội.

Chùa là nơi thờ cúng, cầu cho Quốc thái dân an, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng. Trải qua nhiêu thế hệ và những băng hoại của thời gian, Chùa vẫn nguy nga, cổ kính, linh thiêng và nhờ ơn Đức phật mà trong làng đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, vì nước, vì dân, không ngừng phấn đấu, lao động học tập và công tác, làm giầu cho bản thân, gia đình và quê hương; đẩy lùi lạc hậu đói kém, xây dựng quê hương giàu có”.

Ông Đặng Đức Tiềm, Chi hội Trưởng hội Người cao tuổi thôn Bặt Trung cũng chia sẽ: “Tôi rất vui, vì trong buổi lễ trang trọng được nghe các ý kiến phát biểu của các cấp lãnh đạo của Thành phố, Huyện ủy và chính quyền xã Liên Bạt. Việc chùa Phúc Thiện được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố, chúng tôi sẽ có những hành động thiết thực để bảo quản, gìn giữ di tích. Đồng thời giữ vững mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà chùa với nhân dân và các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn”.