Trước khi bước vào buổi lễ, các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Lý Triều Quốc Sư đã dâng lên cúng dường Tam Bảo những điệu múa, lời ca tiếng hát ca ngợi ơn đức sinh thành của Cha mẹ, hướng tới tinh thần tri ân và báo ân của những người con Phật.
Đúng 20h00, ban nghi lễ cung rước chư tôn đức quang lâm lễ đài để bắt đầu vào chương trình Vu Lan Báo Hiếu PL2559 – DL2015.
Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN cùng quý chư tôn đức Tăng Giáo thọ sư Lớp giáo lý chùa Lý Triều Quốc Sư và sự tham dự của Phật tử đạo tràng Pháp hoa chùa Lý Triều Quốc Sư.
Mở đầu chương trình là nghi thức dâng hoa cúng dàng chư tôn đức của các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Lý Triều Quốc Sư.
Sau đó, toàn thể đạo tràng đã được lắng nghe thời pháp thoại của Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm về ý nghĩa ngày Vu Lan báo hiếu. Hòa thượng đã nhắc về tấm gương Hiếu hạnh của Đức Phật, và tinh thần hiếu đạo luôn được đề cao trong các kinh điển Phật giáo “Trong nhiều kiếp quá khứ xa xưa, Đức Phật từng kể, đã nhiều kiếp làm người con có hiếu. Lúc làm hoàng tử, lúc làm con nhà giàu, lúc làm con nhà nghèo, thậm chí lúc làm con của súc sinh. Dù trải qua kiếp nào, thì tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật tiền kiếp cũng được nhắc tới như một chân lý Cây có cội, nước có nguồn. Cho tới kiếp sống hiện tại, sau khi rời bỏ hoàng cung xuất gia, thành Đạo bậc Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác. Ngài tới xứ Ba La Nại – vườn Nai, thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 anh em thầy Kiều Trần Như, thế gian trụ trì Tam Bảo được hình thành. Ngài trở về hoàng cung thăm phụ hoàng, lần đầu tiên cha con gặp nhau 11 năm xa cách. Rồi hai lần sau, khi phụ hoàng đau yếu, Ngài về thăm và bưng cháo cho phụ hoàng ăn. Lần cuối cùng, Đức vua Tịnh Phạn băng hà, Ngài về dự lễ tang và khiêng kim quan. Tấm gương báo hiếu đó, cũng như trong suốt 49 năm thuyết pháp, Đức Phật luôn luôn dạy con người hoàn thiện một con người nhân cách. Trong đấy có phần về Hiếu đạo. Ngài đã dạy ở trong Kinh Đại Tập rằng Một con người nào sinh ra ở đời, nếu không gặp được Phật nhưng nếu người đó biết hiếu kính, vâng lời, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì người đó đã được gặp Phật, đã thờ Phật. Và cũng trong Kinh Địa Tạng Đức Phật dạy Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời. Chính lời dạy đó mà hun đúc lên tư tưởng hiếu đạo cho các đệ tử”.
Qua đó, Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng tấm gương sáng về tinh thần hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên tôn giả – một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật, được mệnh danh là Thần Thông Đệ Nhất.
Đặc biệt, Hòa thượng nhấn mạnh “Phật giáo đã lan truyền khắp năm châu. Truyền vào đất Việt Nam chúng ta 2000 năm có lẻ. Tinh thần hiếu đạo đó hòa quyện với đạo hiếu của người Việt. Dân tộc Việt là dân tộc hòa hiếu, hòa với mọi người và hiếu kính với bề trên, thương yêu người dưới, đặc biệt là coi trọng về hiếu nghĩa với cha mẹ. Từ ngàn xưa, người Việt đã chọn những ngày đẹp nhất để đến thăm hỏi, tặng quà, chúc tụng đấng song thân sinh ra mình và những người thầy dạy nên kiến thức cho mình trong câu Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy. Tinh thần Hiếu đạo của Đạo Phật và đạo đức hòa hiếu của người Việt đã gặp nhau tại một điểm:
Công ơn tấc dạ đinh ninh báo
Hiếu nghĩa đỉnh đầu thăm thẳm soi
Cho nên những gì tinh túy của dân tộc thì các bậc Tổ sư khi đưa đạo Phật vào Việt Nam cũng hòa nhập phong tục, tập quán đó trong nền tảng Giáo lý Tùy duyên bất biến của Đạo Phật, để làm nên nét đẹp của dân tộc và Phật giáo”.
Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “Mẹ cha trong nhà là vật báu trên đời. Nếu như chúng ta quên mất vật báu đó mà bỏ đi tìm nơi khác, thì chẳng khác gì là viển vông,viễn tưởng….Cho nên trong mùa vu lan này, chúng ta trở về chùa để nghe lời Phật dạy, những ai còn cha mẹ ở đời thì đừng làm cha mẹ buồn, đừng để nước mắt rơi trên má của mẹ, đừng quên rằng ở quê, ở từ đường còn có hương hồn của ông bà Tổ tiên. Có ông bà mới có cha mẹ, có cha mẹ mới có mình, và trên ông bà còn có Tổ tiên tiếp nối cả dòng truyền thống như vậy. Lễ Vu lan hôm nay được tổ chức thông lệ ở chùa Lý Triều Quốc Sư, cũng không ngoài nhằm mục đích khơi dậy lòng hiếu kính, biết vâng lời cha mẹ của những người con. Tiếp nối truyền thống của dòng họ, của cha mẹ để mãi mãi trở thành một con người của lòng tri ân và báo ân…Trong mùa Vu lan này, chúng ta về đây, cầu nguyện đêm đêm con thắp đèn trời cầu cho cha mẹ sống đời với con. Như vậy chúng ta mới là Hiếu đạo. Người con phải có 5 điều hiếu kính với cha mẹ và các bậc cha mẹ phải có 5 điều thiên chức đối với con cái như trong Kinh Thiện Sinh Đức Phật dạy“.
Tiếp theo là nghi thức Bông hồng cài áo. Phật tử Hồng Hạnh – đại diện Thanh thiếu niên Phật tử đã đọc cảm niệm mùa vu lan. Trong tiếng nhạc bài “lòng mẹ” độc tấu đàn bầu, từng âm thanh cứ len lỏi, đi sâu vào tâm khảm đại chúng. Đánh thức trái tim mỗi người nhớ nghĩ về công ơn sâu tựa biển trời và tình yêu thương bao la vô bờ bến của hai đấng sinh thành. Nhớ về những ngày thơ bé, cha mẹ dạy ta từ khi ta biết bò, biết đi, biết bi bô tập nói. Cha mẹ chăm cho ta từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhớ cả những ngày đầu tiên đi học ngại ngùng, nhút nhát núp sau lưng cha mẹ. Và còn nhớ về ánh mắt rực sáng tự hào của cha, niềm hạnh phúc không giấu nổi của mẹ mỗi khi chúng ta thành công trong từng bước đi của cuộc đời. Không gian như lắng đọng lại, để chúng ta lại nhìn về những bông hoa cài nơi ngực áo, hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ để yêu thương bằng những bông hoa đỏ, hay đau đớn xót xa với màu hoa trắng lẻ loi, cô độc khi trống vắng những yêu thương của cha mẹ.
CHA là chân lý rạng ngời
MẸ là gương sáng trọn đời hy sinh
CON là lẽ sống niềm tin
Khơi nguồn hạnh phúc, gia đình ấm êm
Ai ơi ! giữ hiếu cho tròn
Kẻo mai thức giấc, chẳng còn mẹ yêu
Cuối cùng là nghi thức cúng dường chư Tăng nhân dịp Tự tứ của Đạo tràng Pháp Hoa và Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử, khép lại chương trình Vu Lan Báo Hiếu tràn đầy tinh thần hiếu đạo với tứ ân trọng của những người con Phật.