Các tài liệu lịch sử hiện còn lưu giữ ở chùa Liên Phái và các thư viện lớn của nhà nước, gồm số bia đá dựng tại chùa, sách Đại Nam thiền uyển truyền đăng lục, đạo giáo nguyên lưu v.v.. cho biết chùa Liên Phái được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, đến nay chùa đã có 13 vị cao tăng trụ trì.
Đệ nhất tổ Như Trừng là dòng dõi quý tộc, ngài sinh ngày mồng 5 tháng 5 năm Chính Hòa thứ 17 (1696) đời Lê Hy Tông tại phủ của Tấn Quang Vương Trịnh Bính. Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670-1702) là cháu nội của chúa Trịnh Căn (1633-1709) và là con trưởng của Lương Mục Vương Trịnh Vịnh(1651-1678). Tấn Quang Vương sinh được 17 người con trai, con trai trưởng là Trịnh Cương sau này nối nghiệp chúa được tôn phong là Hy Tổ Nhân Vương.
Ngài là người có tâm với đạo, lại có trí tuệ hơn người, nên tổ Chân Nguyên đã trao pháp hiệu Như Như và hướng dẫn tu tập rất cẩn thận. Ít lâu sau tổ Chân Nguyên cho ngài về trong nom chùa Hàm Long ở huyện Quế Dương trấn Kinh Bắc. Từ đó ngài chuyên tâm tu luyện ở đây. Hiện trong chùa Hàm Long còn nhiều câu đối, đại, tự ca ngợi công đức của tổ Như Trừng.
Khi ngài viên tịch, các đệ tử sơn môn cũng cho dựng tòa tháp Cứu sinh bằng đá xanh ở đây. Quy mô và kích cỡ ở tháp Cứu Sinh tại chùa Hàm Long cũng rất lớn, so với các tòa tháp bằng đá thì tháp Cứu Sinh này chỉ chịu xếp sau tháp Tôn Đức ở chùa Bút Tháp huyện Thuận Thành, Bắc Ninh mà thôi. Ngoài chùa Liên Phái và chùa Hàm Long ra, tổ Như Trừng còn khai hóa chùa Hộ Quốc, nay thuộc phường Thanh Lương quận Hai Bà Trưng. Hiện trong khu nhà tổ của chùa Liên Phái còn tạc tượng tổ Cứu Sinh. Trên Tam bảo và trong nhà tổ còn có một số câu đối ghi lại sự tích tổ Như Trừng xây chùa thờ Phật.