Trang chủ Bài nổi bật Hà Nội: Chùa Đại Từ Ân – chốn thiền môn thanh tịnh

Hà Nội: Chùa Đại Từ Ân – chốn thiền môn thanh tịnh

4761

Chùa Đại Từ Ân tọa lạc tại khu sinh thái cao cấp Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Được xây dựng vào năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chùa có kiến trúc hình chữ công, xung quanh có ba dãy nhà bao bọc, phía trước là tam quan, hai bên có lầu chuông lầu khánh, bên ngoài là quảng trường rộng lớn với hồ Nhật Nguyệt, Đại tượng Phật A Di Đà, và thập bát La Hán, tạo nên một kiến trúc hoàn chỉnh theo truyền thống Phật giáo Đại thừa Bắc tông, kế thừa văn hóa Phật giáo cổ truyền 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.

Sở dĩ chùa có tên là Đại Từ Ân là do đức Đệ Tam pháp chủ Đại lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ giáo sắc xây dựng. Đại Từ Ân là nói đến ơn lớn của Đức Phật ra đời cứu độ chúng sinh. Trước khi khởi công ngôi chùa này chúng tôi được sang Ấn Độ chiêm bái các thánh tích của Đức Phật và may mắn thỉnh về được đất thiêng nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, chuyển pháp luân, và nhập Niết Bàn cùng xá lợi, kinh sách pháp khí Phật giáo. Sau đó lại được sang Trung Quốc viếng thăm chùa Bạch Mã (ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc) và chùa Đại Từ Ân nơi Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang sau khi sang Tây Trúc thỉnh kinh trở về đã ở đó để phiên dịch và đào tạo tăng tài, truyền bá Phật Pháp và thỉnh được bộ Đại Tạng kinh mang về cùng các pháp khí Phật giáo, do vậy đức Pháp chủ dạy rằng: “Nên lấy tên chùa là Đại Từ Ân hy vọng rằng nơi đây lưu giữ Tam tạng kinh điển của Phật giáo đồng thời là trung tâm nghiên cứu dịch thuật kinh điển và đào tạo Tăng tài như chùa Đại Từ Ân của Pháp sư Huyền Trang đời Đường vậy”

Ngày động thổ xây chùa được cung đón đức Đệ Tam Pháp Chủ Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Phó Pháp Chủ Hòa Thượng Thích Thanh Bích, Hòa Thượng phó chủ tịch thường trực Thích Thanh Tứ, cùng thập phương tăng già chứng minh gia trì.

Chùa được xây hai tầng, tầng trệt là Đại giảng đường, tầng trên là Đại Hùng bảo điện làm bằng gỗ lim tiền đường 7 gian, cổ diêm tám mái, hậu cung 5 gian hai lớp cổ diêm 12 mái, tiền đường nối với hậu cung bằng ống muống 3 gian bốn mái tạo thành chữ công (工). Đây là ngôi chùa có hệ thống tượng Phật thiếp vàng, giả cổ đẹp nhất hiện nay. Chính giữa Tam Bảo gồm có 5 lớp tượng từ dưới lên trên là tượng Cửu Long( Phật sơ sinh), hai bên là tượng Tuyết Sơn- Di Lặc, kế đến là tượng Đông Phương giáo chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (Phật thầy thuốc). Hai bên là Bồ Tát Nhật Quang và Nguyệt Quang. Kế đến là tượng Sa Bà giáo chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (Phật thầy giáo) hai bên là hai đại đệ tử Ca Diếp và A Nan. Kế đến là tượng Tây phương giáo chủ tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, hai bên là Bồ Tát Quán m và Thế Chí. Trên cùng là tượng Tam Thế Chư Phật.

Với ý nghĩa con người sinh ra, trưởng thành cho đến khi trở về với bản thể vũ trụ muốn đạt được hạnh phúc viên mãn cần phải có thầy thuốc bảo vệ sức khỏe (Dược Sư), thầy giáo khai mở trí tuệ (Bản Sư) và đời sống tâm linh, tinh thần viên mãn ( Đạo Sư). Hay nói cách khác vốn quí của con người là sức khỏe, trí tuệ và đạo đức. Cho nên Tam Bảo chùa Đại Từ n tôn thờ ba vị thầy vĩ đại của nhân loại đó là thầy thuốc, thầy giáo, thầy tâm linh. Hai bên Tam Bảo là tượng thập điện nhằm soi xét mười điều thiện cũng như mười điều ác của con người.

Phía sau Tam Bảo chính giữa là tượng đức Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn, biểu thị cho Phật đức viên mãn tròn sáng. Hai bên là tượng bốn vị Đại Bồ Tát biểu thị cho bốn đại hạnh nguyện của Phật là Bi- Trí- Hành- Nguyện. Đại Bi Cứu Khổ Quán Thế m; Đại Trí Tuệ Văn Thù Sư Lợi; Đại Hành Phổ Hiền Bồ Tát và Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên cạnh bốn đại bồ tát còn có tượng tám vị Kim Cương biểu thị cho chuyển tám thức thành bốn trí trong giáo nghĩa Đại Thừa.

Ngoài tiền đường tôn trí tượng Đức ông tức trưởng giả Cấp Cô Độc người đã trải vàng mua đất xây chùa cúng Phật. Tượng đức Thánh Hiền tức tôn giả A Nan đệ tử thân tín của đức Phật cũng chính là người kết tập Tam tạng kinh điển sau khi Phật nhập Niết Bàn.

Đặc biệt ngoài tiền đường còn tôn thờ tượng thân phụ và thân mẫu của đức Phật là Đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da để giáo dục hiếu đạo cho mọi người.

 

Hai bên là tượng Hộ pháp chư thiên hộ trì, bảo vệ Phật pháp.

Phía sau Tam Bảo là nhà tổ phụng thờ lịch đại tổ sư có công của Phật giáo Việt Nam trong việc hoằng pháp độ sinh.

Hai bên nhà tổ là thư viện lưu trữ Tam tạng kinh điển của Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam.

Hai dãy nhà tả hữu là giảng đường và văn phòng làm việc của trường Trung cấp Phật học Thành phố Hà Nội. Phía sau là ký túc xá, tăng đường, trai đường.

Đây là trung tâm đào tạo tăng tài cho Phật giáo thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đúng như tâm nguyện của đức Đệ Tam Pháp chủ. Chương trình đào tạo mỗi khóa là 4 năm, mỗi năm 10 tháng.

Phía trước sân chùa gồm có lầu chuông, lầu khánh, hoa viên cùng hai hàng tượng mười vị đại đệ tử xuất sắc nhất của đức Phật, với 10 phương diện khác nhau.

Bên phải là bảo tháp chín tầng, phía dưới bảo tháp là bảo tàng trưng bày các hiện vật, cổ vật của Phật giáo Việt Nam nhằm bảo tồn và phát huy lịch sử văn hóa mỹ thuật của Phật giáo Việt Nam phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, học tập, giảng dạy của nhà trường và khách thập phương.

Bảo tháp có tên là tháp Đa Bảo (nhiều của báu) tháp xây theo mô hình tháp Phổ Minh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trên đỉnh tháp có biểu tượng Ngọn bút viết lên trời xanh, tháp cao 32m. Biểu thị cho 32 tướng tốt của Đức Phật.

Bên trái là Hồ nghiên có hình Thái cực; Thái âm (mặt trăng) và Thái dương (mặt trời). Tháp vuông biểu tượng cho đất, nghiên tròn biểu tượng cho trời. Vào ngày hạ chí khi mặt trời ngả bóng về Tây thì bóng của ngọn bút tháp sẽ chấm vào nghiên mực.

Chiếu giữa lối lên Tam Bảo có khắc bản kinh Bát Nhã. Đây là bản kinh tinh túy của đạo Phật nói về trí tuệ vượt qua khổ đau sinh tử đến được an vui giải thoát giác ngộ.

Đó là biểu tượng của giáo dục: Bút, Nghiên và Sách.

Ngoài cửa tam quan có hai dãy linh thú mỗi bên 5 con lấy theo mẫu của chùa Phật Tích (thời Lý), biểu thị cho 5 giai đoạn cuộc đời của Đức Phật: Đản Sinh( voi trắng), Xuất gia (ngựa trắng), tu tập (trâu trắng), giác ngộ (tê giác trắng), thuyết pháp độ sinh (sư tử trắng).

Bên phải là vườn Lâm Tỳ Ni có đặt tượng Phật Đản Sinh, bên trái là vườn Lộc Uyển. Đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ Đề thuyết pháp cho năm anh em ông Kiều Trần Như đánh dấu thời điểm Tam Bảo được hình thành (sự ra đời của Phật giáo).

Phía trước Tam Bảo là quảng trường Cực Lạc, với trung tâm là đức Phật A Di Đà hộ quốc tiêu tai cao trên 15m, đặt trên đài cao 5m mang biểu tượng của Đàn xã tắc. Dưới đài sen là hình tròn biểu tượng cho trời vạn đức tròn đầy, kế tiếp là hình bệ vuông, biểu tượng cho đất, dưới là đài Bát giác biểu thị cho bốn phương tám hướng (bát quái), cũng là biểu tượng cho pháp tứ đế (vuông 4 cạnh) và bát Chính đạo (pháp luân tám nhánh).

Bốn góc đặt tượng Tứ Thiên Vương, bốn vị trời cai quản bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc hộ trì quốc gia và đạo Phật. 1. Đông phương Trí Quốc Thiên Vương; 2. Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương; 3. Tây phương Quảng Mục Thiên Vương; 4. Bắc phương Đa Văn Thiên Vương. Với ý nghĩa muốn hộ trì đất nước (trì quốc), phải làm cho Phật pháp phát triển (tăng trưởng), cần phải có cái nhìn sâu rộng (quảng mục) và học rộng nghe nhiều (đa văn). Toàn bộ tượng đài được đặt giữa hồ Nhật Nguyệt. Đó cũng là biểu tượng cho toàn thể vũ trụ vậy.

Ở giữa là trục tâm linh Bát chính đạo với tám đài sen trên có chữ Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật (đây là thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà hiện hữu ở nhân gian). Đó cũng là tám con đường chân chính đi đến giải thoát khổ đau: 1. Chính kiến; 2. chính tư duy; 3. chính ngữ; 4. chính nghiệp; 5. chính mạng; 6. chính tinh tiến; 7. chính niệm; 8. chính định.

Hai bên trục Phật đạo là tượng 18 vị La Hán lấy theo mẫu chùa Tây Phương được tạc bằng đá trắng biểu thị cho 18 phương pháp tu hành trong đạo Phật.

Ngoài ra chùa còn có hệ thống cây xanh, vườn hoa cây cảnh được trồng tỉa chăm sóc công phu, tạo nên phong cảnh hài hòa thanh tịnh chốn thiền môn, là nơi tu tập của tăng ni phật tử thủ đô Hà Nội, là nơi chiêm bái của nhân dân phật tử thập phương.


Nguồn: Chùa Đại Từ Ân