Đối với hầu hết mọi người, kể cả chư Tăng Ni thì việc thuyết trình, nói chuyện trước đám đông không phải là điều dễ dàng, nhưng lại là kỹ năng rất thiết thực và hấp dẫn. Vì thế, nhiều câu hỏi được đặt ra trong lớp học như làm thế nào cho đỡ run lúc ban đầu, khi nói trước đám đông có cảm giác hồi hộp, quên hết những điều mình muốn nói, làm thế nào buổi lễ được trang trọng, gặp những tình huống bất ngờ xảy ra nên xử lý thế nào, phải bắt đầu như thế nào khi đứng trước đám đông?
Chia sẻ với các học viên, TT. Thích Thanh Nhã cho rằng người dẫn chương trình phải nắm rõ nội dung, thành phần tham dự, chuẩn bị trước những nội dung cần thiết để tránh sự lúng túng. Đặc biệt phải tạo một phong cách chững chạc nét mặt hoan hỷ, dùng từ chính xác, với nghệ thuật diễn cảm âm điệu hấp dẫn (chính xác – linh hoạt – truyền cảm – nhiệt tình).
Ngoài ra, trang phục người dẫn chương trình phải lịch sự, uy nghi, đi đứng khoan thai. Muốn đạt được kết quả tốt đẹp trong buổi lễ, người dẫn chương trình phải nỗ lực học hỏi, luôn tâm niệm mình là “linh hồn của buổi lễ???!!!”
Thạc sĩ Vũ Văn Quang – Trưởng phòng giáo vụ TT Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình đã hướng dẫn Tăng Ni những kỹ năng cơ bản khi nói trước công chúng. Ông cho rằng trong khi dẫn chương trình, người dẫn phải xác định được mục tiêu thuyết trình là thông báo thông tin hay thuyết phục.
Người dẫn phải có khoảng lặng để thuyết phục, thay đổi nhịp điệu, ngữ điệu cao thấp, nhanh chậm tùy theo chương trình.
Người dẫn chương trình còn phải biết phỏng vấn, đặt câu hỏi thu thập thông tin càng nhiều càng tốt???!!!
Ông Vũ Văn Quang chia sẻ thêm rằng người thuyết trình cần sử dụng âm lượng lớn hơn thường ngày để lấy bình tĩnh, đặc biệt phải có kỹ năng phỏng vấn, đặt nhiều câu hỏi ( đóng , mở, khiêu khích ), giao lưu với công chúng bằng mắt, lấy uy lực để nhìn thẳng với người giao tiếp.
Để trở thành người dẫn chương trình giỏi cần phải luyện tập đọc sách 30 phút một ngày và phải biết viết lời dẫn, mào đầu chuẩn bị như cho một bài báo (Khi nào, ở đâu, cái gì , với ai, tại sao…) hàng ngày, phải cảm nhận âm thanh nhạc cảm, nói bằng âm lượng và ánh mắt, thuyết trình bằng tay…
Khóa bồi dưỡng kinh nghiệm xướng ngôn lễ hội Phật giáo diễn ra từ ngày 23 đến 28/6 do các vị giảng viên có kinh nghiệm trong nghệ thuật diễn giảng, xướng ngôn trước quần chúng chia sẻ.
Cũng nên nói thêm, việc tổ chức khóa bồi dưỡng kinh nghiệm xướng ngôn viên là điều rất cần thiết, nhất là cho chư Tăng Ni thường xuyên hoằng pháp hoặc chủ trì, dẫn các buổi lễ. Tuy nhiên, tổ chức bồi dưỡng một chuyên đề nghiêng về kỹ năng, nhất là kỹ năng thuyết trình với số lượng học viên quá nhiều, trong một hội trường lớn như vậy thì khó mà hiệu quả, không khéo thì trở thành “cưỡi ngựa xem hoa”.