Trang chủ Tin tức Hà Nội: Chính thức khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp...

Hà Nội: Chính thức khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (cập nhật hình ảnh lần 2)

780

Tới dự Đại lễ về phía Giáo hội PGVN có HT. Thích Phổ Tuệ – Đệ tam Pháp chủ, HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự, chư tôn đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và đại biểu đến từ các tỉnh thành hội Phật giáo.


Các vị khách quý tham dự lễ khai mạc có Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội: ông Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư, ông Trần Đức Lương – nguyên Chủ tịch Nước , ông Võ Văn Kiệt – nguyên Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn An – nguyên Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Nguyễn Duy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.






Đại lễ mở đầu bằng Lễ dâng hương, cúng dàng Tam bảo trang nghiêm, trịnh trọng theo các nghi thức đặc trưng của Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông. Tiếp đó, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão Nargis ở Myanmar và động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) vừa qua.



Sau Lễ dâng hương là màn biểu diễn múa Lục cúng và trình diễn bài ca “Vesak thiêng liêng”.  










Biểu diễn bài hát Vesak thiêng liêng




Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Mạnh Thát – Chủ tịch IOC phát biểu, nêu rõ sự hiện diện của các vị lãnh đạo Nhà nước, chư tôn thiền đức, ngoại giao đoàn và quan khách tới dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 đã làm nên sự trang nghiêm của Đại lễ và là vinh dự cho Ban tổ chức.



GS.TS. Lê Mạnh Thát cho rằng đạo Phật ra đời mang âm hưởng của tình thương và tuệ giác, giáo lý Phật giáo hàm chứa chất liệu chuyển hóa thân tâm, tạo nên những công trình nghệ thuật đồ sộ vượt thời gian, những nhân cách sống đã thấm sâu vào nền văn hóa của mỗi vùng, mỗi quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, đến hôm nay, nhân loại vẫn gặp những vấn đề khó khăn của chính mình. Với nền tảng của yêu thương và sáng suốt trong nhận thức, Phật giáo đã giải quyết các hệ lụy và chuyển hóa, thăng hoa, tạo nên một cuộc sống hạnh phúc.



GS.TS. Lê Mạnh Thát nhấn mạnh sự phát triển như vũ bão của các giá trị vật chất, của khoa học kỹ thuật và sự tụt hậu của nền tảng đạo đức truyền thống đã đặt cuộc sống con người vào sự bất an, xung đột, thiên tai, khủng hoảng, chiến tranh, đại dịch. Phật giáo có thể giải quyết các vấn đề đó bằng tình thương và trí tuệ. Chủ đề của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm nay là “Đóng góp của Phật giáo cho việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – không chỉ có tính thời sự ở Việt Nam mà đối với tất cả các nước trên thế giới.



GS.TS. Lê Mạnh Thát kết luận Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Việt Nam lần này là dịp tốt nhất để thọ nhận và phát huy di sản tâm linh của Đức Phật Thích Ca. Đại lễ tại Hà Nội là một biểu tượng điển hình về tầm vóc quan trọng có tính văn hóa quốc tế của ngày kỷ niệm Tam hợp của Đức Phật. Sự nỗ lực của các vị Đại biểu dự Đại lễ góp phần làm thế giới vơi bớt sợ hãi, lo lắng, mang lại bình an và hiểu biết cho nhân loại.



Tiếp đó, HT. Thích Từ Nhơn – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN lên đọc Diễn văn chào mừng của HT. Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Thích Trí Tịnh.



Hòa thượng Thích Từ Nhơn đọc lời chào mừng của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN


Diễn văn mở đầu “Bằng tình thần đoàn kết quốc tế và hữu nghị của tình Pháp lữ và nhân loại trên hành tinh này, quý vị đã đáp lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức quốc tế, quang lâm tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Phật giáo và sự đóng góp cho công bằng xã hội, dân chủ, văn minh” lần đầu tiên tại Việt Nam sau hơn 2000 năm Phật giáo có mặt tại Việt Nam.”



Diễn văn chào mừng viết tiếp “Có được ngày trọng đại hôm nay, trước hết được sự đồng thuận của Ủy ban Tổ chức quốc tế IOC, đứng đầu là HT. Dhamma Kosajarn và được khẳng định trong tuyên bố tại Bangkok – Thái Lan năm 2007, chấp thuận cho Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 tại Việt Nam.”


Diễn văn nhấn mạnh “Đây là một sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong trách nhiệm phát huy tinh thần Đạo Phật, Đạo của Từ bi, Trí tuệ và  Hòa bình, tạo sự liên hữu trong ngôi nhà Phật giáo khắp 5 châu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên đã thể hiện tinh thần cao cả ấy trong cộng đồng Phật giáo thế giới và khu vực trong thời kỳ hội nhập và phát triển.”


Diễn văn của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự nêu rõ ý nghĩa ngày lễ tam hợp “biểu thị một ý nghĩa viên mãn và phổ quát của các lĩnh vực: Từ bi, Trí huệ, Hòa bình, giáo dục, văn hóa, nhân bản của loài người mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại hơn 25 thế kỷ qua. Và cũng chính từ lẽ đó, Đức Phật không những chỉ là một đấng giáo chủ sáng lập Đạo Phật mà còn là một nhà giáo dục, văn hóa, hòa bình, đạo đức, xã hội và Đạo Phật là đạo Từ bi, Trí tuệ, Hòa bình và Văn hóa văn minh của nhân loại. Kỷ niệm ngày Vesak của các quốc gia, các truyền thống Hệ phái dù có khác nhau, nhưng đều đồng thuận tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ V tại Việt Nam đã nói lên ý nghĩa của sự tập hợp đoàn kết, hòa bình, thống nhất và hữu nghị trong tinh thần cao cả của ngày lễ Vesak.”


Diễn văn khẳng định các đại biểu dự  Đại lễ “nguyện sẽ nỗ lực làm tỏa sáng  ý nghĩa Vesak của Đạo Phật trong khắp cõi nhân gian và thế giới con người, mang thông điệp của Đức Phật đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế gian và biến những lời dạy của Đức Phật trở thành hiện thực, để cùng mang lại sự an vui, hạnh phúc, hòa bình, tịnh lạc, công bằng, dân chủ, văn minh của một xã hội phồn vinh, tiến bộ và phát triển của một thế giới trong lành, tịnh lạc, không có ô nhiễm, không còn vũ khí hạt nhân và chiến tranh hủy diệt, sống và chia sẻ với nhau bằng tình thương và đạo đức nhân bản của con người.”


Tiếp theo, Ngài Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch nước đọc diễn văn. Chủ tịch Nước bày tỏ niềm vui và hoan nghênh sự có mặt của đông đảo quý vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên khắp thế giới.



Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Đại lễ


Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức với quy mô quốc tế là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đại lễ được tổ chức với sự cổ súy của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, hòa hợp, hòa giải, vị tha, nhân ái đã có từ hơn 2500 trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay.



Chủ tịch nước nhấn mạnh Đại lễ Phật đản là cơ hội, là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, đồng thời chia sẻ và động viên nhau toàn tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống.



Chủ tịch nước hy vọng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm nay là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một Niết bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn xung đột, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con gười tới cuộc sống an vui.



Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam là nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân.


Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng Ni, Phật tử cả nước sống trong chính tín, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo… Những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo Việt nam luôn gắn Đạo với Đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.



Chủ tịch nước nói thêm: “Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, đóng góp cho đời sống xã hội, hướng con người tới chân thiện mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”



Sau phát biểu của Chủ tịch Nước, HT. Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN tuyên đọc thông điệp Phật đản Liên hợp quốc của Đức Pháp chủ GHPGVN.




Đọc thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Kin Moon tại Đại lễ, ông John Hendra, Điều phối viên UNDP tại Việt Nam nói, trong bối cảnh thế giới hiện nay, thông điệp của Đức Phật vì hòa bình, từ bi, tình thương đối với mọi sinh linh ngày càng trở nên khẩn thiết. 



 “Thông điệp đó nhắn nhủ mọi người cần mở rộng tấm lòng với đồng loại, những người đang cần sự giúp đỡ, đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ rằng chúng ta là bản thân duy nhất, đặt hạnh phúc của cộng đồng, toàn thể nhân loại ngang bằng hạnh phúc của chính mình. Những giáo lý thôi thúc chúng ta giải quyết những thách thức to lớn hơn mà thế giới đang gặp phải đó là hòa bình, an ninh và phát triển, bảo vệ môi trường. Trong mỗi lĩnh vực, phải thoát khỏi lợi ích cá nhân hẹp hòi, suy nghĩ và hành động như những thành viên của một cộng đồng chung. Đó là con đường đi tới giác ngộ, nền tảng của một thế giới tốt đẹp hơn”.


Phụ tá Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Noeleen Heyzer trong thông điệp chúc mừng gửi tới Đại lễ cũng khẳng định những lý tưởng cao cả của Đức Phật cho thấy có nhiều sự tương đồng giữa Phật giáo và Liên Hợp Quốc trong việc mưu cầu hạnh phúc, hòa bình cho cuộc sống nhân sinh.



Chúng ta có quyền hy vọng vào khả năng của Phật giáo trước những thách thức to lớn mà nhân loại đã và đang đối mặt như chiến tranh, bất công, xã hội, nghèo đói, ô nhiễm môi sinh…”


Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam đã nhận được và nghe nhiều thông điệp của lãnh đạo các nước trên thế giới, các tổ chức Phật giáo và tổ chức quốc tế như thông điệp của Tổng giám đốc Unessco, Cục trưởng cục tôn giáo Trung Quốc, Thủ tướng Úc Kenvin Rudd, Tổng thống Cộng hòa nhân dân Bangladesh, Thủ tướng Srilanka, Tăng thống Campuchia, Tăng thống Thái Lan, Tăng thống Campuchia, Pháp sư Học thành – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phật giáo Trung quốc, Pháp sư Thích Giác Nhiên – Pháp chủ Giáo hội Tăng già Khất sĩ trên thế giới…



Đại diện của UNESCO đọc thông điệp của ông Kochiro Matsuura, Tổng giám đốc UNESCO


































































Tin: Trọng Hoàng, Ảnh: Xuân Loan – Cẩm Vân và sưu tầm