Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Các Đạo tràng Phật tử trở về chùa Bằng nhân...

Hà Nội: Các Đạo tràng Phật tử trở về chùa Bằng nhân ngày “mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết Thầy”

Quan niệm “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” từ lâu đã sớm ăn sâu trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Câu nói đó không chỉ là lời nhắc nhở về thứ tự chúc Tết, thăm hỏi trong 3 ngày Tết mà nó còn là cách người Việt ta thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo" trong dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm.

81

Với phương thức “hành hương” cổ truyền nhằm mong muốn trở lại nét truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa của cha ông, những năm trở lại đây, tại chùa Bằng – Linh Tiên tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội), từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 Tết, hàng Phật tử tại gia từ các nơi đều trở về lễ Phật, lễ Tổ, đỉnh lễ Hòa thượng trụ trì nhằm tri ân công lao dạy dỗ giáo dưỡng của người Thầy khả kính.

Tại lễ đài chùa Bằng, trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi, hàng Phật tử đã được nghe những lời chỉ dạy tu tập của Hòa thượng trong năm mới, đồng thời cũng được đón nhận những Lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú và Kinh Phúc Đức – món quà lì xì đầy ý nghĩa của Hòa thượng trao tặng.

Theo quan niệm xưa, ngày mùng 1 là quan trọng nhất. Nó cũng ngày đầu tiên trong năm mới có tính chất tượng trưng cho sự khởi đầu. Vì vậy, mùng 1 Tết cha chính là có ý nhắc nhở hướng về nguồn cội. Bởi lẽ đó, ngay từ sáng sớm ngày mùng 1 Tết, Thầy và trò chùa Bằng đã lên tầng 13 của Bảo Tháp Báo Ân để đỉnh lễ Xá lợi Phật bằng lòng chí thành chí kính dâng lên cúng dàng lên Tam Bảo.

Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã gặp mặt Đạo tràng Pháp Hoa Hà Nội và nhân dân Phật tử thập phương nhân dịp đầu xuân mới Giáp Thìn. Tại đây, Hòa thượng đã ban bố thời pháp thoại đầu tiên của năm Giáp Thìn để nhắc nhở hàng Phật tử về truyền thống mà Chư Tổ đã dạy mỗi người Phật tử đó là “về chùa, lễ Phật, vãn cảnh, nghe thầy giảng kinh” trong ngày đầu xuân mới.

Trong thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ năm nay là năm con Rồng, tượng trưng cho sự uy quyền, sức mạnh và tinh thần vươn lên. Con Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Bốn con vật này tạo ra vẻ đẹp hoàn mỹ, cho cái “phú quý song toàn đinh tài lưỡng vượng”, bốn con vật này còn tượng trưng cho thế giới phẩm hạnh trọn vẹn được sắp xếp theo trật tự từ trên trời – dưới đất, trên cạn – dưới nước. Rồng được đứng đầu vì nó vừa bay được trên không, vừa là chủ của thế giới thủy cung, lại có thể hóa thành thân kiếp khác để đi ngao du trên cạn, nghĩa là một con vật toàn tài nhất. Đối với các đất nước Đông Nam Á xưa kia, Long và phượng chính là biểu trưng của Vua và Hoàng Hậu. Người Việt Nam ta còn gắn liền với truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên qua câu chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ.

Hòa thượng đã ôn lại lịch sử thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn, với những câu chuyện liên quan tới Rồng. Điển hình như việc Vua Lý Thái Tổ sau khi xem thuật phong thủy đã tin tưởng rằng vùng đất này có địa thế “Rồng cuộn hổ ngồi” rất thuận lợi. Hơn nữa khi dời đô, thuyền vua đến bờ sông Nhị Hà, lại thấy quang cảnh rồng bay lên trời nên nhà vua đã đổi tên thành Đại La thành Thăng Long (mùa thu năm 1010). Ngoài ra, nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích , ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh. Vì thế, rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc. Ở nhiều di tích, công trình xây dựng, rồng được khắc họa như biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn, là dấu hiệu thuận lợi cho nông nghiệp.

Áp dụng vào Phật pháp, chư Tổ Việt Nam cũng đều ví các bậc Tôn túc đạo cao đức trọng là bậc “Long tượng”. Năm 1981, toàn Đại hội đã dâng lên Đức Đệ Nhất Pháp Chủ một bức tranh hình ngôi chùa cổ kính bên cây đa cổ thụ, có hình con voi và hình con rồng, nhằm mượn phép thế gian áp dụng vào Phật giáo bày tỏ niềm tôn kính đối với bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam.

Qua đó, Hòa thượng hi vọng trong năm 2024, đất nước Việt Nam sẽ vươn mình bay cao như rồng bay. Và Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa cũng sẽ lấy những thành công đã đạt được trong năm 2023 làm tiền đề, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024, vươn lên như Rồng, đạt được những thành tựu về cả chất lượng và số lượng, tổ chức được khóa tu ở từng vùng để hướng tới khóa tổng tu tại chùa Tam Chúc vào tháng 9 âm lịch. Và để đạt được điều đó, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử “hãy tịnh hóa thân tâm thật trang nghiêm, lấy tu tập làm quan trọng, gạt bỏ hết những chướng duyên, vượt qua khó khăn trở ngại để cùng nhau xây dựng Đạo tràng Pháp Hoa thật vững chãi trong chính pháp của Đức Thế Tôn”.

Nhân dịp đầu xuân trở về chùa, Đạo tràng Pháp Hoa cũng cùng nhau tụng Thời Kinh Dược Sư cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, Phật pháp xương minh.

Sáng sớm ngày “Mùng 3 Tết Thầy”, đông đảo đạo tràng Pháp Hoa chúng Mọc Quan Nhân – Hà Nội đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng ân sư của đạo tràng Pháp Hoa nhân dịp đầu xuân mới. Tại đây, Hòa thượng đã tán thán các Phật tử đạo tràng chúng Mọc Quan Nhân trong việc tinh tiến tu tập, giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, noi theo gương chư Tổ về chùa lễ Phật, vãng cảnh, nghe thầy giảng kinh. Nhân ngày “mùng 3 Tết Thầy”, Hòa thượng đã nhấn mạnh tới đại chúng về tầm quan trọng của những người Thầy trong cuộc sống mỗi người. “Trong Đạo, có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Thầy hướng Đạo cho chúng ta, có Đại lão Hòa thượng Đệ tứ Pháp Chủ GHPGVN là Bậc Tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa, có chư vị Tôn đức là Thầy của chúng ta…. Còn ở thế gian, ngoài cha mẹ thầy cô giáo thì mỗi người xuất hiện trong cuộc sống của ta đều là Thầy của ta, vì họ dạy cho ta những bài học khác nhau trong đời”.

Hòa thượng sách tấn đại chúng trong năm mới hãy giữ vững niềm tin kiên cố của một người Phật tử. Đặc biệt hãy giữ gìn những nề nếp mà tổ tiên đã để lại, nề nếp đó chính là từ ngôi chùa, ngôi đền, văn miếu, các di chỉ…bởi đó chính là những giá trị văn hóa to lớn, là kho báu quý giá không gì có thể so sánh được.

Cũng trong ngày này, rất nhiều phái đoàn đã về lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng nhân dịp đầu xuân mới như phái đoàn chùa Bà Đá, chùa Hoa Nghiêm, chùa Quảng Luận, chùa Doãn, Tịnh Độ Đạo Tràng…. Hòa thượng đều bày tỏ niềm hoan hỷ khi thấy các Phật tử trở về chùa trong ngày mùng 3 theo đúng nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Hòa thượng khuyến tấn các Phật tử đừng chấp vào chuyện mỗi ngày phải đi lễ bao nhiêu chùa, mà hãy luôn giữ tâm thanh tịnh khi đi chùa, không vội vàng, trước nhất phải quy kính Tam Bảo, kính lễ Tổ sư, thăm thầy trụ trì, vãng cảnh để thấy được cảnh đẹp của ngôi chùa mà Tổ tiên ta đã tạo dựng và các vị sư hiện nay đang giữ gìn, bảo lưu và phát huy.

Đạo tràng chùa Bà Đá

Đạo tràng Pháp Hoa Hải Phòng, Đạo tràng chùa Hoa Nghiêm (thường Tín) do Đại đức trụ trì Thích Quảng Tín và Đạo tràng chùa Doãn – Hà Nam do Đại đức Thích Quảng Tri hướng dẫn đã về lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng nhân dịp đầu xuân mới

Đoàn Phật tử Tịnh Độ Đạo Tràng

Đại diện các Phật tử trong khu dân cư Bằng Liệt ra khánh tuế Hòa thượng trụ trì

Sáng mùng 4, Đạo tràng Pháp Hoa chùa Bằng đã cùng nhau vân tập về nơi lễ đường, dâng lời khánh tuế Hòa thượng ân sư nhân dịp đầu xuân mới. Trước khi Đạo tràng đi hành hương du xuân, Hòa thượng cũng đã có lời đạo từ ngắn ôn lại những ngày đầu khi Thầy mới trở về trụ trì ngôi chùa Bằng nơi đây. Trong niềm xúc động, Hòa thượng bày tỏ sự tri ân tới những người Phật tử đã luôn đồng hành trợ duyên cùng Thầy từ những ngày đầu, đồng thời cảm niệm công đức tới những người Phật tử đã âm thầm phụng sự ngôi Tam Bảo chùa Bằng. Nhân dịp đầu xuân mới, Hòa thượng cũng gửi lời chúc năm mới tốt đẹp, an lành tới quý Phật tử, đồng thời mong rằng các Phật tử sẽ nỗ lực tinh tiến tu tập, cùng hộ trì cho Hòa thượng và chư Tăng để xây dựng Phật pháp ngày càng phát triển qua những hoạt động Phật sự “lợi đạo, ích đời”.

Diệu Tường