Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Bế mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống lần thứ...

Hà Nội: Bế mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống lần thứ XIX tại chùa Bằng

Ngày 10/10/2024, tức ngày 8/9/Giáp Thìn, Pháp hội Dược Sư truyền thống lần thứ XIX tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với sự tham gia của đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã thành tựu viên mãn. 

55

Trong ngày bế mạc này, đại chúng được lắng nghe bài pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban văn hóa TW với chủ đề “Tu hành”.

Mở đầu, Hòa thượng đã giải thích ý nghĩa của hai chữ Tu Hành. Theo đó, tu tức sửa đổi. Hành tức hành vi. Tu hành có nghĩa là sửa đổi hành vi: Lời nói – Việc làm – Suy nghĩ. Nếu ba hành vi này sai lệch chưa đúng với chính pháp thì người Phật tử cần sửa lại cho đúng. Chính pháp nghĩa là lời nói – việc làm và suy nghĩ đem lại niềm vui cho chính mình và cho mọi người. Còn điều gì không đem lại lợi ích cho mình và cho người thì cần điều chỉnh. Những người thực hành giáo lý của Đức Phật đều gọi là đang tu hành.

Hơn hết, hành giả tu tập cần luôn tâm niệm “Miệng niệm Phật, ý quán tưởng Đức Phật, mắt chiêm ngưỡng Đức Phật. Tu là chuyển nghiệp thì tướng lành hiện ra.

“Mỗi người siêng năng tập sửa đổi

Hành vi bất thiện sang thiện lành

Nói thiện làm thiện và nghĩ thiện

Phúc đức nội tâm tự sáng ngời.

Nghiệp chướng bao đời dần tan biến

Phật tính nội tâm dần hiển bày

Gia đình xã hội được thăng hoa

Sáng đạo trong đời ở nơi ta”.

“Nếu mỗi người lúc nào cũng đại bi, đại từ, đại hỷ, đại xả thì Phật luôn hiện diện trong ta. Còn nếu không, ta sẽ bị chi phối bởi tham sân si của chính mình và của chúng sinh. Một xã hội bình yên là xã hội mà mọi người sống trong đó không làm ác, nghĩ ác. An lạc do chính con người tạo ra. Vì vậy, nếu luôn hành thiện, nghĩ thiện thì thân tâm an lạc, xã hội bình yên” – Hòa thượng Giảng sư chia sẻ.

Sau đó, Hòa thượng cũng giảng giải cho đại chúng mục đích của việc tu hành. Đó là để tìm an lạc, hạnh phúc trong chính mình, gia đình và cộng đồng xã hội. Muốn an lạc thì phải giải thoát. Giải thoát khỏi phiền não, tham – sân – si -mạn – nghi – tà – ác kiến, tài – sắc – danh – thực, sắc – thanh – hương – vị – xúc – pháp…và không bị những chướng ngại này sai khiến. Song, muốn được giải thoát phải có phương pháp. Phương pháp tu hành theo lời dạy của chư Phật chính là sự giác ngộ. Giác ngộ là sự nhận thức, hiểu biết những lời dạy, chân lý của Đức Phật. Giác ngộ về sự khổ – không – vô thường – vô ngã. Con người và vạn vật đều bị chi phối bởi những điều này. Hiểu nên không chấp thủ. Sống có định hướng, có ý nghĩa. Chết có định hướng, có ý nghĩa. Sau nhận thức thì ứng dụng tu hành, để từ đó phiền não nghiệp chướng sẽ giảm bớt đi, giúp con người đạt được an lạc hạnh phúc; cân bằng thân khỏe, tâm an.

Sau cùng, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử “Người tu học lấy Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ, Bát chính đạo, Kinh Chuyển Pháp Luân làm nền tảng và kim chỉ nam để tu học trên con đường giải thoát an vui. Muốn chứng được đạo thì phải tu đạo. Muốn tu đạo thì phải tiến đạo bằng nhận thức tu hành sao cho đúng. Nhận thức đúng, ứng dụng tu hành đúng thì kết quả đúng, tạo quả an lành, đạt giải thoát“.

Sau đó, toàn thể đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Dược Sư thời khóa sáng và chiều bằng tất cả sự chí thành chí kính của những người con Phật, hồi hướng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân ấm no hạnh phúc. Sau cùng là nghi thức dâng biểu tạ đàn, cúng chúc thực, bố thí âm linh cô hồn để kết thúc Pháp hội. Thật đúng với lời Kinh Dược Sư chỉ dạy, Tài Pháp nhị thí, lợi ích chúng sinh.

Pháp hội Dược Sư đã hoàn mãn trong niềm hoan hỷ của toàn thể hội chúng.

 

Trước đó ngày 09/10, buổi sáng đã được lắng nghe Đại đức Thích An Đạt – Ủy viên HĐTS, Phó tổng biên tập Kênh truyền hình An Viên chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề “Bình An”.

Theo Đại đức Giảng sư, Bình an là một trạng thái thong dong tự tại trong tâm thức và thân thể của mỗi người. Nếu có trạng thái này, con người sẽ có chất liệu của bình an và an lạc trong đó.

Khóa tu Dược Sư ngoài việc hướng dẫn hành giả thực tập để thân thể được bình an, còn tạo cho hành giả một môi trường an lạc, thẩm thấu vào trong mình, lan tỏa đến những người xung quanh, đem đến kết quả bình an cho những người xung quanh.

Cũng theo Đại đức chia sẻ, mỗi người sinh ra ở cõi Ta bà này đều có nỗi khổ khác nhau. Khổ đau và hạnh phúc hiện hữu trong mỗi người. Bắt nguồn từ chữ “Có” và “Không”. Sự mong muốn về tiền tài, địa vị, vật chất…dẫn dắt đến sự tìm cầu. Khi tìm cầu thiếu tỉnh giác, chính niệm thì xuất hiện khổ đau, bất an và không hạnh phúc. Cuộc đời này ta mong muốn không tật bệnh, tai họa, phiền não nhưng mong cầu này là không thể. Vì vậy song song với việc tạo tác, nỗ lực thì ta phải biết tu tập để chuyển hóa và tạo bình an cho chính mình.

Khép lại thời pháp thoại, Đại đức nhấn mạnh “Con người muốn được bình an cần phải biết buông bỏ. Buông bỏ điều không tốt trong chính mình, từ lời nói – suy nghĩ – việc làm. Không làm điều ác, chỉ làm điều lành, giữ tâm ý trong sạch. Buông được ba điều này chính là đang tập buông bỏ một phần tiêu cực trong tâm hồn. Không buông bỏ thì không thể có bình an. Hãy học cách tha thứ cho người và cho mình, để bình an hiện hữu. Khi ta có bình an, đi đến đâu, cũng sẽ lan tỏa tới mọi người, tạo nên môi trường bình an như thế giới Cực lạc ở ngay cõi Ta bà này“.

Chiều ngày 9/10 là thời pháp thoại về “Lợi ích của việc thụ trì Kinh Dược Sư” mà Sư cô Thích Nữ Tịnh Đức – Ni sinh lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc chia sẻ tới hàng Phật tử về tham dự Pháp hội.

Mở đầu thời pháp, Sư cô chia sẻ khái niệm của việc Thụ trì, chính là tiếp nhận, gìn giữ, thực hành, tu tập để chuyển hóa. Theo tinh thần kinh Dược Sư, thụ trì là gìn giữ nghĩa lý kinh Dược Sư để từ đó tu tập mỗi ngày.

Nói đến thụ trì Kinh là một phần của thụ trình Pháp, là chân lý, sự thật Đức Phật đã dạy qua sự chứng ngộ. Việc ta thụ trì pháp Dược Sư là ta tin tưởng những lời Đức Phật Dược Sư đã dạy, tư duy, phân tích nghĩa lý Kinh từ đó tinh tiến mỗi ngày để tu tập chuyển hóa. Khi ta thụ trì Kinh, ta có thể áp dụng cho chính bản thân mình để có lợi ích thiết thực.

Qua đó, Sư cô giảng sư chia sẻ về cách thực hành theo Kinh Dược Sư. Đầu tiên là phải kính, tin Đức Phật Dược Sư. Không có niềm tin, việc tu tập sẽ không bao giờ thành. Tiếp đến đọc tụng kinh Dược Sư, niệm danh hiệu Ngài, trì chú Dược Sư. Những điều này thể hiện sự hành trì của chúng ta với kinh Dược Sư, từ đó chuyển hóa tham – sân – si. Bên cạnh đó, ta còn biên chép ấn tống kinh Dược Sư, nhất tâm nghe và chịu nhớ lấy nghĩa; diễn thuyết, hành trì giảng kinh Dược Sư cho nhiều người nghe, để kinh ở nơi trang trọng. Treo phướn, phan lọng trang nghiêm. Lấy sợi ngũ sắc làm túi đựng Kinh. Ngũ sắc vừa thể hiện Ngũ căn, vừa thể hiện Ngũ trí của Như Lai. Thiết lập đàn Dược Sư, giữ tâm thanh tịnh để hành trì và lễ niệm. Để thể hiện lòng thành kính, tin tưởng tuyệt đối dành cho Đức Phật Dược Sư, cần trang nghiêm 7 ngày 7 đêm giữ bát quan trai giới. Bởi con số 7 là con số viên mãn, tràn đầy trong việc tu tập.

Có như vậy, sẽ được những lợi ích thiết thực như Tiêu tai giải bệnh, không phải đọa vào các đường ác, được chư Phật và chư vị Bồ tát hộ niệm, được đạo quả Bồ đề. Đây là đích mà hành giả hướng tới.

Cuối cùng, Sư cô Giảng sư mong rằng các Phật tử cần trau dồi, huân tập thói quen, dùng tất cả tâm trí an trú trong câu niệm Phật cũng như trong tư duy để chuyển hóa tham sân si từ bên trong, nghiệp chướng tiêu trừ, thân tâm an lạc, cuộc sống được bình an.

 

Diệu Tường – Ban TTTT Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc