Hà Nam: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Mậu
Vừa qua, nhân Tạ lễ Quan Thế Âm Bồ Tát, nhận lời mời của ĐĐ Thích Thanh Viên – Trụ trì chùa Mậu Chữ (thôn Đồi Ngang, xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), sáng ngày 30/4/2013 (nhằm ngày 21/03/Quý Tỵ), TT Thích Chân Quang (BRVT) đã quang lâm Đạo tràng viếng thăm và thuyết giảng cho hàng Phật tử về đề tài TÂM TỊNH THÌ ĐỘ TỊNH
Đến tham dự buổi Pháp thoại có các chư Tăng Ni trong tỉnh Hà Nam, cùng đông đảo nhân dân và Phật tử địa phương
Tại buổi giảng pháp, Thượng toạ trình bày nguyên nhân sự ra đời của các tôn giáo. Và do bản chất hay ý nghĩa của sự sống hữu tình là tìm sướng tránh khổ nên các tôn giáo thi nhau dựng lên hình ảnh về các cõi giới sau khi ta chết. Trong đạo Phật cũng có cõi trời, gồm nhiều tầng trời khác nhau, mỗi tầng trời có một đặc tính riêng. Tuy nhiên, con người cũng chưa thoả mãn với cõi trời. Sau này, sau Phật 700 năm, có vị Tổ viết bộ kinh giới thiệu về cõi Tịnh độ còn cao hơn cõi trời. Và chúng ta cứ đi tìm cõi giới sau khi chết.
Khi thấy con người ta cứ mải đi tìm một cõi vui sau khi chết, các vị Thánh mới cảnh tỉnh con người về đạo lý này, cho rằng “Thật sự cái vui không phải là mục tiêu để ta đi tìm trong đạo giải thoát giác ngộ mà cái tịnh (sự thanh tịnh) mới là mục tiêu ta đi tìm”, tức tâm bình an, đó mới là cứu kính.
Vui vẫn là cái động. Còn động loạn thì còn trầm luân sinh tử. Nhờ các vị cảnh giác mà ta thấy đúng vậy! con người ta cứ trốn khổ tìm vui nhưng đâu ngờ khổ là động loạn mà vui cũng động loạn chẳng kém gì. Và cuộc vui nào kéo dài cũng đều trở thành nhàm chán, mà nếu kéo dài hơn nữa thì thành thảm họa, đau khổ. Vì vậy những bậc Giác ngộ cho ta biết, cái ta đi tìm để được sự bền vững không phải là cái vui để chống lại cái khổ, thay thế cái khổ này chính là cái tịnh. Cái thanh tịnh đó mới bền vững, không bị hoại diệt, bởi vì không khổ, không vui, mới thoát được trầm luân sinh tử. Cái đó mới là mục tiêu.
Và để đi tìm cái mục tiêu đó, các Ngài nhắc ta rằng “Tâm tịnh thì độ tịnh” nghĩa là nếu tâm ta thanh tịnh thì quốc độ ta ở cũng sẽ thanh tịnh. Câu ngắn gọn này chứa đựng trong đó biết bao là đạo lý cao quý.
Đứng trên góc độ cái nhìn của đạo Phật, Thượng toạ phân tích về ý nghĩa của câu “Tâm tịnh thì độ tịnh” bao gồm:
– Nghĩa thứ nhất thuộc về nhân quả nghiệp báo. Nếu ai đang lúc còn sống mà tu tập để tâm được thanh tịnh thì khi chết người đó sinh về cõi tịnh. Ngược lại, tâm loạn (còn phiền não, sân si, hơn thua, ích kỷ) thì chỗ ta về là một cõi bất an. Cõi bất an đó có thể là tầng trời thấp thấp, có thể là cõi Atula, cõi người; nặng hơn nữa là súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Còn như lúc sống, ta có đời sống tu hành thánh thiện, thanh tịnh thì khi bỏ thân này, tự nhiên ta sẽ về cõi thanh tịnh. Đó là những tầng trời khá cao như Ngài Hư Vân nói tâm của mọi người vui như ở trong tam thiền, tức là cả không gian trong lòng người lúc nào cũng thanh tịnh, nên cõi tịnh nó ứng với cõi tâm của ta. Vì vậy ta tu làm sao mà giữ được tâm mình thanh tịnh thì đó là con đường đi về cõi tịnh.
Dấu hiệu một người chết sinh về cõi cao siêu: Nơi người đó mất là chỗ sạch sẽ; người đó mất trong tư thế đẹp; nét mặt rất đẹp; nếu trong đêm ta sẽ thấy ánh sáng chiếu cả vùng vì có Chư thiên về đó; dù đêm hay ngày thường có mùi thơm toả ra; xác để lâu ngày không bốc mùi mà gương mặt cứ tươi tỉnh.
Cùng niệm Phật A Di Đà giống nhau nhưng có người lúc chết có dấu hiệu sinh về cõi cao, nhưng cũng có người lúc chết không có dấu hiệu gì đặc biệt.Tuy nhiên một vài người có dấu hiệu phi thường, chứng tò sinh lên cõi cao, ta nhìn đời sống người đó sẽ thấy, lúc sống họ sống thanh tịnh, đạo đức, hiền lành vị tha, tử tế… Do có những nhân quả, lại thêm khi chết có những dấu hiệu phi thường thì người đó sinh về cõi tịnh. Đúng là tâm tịnh thì độ tịnh. Có nhiều người ráng niệm Phật nhưng quên mất cái tâm thanh tịnh, nên lúc chết không có dấu hiệu gì đặc biệt. Do công đức một đời không đủ, thường phải tái sinh để tu tiếp. Ta đừng nghĩ bởi một công thức gì đặc biệt mà dễ vãng sinh. Phải có cái giá của nó vì cõi thanh tịnh đó đòi ta giá rất đắt lúc sống.
– Cái ý nghĩa thứ hai của câu nói “Tâm tịnh thì độ tịnh”, nó thuộc về triết học. Nếu tâm ta tịnh thì ta hóa giải được những xung đột chung quanh trong cuộc sống này và ta góp phần xây dựng một thế giới hòa bình an lạc ngay trong hiện tại. Nên “Tâm tịnh thì dộ tịnh” là như vậy, Trong cuộc sống này vốn nhiều xung đột. Ngay trong gia đình vì quyền lợi nhiều khi cũng xãy ra xung đột giữa cha mẹ với con cái, vợ chồng bất hoà với nhau, thân quyến có khi gây gổ khó chịu; rồi láng giềng và mở rộng ra cả thế giới cũng đánh giết nhau từng ngày. Cho nên thế giới này là cõi đầy xung đột.
Để cho thế giới hết xung đột, ta hay cầu nguyện xin cho thế giới được hoà bình. Chư Tổ dạy ta hãy làm cho tâm tịnh thì thế giới sẽ thanh tịnh. Các nhà chính trị thì bằng quyền lực của mình đi dàn xếp chuyện này chuyện kia để mong con người đừng đánh giết nhau nữa. Các nhà xã hội thì đi tìm phương pháp làm sao an sinh, là dân số đừng tăng nhiều quá khiến cho người ta vì cần thêm lương thực, cần thêm nguồn nước mà tranh chấp, đánh nhau. Các nhà khoa học thì đi tìm giải pháp khác… tức là mỗi người tìm cách nào đó để xử lý cho thế giới này đừng xung đột nữa. Thậm chí các nhà đạo học cũng vậy, nói theo nhân quả nên luôn khuyên mọi người hạn chế sát sinh, ăn chay nhiều thì thế giới sẽ hoà bình an lạc. Riêng những bậc Thánh đức giác ngộ thì dạy rằng “Hoà bình của thế giới bắt đầu từ nội tâm của tất cả loài người. Làm sao cho tâm con người được tịnh thì thế giới sẽ thanh tịnh, hết xung đột”. Đây là lãnh vực lớn khó thực hiện.
Để thực tế hơn, Thượng toạ nói ở lãnh vực nhỏ là trong khung cảnh gần gủi như: gia đình, đồng nghiệp, láng giềng… nếu tâm ta thanh tịnh thì cuộc sống của ta và của mọi người chung quanh bỗng nhiên bớt xung đột. Đó là do chính ta không oán thù, không ghét ai, không rót thêm sự xung đột vào cuộc đời này. Nếu có rót vào thì ta rót sự yêu thương, hiền lành, từ bi, tử tế. Ta nói những điều làm mọi người lắng tâm lại, không ghét nhau nữa, đó chính vì tâm ta tịnh, nên xây dựng thế giới xung quanh cũng bắt đầu thanh tịnh từ từ. Công đức cũng từ đó phát sinh. Và chính nhờ công đức trong khi sống ta làm cho mọi người chung quanh mình được an vui tử tế với nhau, nên khi chết được về cõi lành.
Để lúc sống ta có thể làm cho mọi người an vui thanh tịnh thì tâm ta phải thanh tịnh. Nguyên tắc là như vậy, mà nhân quả cũng vậy và thực tế cuộc sống cũng không thể khác hơn như thế. Tuy nhiên, ở đây các vị Thánh đức nói lớn hơn là không chỉ ta với những người chung quanh, mà nếu nhiều người, rất nhiều người tâm được thanh tịnh thì thế giới này sẽ thanh tịnh, chấm dứt xung đột. Vì vậy con đường ta theo đuổi là tu tập thế nào để tâm được thanh tịnh và giúp cho mọi người tâm được thanh tịnh. Đây là lý tưởng cao đẹp nhất của đời người. Tuy trong cuộc sống những sự giúp đỡ qua lại cũng rất quý nhưng không phải là đỉnh cao, nó không là bền vững, chỉ khi nào ta giúp được mọi người tìm được một nội tâm thanh tịnh, đây mới là hạnh phúc bền vững ta tặng cho đời, vì cái tâm thanh tịnh mà nếu lây lan càng lúc càng nhiều thì thế giới này thành một cõi tịnh độ thiên đường, xung đột sẽ biến mất, chiến tranh sẽ chấm dứt, con người sống với nhau rất hạnh phúc.
Như ta biết cuộc sống này vốn bất an, trắc trở, nhiều thăng trầm, cái nghiệp đời trước của chúng ta không phải là tốt, nhiều kiếp chúng ta vô minh, không biết đạo, ta đã gây ra nghiệp bất thiện. Ta từng hại người này, làm khổ người kia, và kiếp này quả báo tới, khiến ta chịu nhiều đau khổ, bất trắc, nhưng nếu trong kiếp này ta biết tinh tấn tu tập để cho nội tâm được thanh tịnh và làm những điều công đức cho đời thì đến lúc phải trả nghiệp, ta lại được Hộ pháp, Chư thiên che chở bảo hộ cho bớt khổ, không quá nặng nề, vì các Ngài yêu quý những người có được nội tâm thanh tịnh. Do đó chư Tổ thường dạy rằng “Sám hối chân chính là cố gắng làm cho tâm mình được thanh tịnh”. Đó là ý nghĩa thứ ba của câu nói “Tâm tịnh thì độ tịnh”.
Ý nghĩa thứ 4, cuộc đời vốn là bất an xao động, khi thì thuận, khi thì nghịch với ta, nhưng nếu tâm ta bất động trước mọi cảnh thì cõi giới này coi như thanh tịnh. Như vậy “Tâm tịnh tức là độ tịnh”. Ý nghĩa này mới cao siêu, ta tu làm sao để đạt được mức độ này.
Và cái Tâm tịnh thì độ tịnh này cũng có cái nghĩa sâu cạn khác nhau, như có người tịnh rất sâu (bất động hoàn toàn), người này khi chết sinh về cõi giới rất cao; nhưng có người cũng tịnh mà tịnh cạn hơn thì sinh về cõi giới thấp. Cũng vậy, có những vị trở lại cõi này để tiếp tục tu hành và giáo hoá, với những vị tâm tịnh mà cạn thì tu hành phải gắng công hơn mới có kết quả, đồng thời việc giáo hoá cũng hạn chế. Còn những vị đạt cái tịnh sâu hơn nếu phải trở lại cõi này, họ nhanh chóng đắt những quả vị cao siêu, thành những vị Tổ lừng lẫy, truyền đời lại lâu dài. Nên nói “Tâm tịnh thì độ tịnh” thì cái tịnh này có cạn sâu khác nhau. Do đó ta cố gắng tu hành để tâm thanh tịnh càng sâu thì càng tốt.
Nhưng để được tâm thanh tịnh thì cần hai điều: Một là công đức phải lớn và hai là tu cho đúng với chánh pháp. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên để lập thành công đức vô lượng chỉ có được khi ta xác định lý tưởng không sống cho mình nữa, mà sống cho nhân quần, sống cho đạo pháp, sống đất nước và sống cho nhân loại. Để gọi là “Không sống cho mình nữa”, mỗi phật tử phải suy nghiệm 3 năm mới hiểu ra và thực hành cho được rồi đem đạo lý này dạy cho mọi người chung quanh, trong đó mỗi lời nói của ta được chứng thực bằng nội tâm, bằng cả cuộc sống của mình. Còn tu cho đúng chánh pháp là ta ứng dụng đúng cái lõi của đạo Phật, đó là tin hiểu sâu Luật Nhân Quả và thiền định đúng kỹ thuật để được vô ngã.
Để tâm được thanh tịnh, Thượng tọa nhắc nhở ta đừng sống mưu mô, thủ đoạn, tính toán mà cố gắng sống bằng đạo lý theo đúng lời Phật dạy và nên biết khi chiến đấu với lỗi lầm của mình là một quá trình vất vả, lâu dài và cao quý. Cho nên con đường tu hành đạt được cái tâm tịnh để độ tịnh (cõi tịnh, nhân sinh tịnh, chúng sinh tịnh) là cuộc chiến đấu với nội tâm mình là lâu dài và vất vả. Do đó con đường tu nào mà nói trước rằng « Ta phải tu trải qua rất nhiều kiếp để chiến đấu với chính mình, tịnh hóa tâm hồn mình », đó là lời nói chân chính. Khi ta bước vào tu hành là bước vào cuộc cuộc chiến đấu cô độc, vì không có quân thù trước mặt, chỉ có chính ta mà thôi.
Những dấu hiệu để nhận biết tâm ta đã tịnh, đó là trong cuộc sống ta bớt sai lầm; lời nói, ý nghĩ chân chính từ từ và nhìn thấy được lỗi của mình trước kia. Nếu tâm ta cứ tịnh dần dần thì cõi nhân gian này cũng sẽ được tịnh hóa dần.
Bài Pháp thoại đã kết thúc nhưng âm hưởng như vẫn còn đọng lại, làm thỏa mản tri thức người nghe trong ý nghĩa của đạo lý “Tâm tịnh thì độ tịnh” ./.
Dưới đây là hình ảnh toàn cảnh buổi Pháp thoại do TT Thích Chân Quang chia sẻ với quý Phật tử diễn ra tại chùa Mậu Chử – Hà Nam: