Trang chủ Văn hóa Du lịch "Hạ Liên lan" tỏa hương

"Hạ Liên lan" tỏa hương

76

Huyền thoại chùa Đại Bi

Theo đường 21B từ Hà Đông tới Bình Đà rẽ trái là đã về đến làng Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi nổi danh với cây sen đất. Trong khuôn viên chùa Đại Bi làng Bối, tấm biển “hoa sen đất” làm bằng đá được đặt trang trọng như nhắc khách thập phương nhớ đến một linh vật của làng. Sư thầy Đàm Phượng, chùa Đại Bi khẳng định: Từ thời các cụ trụ trì trước đây mấy trăm năm thì vẫn cứ gọi là sen đất. Tên gọi này có nguồn gốc từ dân gian.  

Có một điều lạ, cây sen đất tổ duy nhất còn sót lại phía sau chùa, hơn 40 lần bị người ta chiết cành đem đi nơi khác trồng đều không được. Có người bảo linh khí của cây nhớ đất tổ nên chẳng chịu hợp thổ nơi khác. Có người lại bảo sở dĩ cây tồn tại qua hàng trăm năm nay là nhờ uống nước nguồn của con sông Đỗ Động chảy qua làng. Bằng chứng là chỉ hai cây sen đất được chiết từ hơn 40 cành cây tổ là sống được tại chùa làng Bối Khê hiện nay. Hai cây sen này, giờ đã vươn cao chạm mái đình, mùa nào cũng đơm hoa dù trước đó trong thời gian cải tạo chùa, nó là nơi tập trung vật liệu xây dựng của cánh thợ.

Bác Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban bảo vệ di tích chùa là người có chăm chút cho hai cây sen này lớn lên, kể lại: “Xót xa lắm chứ, người ta đâu biết giống cây này là bảo bối của làng chúng tôi nên cứ tập trung cát sỏi vôi vữa cạnh gốc cây. Ba năm trời trùng tu chùa là ba năm phải dọn dẹp chỗ họ bày bừa để có chỗ chăm bẵm, tưới tắm hằng ngày cho cây. Không phụ công người chăm bẵm, hai cây hoa nhỏ đã vươn lên”. Tấm biển bằng đá có hẳn bức ảnh giới thiệu về hoa được trân trọng dựng hai bên lối vào chùa. Các cụ trong làng không giấu nổi tự hào vẫn ví hai cây hoa như hai vị bồ tát canh giữ cửa thiền, là tấm gương để nhân gian soi vào giũ sạch bụi trần trước khi chiêm bái đức Phật tổ. Để bảo tồn linh vật của làng, các bô lão Bối Khê đã quyết định không cho phép chiết cành sen đất đi nơi khác.

Và câu chuyện nhà họ Phạm

Theo sư thầy Đàm Phượng, không chỉ chùa làng Bối mới có giống sen đất mà ở Hà Nội, trong khuôn viên chùa Quán Sứ, chùa Lý triều Quốc Sư ở phố Lý Quốc Sư cũng có một, hai cây nhưng với tên gọi khác là Sen Lan (Liên Lan). Lần tìm dấu vết hoa trên những nẻo đường Hà Nội, tình cờ chúng tôi được biết, trước đây ở Hà Nội có gia đình họ Phạm sinh sống tại số 20 Lò Sũ có một cây hoa giống hệt sen đất chùa Bối. Trải qua hơn trăm năm, cây quý này đã vươn lên thành cổ thụ và vẫn đơm hoa xum xuê vào mỗi dịp đầu hè.

Anh Nguyễn Hoài Nam (giáo viên trường tiểu học Hoàn Kiếm) – hậu duệ ngoại của dòng họ Phạm kể: “Họ Phạm thôn Trang Lâu (phố Lò Sũ bây giờ) đã sinh sống ở số 20 Lò Sũ qua mấy đời. Vốn trước đây, tổ tiên tôi có nghề buôn dầu, nhờ chăm chỉ làm ăn trời cho phát đạt mới quyết chí trồng một cây Hạ Liên Lan sau vườn với ý nghĩa để phúc cho con cháu đời sau. Trải qua hơn trăm năm, cây lan quý này đã vươn lên thành cổ thụ và vẫn đơm hoa xum xuê mỗi khi vào mùa. Năm ngoái, nhà tôi chuyển nhà, không có điều kiện mang theo, cây về với chủ mới nghe đâu đã chết khô!”.

Lại nói về Hạ Liên Lan. Đó là giống hoa kén đất, lại kén người chăm. Vì thế đã có nhiều tay chơi, nhiều người ham thích sự lạ kỳ, thậm chí cả công viên cây xanh cũng cử cán bộ xuống xin giâm, chiết cành từ cây quý nhà họ Phạm về trồng nhưng đều thất bại. Cây lan quý vì thế tiếng lành đồn xa, vượt ra khỏi phạm vi một con phố và được nhiều người để tâm.

Chơi lan từ lâu đã thành một nghệ thuật. Bông hoa trông cứng cáp vậy, ngời sáng một góc trời như thế nhưng nếu sảy tay, chẳng may làm cánh dập bầm sẽ tự nhiên dần chuyển sang đỏ tía. Từ chỗ cánh hoa mướt mát, trắng ngần bị dập loáng cái đã thấy tấy lên như chảy máu, như vừa bị người ta đối xử bất công, oan khuất điều gì. Hóa ra, chuyện mà người đời vẫn mách nhau, trong nghệ thuật chơi hoa, cần nhất phải hết lòng, cũng có lý do của nó.

Nhưng Hạ Liên Lan cũng là giống hoa nghĩa tình với những ai thật sự tri âm. Nếu muốn hoa nở đúng ý, chủ nhân chỉ việc buộc túm chùm lá lại bằng lạt mềm ôm lấy hạt nụ mong manh. Hoa được hãm trong sự đùm bọc nghĩa tình đó tự nhiên càng dậy lên mùi thơm ngạt ngào. Anh Nguyễn Hoài Nam nhớ lại: “Bà ngoại tôi trước khi mất còn kể, hồi mới về làm dâu đã thấy gốc lan này rồi. Vài năm trước, dưới gốc cây, gia đình còn đào được 9 chiếc cối đá ép dầu để lại từ thời tổ tiên. Nghe đâu nghề làm dầu của gia đình không còn nữa nhưng cụ tôi vẫn nhớ những di vật một thời của gia đình nên làm thế để nhờ oai linh của cây trấn áp tinh cối”.

Anh Nam cho biết thêm: “Trước khi chuyển nhà, tôi đã giâm chiết nhiều cành mang theo mà chẳng có cành nào sống được. Hiện tại, chỉ còn một cành nhỏ đang gửi nhà anh bạn là còn tươi. Cả nhà tôi ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm cây thế nào”. Nếu không tính gốc Hạ Liên Lan của nhà họ Phạm, hiện Hà Nội chỉ còn 3 cây quý là trụ lại với đất cổ. Một cây ở trong khuôn viên đại sứ quán Pháp, một cây trong chùa Quán Sứ và một cây trong chùa Lý Quốc Sư. Với nhiều người yêu hoa, mất một cây quý là một nỗi bàng hoàng đến đau xót. Nét độc đáo của loài “sen đất” hay Hạ Liên Lan còn ở chỗ, hiện tại cả Hà Nội chỉ còn có 3 cây hoa./.