Để giải toả tính rụt rè nhút nhát
Thỉnh thoảng chúng ta lại có vẻ rụt rè trước mặt một người lạ nào đó. Từ ngại ngùng ban đầu, chúng ta trở nên lạnh lùng, và dần dần, tâm lý đó hình thành một thói quen. Đây là một hành động không đúng, vì chúng ta không nên vì một lý do gì đó mà sợ hãi khi tiếp xúc với người khác.
Nếu như ta nhận rõ, ai ai cũng là con người, cũng có những khát vọng, những đòi hỏi, những nhu cầu như mình thì ta sẽ dễ dàng bước qua bức màn bằng tuyết lạnh lẽo để nói chuyện cùng người khác một cách tự tin. Đây cũng là cách mà chính tôi cũng hay dùng đến.
Khi tôi mới gặp một người chưa quen, tôi thầm nhủ với chính mình, họ là con người như mình, cũng đi tìm hạnh phúc và cố tránh cho được những khổ đau. Bất kể họ bao nhiêu tuổi, bất kể địa vị giàu sang hay thấp hèn, bất kể màu da, ngôn ngữ, trên căn bản đó, họ hoàn toàn không có gì khác tôi.
Khi mà tôi đã nhủ lòng được như thế, rất nhanh chóng, tôi mở lòng ra đón họ như một người thân trong gia đình. Bao nhiêu những ngại ngùng, sợ hãi biến mất khi nào không hay.
Rụt rè, nhút nhát đến từ việc thiếu tự tin và do chúng ta cứ bám chặt lấy những hình thức bên ngoài và những tục lệ của xã hội chung quanh mà ra. Chúng ta là tù nhân của những hình ảnh mà người khác muốn tạo cho mình. Đây là một hành động giả tạo, không thật với chính mình. Nếu chúng ta không ráng mà từ bỏ thì nó sẽ bám theo ta suốt cuộc đời.
Chúng ta đừng sợ hãi mà hãy sống thật với chính mình. Tôi còn nhớ, hồi còn bé, trong một buổi lễ Phật thật dài, tôi đã không ngần ngại thưa với thầy của tôi, xin được đi ra khỏi buổi lễ để nghỉ ngơi một đôi phút. Đúng ra, nếu theo cương vị thì tôi nên làm gương cho người khác mà ráng đợi cho đến giờ giải lao kế tiếp.
Chúng ta cũng thường rụt rè vì muốn tự bảo vệ lấy mình. Đây là điều thật nghịch lý, bởi chúng ta cứ càng muốn bảo vệ lấy mình thì chúng ta càng mất tự tin, rồi cứ thế lại càng rụt rè thêm. Ngược lại, khi chúng ta mở rộng lòng đón nhận người khác, lòng tự tin sẽ tăng lên. Chúng ta sẽ dễ dàng tỏ lộ tình yêu thương của chúng ta đối với người chung quanh. Chính lúc ấy, chúng ta sẽ cho họ thấy tấm lòng rộng mở, đồng cảm của chúng ta.
Để giảm thiểu tính ghen tuông và đố kỵ
Bên cạnh sự rụt rè, nhút nhát, tính cách ghen tuông và đố kỵ cũng làm cho chúng ta trở nên đau khổ, bực dọc. Chúng kìm hãm sự phát triển về tinh thần và tình cảm của chúng ta. Nếu chỉ vì ghen tức mà trở nên hung dữ thì không những chúng ta tự làm hại mình mà còn làm hại người.
Ghen ghét đố kỵ người khác, nói chung là một điều vô lý. Dù ta có ghen tức với người khác thế nào đi chăng nữa thì ta cũng không ngăn cản họ bớt giàu có hơn hoặc làm cho họ giảm mất những đức tính tốt đi. Có chăng nó chỉ làm cho chúng ta thêm đau khổ mà thôi. Ngoài ra, có gì đáng lên án hơn khi chỉ vì ganh ghét mà chúng ta tìm mọi cách phá những thành công và sự giàu sang của người khác. Bảo đảm không cần phải nghi ngờ gì hết, không chóng thì chày, sự đố kỵ ấy sẽ quật ngược lại mà hại đến chúng ta.
Ghen ghét đố kỵ vì một lý do nào đi chăng nữa cũng là điều sai trái. Xã hội ngày nay được sung túc là do liên quan đến nhiều người, nhiều yếu tố khác nhau. Một khi có đôi ba người trong xã hội thành công thì đó chính là “lợi tức” của toàn xã hội gặt hái được, và suy cho cùng thì thành công của họ cũng đem lại lợi ích cho mỗi người chúng ta. Khi ta gặp được những người thành công trong xã hội thì ta phải nhận định rõ ràng, cái thành công của họ rồi cũng đem lại tác dụng tốt cho chính ta. Như thế, chúng ta hãy vui với thành công của người thay vì cứ lấy đó mà giận dữ, đố kỵ để tự hành hạ bản thân mình.
Lẽ thường, một khi yêu thích ai thì ta vui với thành công của họ, còn không thì ngược lại. Nhưng đúng hơn mà nói, chúng ta nên vui với những thành công của người không quen biết, không đem lại lợi ích trực tiếp cho mình. Nếu những người này thành công thì xã hội cũng sẽ hưởng một phần tốt đẹp nào đó. Càng có nhiều người thành công thì xã hội càng thêm tiến bộ. Thành công này, dĩ nhiên là phải có thành công đạo đức đi kèm. Nếu chỉ nghĩ đến riêng tư thì chúng ta không bao giờ có thể đem lại cơm no áo ấm và cuộc sống hạnh phúc cho toàn xã hội được. Xã hội muốn tiến bộ thì cần phải có số đông những người tài giỏi, đạo đức, chịu khó làm việc.
Nhưng ngay cả trường hợp chúng ta biết rõ có người giàu có và thông minh hơn mình nhưng họ chỉ chăm lo cho cuộc sống riêng tư của họ mà xã hội không được hưởng lợi ích gì hết thì chúng ta cũng không nên đố kỵ. Thử hỏi, có lợi ích gì cho chúng ta không, một khi chúng ta cứ quay cuồng ganh tỵ cùng họ? Và người khác tại sao lại không có được cái mà chính chúng ta cũng mong ước?
Tôi dành nhiều cảm thông cho việc ghen tuông hơn là đố kỵ, mặc dù đây cũng là một cảm giác không tốt. Cảm giác ấy xuất hiện khi chúng ta bị người bạn đời lợi dụng lòng tin tưởng của mình. Thí dụ, hai người thương yêu nhau thực sự rồi đi đến quyết định cùng chung sống. Họ hiểu nhau và hoàn toàn đặt tin tưởng ở nhau, họ sinh con và quyết định xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nếu ngày nào đó, một trong hai người đi yêu người khác, thì ghen tuông xảy ra là điều dễ hiểu.
Có người kể: sau khi cưới nhau, anh ta cảm thấy khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng gần lại, lần hồi, họ hiểu biết về nhau quá nhiều. Anh ta sợ hãi khi nghĩ đến một ngày nào đó, cả hai sẽ biết hết về nhau. Từ đó, hai vợ chồng đều nảy sinh tình trạng căng thẳng, cho đến một ngày vợ anh ta bỏ đi thương người đàn ông khác.
Câu chuyện và cách phản ứng của anh ta làm tôi ngạc nhiên hết sức. Một khi ta sống chung thì dĩ nhiên phải gần gũi nhau hơn. Càng gần nhau, người ta càng có nhu cầu tìm hiểu về nhau, khi đó ta lại càng nên ít giữ bí mật về nhau, để thông cảm và chia sẻ cho nhau. Có gì dễ chịu hơn khi ta có ai đó để có thể đặt hết lòng tin vào? Có gì nghịch lý hơn khi quyết định chung sống với nhau mà lại không tin nhau? Một khi, ngay từ ban đầu, chúng ta không đặt lòng tin vào người bạn đời thì thật dễ suy luận khi người này đi tìm một người khác để đặt lòng tin vào đó, điều mà ở nhà họ không tìm thấy.
Phương Tôn dịch