“Giới trẻ Việt Nam đang chạy hối hả về phía trước”
* Thưa bà, tôi được biết bà đã có nhiều buổi nói chuyện về văn hóa dân tộc Việt Nam với các bạn nước ngoài. Vậy họ đã đón nhận như thế nào?
– Nói chung người nước ngoài rất muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Việt Nam. Giới trẻ khi nào cũng cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận chứ không lãnh đạm với văn hóa quốc tế, trong đó phương Đông là điểm mà họ hay hướng đến.
Người dân Đức hiện nay rất quan tâm đến Việt Nam, vì vậy văn hóa dân tộc Việt Nam là một mảng quan trọng để giới thiệu.
Như các bạn thấy đấy, số lượng khách du lịch Đức đến Việt Nam ngày càng đông. Trong thời chiến tại Việt Nam, thế hệ người Đức trước kia đã tham gia ủng hộ Việt Nam, còn nay, trong thời bình, họ muốn tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của con người Việt Nam.
Nếu những người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động mạnh hơn về mặt này thì rõ ràng đây là cuộc đối thoại rất lý thú giữa hai nền văn hóa Đông-Tây.
* Khi về nước, tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam, bà thấy họ có thích thú với văn hóa dân tộc?
– Giới trẻ Việt Nam khi mới nhìn qua, tôi cảm giác họ đang chạy hối hả về phía trước. Đó chính là nỗi lo âu của tôi. Người Việt Nam rất thông minh, rất năng động nhưng lại rất dễ thích nghi, hòa đồng. Chính sự dễ thích nghi này lại là bước cản cho sự phát huy bản lĩnh của chính con người mình.
“Văn hóa dân tộc là một lực đẩy”
* Bà có nghĩ là văn hóa truyền thống như một cái phanh hãm trong nền kinh tế thị trường, nó ngăn ngừa sự quá đà của các yếu tố lai căng du nhập vào Việt Nam?
– Văn hóa Việt Nam có phải là cái phanh hay không, theo tôi nghĩ thì nó không phải là cái phanh. Nó như là một lực đẩy, một pít-tông, một bàn đạp.
Nếu không có văn hóa của mình thì làm sao mình nhận diện mình trên thế giới. Mình phải nhận diện được văn hóa của mình thì mới đóng góp được vào nền văn hóa thế giới. Nếu không có nhân cách và tư cách văn hóa thì người lạ sẽ coi thường mình và không đánh giá cao về mình.
Nếu cái gì mình cũng đồng hóa với người khác thì mình không có cái tự lập, tự chủ, tự khẳng định thì làm sao có thể đứng vững được khi đối diện với người khác. Thành thử nó không phải là cái phanh cũng không phải là rào cản. Ngược lại, cần phải biết sử dụng văn hóa của mình thành một nguồn suối năng động. Hãy vận dụng tất cả sự năng động của văn hóa để tiếp cận với văn hóa bên ngoài.
Nếu nói văn hóa lai căng là một cái gì tiêu cực thì bản lĩnh văn hóa dân tộc không phải là rào cản mà là một khả năng lựa chọn.
Có thể trong những trường hợp đặc biệt thì nó là rào cản nhưng đó là rào cản có lợi chứ không phải là rào cản tai hại cho thanh, thiếu niên.
* Liệu gia nhập WTO có tác động đến nền văn hóa truyền thống? Theo bà có những thách thức và thuận lợi gì?
– Sự kiện gia nhập WTO là một dấu hiệu cho thấy sự mở cửa. Nhưng vấn đề ở đây là mở toang cửa hay mở từ từ.
Hát đối trong quan họ Bắc Ninh |
Giới trẻ Việt Nam cần trau dồi đạo đức, giữ vững nền tảng tư tưởng, phong tục tập quán của mình.
Như các bạn thấy đấy, các nước đều đã gia nhập WTO nhưng có thấy ai bị ảnh hưởng nhiều về văn hóa đâu. Vấn đề là phải thay đổi chức năng cho phù hợp. Chúng ta phải đưa ra được những nguyên tắc khả thi cho việc gia nhập WTO mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa. Đó là sự giàu có thêm lên chứ không phải làm nghèo nàn đi. Đây đúng là cơ hội để trao đổi và học hỏi thêm các nền văn hóa thế giới.
Giới trẻ cũng phải chuẩn bị một vốn kiến thức nhất định, đồng thời chuẩn bị một ý thức cởi mở nhưng không phải chấp nhận tất cả những gì mà người khác đem tới. Luôn luôn bảo đảm món hàng bạn nhận và trao phải có chất lượng. Và mình phải có trí tuệ để đánh giá đúng chất lượng, phẩm chất món hàng mình nhận và trao về tinh thần cũng như vật chất.
Giới trẻ cũng cần có cơ hội học hỏi nhiều hơn. Những chương trình giáo dục-đào tạo nên có sự đổi mới trong phương pháp cũng như nội dung giảng dạy. Điều đó rất quan trọng vì vấn đề giáo dục luôn phải được đặt lên hàng đầu.
“Mỗi phụ nữ Việt Nam nên có ít nhất một chiếc áo dài”
* Bà có tiếp tục giới thiệu bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới?
– Cái này vừa là bổn phận, vừa là đam mê và là sự hãnh diện của tôi nữa.
Khi tôi sống ở nước ngoài, tôi hãnh diện vì đưa được nét đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tôi cho đó là sự đóng góp vào văn hóa chung của mỗi nước. Mỗi ảnh hưởng của châu Âu là sự làm giàu nhưng không đánh mất mình. Phải giữ được nét đẹp riêng của mình. Thí dụ như áo dài Việt Nam. Nhiều khi vì sự tiện lợi mà mặc nhanh áo này áo kia, nhưng người phụ nữ nên có ít nhất một chiếc áo dài trong tủ quần áo của mình. Áo dài là sự nhấn mạnh vẻ đẹp của phụ nữ.
Mình phải nghĩ áo dài là cái đẹp của người Việt Nam chứ không phải vì người nước ngoài khen ngợi nhiều mà mình mặc áo dài.
Tôi thấy chiếc áo dài cũng đã mất một số bản sắc. Mỗi áo dài có cá tính riêng tùy theo chất liệu vải và tùy theo trường hợp dùng vải này hay vải kia. Nhiều khi mình đua theo thời trang mà không quan tâm đến chất lượng của nó đối với sức khỏe của con người. Đó là điểm rất tế nhị. Như vậy, khi mặc một chiếc áo, mình phải biết lợi hại của nó. Mình chỉ nên thay đổi một chút cho thích hợp và đẹp hơn.
* Xin cảm ơn bà!