Có lẽ, bởi đã hàng chục năm ở tại Viện Đại học Kent của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, tuy sử dụng ngôn ngữ Anh văn quốc tế để giảng dạy, nhưng GS.TS Nguyễn Thuyết Phong vẫn chưa bao giờ rời xa ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như chưa bao giờ quên những truyền thống văn hóa Việt Nam – cái nôi đã sản sinh nền âm nhạc dân tộc, trong đó, có cả nền âm nhạc Phật giáo với lịch sử lâu đời và mang một vẻ đẹp lộng lẫy riêng biệt.
Trong chuyến trở về Việt Nam lần này, sau thời gian đi điền dã, ghi âm âm nhạc tại Tây Nguyên, GS. Nguyễn Thuyết Phong đã trò chuyện về âm nhạc Phật giáo Việt Nam – một đề tài mà ông đang theo đuổi nghiên cứu với nhiều tâm huyết.
GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong (GS.TS NTP): Tôi không ngờ là bây giờ có nhiều người quan tâm đến âm nhạc Phật giáo đến như vậy. Trước kia số người thực sự quan tâm đến nó rất ít.
Năm 1991, tôi đã từng nói chuyện về âm nhạc Phật giáo Việt Nam tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, nhưng hồi đó những buổi nói chuyện như vậy không làm dấy lên những làn sóng quan tâm sâu hơn.
Bây giờ, ngay như chuyện ra đời một ấn phẩm mang tên Tạp chí Văn hóa Phật giáo, tôi cũng thấy điều đó chứng tỏ sự quan tâm, và sự hồi sinh của Phật giáo Việt Nam.
Tạp chí Văn hóa Phật giáo trình bày rất đẹp, trình độ cao hơn so với nhiều tờ báo trong nước. Tôi nghĩ nếu nó được phát hành ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, nơi các chùa chiền đang được trọng vọng, thì chắc chắn các Phật tử ở đó rất hoan nghênh ủng hộ. Bởi bản thân các Phật tử cũng luôn khao khát có điều kiện để tiếp cận, nghiên cứu và hiểu thấu tinh thần Phật giáo nguyên bản – tinh thần Phật giáo hiện đại của Tăng đoàn, Phật tử trong nước.
PV: Xin cám ơn ông đã quan tâm và đánh giá cao tạp chí Văn Hóa Phật Giáo. Xin được hỏi ông, đời sống tinh thần của ông đã hướng về Phật giáo từ khi nào, từ khi nào thì ông bắt đầu quan tâm đến âm nhạc Phật giáo?
GS.TS. NTP: Tôi sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật nhiều thế hệ. Cá nhân tôi từ nhỏ, thuở tuổi tóc còn để chỏm đã có nhiều gắn bó với nhà chùa. Vì vậy, khi lớn lên, ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng luôn biết ơn mái chùa Việt Nam, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và con người tôi từ tấm bé.
Càng lớn, tôi càng có ham muốn được hiểu thấu, đến gần hơn với những triết lý, vẻ đẹp uyên thâm của đạo Phật. Chính từ đó, khi bước ra, tiếp cận với Phật giáo có tinh chất quốc tế, tiếp cận với nhiều Tăng đoàn, Phật tử trên thế giới, tôi càng thấu rõ vẻ đẹp trong truyền thống tu tập của đạo Phật đậm nét dân tộc Việt. Và tôi nghiên cứu về âm nhạc Phật giáo như một sự hướng tới lẽ tự nhiên trong tâm trí và khao khát của mình, cho đến bây giờ vẫn chưa dừng lại.
PV: Nhiều năm tháng gắn bó với việc nghiên cứu âm nhạc Phật giáo châu Á, trong đó có âm nhạc Phật giáo Việt Nam, ông có thể khái quát ngắn gọn những đặc trưng của âm nhạc Phật giáo Việt Nam?
GS.TS NTP: Sự khái quát đặc trưng của âm nhạc Phật giáo phải xét nó trong phương diện gì, bởi âm nhạc Phật giáo Việt Nam rất đa dạng, sâu rộng, nó lại phân theo tùy thuộc từng vùng, miền.
PV. Như ông nhận xét, và trước đây, trong bài viết “Tiến trình dân tộc hóa lễ nhạc Phật giáo tại Việt Nam” đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 23 năm 2006, ông cũng từng cho rằng âm nhạc Phật giáo Việt Nam xét trong từng vùng miền, gắn bó với âm nhạc truyền thống của vùng miền đó, chẳng hạn như âm nhạc Phật giáo ở Nam Bộ thì có liên quan đến đờn ca tài tử, ở miền Trung thì liên quan đến các điệu hò, các điệu hát ru… Nhưng thưa ông, một khi âm nhạc Phật giáo được xác định như một chủ thể độc lập, mang những đặc trưng, đặc tính riêng, thì có thể tách nó ra khỏi âm nhạc của vùng miền đó để cất lên tiếng nói riêng của nó được không?
GS.TS NTP: Điều mà tôi muốn nói, và theo tôi rất quan trọng, đó là việc đạo Phật khi vào đến Việt Nam đã không còn hình thức đạo Phật Ấn Độ, nó đã thực sự hòa nhập vào đời sống, sinh mệnh của dân tộc suốt 2.000 năm.
Vì vậy, đời sống, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… của dân tộc ta có chuyển biến gì, thì âm nhạc Phật giáo Việt Nam cũng có những bản thiền, cũng vận động theo những chuyển đổi đó. Đương nhiên sẽ không thể tách rời âm nhạc Phật giáo ra khỏi chính thể âm nhạc dân tộc được.
Tuy nhiên, sự xác lập âm nhạc Phật giáo của mỗi vùng miền là rất rõ. Thông thường, trong âm nhạc dân tộc để tóm tắt về âm nhạc của các vùng miền, người ta hay dùng cụm từ “dân ca ba miền” chẳng hạn. Theo tôi, cách nói đó là không chính xác. Chúng ta có nhiều miền, nhiều dấu giọng, phong tục, ngôn ngữ, tập quán, cách thức tiến hành nghi lễ… khác nhau, âm nhạc Phật giáo đi gần với đời sống và gắn bó keo sơn cùng những yếu tố đó, vì vậy nó cũng không đơn thuần là “âm nhạc Phật giáo ba miền”.
Một giọng hát Hà Tĩnh đã khác với ca Huế, lại càng khác với cái nôi của nó là đồng bằng sông Hồng, càng khác với giọng hát ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, chưa kể đến khác biệt với Nam Bộ…
Âm nhạc Phật giáo cũng tương tự như vậy, sự khác biệt thể hiện trong rất nhiều khía cạnh, giống như sự khác biệt của mỗi vùng miền trong âm nhạc dân tộc nói chung. Điểm giống nhau, nếu có thể khái quát, đó là các kinh điển cơ bản của đạo Phật, và điểm khác nhau, là việc sử dụng âm điệu trong từng vùng miền. Tôi nhìn sự thật này không phải là điểm yếu, mà là điểm rất sinh động, màu sắc rực rỡ.
PV. Xin ông cho một ví dụ cụ thể về việc khác nhau trong sử dụng âm điệu để thể hiện âm nhạc Phật giáo của từng vùng miền?
GS.TS NTP: Một hôm, tôi đi lễ hội làng Lim (Bắc Giang). Tôi thấy rất nhiều các Phật tử đang ngồi tụng kinh trước một sân chùa. Các vị chít khăn mỏ quạ, miệng nhai trầu đỏ thắm, vừa nhai trầu vừa thực hiện nghi lễ Phật giáo.
Tôi rất ngỡ ngãng trước sự giản dị của những người thực hiện nghi lễ đó. Chưa kể, những bài kệ mà họ xướng lên rất cổ, lại bằng ngôn ngữ dân gian rất đỗi bình thường, không phải là ngôn ngữ bác học, không một từ Hán Việt nào ở trong đó.
Điều đó rất khác với ngôn ngữ của những bài kệ, càng khác với cách thức thực hiện nghi lễ tôn giáo thường nặng về nghiêm trang. chuẩn mực ở miền Trung, miền Nam. Nói cách khác nó cho ta thấy sự đa sắc, gốc rễ dân gian của âm nhạc Phật giáo ở đất nước ta.
PV. Vậy đặc trưng, đặc sắc của âm nhạc Phật giáo Việt Nam, mà âm nhạc dân tộc không có là gì?
GS.TS NTP: Âm nhạc Phật giáo chắc chắn có những đặc trưng mà âm dân tộc không có. Đặc trưng thứ nhất: văn bản tụng; bài kinh để tụng tất nhiên khác với bài lý, bài hò.
Đặc trưng thứ hai: cách thức thể hiện; cách thức thể hiện âm nhạc Phật giao liên quan đến môi trường diễn xướng, nghi lễ, bởi thường âm nhạc Phật giáo được thực hiện trong chính điện, trong các nghi lễ như trai đàn, chẩn tế…
Một ví dụ cụ thể hơn, âm nhạc Phật giáo miền Nam có hơi hướng sử dụng giai điệu và ngôn ngữ của đờn ca tài tử, nhưng lại không sử dụng nhạc cụ của đờn ca tài tử. Nếu bản đờn ca tài tử phụ thuộc phần lớn vào cây đàn, các ngón đàn của người chơi thì bản kinh tụng lại được giữ nhịp, điểm xuyết bởi tiếng trống, tiếng mõ.
Như vậy, về cơ sở âm thanh, âm nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc rất gần nhau, có thể coi là một, nhưng ngoài ra, âm nhạc Phật giáo có đặc trưng của mình và đặc biệt nó luôn được sáng tạo bởi các nhà sư. Chính các vị sư đã sáng tác ra những giai điệu mà âm nhạc dân gian không thể có.
Nhân đây, tôi muốn nói lên sự tôn quý của tôi đối với các vị Tổ sư, những người đã sáng tác nên những làn điệu âm nhạc mang tính dân gian, dân tộc hết sức độc đáo. Chính nhờ các vị đó, chúng ta thấy âm nhạc Phật giáo được bồi đắp rạng rỡ qua nhiều thế hệ, được ghi nhận với những đỉnh cao nhạc lễ. Đó là những đóng góp hết sức quý báu cho âm nhạc Việt Nam, cũng là vật báu đóng góp cho sự phong phú của âm nhạc nhân loại.
PV. Ông có thể kể tên một vài tác phẩm âm nhạc tiêu biểu trong âm nhạc Phật giáo Việt Nam?
GS.TS NTP: Nếu nói về số lượng, âm nhạc Phật giáo Việt Nam tuyệt nhiên có số lượng khổng lồ. Bởi vì một bài hát dân gian, cho dù dài đến cỡ nào, cũng không thể dài như một bài kinh tụng, nếu ta xét về đơn vị âm nhạc – một bài tụng kinh là một bài nhạc, bài hát.
Về tần số, thời gian diễn xướng, có lẽ không có bất kỳ bài hát nào, bản nhạc lại được diễn xướng thường xuyên, thường kỳ như các bài tụng của âm nhạc Phật giáo. Nó không chỉ dược diễn xướng mỗi lần trong tháng, mỗi lần trong tuần mà ngay trong một ngày, đã được diễn xướng rất nhiều lần. Cho nên có thể ở khía cạnh thực hành âm nhạc, đạo Phật là nơi tích tụ việc biểu diễn thường xuyên, tạm gọi bằng từ đó, những bản nhạc.
Các vị Tăng Ni, Phật tử áp dụng triệt để các bản nhạc tụng cho các nghi lễ hàng ngày, trong các nghi lễ đặc biệt như cầu siêu cầu an, trai đàn, chẩn tế… Vì vậy, nếu kể ra thì khó lòng mà kể cho hết được. Những bài kệ do các thiền sư sáng tác có giá trị văn chương và âm nhạc tuyệt mỹ. Khi đọc lại những bài kệ, bài sám, bài văn chúc hương v.v… của ngài Trần Thái Tông trong Khóa hư lục, tôi không khỏi bồi hồi xúc động rằng: Ôi, âm nhạc đạo Phật tuyệt vời đến thế sao!
Khi tôi thống kê các bản nhạc tụng, tán trong âm nhạc Phật giáo và công bố cho những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc âm nhạc Phật giáo ở nước ngoài, họ vô cùng sửng sốt trước số lượng khổng lồ của các tác phẩm âm nhạc với sự đa dạng của các dàn nhạc lễ Phật giáo, trước những thể nhạc phong phú, có những thể nhạc chỉ Việt Nam mới có. Họ không chỉ ngỡ ngàng trước lịch sử lâu đời của âm nhạc Phật giáo Việt Nam mà còn rất ngạc nhiên về số lượng đông đảo những người theo đạo Phật ở nước ta.
PV. Ở góc độ sáng tạo, âm nhạc Phật giáo Việt Nam đã được thể hiện ra sao?
GS.TS NTP: Có hai khía cạnh sáng tạo, một là sáng tạo lời nhạc, hai là sáng tạo nhạc điệu. Ở khía cạnh lời, các vị tổ sư của Phật giáo Việt Nam thường viết ra những bài kệ mang ý nghĩa sâu sắc về kiếp người, những bài tán như tán Nhất Điện, tán Dương chi tịnh thuỷ, tán Thiên Trù xướng, tán lễ Thế Tôn…
Những bài tán, bài kệ mà họ viết ra tưởng như những bài thơ, nhưng không phải dùng để đọc lên như đọc truyện mà có thể hát lên với nhiều giọng điệu. Giọng điệu bao gồm điệu thức và hơi giọng. Nếu như điệu thức là một tổng thể của bài nhạc, giúp ta cảm nhận được khái quát tinh thần, cảm giác chung của bài nhạc đó thì hơi giọng là chi tiết của những điệu thức, những luyến láy, nhấn mạnh để ta cảm nhận được cái hay của bài nhạc, tựa như một cái cây nhìn tổng thể ta biết đang trổ đầy hoa, nhưng phải đến gần xem xét bông hoa, cánh hoa, ta mới biết được sắc đẹp của từng bông hoa đã góp phần cho vẻ đẹp toàn mỹ của cây hoa đó.
Đứng về mặt nhạc điệu, tất cả các bài tụng, tán mà ta nghe trong âm nhạc Phật giáo đều khác với nhạc đều của những bài nhạc ở thế gian. Nhiều vị sư đã sáng tác ra nhạc điệu, điệu thức, lời nhạc cho các bài nhạc với một sức sống mang giá trị hướng tới tâm linh rất độc đáo. Những bài niệm, thỉnh, hô chuông của âm nhạc Phật giáo Việt Nam, nếu so với âm nhạc Phật giáo các nước, quả thật có làn điệu vô cùng đặc sắc. “Hồng chung sơ khấu bảo kệ cao âm…” (hát)…
PV. Được biết, ông đã đi rất nhiều chùa chiền ở Việt Nam, đã ghi âm nhiều bài nhạc lưu giữ tại một thư viện âm nhạc ở Mỹ, ông có nhận xét gì về sự phát triển của âm nhạc Phật giáo Việt Nam hôm nay?
GS.TS NTP: Âm nhạc Phật giáo Việt Nam đã được bồi đắp, truyền tụng qua nhiều thế hệ. Ngày nay, các vị sư chỉ cần chịu khó thực tập về âm nhạc là có thể tham nhuần được vẻ đẹp của âm nhạc mà các thế hệ đi trước đã truyền lại.
Chỉ tiếc là trong các chùa chiền ở nước ta hiện nay, đã không còn những vị sư thay truyền dạy những bài nhạc lễ đặc sắc nữa. Có thể nói là âm nhạc Phật giáo Việt Nam đang có nguy cơ bị thất truyền.
Tôi chỉ mong sao có đều kiện, tập hợp những người có khả năng để viết lại những bài nhạc độc đáo, nếu cần thiết, sẽ ký âm, bởi đó sẽ là cơ sở thiết thực cho các nhà nghiên cứu. Và nó cũng sẽ là cơ sở để các Tăng sĩ trẻ sau này có thể học tập, truyền đạt cho nhau. Đây là thời đại công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó, tận dụng những công nghệ ghi âm, ghi video để lưu giữ và học tập. Tất nhiên, không gì bằng cả các vị thầy giỏi trực tiếp truyền dạy.
Một điều nữa, theo tôi, muốn học tập cũng phải có một “Phương pháp học” (Methodology. Xin lưu ý phân biệt với “Phương pháp luận”). Nếu học tập không có phương pháp, truyền dạy không không đúng quy chuẩn âm nhạc Phật giáo sẽ rất nguy hại.
PV. Có ý kiến băn khoăn tại sao ở các nước phương Tây, có nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác âm nhạc để phục vụ tôn giáo, như Mozart. J.S. Bach. Vivaldi… sáng tác các tổng phổ cho dàn nhạc nhà thờ, còn ở các nước phương Đông, không có những nhạc sĩ chuyên nghiệp thực hiện tương tự. Xin ông giải thích cho những ý kiến này?
GS.TS. NTP: Chúng ta phải phân biệt giữa các khái niệm. Bach, Mozart, Vivaldi… quả thực là những người dã ró rất nhiều đóng góp cho âm nhạc tôn giáo, cụ thể là Thiên Chúa giáo. Nhưng khi sáng tác, họ không phải viết cho đức cha, tu sĩ để thực hiện nghi lễ, mà họ sáng tác trên tinh thần đó là những nhạc thế gian hướng đến yếu tố tôn giáo. Điều ấy, hẳn nhiên, khác với khái niệm âm nhạc do chính nhưng người thực hành nghi lễ tôn giáo sáng tác và thực hiện.
Ở nước ta cũng có những tác phẩm âm nhạc tương ứng như thế của các Phật thường đại nhạc và tiểu nhạc Huế, bát âm Bắc Bộ, hay nhạc lễ Nam Bộ. Có thể kể ra các bài như Long Ngâm, Thập thủ liên hoàn, Đàn chập, Đàn dội, Nghinh thiên, Tiếp giá v.v…
PV. Theo ông, những làn sóng phản hồi của xã hội trong thời đại hội nhập sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển cua âm nhạc Phật giáo Việt Nam và âm nhạc Phật giáo nói chung?
GS.TS. NTP: Đương nhiên là có ảnh hưởng, nhưng ảnh hường tốt hay xấu thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Nếu chúng ta biết cập nhật, sẽ biết cách bảo vệ cho âm nhạc Phật giáo khỏi bị xâm thực và biết cách để sự trao đổi, “hội nhập” giữa các nền âm nhạc trên thế giới sẽ bồi bổ, tôn vinh những nét đẹp của mỗi nền âm nhạc đó. Những tác phẩm âm nhạc vừa kể trên, dù tác giả khuyết danh, nhưng hùng tráng. Muốn hoành tráng hơn, chúng ta sẽ có cách.
Tôi nghĩ hiện nay, có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ cũng là những người có tầm trí thức cao, biết tôn trọng những giá trị nghệ thuật, giá trị đích thực của đời sống tinh thần và tâm linh. Họ không thấy theo sự màu mè giả tạo, mà chính họ, sẽ là những bảo vệ cho âm nhạc nguyên gốc của đạo Phật không bị xâm thực trước bất kỳ làn sóng nào.
Tuy nhiên, tôi vẫn có mong ước rồi đây, Việt Nam sẽ có một trường thực hành về âm nhạc Phật giáo. Có lẽ xây dựng một trường như thế không khó (?). Và nếu không, thì tại các học viện Phật giáo, cũng nên mở ra khoa âm nhạc, tập hợp các vị kinh sư trong cả nước để đào tạo cho các vị Tăng Ni phục hồi và hoàn thiện các nghi lễ đang trên đà thất truyền.
Nếu thực hiện được điều này, âm nhạc sẽ hoàn thành được vai trò của nó – là một trong những pháp môn tu, “con thuyền” để chuyên chở tâm linh người Phật tử đến với bến bờ giải thoát.
PV. Xin cám ơn GS về cuộc trò chuyện này.
GS.TS. NGUYỄN THUYẾT PHONG Tốt nghiệp Tiến sĩ âm nhạc học (mention “Très Honorable” – hạng “Tối danh dự”). Học viện Sorbonne, Paris. Pháp (năm 1982). Chỉ đạo và tham gia hội đồng giám khảo các luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở các trường đại học Hoa Kỳ và Úc. Nghiên cứu điền dã toàn bộ âm nhạc các vùng miền Việt Nam và tại các nước Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan. Nguyên quán: Cần Thơ/ Trà Vinh (hiện nay là Vĩnh Long). Học nhạc lễ, đờn ca tài tử với nhạc sư Mười Kiên (Trần Văn Kiên), Cần Thơ. Học đàn nguyệt (Huế) với nghệ nhân Nguyên Gia Cẩm và đàn đáy (ca trù) với nghệ nhân Đinh Khắc Bang. Biểu diễn hơn 20 nhạc cụ Việt Nam và thế giới. Biểu diễn với The Kronos Quartet, Mallarmé Chamber Players, và các nhạc sĩ quốc tế (Charles Brown, Badal Roy. Kimura Utasaro, v.v…) Đào tạo hơn 100 sinh viên Mỹ trong nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cho các dàn nhạc đại học. Thực hiện Phong Nguyen Collection, bộ sưu tập tư liệu nghiên cứu văn hóa và âm nhạc lớn nhất về văn hóa và âm nhạc Việt Nam (ngoài nước Việt Nam) hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc hội, Washington, D.C. và Đại học Hobart and William Smith, New York (Hoa Kỳ). Đã thuyết trình về các đề tài chuyên ngành “Dân tộc nhạc học” (Ethnomusicology), “Văn hóa và âm nhạc Việt Nam”, “Âm nhạc thế giới”, “Phật giáo” và biểu diễn âm nhạc Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới. |