Dựa vào những con số này, 7/2007, Trung tâm Sách kỷ lục VN công nhận GS.TS Lê Mạnh Thát – một kỷ lục Phật giáo VN. GS. Thát vừa được giao trọng trách Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức quốc tế (IOC), Tổng thư ký Ban Điều phối quốc gia Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008 – Đại lễ Phật Đản, đại lễ quan trọng nhất của Phật giáo – tại VN.
PV: Thưa, nhiều năm qua, những cuốn sách thầy viết khai trí mở tâm không chỉ các Tăng Ni theo học trong Học viện Phật giáo, mà còn đóng góp rất hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo nước nhà. Quá trình khai trí mở tâm của thầy khi tiếp xúc, nghiên cứu đạo Phật, viết sách diễn ra như thế nào?
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Chúng tôi không biết duyên nghiệp thế nào với chữ nghĩa mà… bị viết thôi. Hoà thượng Thích Minh Châu (Phó Pháp chủ GHPGVN, Hiệu trưởng Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh – PTVN) “buộc” tôi viết sách. Như khi đi học đó, 15 tuổi ở Quốc học Huế, chúng tôi bị buộc phải làm thơ.
PV: Buộc phải làm thơ?
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Đúng. Ở đời có trường hợp vậy đó. Ngày đi học, chúng tôi chỉ giỏi toán, các môn tự nhiên thôi, lấy sách toán, tự đọc, tự học. Chúng tôi học ban B, viết văn rất kém, cũng không mê văn chương. Năm 1959, vô Huế học, trọ ở chùa Báo Quốc, bởi chúng tôi là con nhà nho, theo đạo Phật. Nhà chúng tôi không nghe truyện Kiều.
Má chỉ kể chúng tôi nghe truyện Phạm Công – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên. Chùa Báo Quốc có mở xưởng làm xì dầu. Chúng tôi được phân công coi phản ứng nấu trong 36 tiếng, phụ trách xem quá trình có dư xút, axít không, bã đậu phụng cho mình prôtít thế nào.
Hàng tháng chúng tôi gửi kết quả phân chất độ đạm vô Viện Pasteur Sài Gòn. Chất lượng xì dầu của chùa Báo Quốc sau năm 1962 chúng tôi không biết vì 1962-1965 vào Sài Gòn học; 1965-1974 đi Mỹ học; Năm 1975 về dạy ở Vạn Hạnh, chúng tôi có học cách làm tương chao…
PV: Thầy ơi, hỏi đường giác ngộ Đạo Phật của thầy, thầy lại kể toàn chuyện làm xì dầu, tương chao!
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Thì đó cũng là một phần đời chúng tôi mà!
PV: Tôi để ý, nói chuyện về chính mình, thầy dùng danh xưng “chúng tôi”!
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Vô ngã theo tinh thần Phật giáo. Có chi đâu phải thắc mắc? Con người mình là một tập hợp nhiều thứ mà. Những gì mình có đây cũng do cha mẹ mình truyền lại đó chớ. Mình có cái gì riêng của mình đâu?
PV: Thế khi thầy du học, nói tiếng ngoại quốc thì sao ạ?
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Theo đúng nguyên tắc khoa học: Công trình nếu hai người làm chung, tên tác giả đề: We (chúng tôi). Một người ghi: I (tôi), và phải để ở thế chủ động, chứ không ghi Thí nghiệm (bài luận) được viết bởi tôi. Rõ ràng, rành mạch.
PV: Trong cuốn “Trần Nhân Tông toàn tập” (NXB TPHCM 2000) thầy viết: “Vua Trần Nhân Tông (TNT) là một vị anh hùng dân tộc, có những đóng góp to lớn, nhiều mặt cho đất nước, lịch sử. Sự nghiệp văn trị – võ công của vua rất vĩ đại”. 2007 kỷ niệm 720 năm ngày vua chứng ngộ; 2008, tháng 11 (âm lịch) kỷ niệm 750 ngày sinh của vua, 700 năm ngày mất; tháng ba (AL) kỷ niệm 720 năm chiến thắng Bạch Đằng.
Tôi đọc lại vài tác phẩm của vua, thấy, ông luôn tìm, đề ra giải pháp có lợi cho nước cho dân, có ích cho đạo; nhiều tư tưởng của vua trong sự nghiệp xây dựng hoà bình thời hậu chiến từ 700 năm trước vẫn rất thời sự với ngày nay, nhất là chuyện kỹ trị. Như quan điểm, nhà nước như một dịch vụ, không phải là một nơi để khai thác làm giàu cho những người có chức có quyền. (Đại Việt sử ký toàn thư-6, tờ 36a9 ghi lời vua: “Sao lại có một nước bé như bàn tay, mà phong quan tước nhiều đến thế?”.
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Cái nớ rõ ràng rồi. Thời nay, chúng ta nói: Điện, đường, trường, trạm. Thời vua, chưa có điện, vua nói: “Dựng cầu đò, dồi chiền tháp/ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu/ Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi/nội tự tại kinh lòng hằng đọc”. (hội thứ 8, Cư trần lạc đạo ca). Chỉ câu nớ thôi, đã thấy đường lối lãnh đạo thành công của vua. Vua đặt vấn đề đường sá cho dân lên trước.
Nước mình, nhất là miền Nam kênh rạch chằng chịt, muốn giao lưu kinh tế phải xây cầu đò trước đã. Sách lược phát triển của một đất nước đó. Đức Phật, những thiên tài của đất nước bao giờ cũng nói gọn, khúc chiết những điều cốt lõi của cuộc sống.
Một người làm chính trị là đang làm lịch sử. Và nối tiếp lịch sử dân tộc. Nguyên tắc là vậy. Vua TNT kế thừa những tư tưởng của tiền nhân. Thiền sư Pháp Thuận – một trong ba người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh năm 981, người được vua Lê Đại Hành tín nhiệm, kính trọng – có viết bài “Vận nước”, bài thơ thể hiện trực cảm chính trị sắc bén: Mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng thế. Vận nước ngắn hay dài nằm trong tay người dân. 400 năm sau vua TNT, Ngô Thì Nhậm nói “Quan nhiều – Dân chết”. Cụ Hồ Chí Minh cũng nói vấn đề “Lấy dân làm gốc”.
PV: Sự đóng góp của Vua TNT đối với văn học nước nhà, trước hết thể hiện ở hai bài phú tiêu biểu: “Cư trần lạc đạo ca” (CTLĐC) và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” (ĐTLTTĐC). Thời buổi này, “lạc hậu” chăng khi chúng ta đọc và làm sao để hiểu đúng những câu thơ: “Xét thân tâm, rèn tính thức/há rằng mong quả báo phô khoe” (CTLĐC – hội thứ hai); “Ơ đời vui đạo hãy tuỳ duyên/Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền? (Kệ – Hội thứ mười). Hay,”Phô (Nhiều) người học đạo/Vô số nhiều thay/Trúc hoá nên rồng/Một hai là họa/Bởi lòng vờ vịt/Trỏ Bắc làm Nam”? (ĐTLTTĐC)?
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Chuyện đạo đơn giản lắm, có gì cao xa đâu. Con người, cỏ cây, vạn vật đều phải qua giai đoạn tích lũy, tiêu hoá, đào thải. Triết lý của vua ghê gớm lắm, là triết lý về kinh tế đó. Người ta nói thơ TNT là thơ thiền mà quên mất thơ đây là vấn đề cực kỳ cụ thể, thực tế, trực tiếp: Nhà cầm quyền lo, dân lấy gì ăn, gạo thóc đâu, ai sản xuất?
Đất nước thanh bình, lãnh đạo giỏi, dân mới ngủ ngon được chớ; Ổn định mới phát triển được. Ăn ngon, mặc đẹp là sau này người ta phát triển thêm thôi. Cơ bản là ăn đủ, mặc lành đã. Đừng nghĩ thiền, thơ thiền là ngồi yên, lim dim mắt. Nhà cầm quyền, như vua nói đó: “Mình ngồi thành thị/nết dụng sơn lâm/Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính” (hội thứ nhất – CTLĐC).
Ý nghĩa của CTLĐC là vậy: Trách nhiệm của nhà cầm quyền là tạo hoàn cảnh, chính quyền tử tế như thế nào đó để phục vụ dân. Nên nhớ, khi một nhà chính trị viết thơ là thơ họ khác nhiều với thơ nhà thơ bình thường! Lời (thơ) họ không chỉ thuần tuý là đạo lý mà còn thể hiện tư cách một nhà lãnh đạo.
Mình phải ở trong tư thế của họ mình mới hiểu được. Chí ít cũng phải mon men theo con đường họ đi, có ước vọng nhìn theo hướng họ nhìn. Mấy chục năm nghiên cứu tác phẩm, cuộc đời Vua TNT, chúng tôi vẫn thắc mắc trong bụng: Chúng tôi hiểu, giải mã thơ, tư tưởng của ông theo hướng vậy đã trúng chưa? Nếu vua sống lại, ông sẽ nói gì?
PV: Ông Ban Ki-moon – Tổng thư ký LHQ – nói: “Việc tổ chức hàng năm Đại lễ Vesak là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Phật, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ, Hoà bình mà Đức Phật đã truyền trao. Nhân ngày Vesak, tất cả chúng ta, dù là Phật tử hay không, hãy quyết tâm ứng xử với nhau trong tinh thần độ lượng, khách quan”. Kỷ niệm lần thứ 2550 ngày Phật Đản, từ 13-17.5.2008, nước ta lần đầu tiên được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak. Sự kiện này ảnh hưởng ra sao, thế nào tới tâm và thế của nước mình những năm sắp tới, thưa thầy?
GS.TS. Lê Mạnh Thát: Việc nước mình đăng cai tổ chức Đại lễ, thể hiện rõ ràng, nước mình có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, đủ nhân sự, lực lượng, với tư cách là một thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ để thực hiện một nghị quyết của LHQ.
Việc tổ chức Đại lễ, theo chúng tôi, đồng bào mình trước mắt thấy vui vẻ trong lòng. Lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm Phật giáo VN chúng ta đón một lượng khách đông tới vậy, khoảng 4.000 khách từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Họ đến với mình với niềm hân hoan bạn bè đến với nhau để cùng nhau ôn lại những lời nói của Đức Phật, cố gắng thực hiện những lời Phật dạy. Trong Đại lễ, lễ phụ, hội chính. Các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ, thảo luận tìm trong lời Phật lời giải đáp cho nhiều sự kiện, thảm hoạ hiện đang xảy ra trên thế giới: Chiến tranh sắc tộc, khủng hoảng năng lượng, sự biến đổi khí hậu, kỹ thuật số, cuộc sống gia đình…
Những ngày cuối năm, GS Thát cực kỳ bận rộn lo việc chuẩn bị Đại lễ. Tuần một lần, ông bay ra Hà Nội, họp bàn việc tổ chức cùng các vị tôn túc trong Giáo hội. Trưa 25.12, chia tay ông trước khi ông ra sân bay đi Hà Nội, tôi “mon men” hỏi ông câu cuối: “Thưa, như tôi nhận thấy, phần lớn những cuốn sách của thầy được NXB TPHCM bắt đầu tái bản hay ấn hành đều vào năm 1999-2000?”. “Là đúng theo luật vô thường của Phật thôi. Tất cả mọi sự đều thay đổi…”, GS Thát cười. GS-TS Trí Siêu Lê Mạnh Thát sinh năm 1944, 20 tuổi đậu cử nhân ngành triết – ĐH Đà Lạt, 1965-1974: Học tại ĐH Winconsin, Madison, Hoa Kỳ, lấy bằng TS y khoa, triết học, nhân chủng học. 1974-1975: Giáo sư ĐH Vạn Hạnh – Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo VN; 1975-1984: Giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh – TPHCM; 1998-đến nay: Giáo sư, Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Phật giáo VN tại TPHCM. |