Trang chủ Thời đại Xã hội Góp ý về việc sửa đổi hiến pháp liên hệ đến vấn...

Góp ý về việc sửa đổi hiến pháp liên hệ đến vấn đề tôn giáo

83

Hiến pháp 1992 viết:

“Điều 70: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi viết:

“Điều 25 (sửa đổi, bổ sung điều 70)

1.    Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2.    Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

3.    Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điểm 3, điều 25 dự thảo Hiến pháp sửa đổi không đề cập đến chính sách nhà nước là không rõ ràng, chi tiết như Hiến pháp 1992. Vì vậy, đề nghị điểm 3 điều 25 Hiến pháp sửa đổi như sau:

“3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật hoặc làm trái chính sách của nhà nước”.

Làm trái chính sách của nhà nước, nhưng chưa đến mức vi phạm pháp luật vẫn là một vấn đề cần được xét đến trong quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Do đó, Hiến pháp không nên bỏ qua trường hợp này, mà cần thể hiện nội dung rõ ràng, chi tiết và thích hợp.

Điều 25 Hiến pháp sửa đổi, cũng như điều 70 Hiến pháp 1992, theo tôi, đều chưa thể hiện quan điểm lịch sử cụ thể trong quan hệ giữa nhà nước đối với các tôn giáo, không thể hiện được sự khác biệt lớn trong quan hệ giữa các tôn giáo khác nhau với nhà nước.

Có tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong gần 2000 năm lịch sử, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có công lao đáng ghi nhận trong lịch sử dân tộc.

Có tôn giáo một thời gian lại đồng hành cùng các thế lực xâm lược, đứng về phía quân xâm lược, đem lại những hệ quả tiêu cực trong lịch sử đất nước, nếu không muốn nói là có tội với Tổ quốc.

Có tôn giáo mới du nhập, hoặc mới hình thành, chưa có những đóng góp đáng kể vào tiến trình xây dựng bảo vệ tổ quốc.

Có tôn giáo, giáo hội là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giáo hội luôn nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, triệt để chấp hành chủ trương chính sách nhà nước, luôn giữ quan hệ tốt với nhà nước.

Có tôn giáo, mà giáo hội luôn có vấn đề trong quan hệ với nhà nước, gồm nhiều vấn đề tồn tại chưa giải quyết và những vấn đề mới phát sinh, ở một số lãnh vực nảy sinh mâu thuẫn, có nơi bộc lộ mâu thuẫn nóng, so với tôn giáo khác luôn có những yêu sách, đòi hỏi không phù hợp với chủ trương chính sách của nhà nước.

Như vậy, Hiến pháp, khi đề cập đến các tôn giáo, cần có quan điểm lịch sử cụ thể đối với các tôn giáo.

Thực tế như trên cần phải xét đến và thể hiện một cách thích hợp trong hiến pháp sửa đổi.

Vì vậy, xin đề nghị bổ sung điểm 4, điều 25 dự thảo Hiến pháp sửa đổi như sau:

“4. Tùy theo hoàn cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể, nhà nước có các chính sách phù hợp với từng tôn giáo”.

Thực tế hiện nay, đối với từng tôn giáo cụ thể, chính sách của nhà nước cũng đã có sự khác biệt nhất định. Vì vậy, đề nghị như trên cũng chỉ là xác định một thực tế đã có.

Quan điểm lịch sử cụ thể là một nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lê nin. Chủ nghĩa Mác Lê-nin là nền tảng tư tưởng của lực lượng lãnh đạo nhà nước xã hội. Đây là một nội dung đã thể hiện trong hiến pháp sửa đổi. Vì vậy, vận dụng quan điểm lịch sử cụ thể của chủ nghĩa Mác Lê nin vào việc bổ sung nội dung liên hệ đến tôn giáo trong Hiến pháp sửa đổi là một việc phù hợp với tinh thần xây dựng bản Hiến pháp sửa đổi.

Không có quan điểm lịch sử trong quan hệ với tôn giáo sẽ không khuyến khích các tôn giáo chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước, cũng như không động viên các tôn giáo góp phần vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Ngược lại, có sự đánh giá phù hợp, trên quan điểm lịch sử cụ thể, đối với quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo, thể hiện bằng pháp luật, là trực tiếp khuyến khích, động viên các tôn giáo nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách nhà nước, tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

MT