Trước thềm Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc Nhiệm kỳ VII, một lần nữa yêu cầu tu chỉnh Hiến chương là một nhiệm vụ quan trọng, đối với toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.
Hoàn cảnh xã hội, đất nước, bối cảnh thế giới nói chung, Phật giáo nói riêng, thực tế hoạt động của Giáo hội đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc tu chỉnh Hiến chương, giải quyết một cách tối ưu những vấn đề mới phát sinh trên mọi mặt.
Từ việc tu chỉnh Hiến chương, hoạt động của Giáo hội chắc chắn sẽ có những biến chuyển lớn, phù hợp với tình hình mới, với những điều kiện mới.
Nếu Hiến chương không được tu chỉnh kịp thời, toàn diện, sâu sát với thực tế hoạt động của Giáo hội, các điểm tu chỉnh chưa đạt mức phù hợp với những thay đổi của thời đại, chưa đáp ứng được nhu cầu phát sinh từ quá trình điều hành hệ thống tổ chức Giáo hội, thì việc phát sinh những khó khăn trong hoạt động sẽ là điều không tránh khỏi. Nó tất yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đi đến quá trình đi lên của Giáo hội.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách, từ thực tế nêu trên, lãnh đạo của Trung ương Giáo hội đã có những chỉ thị kịp thời thể hiện trong Thông tư 089, Kế hoạch 090 về việc lấy ý kiến đóng góp tu chỉnh Hiến chương, khẩn trương xây dựng dự thảo Hiến chương tu chỉnh, để trình Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc Nhiệm kỳ VII xem xét thông qua. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của trung ương Giáo hội về việc góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN, dưới đây là một số đề xuất liên quan về việc tu chỉnh Hiến chương.
Những đề xuất góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN trình bày ở đây tập trung vào việc sửa đổi một số chi tiết cụ thể, sao cho Hiến chương tu chỉnh trở thành một văn bản có tính chất nền tảng ngày càng hoàn thiện, để xây dựng một Giáo hội mạnh, có tổ chức chặt chẽ, vững chắc, hoạt động hiệu quả, thích ứng với những điều kiện mới, trong tình hình mới, đáp ứng lòng mong mỏi của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Những nội dung góp ý tu chỉnh Hiến chương phải nhằm vào mục tiêu khắc phục những: khuyết điểm, nhược điểm, cũng như những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội. Thể hiện các quan điểm mới, trong việc tu chỉnh Hiến chương, không có nghĩa là xem thường những gì các bậc cao tăng tiền bối đã dày công gầy dựng mà chính là để tiếp nối và phát huy những giá trị quý báu, hiệu quả trong công tác điều hành hệ thống tổ chức Giáo hội, không ngừng hoàn thiện, để kiện toàn tổ chức Giáo hội đáp ứng các nhu cầu Phật sự trong thời hội nhập và phát triển đất nước. Từ những suy nghĩ chân thành tha thiết và trách nhiệm của một thành viên trong lòng Giáo hội, xin mạo muội đề xuất, bổ sung điều chỉnh vài chi tiết như sau:
1. Danh xưng Đức Pháp chủ (Pháp chủ tức là Pháp vương, là Phật) xin đổi thành Đức Tăng thống theo cách tôn xưng của thời Đinh và thời Tiền Lê.
2. Danh xưng Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự thì giữ nguyên, nhưng danh xưng Ban đại diện Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố. . . Ban Quản trị tự viện xin đổi thành Ban Trị sự.
Ví dụ như: Ban Trị sự Huyện hội Phật giáo huyện Củ Chi, Ban Trị sự chùa Phổ Quang – Tân Bình, trường hợp các tự viện không lập Ban Trị sự thì dùng theo danh xưng cũ là Trụ trì. Hiện nay, hệ thống tổ chức một số tôn giáo bạn từ trung ương đến cơ sở địa phương đều thống nhất với tên gọi là Ban Trị sự. Nếu chúng ta tiếp tục dùng danh xưng Ban Đại diện thì trong quan hệ xã giao chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều.
3. Trong tình cảnh : “Nhứt Tăng nhứt tự”, “Tre già măng chưa mọc” của 3 thập niên về trước, một vị kiêm nhiệm nhiều chức vụ là hợp thời. Tuy nhiên, hiện nay Tăng Ni Phật tử đông đảo, Phật sự đa đoan, quan hệ đối tác với các cơ quan đoàn thể rất nhiều, nếu một vị kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nhất định sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác Phật sự. Do đó một vị chỉ nhận 02 chức vụ.
4. Nên quy định độ tuổi và tiêu chuẩn cần phải có, cho các vị tham gia Ban Thường trực: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban trị sự Tỉnh, Thành hội và Huyện, Quận, Thị, Thành hội Phật giáo trực thuộc tỉnh.
5. Nên quy định chi tiết cụ thể về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và sự hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và tài sản của Giáo hội.
6. Nên bổ sung thêm chương “Cơ sở tự viện”, quy định về chức năng quyền hạn, trách nhiệm, hạ lạp, uy tín, năng lực, trình độ giáo lý, tuổi và sức khỏe của vị đứng đầu cơ sở, quy định chi tiết chặt chẽ về động sản, bất động sản tại cơ sở tự viện. Quy định về việc: kiến tạo, trùng tu, trang trí, thờ phụng; đoạn mãi, cầm cố, chuyển nhượng, di chúc, giới thiệu người thừa kế, v.v…tài sản của tự viện trong trường hợp nào được Giáo hội quản lý trọn vẹn và trong trường hợp nào Giáo hội chỉ quản lý về mặt hành chánh.
7. Ban Hướng dẫn Phật tử đổi thành Ban Phật tử, vì từ “Hướng dẫn” xác định nhiệm vụ của Ban, trùng với nhiệm vụ của Ban Hoằng pháp. Nếu bỏ từ “Hướng dẫn” thì ý nghĩa nhiệm vụ và sự hoạt động của Ban Phật tử sẽ rộng hơn. Theo lời phát biểu của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn: trong 10 ban viện có 02 ban quản lý về cơ sở và nhân sự, đó là Ban Tăng sự tổ chức quản lý Tăng Ni và cơ sở tự viện, Ban Phật tử tổ chức quản lý nam nữ Phật tử và các đơn vị, các mô hình sinh hoạt tu học như: đạo tràng, khóa tu, lớp giáo lý, giảng đường….Còn Ban Hoằng pháp có nhiệm vụ thiết lập giáo trình giáo án, phân bổ giảng sư giảng kinh, thuyết pháp hướng dẫn Phật tử tu tập theo lời Phật dạy.
8. Nâng cấp các Ủy viên Pháp chế, các Ủy viên Kiểm soát lên Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát.
Như vậy tổng số là 12 Ban và một Viện trực thuộc Hội đồng Trị sự.
9. Nội quy nên đổi thành Quy chế. Lý do Quy chế có giá trị pháp lý cao hơn Nội quy.
10. Hiến chương cần bổ sung Điều 11 tại Chương II “Mục đích thành phần” như sau: Tổ chức GHPGVN hoạt động theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có thể xem xét quyết định bằng văn bản, cho phép một số Ban Viện trung ương, Tỉnh, Thành hội Phật giáo hoặc các vị giáo phẩm tiêu biểu được áp dụng những quy định ngoại lệ, do nhu cầu Phật sự đặc thù ở địa phương.
Ví dụ: các tỉnh Tây bắc có người dân tộc phát tâm xuất gia, chưa đủ tuổi tấn phong lên hàng giáo phẩm, nhưng do nhu cầu hoạt động Phật sự Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có thể căn cứ Điều này để tấn phong ngoài quy định.
Qua những điều trình bày nêu trên, không ngoài mong muốn Phật pháp được xương minh, Giáo hội ngày càng thêm vững mạnh, nếu có điều chi sơ suất kính mong được chư Tôn đức chỉ giáo và xin nhận nơi đây lòng chân thành sám hối.