1. Về cơ cấu tổ chức:
– Bộ máy đồ sộ cồng kềnh nhưng hoạt động không đồng bộ. Mạnh ai nấy làm không thống nhất giữa các Ban của Trung ương, giữa Trung ương và địa phương.
Vi dụ: Như việc thi giáo lý cho Phật tử, nếu Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử đồng kết hợp tổ chức thì kết quả còn cao hơn nhiều.
– Các vị cán bộ của Giáo hội, Tỉnh Thành hội phần lớn là phát tâm, tự giác gánh vác công việc của Giáo hội, không phải là chuyên trách, không được đào tạo về hành chính nên nhiều vị, nhiều nơi xử lý các sự vụ hiệu quả thấp.
– Trung ương Giáo hội cũng nên cải cách hành chính, việc ra văn bản nên ít hơn và cần đi sâu, sát để giúp cơ sở tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết Trung ương đã đưa ra, gặp gỡ trao đổi với chính quyền địa phương, hỗ trợ địa phương hoàn thành nhiệm vụ Phật sự có khó khăn.
– Nội quy Ban Tăng sự sửa đổi chậm so với Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo đã gây lúng túng trong các Phật sự của ngành Tăng sự ở địa phương.
– Hằng năm Giáo hội nên khen thưởng, tuyên dương các địa phương chấp hành tốt Hiến chương, Nội quy, phương hướng hành động của Giáo hội và phê bình khiển trách các đơn vị không chấp hành để tạo không khí thi đua lành mạnh trong Giáo hội. Trung ương nên khuyến khích các địa phương đầu tư máy vi tính để trở thành Giáo hội quản lý bằng điện tử trong xu thế thông tin bùng nỗ.
2. Về nhân sự:
Giáo hội cần phải có kế hoạch trẻ hóa đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương, lựa chọn những người tâm huyết với sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phục vụ dân tộc, có ý thức chung tay xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có tài có đức, có uy tín trong Giáo hội và chính quyền nể vì. Có như vậy mọi Phật sự triển khai mới thành tựu viên mãn. Ở các địa phương cần sử dụng tốt những vị đã được đào tạo ở các cấp học, phân công mỗi người chuyên một việc sẽ có hiệu quả cao hơn.
3. Về Giáo dục Tăng Ni :
Việc đào tạo Tăng tài là điều quan trọng nhất vì: “Phật pháp ký tại Tăng Ni”. Nhưng hiện nay Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương hình như bỏ lững mặc cho các địa phương tùy nghi giảng dạy mà Trung ương không đi sâu sát, kiểm tra chương trình, nội dung đào tạo, người dạy, người học như thế nào? Tất cả phó mặc cho địa phương. Để tránh việc trăm hoa đua nở về mở trường, Giáo hội nên xem xét lại Tỉnh Thành hội nào không đủ điều kiện giảng sư và số lượng học sinh ít thì gom vào một cụm trường để nâng cao chất lượng học tập và tránh lãng phí về mọi mặt.
Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương nên xây dựng chương trình đào tạo cho các cấp học và có giáo trình giáo án thống nhất toàn quốc. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc giảng dạy và giám sát đầu vào và đầu ra của các trường, lớp. Việc cần thiết hiện tại là đổi mới phương pháp dạy và học để hòa nhập với xu thế hội nhập quốc tế.
4. Về Hoằng pháp :
Việc Hoằng pháp là quan trọng nhất của người xuất gia “Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự”. Trong thời gian qua, công tác hoằng dương chính pháp có rất nhiều khởi sắc nhưng chưa khơi dậy hết khả năng tiềm tàng tại các địa phương. Ban Hoằng pháp cần đa dạng hóa, hiện đại hóa phương cách hoằng pháp để phổ cập tới mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi trình độ thính chúng.
Trước hết, Giáo hội cần có một trang Website để truyền tải các thông tin hoạt động của Giáo hội và các bài giảng giáo lý tới các đối tượng ở xa, không có thời gian đi nghe giảng. Ngoài ra còn in ấn các bài giảng, các băng đĩa để chuyển về vùng sâu vùng xa để ánh sáng Phật pháp tỏa rạng tới mọi nơi.
Thứ hai: Ban Hoằng pháp tổ chức nhiều lớp Bồi dưỡng cho các địa phương, để các vị giảng sư có đủ kỹ năng sư phạm của vị pháp sư và nắm vững tâm lý của các đối tượng thính chúng thì việc hoằng pháp đạt kết quả cao hơn.
Ba là: Ban Hoằng pháp kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử, tổ chức đa dạng các hoạt động vừa tu vừa học, vừa tham gia các công việc từ thiện nhân đạo, nhằm vào mọi đối tượng, nhưng lấy thanh thiếu niên làm chủ chốt.
5. Ban Văn hóa:
Là Ban quản lý kho tàng báu vật của Giáo hội, biết bao di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhưng thực chất Ban cũng hông hề quản được. Một số chùa di tích lớn thì Sở Văn hóa địa phương quản lý bán vé làm mất vẻ tôn nghiêm, một số nơi do thiếu hiểu biết nên khi trùng tu tôn tạo lại đã làm mất đi hoặc sai lạc với kiến trúc truyền thống tạo thành chắp vá, khập khiễng, xóa mất tài sản quý báu của dân tộc. Nhiều chùa văn hóa xếp hạng di tích cũng không thông qua Giáo hội nên Giáo hội cũng không thể quản được.
– Ban văn hóa nên sưu tầm, thống kê bảo quản và phục chế các văn bia cổ đã mất.
– Việc in ấn kinh sách, băng đĩa từ Giáo hội nên giao trách nhiệm cho Ban Văn hóa kiểm duyệt về nội dung trước khi in ấn. Thay cho một số nhà xuất bản không am hiểu giáo lý đã xuất bản một số sách, bài giảng không phản ánh đúng tinh thần giáo lý Phật dạy. Đã tạo nên sự hiểu lầm và làm mất đoàn kết trong nội bộ Tăng đoàn và mất niềm tin Tam bảo của Phật tử.
– Ban Văn hóa nên kết hợp với Ban nghi lễ có kế hoạch tổ chức đại lễ Phật đản, Vu lan sao cho trang nghiêm và phổ cập tới mọi tầng lớp nhân dân như ngày Chúa Giáng sinh của Ki Tôn giáo. Vì tiềm năng của Giáo hội rất lớn, số lượng Phật tử rất đông và có truyền thống đồng hành cùng dân tộc vẫn chưa được phát huy.
– Ban Văn hóa nên xây dựng một Trung tâm nghe nhìn để sản xuất các chương trình video, các băng đĩa giảng kinh, thuyết pháp và làm trung tâm kết nối, chuyển tải thông tin, hoạt động của Giáo hội.
6. Ban Hướng dẫn Phật tử :
Các đạo tràng tu tập nở rộ trên khắp cả nước, phong trào học tập nghiên cứu giáo lý trong Phật tử rất sôi nổi, số lượng Phật tử Quy y Tam bảo rất đông, đủ mọi tầng lớp. Mọi lứa tuổi, một số địa phương Gia đình Phật tử hoạt động khá tốt đem lại sự an lạc trong chính pháp cho Phật tử.
Song tứ chúng đệ tử của Phật thì Phật tử là đối tượng đông đảo nhất, nơi lưu giữ những truyền thống quý báu “Nhân gian Phật giáo” lại chưa được Giáo hội quan tâm đúng mức. Nhiều khả năng tiềm tàng chưa được khơi dậy. Nhiều vị Tăng Ni chưa phát huy hết vai trò cầu nối của mình đưa chúng sinh tới quả vị Phật. Nên chúng tôi có vài đề nghị như sau:
– Trung ương nên quan tâm hơn nữa tới Ban Hướng dẫn Phật tử. Đa dạng hóa các mô hình sinh hoạt và tu tập. Ví dụ như Câu lạc bộ thanh niên Phật tử Việt Nam tại miền Bắc đã quy tụ những thanh niên am hiểu về công nghệ thông tin, họ có trang web riêng và thường xuyên trao đổi, chia sẻ học hỏi Phật pháp một cách tiện lợi ở mọi lúc, mọi nơi, cần được nhân rộng. Đề nghị Ban Nghi lễ phổ biến khóa lễ thống nhất bằng tiếng Việt để Phật tử sử dụng.
– Tại các đơn vị Tỉnh Thành hội, Ban Hướng dẫn Phật tử nên chủ động xây dựng các chương trình hoạt dộng, tu tập triển khai xuống từng chùa có các bài học đơn giản phổ cập mọi đối tượng. Như vậy, Giáo hội sẽ xây dựng được đội ngũ Phật tử am hiểu giáo lý và có niềm tin vững chắc ngôi Tam bảo sẽ đẩy lùi nạn mê tín dị đoan.
7. Ban Từ thiện Xã hội:
Với tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”, lấy từ bi cứu khổ làm phương châm hoạt động trong lòng dân tộc. Từ khi thống nhất tới nay Giáo hội đã đóng góp rất nhiều và làm vơi đi những mất mát, thiệt thòi cho những người thiếu thốn và bất hạnh được nhân dân trân trọng và các cấp chính quyền đánh giá cao. Nhưng chúng ta còn thiếu một cái lớn lao hơn và tập trung hơn đó là xây dựng được một Nhà thương xứng với tầm của Giáo hội. Xây dựng Nhà nuôi dưỡng các cụ già cô đơn, các cháu mồ côi, đó là thế mạnh mà Giáo hội chưa khơi dậy.
Trên đây là một số ý kiến của chúng con đóng góp tại Hội thảo mong muốn Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh hơn.
Xin kính chúc Quý vị thân tâm an lạc. Chúc Hội thảo thành công.