Trang chủ Văn hóa Góc tâm linh Việt ở xứ người

Góc tâm linh Việt ở xứ người

78

Ít ra người mình cũng còn những góc tâm linh Việt để lui về, để hồi niệm. Nơi đó có thể là một góc thờ trong ngôi nhà, một nếp chùa Việt khiêm tốn giữa chốn phố phường xứ người. 


BÀN THỜ TỔ TIÊN


nước ngoài, khi vào một ngôi nhà người Việt mà còn nhìn thấy một góc thờ tổ tiên, nghe con cái họ nói được tiếng Việt, tôi nghĩ gia đình này còn hướng về quê hương, xứ sở. Phần lớn người mình được tiếng hội nhập nhanh nhưng có lẽ cũng mất gốc nhanh không kém!


Đa phần người Việt Nam mình đi đâu cũng nhớ ông bà tổ tiên. Thuê một căn hộ, mua căn nhà, tậu được một ngôi biệt thự, người mình đều tìm nơi sắp xếp một góc thờ tự, xem như một không gian để hồi niệm, quây quần người thân, anh em bạn bè. Ngày giỗ hoặc Tết cũng thường sắp lui vào ngày nghỉ cuối tuần mới tiện việc tụ họp được đông đảo người thân quen. 


Bố cục nội thất nhà cửa phương Tây không dành cho ta một khu vực nào để thờ tự. Đành phải tìm một góc nào thích hợp để bố trí một góc thờ đơn giản. Đặt bàn thờ trên lò sưởi, chiếc tủ kệ thấp (tủ buffet để bát đĩa), hoặc trên tấm ván kệ gắn trên mãng tường nơi phòng sinh hoạt gia đình. Biệt thự rộng rãi thì sắp xếp hẵn một phòng thờ, nhưng cũng ít khi tìm được góc như ý. Nơi thờ tự cốt nhất là nằm ở chỗ trang trọng nhưng kín đáo, day được mặt ra đường. Góc thờ thường xếp thành 2 cấp: trên thờ Phật, dưới thờ ông bà. Hương khói, giấy vàng bạc ít dám đốt, sợ cháy nhà. Khói nhiều, hệ thống báo cháy reo vang gây phiền hà. Ta có thể mua được loại hương không khói nơi chợ Tàu, nhưng thường thì cắm hương điện tượng trưng. Gia giảm bớt việc thờ ông táo, thổ thần trong nhà. 


Nhớ Tết, có người mới từ trong nước sang bày ra hè đường nhóm lửa nấu nồi bánh chưng, bị cảnh sát phạt vi cảnh vì phạm quy định phòng chống cháy. Nhưng bánh chưng, bánh tét cũng nấu được trên bếp gas, bếp điện. Bánh gói lá tre Tàu khổ lớn, bọc nylon. Cũng đầy đủ củ hành dưa món, nem chua giò chả, tùy tài chế biến của các bà. Tôi cảm thấy về mặt này gia đình Việt cũng rôm rả, phong phú như hồi còn ở trong nước. 


NẾP CHÙA VIỆT


Ngày Tết, các thành viên gia đình thường sắp xếp thời gian đi chùa, hái lộc vào buổi tối, vì Tết ít khi rơi vào ngày nghỉ ở xứ người. Ngôi chùa được xem như một không gian tâm linh Việt rộng lớn hơn để người mình tìm lại dân tộc, quê hương. 


Chùa hiện đại giữa lòng phố thị phương Tây cũng không lớn hơn hoặc có hình dáng gì khác một căn phố lớn hoặc một ngôi biệt thự. Chỉ khác ở chỗ cửa sơn màu vàng, khắc chữ vạn, treo cờ Phật giáo, thêm tên tiếng Việt. Nhưng một khi bước vào bên trong, bầu khí đã khác lạ. Giày dép cởi ra nằm la liệt ngoài cửa chính. Mùi hương trầm từ chính điện đã thoang thoảng. 


Trang trí nơi thờ tự đơn giản tối đa, chỉ tập trung vào hình tượng Đức Phật, ngoài ra chỉ còn là một không gian chính điện rộng lớn. Tiết trời lạnh, sàn nệm không đủ ấm, quỳ ngồi trên gối dày độn bông. Ngôi chùa thường tìm cách thỉnh cho được một ngôi tượng Phật bằng đồng từ trong nước ra. Các bộ lư, chân đèn, lọ hoa cũng mang dấu ấn quê nhà. Tạo dựng được một góc tâm linh Việt tưởng dễ nhưng cũng khó thực hiện. Tôi đã góp phần suốt quá trình tạo dựng được một ngôi chùa Việt, thấy không dễ dàng. Tiền bạc ta ít, nơi ở người mình cũng phân tán. Thường thì đi tìm một nhà kho, nhà xưởng cũ, mặt bằng rộng rãi hơn biệt thự. Địa điểm còn phải được hội đồng thành phố địa phương chấp thuận, rồi còn trả lời được bao nhiêu câu hỏi: nào địa điểm có đủ chỗ đậu xe hơi, sinh hoạt Phật giáo có gây xáo trộn khu nhà ở địa phương của người da trắng khác tôn giáo với người mình, công trình quy tụ đông người kiểu này có đủ an toàn về phòng chống cháy chưa, thiết kế có dự trù đường xe lăn cho người tàn tật… Đó là việc đối phó bên ngoài, còn nội bộ ban trị sự, người góp công góp của cũng lắm rắc rối: nào kiểu trang trí, cách sinh hoạt phù hợp chưa, theo kiểu nào, chín người mười ý nhiều khi thấy nản lòng. Nhưng rồi một không gian tâm linh Việt cũng ra đời, như một điểm tựa tinh thần nhà ở nhỏ của cộng đồng Việt giữa lòng đông đảo người xa lạ ở xứ người. 


Mỗi con người Việt dù ở phương trời nào rồi cũng phải tìm được cho mình một góc tâm linh. Ngày nay, không chỉ ở nước ngoài mà ngay ở thành phố ta, thị dân cũng cần một góc tâm linh. Mong rằng đời sống công nghiệp bận rộn không làm ta quên đi một không gian tinh thần, một góc “tĩnh” tâm linh, cần thiết trong ngôi nhà phố thị, trong căn hộ chung cư chật hẹp của mình.