Ngay từ ngày mới lấy bố tôi tính mẹ đã thế, và mẹ đã biến căn buồng hạnh phúc của hai người thành một thế giới chai lọ, túi tòng hệt như một tiệm hàng tạp phẩm. Vì điều này bố tôi đã có lần phát cáu và nhiều khi là nguồn cơn dẫn đến chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Nhưng mẹ không hề sửa và hình như chưa bao giờ bà có ý nghĩ ấy. Giữa đống đồ hổ lốn ấy, chúng tôi dần lớn lên nhưng chẳng có đứa nào chịu được cái thói quen kỳ lạ này của mẹ. Nhiều lần tôi góp ý, thậm chí đã có lúc nói năng không đựơc lễ phép cho lắm nhưng đều bị bà mắng té tát… Lần nào có ý định “cải tổ” là y như rằng gặp phải sự phản ứng quyết liệt, mãi chúng tôi cũng nản, đành noi gương bố: Chấp nhận thua. Và mẹ cứ tha hồ nhặt nhạnh, gom góp. “Bộ sưu tập” của mẹ ngày một phình to với đủ chủng loại mẫu mã tạp phí lù. Có những thứ đã để quá lâu, năm này qua năm khác mà không thấy dùng vào việc gì nhưng bảo vứt đi thì bà nhất định không chịu. Một lần, nhân mẹ tôi về quê ăn giỗ, nhận thấy đây là cơ hội tốt để dọn dẹp mấy thứ đồ vướng mắt mà cả nhà đã phải chịu đựng quá lâu, chúng tôi đồng loạt tuyên bố thanh lý kho lưu trữ của mẹ, và ai cũng cho rằng mọi việc xong thì thôi, sự đã rồi chắc mẹ cũng không giận. Nhưng chúng tôi hoàn toàn sai lầm. Khi mẹ tôi trở về, phát hiện thấy kho “của quý” bị vơi đi một phần bà đã nổi cơn tam bành khiến mọi người phát hoảng, không khí trong nhà nặng nề hẳn. Bố tôi phải làm “công tác tư tưởng” mãi bà mới nguôi. Bà bảo mấy thứ ấy tuy chẳng đáng tiền nhưng nó đã gắn bó với nhà mình, đã có thời gian phục vụ mình, nỡ nào mình bỏ rơi nó, cứ để đấy rồi sẽ có lúc cần đến. Từ đấy không ai còn nuôi ý định can thiệp vào góc riêng của mẹ nữa mà hoàn toàn chấp nhận sở thích lạ lùng ấy như người ta thích sưu tập côn trùng, tem thư, hay bưu thiếp vậy. Khi gia đình tôi xây nhà, mọi người thống nhất “ưu tiên” thiết kế cho mẹ hẳn một kho riêng để cất giữ “bộ sưu tập” của mình. Rồi chị em tôi lần lượt trưởng thành, mỗi người mỗi nơi, đứa Nam đứa Bắc, chẳng mấy khi có dịp hội tụ đông đủ. Những chuyến về thăm nhà cũng thưa thớt. Cảnh tha hương nhiều khi ngồi buồn nhớ nhà, nhớ quê đến bần thần cả người. Và lạ lùng thay, cái tôi nhớ về mẹ và bị ám ảnh nhiều nhất lại chính là “bộ sưu tập” ấy. Nó cứ vẩn vơ, len lỏi, lẩn khuất trong ý nghĩ, bám riết lấy tôi không sao dứt ra được. Một lần về phép, tôi bâng khuâng bước vào “thế giới” của mẹ. Trước mắt tôi hiện ra bao nhiêu đồ vật tuy tầm thường nhưng chúng đều đã gắn bó với gia đình chúng tôi, đều khiến tôi nhớ đến những kỷ niệm nho nhỏ. Tôi bỗng thấy việc làm của mẹ chẳng hề vô nghĩa.