Cốt lõi của bài viết là hoạt động truyền thông Phật giáo, với những điều cần chú ý của nó, trong mối liên hệ đến việc giữ giới theo Phật giáo.
Nhìn những hình ảnh các giới đàn trang nghiêm được chiếu trên TV, phổ biến trên mạng internet…, dường như, truyền thông Phật giáo luôn luôn cho thấy việc giữ giới trong hàng tu sĩ Phật giáo là hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, triệt để.
Tuy nhiên, cũng cùng trên mạng internet, và nhiều phương thức truyền thông khác, gồm cả dĩa quang, sách in…, hình ảnh người tu sĩ Phật giáo trong trạng thái không giữ giới cũng được phổ biến hết sức rộng rãi, coi như là việc sinh hoạt bình thường, tự nhiên, không có gì phải ngần ngại, ý tứ.
Nổi bật nhất là hình ảnh các vị tu sĩ với giới nghe xem múa hát âm nhạc.
Nếu chỉ là việc nghe xem ca nhạc Phật giáo thì có lẽ chưa đến nỗi thành vấn đề để đáng lưu tâm. Mà đây là hình ảnh, video clip, thậm chí thơ ghi cảm xúc các vị tu sĩ Phật giáo tự mình ca hát, biểu diễn các nhạc khí, mà trong nhiều trường hợp, không chỉ là âm nhạc Phật giáo.
Một vị tu sĩ ca múa, hay biểu diễn khí nhạc thì đã là chuyện phạm giới. Xem những buổi ca nhạc Phật giáo, thấy người tu sĩ bước lên sân khấu, thì quả có cái gì đó không ổn. Nhất là khi quý vị ra sức thể hiện bài hát hay tác phẩm khí nhạc bằng động tác hình thể, bằng nét mặt như những ca sĩ ngoài đời trước đám đông công chúng. Chừng như, khi đó, người tu sĩ Phật giáo đang ở vị trí xa với đạo Phật nhất.
Điều không hay, và là điều mà chúng tôi muốn đề cập, là việc đưa những hình ảnh như vậy lên truyền thông đại chúng. Tu sĩ ca múa, biểu diễn khí nhạc ở truyền thông liên cá nhân, mặt đối mặt (face-to-face), tức trong phạm vi hẹp thiết tưởng là đã có vấn đề. Đàng này, vấn đề sẽ trở thành nghiêm trọng hơn khi phổ biến bằng các phương tiện truyền thông đại chúng như internet, video, dĩa CD, DVD sách in, báo in…
Vừa rồi, việc các ni cô huyện Bình Chánh TPHCM múa hát, bị quý vị giáo phẩm Phật giáo TPHCM coi là sai. Việc này cũng được chụp hình, phổ biến trên mạng, gây nên một sự kiện truyền thông bất lợi cho Phật giáo.
Nhưng trên mạng lại nhan nhản những hình ảnh tu sĩ Phật giáo múa hát, biểu diễn khí nhạc như thế, mà lại phổ biến như là ca sĩ, nhạc công ngoài đời, không một chút e dè, như thể trong Phật giáo không hề có giới cấm này vậy.
Thậm chí, có nam tu sĩ lập hẳn công ty biểu diễn, hóa trang như nữ diễn viên thành đủ loại vai nữ, với trang phục diêm dúa, trang điểm son phấn lòe loẹt, đầu tóc chải chuốt, uốn éo tạo dáng hình ảnh. Rồi phổ biến cả tuồng cải lương mà vị tu sĩ đó thủ vai (xin tìm trang web “Chùa Minh Duyên). Có người bảo đó là thầy hóa trang vai địa mẫu (?!), nhưng xem ra lại giống… Võ Tắc Thiên.
Một trường hợp khác, có hòa thượng phổ biến hàng loạt các ảnh chụp khi chơi khí nhạc, cụ thể là piano, với cả thơ diễn tả cảm xúc chơi nhạc. Độc tấu piano thì quý phái, lịch sự, sang trọng hơn hát cải lương, vọng cổ nhiều, nhưng đối với cái nhìn của nhà Phật thì cũng là “múa hát đờn kèn” không khác. Nhất là âm nhạc cổ điển phương Tây, thì chắc chắn chẳng liên hệ gì đến đạo Phật, cho dù nó có đẳng cấp văn hóa cao cho đến mức nào đi nữa.
Điều rất không hay là đem những việc như vậy phổ biến trên truyền thông đại chúng, đến cả chục ngàn người, cả trăm ngàn người…
Cả múa cải lương trong các vai diễn và chơi piano là hai đầu mút khá đặc biệt của hoạt động biểu diễn ca múa nhạc của tu sĩ, nhưng phổ biến hơn cả trên các phương tiện thông tin đại chúng là tu sĩ biểu diễn ca khúc, từ nhạc Trịnh, nhạc sến đến nhạc chế. Đây là những hiện tượng ở khoảng giữa và phổ biến nhất… Không những chỉ hình chụp, mà thường là video clip, audio mp3. Thậm chí, số video clip tu sĩ Phật giáo ca hát trên mạng có thể còn nhiều hơn cả video clip tu sĩ Thiên Chúa giáo ca hát.
Giới cấm xem nghe ca múa âm nhạc trong nhà Phật không chỉ áp dụng cho tu sĩ, mà còn áp dụng cho tín đồ nếu phát nguyện thọ Bát quan trai giới. Nhưng nay, khi truyền thông đại chúng cho thấy người tu sĩ Phật giáo tự biểu diễn từ ca múa đến tác phẩm khí nhạc lên đến mức chưa từng có từ trước đến giờ, thì quả là việc chẳng lành cho Phật giáo Việt Nam.
Thời tôi bắt đầu đi chùa, nhà chùa hầu hết không có TV, dù những năm 1970, TV ở Sài Gòn đã rất phổ biến. Cá biệt, có tăng ni xem TV (dĩ nhiên là có ca múa nhạc) thì phải dấu diếm, gần như xem lén. Đến thập niên 1990-2000, thì mới có việc Tăng ni xem TV, rồi xem băng xem dĩa công khai. Đến bây giờ, thì đã lên đến mức độ tu sĩ Phật giáo ca múa, chơi đàn công khai, lại còn phổ biến trên truyền thông đại chúng bằng nhiều hình thức.
Không dám mơ đến việc trở lại thời nhà chùa không hề biết đến TV, nhưng người Phật tử cũng không thể đồng tình đến mức như hiện nay, tu sĩ thành ca sĩ, nhạc công và điều đó được quảng bá công nhiên trên phương tiện truyền thông đại chúng.
MT