– Xin thầy cho biết làm thế nào để có thể giành được ví trí đầu bảng trong cuộc thi giáo lý này?
– Tôi chỉ “luyện” 3 bộ: Phật học phổ thông (1, 2), Luật Tỳ ni và Hai thời công phu. Sau đó thử làm trước 195 câu trắc nghiệm đăng trên báo Giác Ngộ.
– Cuộc sống của thầy trước khi xuất gia?
– Tôi học ở Trường THPT Bùi Thị Xuân. Thi rớt đại học, xin làm thủ kho của XN Chế biến thực phẩm Thuận Phát. Cơ duyên đến, năm 2003 tôi xin xuất gia với TT. Thích Chơn Không tại chùa Thiên Tôn.
– “Cơ duyên” ấy được hiểu như thế nào?
– Thời gian làm thủ kho, mỗi tối tôi thường hay đến chùa Thiên Tôn tụng kinh. Ngày nghỉ đến chùa làm công quả và học giáo lý với TT. Thích Chơn Không. Trong thời gian nghiên cứu kinh điển, tôi được tiếp xúc với 4 quyển luật: Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách. Trong số đó, tôi tâm đắc nhất là bộ Cảnh sách của Tổ Qui Sơn. Chính quyển luật này đã gợi ý cho tôi xuất gia.
– Lời dạy nào trong Qui Sơn cảnh sách được thầy cho là “động lực” chính đưa đến quyết định xuất gia?
– Khi đọc bài kệ: “Phù xuất gia giả/Phát túc siêu phương/Tâm hình dị tục/Thiệu long Thánh chủng/ Chấn nhiếp ma quân/Dụng báo tứ ân/ Bạt thế tam hữu (Phàm người xuất gia/Phủi tóc đi xa/Tâm tướng khác tục/Nói dõi dòng Thánh/Hàng phục ma quân/Cốt đền bốn ân/Cứu khổ ba đường) cảm giác như có luồng điện chạy trong người. Bài kệ tuy đơn giản nhưng có thần lực khiến cho tôi trăn trở và quyết định thưa chuyện xuất gia với sư phụ sau đó.
– Trong Thập giới Sa di, theo thầy, giới nào khó giữ nhất?
– Mỗi giới đều có cái khó riêng. Tuy nhiên theo tôi, khó nhất là giới thứ 10, Sa di không được phép nắm giữ tiền bạc. Thời buổi kinh tế thị trường, nếu không nắm tiền làm sao sống? Tiền đứng đầu Ngũ dục (Tài, sắc, danh, thực, thùy). Nhưng tôi sẽ thực hành theo kinh Di Giáo: Thiểu dục tri túc (Ít muốn biết đủ) để có thể giữ được giới thứ 10 này!
– Sau khi thọ giới, việc làm đầu tiên của thầy là gì?
– Tôi sẽ lạy tạ ơn thầy tổ và sau đó chiêm nghiệm 10 giới Sa di để giới luật ngấm sâu vào tâm thức mình.
– Cảm ơn thầy đã dành cho GN buổi trò chuyện thú vị này.