Trang chủ Tin tức Giới thiệu về Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc 2008...

Giới thiệu về Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam

131

1. Vì sao có Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc?


Đại lễ Phật đản là Đại lễ kỷ niệm ngày sinh của Thích Ca Mâu Ni (Đức Phật – Giáo chủ của đạo Phật) vào ngày 15/4 âm lịch hàng năm theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở một số nước trong đó có Việt Nam.


Đối với Phật giáo theo truyền thống Nguyên thủy, Đại lễ Phật đản  trùng với ngày Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn nên gọi là Đại lễ Tam hợp Đức Phật (hay Đại lễ Vesak).


Vesak – tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ, ngưới Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak là tháng linh thiêng bởi vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trùng lặp gắn với thân thế sự nghiệp Đức Phật (Phật đản, Phật thành đạo, Phật nhập niết bàn). Tháng Vesak tương đương với tháng 5 dương lịch. Đại lễ tam hợp Đức Phật theo truyền thống Nguyên thuỷ được gọi theo tháng là đại lễ Vesak. Từ xa xưa, Đại lễ Vesak đã được tổ chức tại một số nước Phật giáo, từ Sri Lanka, Ân độ sau đó truyền sang Thái Lan… Đối với Việt Nam theo truyền thống, Phật giáo vẫn gọi là Đại lễ Phật đản, bởi vậy Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 ở Việt Nam gọi là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 cho gần gũi và dễ hiểu.


Để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước thành viên của Liên hợp quốc, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc, những họat động của Đại lễ kỷ niệm Đức Phật sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi.


2. Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc đã được tổ chức bao nhiêu lần và ở đâu?


Năm 2001, Đại lễ Phật đản được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New Your (Mỹ) với sự tham gia của đại biểu đến từ 34 nước. Kể từ đó đến nay Đại lễ Phật đản đã được tổ chức nhiều năm liền ở ngoài trụ sở Liên Hợp quốc.


Tháng 4 năm 2005, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc được tổ chức tại Mumbai (Ấn Độ). Tiếp theo, từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 5 năm 2005, Đại lễ Phật đản được tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Quốc gia Buddhamonthon (Thái Lan) với đại biểu từ 42 quốc gia tới dự. Đại lễ Phật đản tiếp theo được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 5 năm 2006 tại Trường Đại học Mahachulalongkon (Thái Lan) gắn với kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi của nhà vua Thái Lan. Từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 5 năm 2007, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc tiếp tục được tổ chức tại Trường Đại học Mahachulalongkon (Thái Lan) với sự tham gia của 500 đoàn đại biểu từ 62 nước.


3. Lực lượng tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc như thế nào?


Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc, Phật giáo thế giới có Ủy ban Tổ chức Quốc tế (tên viết tắt tiếng Anh là IOC), thành viên Ủy ban Tổ chức Quốc tế bao gồm đại diện được bầu từ những người có tín ngưỡng Phật giáo  ở một số nước có đạo Phật. Ủy ban Tổ chức Quốc tế do một Chủ tịch đứng đầu, Chủ tịch phải vừa là thành viên của Ủy ban Tổ chức Quốc tế vừa là công dân của nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản.


Giúp việc cho Chủ tịch là các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc tế (tên viết tắt tiếng Anh là IS). Trụ sở Ủy ban Tổ chức Quốc tế đặt tại nước Chủ tịch cư trú. Vai trò chủ yếu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế là chuẩn bị nội dung chương trình, và đưa ra những vấn đề có liên quan tới Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc, bầu cử thành viên Ủy ban và lựa chọn nước đăng cai tiếp theo.


Chính phủ nước đăng cai hỗ trợ kinh phí cho Đại lễ Phật đản và phối hợp với Ủy ban tổ chức Quốc tế cùng Phật giáo nước chủ nhà đồng tổ chức Đại lễ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Đại lễ Phật đản đạt  kết quả tốt.


4. Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2008 như thế nào?


Ngày 17 tháng 5 năm 2007, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm tới Chính phủ Hoàng gia Thái Lan ( nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2007) và Ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản, bày tỏ sự hưởng ứng về việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 của Chính phủ Việt Nam.


Ngày 23 tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chúc mừng Đại lễ Phật đản  2007. Trong điện mừng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam hoan nghênh quyết định của Liên Hợp quốc công nhận tính quốc tế và cơ chế tam hợp của ngày Đại lễ Phật đản. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết định nói trên của Liên Hợp quốc vì hòa bình, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội.


Ngày 29 tháng 5 năm 2007, tại phiên bế mạc của Đại lễ Phật đản  2007, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Nguyễn Duy Hưng cùng đại diện GHPGVN HT. Thích Trí Tâm – Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương và chủ tịch IOC người Việt Nam GS. Lê Mạnh Thát đã nhận chuyển giao quyền tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2008.


5. Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 Việt Nam được gì?


Việt Nam là nước thành viên của Liên Hợp quốc, là ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc 2007 – 2008. Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Việt Nam tỏ rõ thiện chí và quyết tâm ủng hộ chủ trương của Liên Hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Điều này phù hợp với giáo lý của Đức Phật và phù hợp với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.


Việt Nam là nước có Phật giáo với truyền thống đã gần 2 ngàn năm. Phật giáo ở Việt Nam được đánh giá là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, bởi vậy đất nước Việt Nam tôn trọng các giá trị nhân bản, nhân văn của Phật giáo. Đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008, Chính phủ Việt Nam đề cao giá trị của Phật giáo đồng thời đề cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta.


Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, giá trị tốt đẹp của Phật giáo được Liên Hợp quốc công nhận và cổ súy. Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam vừa khẳng định giá trị của Phật giáo, vừa khuyến khích các hoạt động của tôn giáo gắn bó với đời sống xã hội, vì mục tiêu xây dựng xã hội hòa bình, an lạc. Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 được tổ chức tỏ rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam là thực hiện Đại đoàn kết, hữu nghị, hòa bình vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội để xây dựng một thế giới hoà bình, phát triển, xây dựng một đất nước Việt nam độc lập, giàu mạnh.


Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 ngoài việc khẳng định chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, còn thể hiện hình ảnh Việt Nam thân thiện với bạn bè quốc tế, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, tỏ rõ thiện chí Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.


Việc tổ chức Đại lễ Phật đản  2008 tại Việt Nam sẽ góp phần thể hiện đường lối đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thiếu thiện chí lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta.


6. Công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam như thế nào?


Chính phủ Việt Nam đã đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008. Sau khi nhận đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương và nguyên tắc tổ chức nhằm đảm bảo cho Đại lễ Phật đản  Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam được diễn ra tốt đẹp.


Do nước Việt Nam có nhiều tôn giáo, để đảm bảo sự đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như đảm bảo  sự hài hòa trong việc tổ chức một sự kiện vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa có tính chất thuộc một tôn giáo, lại trong khuôn khổ các họat động được Liên Hợp quốc cổ súy, khác với Thái Lan, Chính phủ Thái Lan giao việc tổ chức Đại lễ cho trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkon đảm nhiệm; ở Việt Nam, Chính phủ lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản  Liên Hợp quốc năm 2008 gồm đại diện một số tổ chức, cơ quan của nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số thành viên (IOC) người Việt Nam, để điều hòa và phối hợp công việc giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) và các tổ chức, cơ quan thuộc nhà nước cho nhịp nhàng để Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2008 được thành công tốt đẹp.


7. Trách nhiệm cụ thể trong công tác tổ chức như thế nào?


Ban Điều phối Quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm đại diện các bộ, ban, ngành TW và 04 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình cùng đại diện của GHPGVN và IOC người Việt Nam. Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia là Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; giúp việc cho Ban Điều phối Quốc gia có 7 Tiểu ban, trong đó GHPGVN và IOC trực tiếp đảm nhiệm 4 Tiểu ban là:


– Tiểu ban Lễ nghi – Văn hóa, do Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.


– Tiểu ban Nội dung, do Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TW GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban;     


– Tiểu ban Lễ tân – Giao tế, do GS. Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC, Tổng Thư ký Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.


– Tiểu ban Trang trí – Khánh tiết, do Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Uỷ viên Ban Điều phối Quốc gia làm Trưởng Tiểu ban.


– 3 Tiểu ban còn lại do các cơ quan Nhà nước chủ trì gồm: Tiểu ban Tuyên truyền, An ninh và Hậu cần. Tuy nhiên, trong hoạt động của từng Tiểu ban có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 thành phần gồm cơ quan Nhà nước, GHPGVN và IOC, đảm bảo sự nhịp nhàng và thống nhất trong chỉ đạo chung của Ban Điều phối Quốc gia theo phương thức Trưởng Tiểu ban chịu trách nhiệm chính trước Trưởng ban Ban Điều phối Quốc gia. Giúp việc cho các Trưởng Tiểu ban là nhân sự thuộc quyền quản lý trực tiếp của Trưởng Tiểu ban, phối hợp trợ giúp chuyên môn các lĩnh vực liên quan có nhân sự các ngành, các đơn vị được phân công cụ thể.


8. Công việc từng Tiểu ban thuộc Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc như thế nào?


Tiểu ban Lễ tân – Giao tế:  Lập danh sách khách mời trong nước và quốc tế; triển khai giấy mời, phối hợp với Tiểu ban Hậu cần và các Tiểu ban chuẩn bị điều kiện ăn, ở, đi lại… cho các đoàn khách trong nước và quốc tế. Chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc đón khách, hướng dẫn đại biểu tham gia Đại lễ…


Tiểu ban Nội dung: Chuẩn bị Đề án khai mạc, bế mạc, Hội thảo… Dự thảo các văn kiện, các bài phát biểu, bố trí người dẫn chương trình, phiên dịch và thẩm định các ấn phẩm có liên quan tới nội dung Đại lễ, dịch các văn kiện ra tiếng nước ngoài…


Tiểu ban Nghi lễ – Văn hóa: Chuẩn bị nội dung thể hiện nghi lễ – văn hóa, vừa mang nét Phật giáo vừa thể hiện truyền thống của Phật giáo, truyền thống văn hóa Việt Nam qua các nội dung nghi lễ Phật giáo, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn văn nghệ, hội chợ, chiêm bái thắng tích Phật giáo tại Khu Du lịch Văn hóa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh) tham quan thắng cảnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… các hoạt động rước xe hoa, thả đèn lồng, thắp nến cầu nguyện hòa bình…


Tiểu ban Trang trí – Khánh tiết: Chuẩn bị nội dung trang trí tại khu vực trung tâm Hội nghị, các trung tâm, đường phố chính, sân bay, tại trung tâm của một số địa phương… Tính toán số lượng băng-zôn, cờ, khẩu hiệu để thực hiện đủ số lượng theo yêu cầu và đáp ứng đúng thời gian.


Tiểu ban Tuyên truyền: Chuẩn bị công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại lễ. Số  lượng phóng viên, cung cấp thông tin, phương tiện, thiết bị, phạm vi, thời gian tuyên truyền trên các kênh chương trình khác nhau. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các hoạt động thi viết, thi tìm hiểu về Phật giáo, về Đại lễ Phật đản đã được triển khai.


Tiểu ban An ninh: Lựa chọn các cách thức giúp cho việc cấp visa, nhập cảnh của khách quốc tế được thuận lợi, chuẩn bị công tác đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Đại lễ vừa thuận tiện, an toàn và trọng thị, tỏ rõ sự chu đáo và mến khách của người Việt Nam.


Tiểu ban Hậu cần: Chuẩn bị khẩn trương phương tiện đưa đón, đi lại của đại biểu, điều kiện ăn, ở cho khách trong và ngoài nước. Chuẩn bị quà tặng, vật phẩm lưu niệm của Ban Tổ chức Đại lễ tặng đại biểu. Đảm bảo kinh phí và các điều kiện vật chất cho các các hoạt động thông suốt.


9. Thời gian và nội dung của Đại lễ?


Theo dự kiến, thời gian diễn ra các hoạt động chính trong khuôn khổ  Đại lễ Phật đản  Liên Hợp quốc  diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 5 năm 2008, thời gian này gần kề ngày Phật đản và không làm ảnh hưởng tới lễ Phật đản theo truyền thống ở các địa phương. Chủ đề của Đại lễ là: “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 có 7 Hội thảo nhóm với các chủ đề:


1. Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh và xây dựng thế giới hòa bình an lạc.
2. Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội.
3. Phật giáo nhập thế và sự phát triển.
4. Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu.
5. Xung đột trong gia đình và giải pháp của Phật giáo.
6. Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo – Sự kế thừa và phát triển”.
7. Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.


Đại lễ được khai mạc và bế mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, ngoài ra còn có các hoạt động triển lãm, văn hóa văn nghệ, hội chợ,  thăm quan thắng cảnh, chiêm bái thắng tích Phật giáo tại Yên Tử, Hạ Long (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình).


10. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được triển khai tại thủ đô Hà Nội, các địa phương hưởng ứng Đại lễ như thế nào?


Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ 13 – 17/5/2008 với nhiều hoạt động Lễ và Hội. Các địa phương có Phật giáo sẽ có những hoạt động hưởng ứng Đại lễ tại Thủ đô. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông bạch để hướng dẫn các địa phương thực hiện những hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện kinh tế, truyền thống Phật giáo và khả năng của Phật giáo địa phương để tổ chức các hoạt động sao cho trang trọng, thiết thực, an toàn và thực hiện đúng pháp luật.


Riêng Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều hoạt động phong phú bởi tại các địa phương này có những hoạt động trực tiếp của Đại lễ hoặc có nhiều liên hệ tới Đại lễ.


11. Số lượng đại biểu và thành phần tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 tại Việt Nam:


Theo dự kiến Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 có trên 70 nước tham dự với số đại biểu chính thức được mời là 3500 vị, trong đó: Quốc tế 2000 vị, bao gồm: Lãnh đạo các Giáo hội Phật giáo thế giới, đại biểu Phật giáo và các học giả Phật giáo thế giới, thành viên IOC người nước ngoài, Việt kiều và thành viên tham dự khóa tu người nước ngoài.


Trong nước có 1500 vị, bao gồm: Chư tôn đức HĐCM, HĐTS, lãnh đạo Phật giáo các địa phương, IOC người Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu các địa phương, khách của nhà nước, đại diện chính phủ và các cơ quan TW, địa phương, đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, phóng viên đài báo.


Ngoài đại biểu được mời, khách trong và ngoài nước tới dự Đại lễ không hạn chế, ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, khu vực xung quanh sân vận động quốc gia gồm các tuyến đường sẽ được sử dụng như là quảng trường để tổ chức hoạt động cho đông đảo Tăng Ni, tín đồ và quần chúng nhân dân không có điều kiện vào dự Đại lễ trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia.


12. Kinh phí cho Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008:


Về kinh phí, những hoạt động chính của Đại lễ được Chính phủ đài thọ, tuy nhiên khả năng tài chính của nhà nước cũng có hạn, theo kinh nghiệm của Thái Lan, nước đã 3 năm liên tiếp tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ (2005, 2006, 2007), ngoài những khoản kinh phí chính của Đại lễ do Chính phủ hỗ trợ, Ban Tổ chức còn huy động sự ủng hộ, tài trợ tự nguyện của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước thông qua các hoạt động hỗ trợ cho Đại lễ, qua tài lực, phương tiện… để đảm bảo cho hoạt động tại thủ đô và tất cả các địa phương thêm phong phú, đa dạng và hiệu quả.


Được phép của Thủ tướng Chính phủ Ban Vận động tài trợ, ủng hộ cho việc tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 đã được thành lập do HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Kinh tế Tài Tài chính Trung ương làm Trưởng Tiểu ban. Nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm đã đăng ký hỗ trợ tài vật với tình cảm rất thiện chí, với mong muốn góp phần vào thành công của Đại lễ.


Đại lễ Phật đản LHQ 2008 đối với Việt Nam ta không thuần túy là một lễ hội văn hóa tôn giáo tầm cỡ quốc tế, đây còn là cơ hội để tỏ rõ với thế giới về  tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng tiến bộ với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới….


Đại lễ Phật đản LHQ 2008 là dịp để đông đảo đại diện Phật giáo các nước trên thế giới họp mặt ở Việt Nam để tôn vinh, đề cao những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, vì sự hòa hợp, đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Sự tôn vinh ấy càng có ý nghĩa  lớn lao khi được Đại Hội đồng Liên hợp quốc công nhận và cổ súy.


Để Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tổ chức được thành công, để đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam thực sự là hình ảnh thân thiện trong con mắt bạn bè quốc tế, để mọi người có tình cảm với đất nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp, mỗi người dân không chỉ tự hào về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 mà cần phải có trách nhiệm từ ý thức tới tình cảm, tinh thần xây dựng để trợ duyên cho Đại lễ thành công.


Ths. Bùi Hữu DượcVụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ