Có rất nhiều nghiên cứu loại văn học về sự chết và hấp hối cũng như một khối lượng lớn những cuốn sách và những bài báo viết về những điều này. Trong thập niên vừa qua, số lượng của chúng tăng vọt đều gồm cả những cuốn sách viết về tự tử vốn gây tranh luận, những lời kể về kinh nghiệm cận tử, và những bài báo viết về cách thi hành ý nguyện lúc sống của những người hấp hối. Khối lượng thông tin lớn lao này đáp ứng nhu cầu sâu xa của con người, nhu cầu có lời giải đáp cho những câu hỏi vĩnh cửu “Tôi đã từ đâu tới khi được sinh ra và sẽ đi đâu khi chết? Đời sống và cái chết của tôi có ý nghĩa gì?”
Là con người thì ai cũng có những điều thắc mắc này phản chiếu sự nghi ngờ lớn nhất của chúng ta, sự xa lạ sâu xa nhất của chúng ta với Tự Ngã. Không có những lời giải đáp thích đáng thỏa mãn, thì trong tâm vẫn còn mối thắc mắc day dứt làm hỏng cả những kinh nghiệm ngọt ngào nhất của đời sống. Vì đối với quảng đại quần chúng, vẫn có một niềm tin rằng sự chết là tai họa lớn nhất của con người, và sự hấp hối là cuộc chiến đấu cuối cùng đầy đau đớn chống lại sự diệt vong. Cùng lúc đó tính chất bí ẩn của sự chết vốn được coi là sự kết thúc của cuộc đời, làm cho loài người kinh sợ từ khi họ có ý thức về đời sống.
Tại sao lại có thêm một cuốn sách nữa về sự chết và hấp hối? Và cuốn sách này khác những cuốn khác ở chỗ nào? Giá trị của những cuốn sách nhiều vô số này là đã uốn nắn thái độ xây dựng và từ bi của xã hội đối với người bệnh sắp chết; đã rọi sáng cho lối nghĩ của chúng ta về cuộc đời và cái chết của chính mình, nhưng phần lớn những cuốn sách này thiếu phương diện tâm linh, tức thái độ có tính cách tôn giáo đối với sự sống và sự chết, cũng như sự hướng dẫn thực dụng về điều có thể được gọi là nghệ thuật và tôn giáo của sự chết.
Một sự định hướng tâm linh về sự chết bao gồm một số điều, trong đó có sự hiểu và thực tâm chấp nhận nguyên nhân và tính liên tục của sự sống. Điều này cũng hàm ý công nhận giá trị của nghi thức tang lễ mà khi được thi hành với sự thành tâm, sẽ giúp cho sự chuyển tiếp được thuận lợi từ kiếp này sang kiếp tới ở tương lai. Nhiều người cảm thấy tang lễ ngày nay là một sự kiện đơn sơ, vội vã, không có ý nghĩa tâm linh đích thực, kể cả khi được cử hành bởi tu sĩ, một nghi lễ bề ngoài mà người ta không nhận thấy sự thật của sự chết, sự mất mát và sự đau buồn.
Giáo sư xã hội học Robert Fulton và những người khác đã ghi nhận rằng, trong thế hệ vừa qua một sự thế tục hóa lớn lao cái chết đã diễn ra, bây giờ người ta chết một cách “khổ hạnh” trong những bệnh viện vô trùng thay vì chết một cách “mỹ thuật” ở tại nhà của họ. Y sĩ đã thay thế giáo sĩ, y sĩ là thầy pháp của thời nay với quyền lực kéo dài sự sống, y sĩ là người hộ tống mới của chúng ta đi khỏi cõi đầy nước mắt này. Chúng ta trả giá cao cho sự thay đổi giá trị này.
Có lẽ chướng ngại chính yếu cho sự chấp nhận rộng rãi thuyết sự sống sau khi thể xác đã chết, là sự khác biệt về quan điểm triết lý giữa văn hóa Đông Phương và văn hóa Tây Phương. Giáo sư P.J. Saher viết: “Thái độ của triết lý Tây Phương là điều gì không được chứng minh thì phải bị coi là sai lầm. Thái độ của triết lý Đông Phương là điều gì không được chứng minh thì có thể được chấp nhận là sự thật cho tới khi được chứng minh là sai lầm”. Và cũng có nhiều bằng chứng để thuyết phục bất cứ suy nghĩ hợp lý nào về giá trị của thuyết luân hồi.
Không giống như thần học Tây Phương, Phật Giáo và huyền học Đông Phương dạy rằng: Sống và chết là hai sự kiện liên tiếp trong một chu trình liên tục trong mọi phương diện của thiên nhiên. Phật Giáo nói rằng sự sống và sự chết của sinh vật chỉ là phương diện được trông thấy của một dòng bất tận những nguyên nhân và hệ quả, với đời sống thế gian và đời sống ngoài thế gian liên tiếp nhau.
Quan điểm Đông Phương xem thuyết “Một đời sống một cái chết” là vô lý. Thuyết Duy vật là một niềm tin cho rằng trong số tất cả mọi vật trong vũ trụ, sự sống vận hành trong hư không. Thuyết này muốn chúng ta tin rằng hiện tượng sự sống độc đáo này phát sinh không từ đâu cả, và biến đi không dấu vết. Đa số những người tin theo thuyết này tự xem mình là người “duy lý”, nhưng trong vấn đề sự sống và sự chết này họ lại chối bỏ nguyên lý sự bảo tồn của vật chất và năng lượng, một trong những luật chính yếu của vật lý học, khi nguyên lý này được ứng dụng cho năng lượng tâm linh của tâm thức hay thần thức.
Nói về luật nhân quả mà không biết về luân hồi thì như vậy là không trọn vẹn và thiếu sót giống như một cái kéo chỉ có một lưỡi kéo. Vì vậy nhiều tài liệu mới, đa số là của Tây Phương, về nhân quả cũng như luân hồi, đã được cho vào cuốn sách này để giúp người đọc hiểu rõ hơn về hai đề mục quan trọng mà tế nhị này.
Phần thứ hai, “Hấp Hối”, ngoài việc cung cấp sự hướng dẫn tâm linh cần yếu cho người hấp hối và gia đình, còn bao gồm những điều chỉ dẫn chi tiết về cách làm một tang lễ có ý nghĩa và cách làm giảm sự đau buồn của các thân nhân trong thời gian để tang. Thêm nữa, tôi đã cố gắng trình bày rõ ràng hơn về một pháp môn có thể được gọi là “Pháp hấp hối hàng ngày” và tôi cũng cung cấp những pháp thực hành đơn giản để đạt trạng thái này. Những “cái chết” hàng ngày này là sự hòa nhập trọn vẹn tới điểm vượt lên trên bản ngã và qua luyện tập có thể được làm cho hoàn hảo và trở thành chứng nghiệm tâm linh thực sự. Nhưng nếu không có sự tạm thời dẹp bỏ tự ngã thì những “cái chết” như vậy không thể diễn ra. Và vì vậy tôi thấy cần phải xét nhiều về tính chất và nguồn gốc của tự ngã, hay cái ta, và vai trò của nó trong sự hấp hối và sự chết, vì rốt cuộc, cũng giống như một đời sống hạnh phúc hay đau khổ, một cái chết an lạc hay sợ hãi tùy thuộc vào sự phụ tùng hoặc sự nổi trội của cái ta vị kỷ. Trong phần “Hấp Hối” tôi cũng nói về sự tự tử và sự gây chết cho người bị bệnh nặng, vốn là hai đề tài càng ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các nhà xã hội học, tâm lý học và các nhà lãnh đạo tôn giáo, do sự gia tăng nhiều của những cái chết tự ý trong những người già cũng như trong giới trẻ.
Tôi cũng nói về pháp Thiền quán sự chết, trong đó hành giả suy ngẫm về sự hiện diện khắp nơi của sự sống và sự chết. Người đọc cũng thấy có năm tiểu sử sơ lược của những người đã đối diện sự chết một cách vô úy và thanh thản.
Trong phần phụ lục tôi cung cấp thông tin về ý nguyện lúc sống và phong trào bệnh xá dành cho người hấp hối, những điều nên làm và không nên làm trong việc an ủi những thân nhân của người quá cố, một bản danh sách những điều cần phải làm khi có người qua đời và những điều hướng dẫn về căn bản Thiền quán.
Cuốn “Thiền quán về Sống và Chết”này được chia thành bốn phần chính là Sự Chết, Hấp Hối, Nghiệp Quả và Tái Sinh, nhưng sự thật là sinh lực không thể bị chia thành những phần khác nhau. Sự phân chia này thực sự trình bày những sự chuyển động hay những sự biểu lộ của cái được gọi là “Thần thức”. Đây là bốn thành phần của một toàn phần lớn và là chính toàn phần đó. Khi đời sống được sống một cách thực sự và không bị ý niệm hóa thì những ý tưởng như sống, chết, tái sinh sẽ tan biến.
Mục đích chính của cuốn sách này có thể được tóm tắt như sau: Giúp người đọc học cách sống một cách trọn vẹn với sự sống ở mọi thời điểm và chết một cách an lạc với sự chết. (The basic aim of this book can be summed up in these words: To help the reader learn to live fully with life at every moment and die serenely with death). Nhưng sự giao tiếp một cách khẳng định như vậy với sự sống và sự chết chỉ khả hữu khi người ta nhận thấy sự chết chấm dứt đời sống, cũng giống như sự sống sửa soạn con đường dẫn tới sự chết, và biết rằng do đó sự chết có giá trị và có lý do của nó. Sự chấp nhận này còn làm cho người ta sẵn sàng đối diện sự chết một cách can đảm và nhận những gì sự chết ban cho mình một cách khôn ngoan: Đó là cách thức thay thế cái thể xác cũ mòn, đau đớn với một thể xác mới, và hơn nữa đây là cơ hội độc nhất trong đời để chứng nghiệm tính chất thật của sự sống. Vì vậy mà Triết gia Hy Lạp Socrates phản đối ý kiến cho rằng sự chết là điều xấu nhất trong mọi điều xấu, và Pliny Earle (1809-1892) đã viết:
“Vậy, chết là cái gì,
Để được coi là cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta?
Chết là liệng bỏ tất cả những gì trần tục,
Tất cả những cặn bã mà con người thừa hưởng,
Và lại tiến tới mặc bộ áo của sự sống bất tử”.
Người ta sống, rồi người ta chết nhưng ngọn lửa sự sống vốn là sinh lực trong vạn hữu và ẩn ở dưới toàn thể tạo vật thì không đến mà cũng không đi. Ngọn lửa này cháy sáng mãi mãi, không có lúc bắt đầu, không có lúc chấm dứt. Cháy sáng với tâm thức giác ngộ này, người ta có thể chết một cách an lạc hay như sắp bước vào một cuộc phiêu lưu hấp dẫn. Một cái chết như vậy có nguyên nhân là một đời sống dành cho việc thực hiện những tiềm năng về thể xác, tâm trí, đạo đức và tâm linh của một con người.
Hy vọng cuốn sách này nếu được đọc kỹ sẽ có thể giúp cho người hấp hối đạt được sự chết dễ dàng và còn giải thoát người đó khỏi sự trói buộc đau đớn vào luân hồi sinh tử. Và nó cũng có thể làm cho người sống hiểu rằng sự chết cũng phù du như đời sống vậy.