Theo đó, chân lý sẽ thêm sức mạnh nếu đi cùng với thời đại.
Như vậy, sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn kinh Phật, ngụy tạo kinh mới có phải là đưa những yếu tố thời đại vào kinh Phật, làm tăng giá trị của kinh Phật?
Xét vấn đề sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn kinh Phật, ngụy tạo kinh mới trong bài này, chúng tôi không nhằm vào một cá nhân nào,vì đây là một quá trình đã diễn ra nhiều ngàn năm trong Phật giáo, hiện nay vẫn còn tiếp tục.
Việc tiếp tục hiện nay việc làm nói trên đã có bài viết tự nhận, trình bày chi tiết các việc làm cụ thể, đồng thời với việc nêu rõ cơ sở lý luận. Do đó, cũng không cần xác định cụ thể, mà có thể xem đây là vấn đề chung của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Đi vào cụ thể, bạn đọc có thể tự liên hệ.
Quan hệ giữa truyền thống (ở đây bạn đọc dùng từ chân lý) va hiện đại (ở đây bạn đọc dùng từ thời đại), là một vấn đề lớn, đặc biệt là ở lãnh vực văn hóa, không riêng gì tôn giáo.
Viêc nâng cao giá trị truyền thống bằng các yếu tố thời đại là việc rất cần thiết.
Nhưng tuyệt đối không được xâm phạm hủy hoại truyền thống. Vì khi xâm phạm, hủy hoại truyền thống, thì không phải là việc nâng cao, gia tăng giá trị truyền thống, mà là phá hoại, đến mức không còn gì cả, thì còn chi giá trị nào mà gia tăng, là thêm sức mạnh.
Vì vậy, đã nói đến truyền thống thì nói đến yêu cầu giữ gìn, tôn trọng, bảo vệ. Việc đưa những yếu tố hiện đại vào truyền thống phải tuân thủ nguyên tắc trước tiên là tôn trọng, gìn giữ, bảo toàn truyền thống, không được xâm phạm phá hoại.
Chẳng hạn, đối với những tác phẩm văn học cổ như bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du…, thì chúng ta có thể tôn thêm giá trị của các tác phẩm như thế bằng việc sử dụng những kiến thức, lý luận, kỹ năng hiện đại để nghiên cứu. Những việc làm như thế tạo thành những công trình nghiên cứu riêng, ghi rõ tên tác giả hiện đại, tách rời khỏi các tác phẩm văn học cổ điển, trong khi tác phẩm được giữ gìn nguyên vẹn.
Tuyệt đối không thể sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn văn bản tác phẩm văn học cổ điển, ngụy tạo tác phẩm mới ghi tên tác giả là tiền nhân. Việc sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn văn bản tác phẩm, ngụy tạo tác phẩm mới là không tôn trọng tác giả, không tôn trọng tiền nhân, xâm phạm, phá hoại các giá trị truyền thống.
Đối với các tác phẩm ngôn từ, thì đó là việc làm đạo văn, là tội xâm phạm có thể bị khởi tố quyền sở hữu trí tuệ, là việc làm không theo giáo dục nhà trường từ bậc tiểu học.
Đối với hoạt động tôn giáo thì đó là hành động đại bất kính, làm hỗn loạn ngôn từ kinh điển, khiến người đời sau không biết được đâu chính là lời giáo chủ, đâu là trật tự kinh văn nguyên thủy, đâu là đoạn viết thêm vào, bị bỏ bớt những đoạn nào.
Gần đây, có những vụ việc dùng vật liệu hiện đại trùng tu di tích, xen lẫn hoặc phá dỡ di tích cổ, dùng sơn Nippon quét lên tác phẩm nghệ thuật cổ, tô vẽ thêm chân mày, răng trắng, môi son, sơn món tay lên tượng cổ, đều là những hành vi xâm phạm tương tự đối với các tác phẩm truyền thống.
Những hành vi như thế tuy có thể chưa bị khởi tố trách nhiệm hình sự, nhưng một số đã bị xử phạt hành chính, đưa lên phê bình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bị buộc phải chấm dứt.
Tư duy thiếu tôn trọng tác giả, tác phẩm, thiếu tôn trọng truyền thống đã đưa đến loại hình nhạc chế, viết lời mới vào những tác phẩm có giá trị trong lịch sử âm nhạc, một việc làm ấu trĩ, quê mùa, hạ cấp mà đang có một bộ phận người trong Phật giáo vướng phải, làm mất sĩ diện Phật giáo.
Xuất phát điểm những việc làm trên đều do thấp kém về trình độ học vấn thực tế, về ý thức tôn trọng những giá trị truyền thống, suy nghĩ nông cạn. Hệ quả là nhiều di tích có giá trị đã bị hủy hoại. Đối với kinh điển Phật giáo, đã xuất hiện nhiều kinh giả, lẫn lộn với kinh thật, trong kinh thật có chen vào lời giả, người sau không còn phân biệt được thật/giả, chân/ngụy.
Việc làm như thế không chỉ hủy hoại di tích, tác phẩm cổ điển, mà còn tạo ra những di tích hiện đại hóa méo mó lai căng, như tượng Phật vẽ môi son, móng đỏ, kẽ chân mày theo chủ quan của người đời nay, thì còn gì giá trị truyền thống để mà gia tăng giá trị, tăng cường sức mạnh.
Một khi đã làm tác phẩm hay di tích kiến trúc, mỹ thuật cổ bị xâm hại, biến dạng rồi, thì việc phục hồi, trùng tu sẽ khó khăn vô cùng, thậm chí không thể làm được. Còn đối với tác phẩm ngôn từ thì những tác phẩm bị xâm phạm, làm hỗn loạn, xáo trộn đã phổ biến sẽ có những ảnh hưởng tai hại.
Hậu quả sẽ không biết đâu mà lường!
Muốn dùng những yếu tố hiện đai để tăng giá trị của truyền thống thì nên tách bạch hẳn ra. Đối với tác phẩm ngôn từ thì có thể phóng tác ký tên mình, viết những bài nghiên cứu ký tên mình, đừng vừa soạn vừa dịch, sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn kinh điển tiền nhân, ngụy tạo kinh mới, làm hỗn loạn văn bản truyền thống.
Đối với các tác phẩm nghệ thuật, hội họa, kiến trúc thì đưa những yếu tố truyền thống vào những tác phẩm, công trình hiện đại. Tuyệt đối không đục đẽo, chen lẫn vật liệu, tô vẽ làm biến dạng tác phẩm, công trình truyền thống.
Việc làm biến dạng, méo mó, xâm hại các tác phẩm truyền thống không tạo thành những tác phẩm thực sự có giá trị và về lâu về dài mọi người sẽ ý thức về điều đó.
Những tượng Phật sơn Nippon răng trắng ởn, móng tay móng chân đỏ chói, tô vẽ màu mè hoa lá không còn là những tác phẩm giá trị.
Cũng vậy, với những bản kinh mà đã có lời thú nhận đã sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn văn bản, có kinh mới do người sau viết vào thì không thể là những bản kinh có giá trị, đáng tin cậy đối với người Phật tử, nhất là kinh tụng. Vì khi tụng lên thì không biết có phải đang tụng lời Phật, hay lời ai đó chen vào?
Những tác phẩm truyền thống chỉ có giá trị khi được giữ gìn toàn vẹn ở mức cao nhất có thể.
Cũng sẽ có vô số cách dùng những yếu tố hiện đại tôn cao giá trị truyền thống, miễn là các giá trị truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, còn nguyên những giá trị vốn có.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.