Lại sắp đến năm mới rồi, không hiểu sao cứ đến Tết, tôi lại càng nhớ nhà. Bao giờ cũng vậy, gần đến Tết mặc dù mọi thứ trở nên sôi động hơn, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác như trùng xuống mỗi khi nhớ về quê nhà, lúc nào cũng tưởng tượng ra cảnh tất bật của mọi người những ngày giáp Tết.
Nhớ lắm cái mùi khói cay xè của nồi bánh, nhớ cả tiếng giã giò lộc cộc. Hầu như ngày nào tôi cũng tưởng tượng cảnh người người nhộn nhịp chào đón năm mới, nhà nhà sum vầy. Tôi nhớ lắm mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian vào đêm giao thừa ở Việt Nam, thèm cảm giác được đi vào đền hái lộc rồi mang về nhà xông đất.
Sáng mùng 1 cả nhà đi chùa đầu năm, lời chào, lời chúc râm ran. Vẫn không quên được cảm giác sung sướng, hoan hỉ khi được mẹ mở hàng đầu năm bằng những phong bao lì xì đỏ thắm. Tiếng trẻ nhỏ cười đùa ngoài ngõ, tiếng cụ già trò chuyện hàn huyên, nhớ đến nao lòng …
Tết với tôi còn là hương thơm nồi thịt kho bà nấu, là tiếng tí tách cắn hạt dưa với bạn bè, là cảm giác được lang thang trên phố, ngửi mùi hương trầm phảng phất từ cánh cửa nhà ai đó… Với tôi, các mùi vị ấy không chỉ là những món ăn, mà nó là sự đầm ấm gia đình.
Ở bên này, chúng tôi cũng có nhiều thứ như ở nhà, mặc dù là “hàng nhái”. Một số bạn đã tự chế ra cành đào, mai từ cành táo Nga. Được cái, dáng nó cũng hao hao giống đào, có điều, thân mầu trắng. Sau khi được trang điểm bằng những phong bao lì xì đỏ, giấy tráng kim và tấm thiệp chúc mừng năm mới thì cành táo trông rất… đào.
Bánh chưng với bánh tét phải gói bằng là chuối vì lá dong bên này không có. Luộc bánh không luộc bằng củi được vì khói rất dễ nhầm có hỏa hoạn. Củ kiệu thì mua ở tiệm ăn châu Á, thịt kho tàu thì tự tay làm mặc dù ở nhà chưa lần nào động tới.
Sống ở nước ngoài, không có lịch ta, song nhiều sinh viên Việt Nam đều ghi chép cẩn thận vào sổ lịch cá nhân, hoặc là lên mạng để đong đếm thời gian, xem ngày nào Tết Táo quân, lúc nào là giao thừa. Bên này tuy là Tết của Việt Nam nhưng vẫn phải đi học, chỉ đến chiều tối mới về rồi chia nhau chuẩn bị. Người lo luộc bánh, người trang trí lại phòng, xào xào, nấu nấu…
Rồi chúng tôi hẹn nhau đêm 30 Tết tập trung tại ký túc xá và liên hoan văn nghệ. Có hoa đào, có bánh chưng, có rượu thịt, có bạn bè… Nhưng dường như tất cả những thứ đó chỉ khiến chúng tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Dường như, vẫn thiếu thứ gì đó làm nên không khí Tết!
Vào thời khắc giao thừa, chúng tôi nhao nhao lên mạng để chúc Tết, nhận lì xì của gia đình và bạn bè qua webcam. Được nhìn thấy nụ cười của từng người lúc đấy, cảm giác thật thích, mới thấy Tết đang về, mới nhận ra mình đang ở rất xa.
Chợt nhận ra, vào thời khắc thiêng liêng nhất, ta không khao khát được ăn, được uống, được ngắm hoa, được nhận lì xì… mà lúc đó thực sự nhớ về quê nhà, thèm được nhìn thấy người thân, nhìn thấy nụ cười của mọi người, nghe được lời chúc Tết, cảm nhận được niềm hạnh phúc lan tỏa… Đó mới là hơi ấm giữa không gian bốn bề tuyết phủ này.
Đúng là xa quê mới thấy không nơi nào bằng quê cha đất tổ, nhất là trong những ngày năm hết Tết đến. Thấm thía câu:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Chắc chỉ khi nào bạn đón Tết xa nhà, bạn mới cảm nhận thấy sự ấm cúng của những lời chúc, sự gần gũi của những nụ cười. Và lúc đó, bạn mới nhận ra rằng, bạn thực sự thiếu gì khi ở xa gia đình, xa tổ quốc thân yêu.