Trang chủ Văn học Tùy bút Giao thừa

Giao thừa

104

Đó là phần việc phân công cho con gái. Hoa forsythia là một gống hoa vàng rực rỡ, trồng ven hàng rào, nhánh vươn cao, không duyên dáng, quý phái như cành mai và hoa mai, cắm trên bàn thờ cũng mang lại chúc hương vị mai vàng ngày tết. Forsythia lại nở đúng vào dịp tết, như tuồng khi trời đất sinh ra nó mấy chục triệu năm về trước đã đoán biết có ngày một giống người có cái tên buồn cười là "Việt kiều" sẽ dùng nó vào ngày tết để nhớ nhà.

Ra khỏi nhà vào sáng sớm, tôi lên xe lửa đi dạy học cho đến xế chiều lại lên xe lửa về nhà. Vợ tôi đi làm sau tôi, lo phần việc đặt bánh chưng trên bàn thờ và cắm một bình hoa hồng đẹp nhất trong năm. Đừng phân bì tôi không có phần việc gì cả, cứ chỉ tay năm ngón. Việc của tôi âm thầm thôi: nhờ con gái cắm hoa là để nó biết ngày tết và biết tổ tiên. Tôi chẳng bao giờ mang chữ nghĩa ra để dạy con tôi sống với Việt Nam, nó muốn sống thế nào thì cứ tự nhiên sống. Tôi chỉ nhờ nó cắm hoa ngày tết trên bàn thờ. Và tối nay, khi về lại nhà, tôi chỉ nhờ nó nhìn tôi lạy trước bàn thờ. Tôi chẳng bao giờ bắt nó lạy, nhưng nó sẽ lạy sau tôi, rất nghiêm trang.

Tôi đi dạy suốt ngày như mọi ngày. Vợ tôi đi làm suốt ngày như mọi ngày. Con tôi đi học suốt ngày như mọi ngày. Ngày 30 tết, nếu không rơi vào cuối tuần thì đó là một ngày đi làm như mọi ngày đối với số kiếp của giống người được sách trời chỉ định là "Việt kiều". Nhưng tôi được may mắn là có một ngôi chùa nhỏ. Ngôi chùa làm thay đổi tất cả, biến một ngày 30 tết vô thừa nhận thành một ngày 30 tết Việt Nam.

Ngồi trên xe lửa đến trường, tôi chỉ mong sao chóng dạy xong để lyấ xe lửa về thẳng chùa cúng giao thừa. Giữa mọi người cùng ngồi trong toa xe, tôi là người Việt Nam, không phải vì cái mặt tôi là Việt Nam, mà vì không ai có giao thừa trong lòng cả, trừ tôi. Lạ thật, ngồi trên xe lửa này, tôi là Việt Nam; về chốn mà tôi gọi là quê hương, tôi là "Việt kiều".

Trong ngày tết này, ai dạy tôi biết tôi là gì, ai dạy tôi gọi tôi là gì, ai dạy tôi định nghĩa tôi? Ai dạy tôi luật quốc tịch? Cha tôi trên bàn thờ. Mẹ tôi trên bàn thờ. Cả cánh hoa vàng không phải là hoa mai mà tôi cứ muốn là hoa mai, dạy tôi. Và chiều nay, khi lấy xe lửa về thẳng chùa, đúng bảy giờ, chuông mõ giao thừa dạy tôi. tại sao bảy giờ? Vì bảy giờ chiều mùa đông ở Pháp là mười hai giờ khuya ở quê hương tôi. Bảy giờ chiều là giao thừa giả. Nhưng đố ai dám gọi giao thừa của chúng tôi là giao thừa "Việt kiều".

Trong thiêng liêng của hương trầm và chuông mõ, trong thành kính của những đứa con ruột thịt ở xa, tất cả những gì buộc nó không phải là Việt Nam, chiến tranh, cơm áo, ngờ vực, thù hận, tất cả mọi thế lực và luật pháp trên thế gian này, tất cả chiến thuật, toan tính, tất cả đều giả dối với nó, chỉ có một cái là thật thôi: đó là Việt Nam.

Ông là Phật tử trí thức, sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam