Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Thế giới xử lý đạo văn ra sao?

Thế giới xử lý đạo văn ra sao?

649
Năm 2015, giới học giả xôn xao khi nhà xã hội học Zygmunt Bauman, giáo sư tại Đại học Leeds (Anh) - tự đạo văn. Ảnh: Getty.

Một số chuyên gia giáo dục cho biết đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tình trạng đạo văn và tự đạo văn không phải chuyện hiếm trên thế giới.


Thế giới xử lý đạo văn ra sao?

Jude Carroll – chuyên gia nghiên cứu về đạo văn tại Đại học Brookes Oxford, Anh – cho biết trong giới học thuật, đặc biệt ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tình trạng đạo văn và tự đạo văn không phải hiếm.

“Nếu bạn tham gia vào một nhóm thảo luận, bạn sẽ thấy rất nhiều sự sao chép từ mức độ thấp đến cao được đề cập”, Carroll nói.

Ông thông tin đạo văn là sao chép ý tưởng, tác phẩm hay sáng chế của người khác mà không dẫn nguồn hay cho vào dấu ngoặc kép. Trong khi đó, tự đạo văn là làm việc đó với chính tác phẩm đã công bố của mình.

Các trường đại học ít hay nhiều đều có chính sách nhất định để xử phạt sinh viên vi phạm. Tuy nhiên, vì các vấn đề khác nhau, các trường chưa đưa ra khung kỷ luật cố định. Thực tế, không ít giáo sư, tiến sĩ cũng vướng vào chuyện “xào bài”. Dù là đạo văn hay tự đạo văn, mức độ vi phạm là nghiêm trọng như nhau.

Các biện pháp xử lý phổ biến là thu hồi bài viết hoặc sách, thu hồi bằng cấp (nếu là luận văn) và xử phạt hành chính của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, các trường thường xử lý khá nhẹ tay.

Danh chẳng còn

Theo CBC, đầu năm ngoái, hội đồng kỹ thuật tỉnh Saskatchewan (Canada) đã khiển trách Shahid Azam – giáo sư kỹ thuật của Đại học Regina – vì đạo văn tác phẩm của một trong những học trò ông hướng dẫn.

Báo cáo vào tháng 12/2016 của Hiệp hội Các nhà nghiên cứu địa chất và Kỹ sư Chuyên nghiệp (APEGS) đưa ra bằng chứng cho thấy Azam đã công bố một bài báo khoa học nhưng “không thừa nhận sự đóng góp của Arjun Paul (đồng tác giả và là sinh viên của ông) trong công trình”.

Vụ việc vỡ lở từ năm 2014 khi tạp chí Environmental Geotechnics đăng bài viết của Azam. Sau đó, Paul đã thấy bài báo, cáo buộc giáo sư Azam ăn cắp công trình của mình với tạp chí và APEGS.

Sau khi điều tra, Environmental Geotechnics quyết định rút bài báo. Cũng trong năm 2014, iTeam của CBC so sánh bài báo của Azam và luận án thạc sĩ của Paul, thấy giống nhau 24%.

Ở Nhật, Kazuki Yashuara – Phó giáo sư kiêm cố vấn tại Đại học Sư phạm Hyogo – bị cáo buộc đạo văn từ Wikipedia trong một bài báo khoa học gồm 2 phần có tựa đề “Nghiên cứu cơ bản về đánh giá và phương pháp học tập suốt đời cho người dân địa phương với việc tổ chức lại các chính quyền địa phương”.

Phần đầu tiên xuất bản vào năm 2013, phần thứ 2 xuất bản sau đó một năm. Cả 2 đã được xóa khỏi cơ sở dữ liệu của Hyogo, tuy nhiên các phiên bản lưu trữ vẫn còn.

Ngày 24/11/2017, Đại học Sư phạm Hyogo công bố kết quả điều tra hành vi sai trái. Theo đó, giáo sư 50 tuổi thừa nhận sai phạm và bị đình chỉ một tháng.

Trước đó, năm 2015, giới học giả xôn xao khi Zygmunt Bauman – một trong những nhà xã hội học nổi tiếng nhất thế giới và là giáo sư tại Đại học Leeds (Anh) – tự đạo văn trong hàng loạt cuốn sách của mình.

Theo Times Higher Education, GS Bauman đã sao chép một số đoạn văn từ Wikipedia và các website khác mà không ghi trích dẫn. Ngoài ra, ông cũng “xào” lại nhiều đoạn văn từ các tác phẩm mình viết trước đó. Tổng số từ ông “tự đạo” khoảng 90.000 từ, chủ yếu trong các tác phẩm xuất bản từ năm 2000.

Năm 2012, Stephen Matthews – Chủ tịch khoa Sinh lý học của một trường y trực thuộc Đại học Toronto (Canada) – đối mặt cáo buộc tự đạo văn trong một bài nghiên cứu công bố năm 2005 trên tạp chí Neuroscience & Biobehavioral Reviews.

Verity Brown – biên tập của tạp chí – cho biết một độc giả đã gửi thư tố cáo rằng nội dung tóm tắt của bài báo này gần như là bản sao nội dung tóm tắt của bài báo khác cùng tác giả. Sau khi kiểm tra, tạp chí đã rút lại bài nghiên cứu.

Theo The Start, Matthews là nhà nghiên cứu đáng tin cậy người Canada. Ông nhận rất nhiều trợ cấp nghiên cứu của chính phủ với tổng trị giá hơn 18 triệu USD từ năm 2000.

Mất nghiệp vì đạo văn

Năm 2007, giáo sư Tony Antoniou đã từ chức trưởng khoa kinh doanh tại Đại học Durham (Anh) sau cáo buộc sao chép công trình của đồng nghiệp trong luận án tiến sĩ. Tuy cố gắng kháng cáo chống lại hình phạt đuổi việc vì hành vi đạo văn, người đàn ông này vẫn phải kết thúc sự nghiệp giảng dạy.

Cùng năm, 6 giáo sư và giám đốc của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ bị buộc tội gian lận khi tái xuất bản tài liệu của họ trong các tạp chí khác nhau. Một trong những giáo sư tuyên bố ông bị bắt buộc.

Tại Mỹ, tháng 7/2007, Ward Churchill – giáo sư tại Đại học Colorado – bị đuổi việc vì hành vi lừa đảo và giả mạo nghiên cứu của chính mình.

Trước đó, giáo sư Douglas Agbetsiafa (Đại học South Ben tại Indiana) đã bị sa thải năm 2014 vì “xào” tác phẩm của người khác. Khi bị đuổi việc, Agbetsiafa là giáo sư kiêm chủ nhiệm khoa Kinh tế của trường. Mức lương của ông là 108.351 USD/năm.

Kim Ngân (theo Zing news)

Tổng thống Hungrary Pal Schmitt bị tố giác đạo văn. Kết quả: bị tước bằng tiến sĩ, và năm 2012 phải từ chức tổng thống.

Bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg đang là một nhân vật chính trị có uy tín thì bị tố giác đạo văn. Kết quả, dù thủ tướng Merkel muốn bao che nhưng vẫn phải chấm dứt sự nghiệp chính trị cùng một loạt các chính khách khác của Đức bị tố giác đạo văn từ năm 2011, trong đó có bộ trưởng giáo dục và khoa học, và phó chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Gần đây nhất, thị trưởng vùng Madrid cũng đã phải về vườn vào năm 2018 sau khi bị tố giác đạo văn.