Nhà Giáo sư Trần Văn Khê khi đó ở gần chùa. Chính vì vậy mà hàng ngày cậu bé được nghe các thầy tụng kinh và niệm Phật. Cậu bé Khê khi đó đã niệm Phật rất hay và thuộc khá nhiều kinh. Mới 4 tuổi mà đã cậu bé đã “biểu diễn” việc niệm các câu “Nam mô A Di Đà Phật” và “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” làm bất ngờ cả gia đình cũng như làng xóm.
Thấy nhà chùa tụng kinh cậu bé Khê cũng tụng kinh. Thấy nhà chùa gõ mõ, cậu cũng gõ mõ. Cứ thế nên thành quen và thích – Giáo sư chia sẻ.
Mẹ của GS.Trần Văn Khê phát hiện ra cậu bé Khê mê Phật nên đã cấm không cho gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật. Mẹ cậu sợ cậu xuất gia thành nhà sư.
Thật may mắn là cậu bé Khê khi đó có một vị cứu tinh – ông nội. Ông nội đã sắm cho cậu bé Khê cả bộ quần áo nhà chùa. Mỗi khi mẹ đi vắng là cậu bé Khê lại ngồi xuống và tụng tinh, gõ mõ, niệm Phật. Khi biết mẹ về, cậu bé Khê với sự trợ giúp của ông nội đã nhanh chóng cất bộ “đồ nghề” vào tủ. 4 tuổi đã thuộc nhiều kinh Phật thì thật là đáng quý. Nhất là vào thời cách đây gần 1 thế kỷ. Tôi nghe câu chuyện mà thấy thật sự cảm phục Giáo sư
Một chi tiết khác mà tôi rất ấn tượng là khi nghe giáo sư kể về việc hàng xóm giết gà. Họ giết gà nhưng rất sợ cắt tiết. Chính vì vậy mỗi lần giết gà hàng xóm hay mời cậu bé Khê 4 tuổi sang tụng trước khi cắt cổ gà. Họ tin rằng như vậy gà sẽ được siêu thoát. Thế là cậu bé Khê có nghề mới “tụng kinh giúp hàng xóm”.
Cũng trong buổi giao lưu tại Hà Nội này, GS.Trần Văn Khê đã đọc vanh vách chú Vãng sinh “Nam mô a di đa bà dạ. Đa tha già đa dạ. Đa địa dạ tha. A di rị đô bà tỳ. A di rị đa tất đam bà tỳ. A di rị đa tỳ ca lan đế. A di rị đa tỳ ca lan đá. Già di nị Già già na. Chỉ đa ca lệ ta bà ha”. Điều này làm cho bao người ngạc nhiên.
Sau này khi qua Pháp sống và làm việc, những tư tưởng Phật giáo vẫn ngấm sâu trong người GS.Trần Văn Khê. Giáo sư kể rằng khi phương Tây làm bộ Bách khoa Âm nhạc Phật giáo không có người Việt Nam nào tham gia viết bài. Giáo sư nghĩ rằng không thể trong bộ bách khoa lớn vậy mà lại thiếu đi phần Việt Nam. Thời hạn nộp bài thì chỉ có 6 tháng. Tuy vậy Giáo sư vẫn quyết nhận và quyết làm.
Chính nhờ những gì còn giữ lại trong đầu từ khi còn là cậu bé có tâm Phật, GS.Trần Văn Khê đã liên lạc với những nhà sư Việt Nam để xin ý kiến, để nhờ tư vấn và giúp đỡ. Cuối cùng thành công bất ngờ đã đến. Giáo sư đã hoàn thành đúng hạn và được đánh giá cao.
Gõ đến đây, tôi chợt nghĩ, nếu như không có cậu bé Khê 4 tuổi thuộc kinh, biết gõ mõ, niệm Phật thì rất có thể trong bộ từ điển bách khoa vĩ đại kia thiếu đi phần của Việt Nam ta. Và rằng những “nhân” ta gieo từ rất lâu luôn có cơ hội nở “quả”. Và rằng chúng ta cần phải áp dụng triệt để hơn nữa luật nhân quả của nhà Phật.
Giáo sư Trần Văn Khê đã đưa ra cách giáo dục và phương pháp “học mà chơi” với trẻ nhỏ dựa trên trò chơi gõ mõ. Nhịp điệu gõ mõ giúp cho các bậc cha mẹ và thầy cô giáo có thể sáng tác ra những cách học mà chơi thú vị với các con. Nhất là thơ ca và đồng dao. Tôi chợt nghĩ đến giọng của giáo sư khi má con nhà giáo sư khi đó đã biết biến bảng cửu chương thành một giai điệu rất hay. Nhờ đó mà có thể dễ dàng học thuộc và nhất là học không bị ngán.
Và tôi nghĩ, có lẽ bộ “Bách khoa thai giáo” hay “Phương án 0 tuổi” về thai giáo rất có giá trị mới phát hành nên bổ sung ý tưởng vô cùng sáng tạo này của GS.Trần Văn Khê vào mới đúng – trò chơi tụng kinh gõ mõ.