1. Ý nghĩa
Nghiệp, tiếng Phạn là karma, nghĩa gốc là hành động. Luật nghiệp liên quan mật thiết đến luật nhân quả, những hành động tự mình đã làm sẽ đem lại một kết quả tất yếu. Ví dụ, nếu hành động theo tham, ác, vô minh, điều này có nghĩa là chúng ta đang trồng hạt giống khổ đau. Khi hành động do động cơ trí tuệ, nhân từ, rộng lượng, có nghĩa là chúng ta đang tạo ra nghiệp nhân giàu có, hạnh phúc. Một ví dụ theo nghĩa vật lý để làm sáng tỏ điều này, nếu chúng ta trồng một hạt táo, cây táo lớn lên ra quả táo, không phải là quả xoài. Nếu muốn có xoài, chúng ta phải trồng hạt xoài. Nghiệp là tác ý, khởi lên ý tưởng (ý muốn, dụng tâm). Tác ý của mình là một khuynh hướng, hay động cơ đằng sau hành động. Phật nói rằng nghiệp là tác ý vì nó là động cơ quyết định nghiệp quả. Rõ ràng mỗi khuynh hướng trong tâm của chúng ta là một năng lực đủ mạnh để đưa đến kết quả. Khi hiểu được rằng nghiệp tùy thuộc vào tác ý, chúng ta có thể thấy được những trách nhiệm mà chúng ta phải gánh chịu về hành động của chính mình. Nếu chúng ta không biết được động cơ trong tâm ta, khi ước muốn bất thiện khởi lên, chúng ta có thể hành động sai lầm, tạo ra tương lai khổ đau. Hay chúng ta có thể nói một cách ngắn gọn về nghiệp: “bạn nhận những gì bạn đã tạo ra”, những gì mình gây ra cho người khác, mình sẽ nhận một quả tương ứng như thế trong tương lai. Mỗi cá nhân chịu trách nhiệm trước hành động của chính mình. Kinh Tương Ưng nói: “Chúng sanh làm thiện, ác trong đời này. Đó là sở hữu của người này, và người ấy mang nó theo trong khi tái sanh, nghiệp theo người ấy như một cái bóng”. Giáo lý nghiệp đề cập đến trách nhiệm cá nhân đối với hành động hay việc làm của chính mình, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về chính hành động của mình.
2. Nguồn gốc của nghiệp
Mở đầu phẩm Nghiệp, luận Câu xá khẳng định: “Sự sai biệt của thế gian là do nghiệp sinh” (thế biệt do nghiệp sinh). Bất cứ một kết quả nào cũng có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân đưa đẩy con người trong sinh tử đó là nghiệp và hoặc. Hoặc chỉ cho phiền não, tức tâm hư vọng, nhận thức sai lầm sự lý của vũ trụ vạn hữu, sinh tâm đắm trước. Rồi từ sự sai lầm đắm trước đó, khởi lên những hành vi nơi thân, nói năng nơi miệng, đó là nghiệp. Chính nghiệp là nguyên nhân trực tiếp, còn hoặc là trợ duyên gián tiếp. Do vô minh nên chúng sinh tạo nghiệp, nghĩa là do không hiểu biết, thiếu trí tuệ. Theo Phật giáo, nghiệp khởi lên từ chấp thủ, tham muốn. Kinh Tăng Chi nói: “Người ngu từ việc làm nhỏ đến lớn đều do tham, ác, vô minh. Người trí tránh tham, ác, vô minh để đạt trí tuệ và xa lìa tất cả khổ đau”. Phật giáo khẳng định rằng vô minh là nguồn gốc của nghiệp. Vô minh có từ vô thỉ do một niệm điên đảo khởi lên, chúng sanh tạo nghiệp, nghiệp chồng chất lên nhau vừa làm nhân quả cho nhau để tạo nghiệp mới.
3. Tính chất của nghiệp
* Nghiệp có 3 tính: thiện, ác, vô ký. Nhưng chỉ có tính thiện và ác mới là nghiệp, còn vô ký không phải nghiệp. Nghiệp phân chia ra nhiều loại nhưng không ngoài ba thứ thân, ngữ, ý hoặc thiện hoặc ác hoặc trung dung, hữu lậu hay vô lậu.
Mỗi nghiệp có một ảnh hưởng riêng biệt và ảnh hưởng này trở thành nguồn của nghiệp mới. Nó tạo thành chuỗi nhân quả tiếp nối liên tục. Không ai chia sẻ nghiệp của mình. Tỳ kheo Na Tiên hỏi vua Di Lan Đà: “Nếu một người phạm tội và bị phạt, người không phạm tội có thể thay thế anh ta được hay không?”. Vua trả lời: “Không thể thay thế được”. Na Tiên bảo vua: “Việc làm thiện ác đi theo người làm như bóng theo hình. Khi người đó chết, chỉ có thân thể rã tan, nhưng những gì người đó làm không bị hủy diệt”.
4. Nghiệp và hệ thống giai cấp
Giáo lý nghiệp là một năng lực cải cách đánh mạnh vào hệ thống giai cấp Ấn Độ. Giáo lý nghiệp giải thích rõ được những sự khác nhau về cuộc sống của mỗi cá nhân trong xã hội như giàu nghèo, hạnh phúc khổ đau.
Kinh Kẻ Bần Tiện (Tiểu Bộ) có nói về nghiệp:
Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành, thành Phạm chí.
Qua đoạn kinh trên, ta thấy Đức Phật phủ nhận hệ thống giai cấp Ấn Độ và quan điểm chủ trương có một thượng đế tạo ra vạn vật. Đức Phật công nhận sự sai khác trong đời hiện tại là do hành động của cá nhân trong quá khứ, không phải ngẫu nhiên sinh ra. Đẳng cấp không thể chen vào phẩm chất đạo đức của cá nhân, vì “chúng ta có thể tìm thấy được một người sinh ra trong quyền quý là kẻ giết người, trộm cắp, nối dối…”. Đức Phật khẳng định sinh ra trong quyền quý không thể tạo nên con người tốt; đạo đức chỉ có được qua sự tu dưỡng. Đức Phật chủ trương nghiệp quá khứ khẳng định giai cấp con người trong hiện tại và nghiệp hiện tại khẳng định giai cấp con người trong tương lai. Đức Phật thành lập Tăng đoàn thu nhận mọi đẳng cấp trong xã hội. Luật nghiệp không phân biệt ai. Tất cả những gì mình tạo tác không bao giờ mất, khi nhân duyên gặp nhau chúng ta phải nhận lãnh quả báo. Mình đã làm việc gì đưa đến kết quả tốt hay xấu, tất nhiên mình phải chịu trách nhiệm về việc làm đó.
5. Giáo lý nghiệp và đạo đức học
Giáo lý nghiệp là yếu tố cơ bản của triết học Ấn Độ. Mặc dù một số học giả cho rằng luật nghiệp mang hai ý nghĩa: siêu hình và đạo đức. Nhưng đa số học giả cho rằng bản chất của karma là đạo đức hơn là siêu hình. Karma cho thấy rằng có một trật tự đạo đức trong xã hội. Nếu tóm tắt lại giáo lý nghiệp, chúng ta thấy được yếu tố đạo đức của nó. Luật nghiệp có thể tóm tắt như sau:
1) Hành động tốt luôn luôn tạo ra kết quả tốt và hành động xấu luôn đem lại kết quả xấu.
2) Nghiệp là nguyên nhân của hình thái khác nhau trong cuộc sống.
3) Con người muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi trước tiên phải diệt trừ nguyên nhân gốc của hành động. Cội gốc này là vô minh.
4) Chỉ có trí tuệ mới diệt trừ được vô minh.
Thuyết nghiệp phân biệt rõ giữa thiện và ác, công và tội, chúng hình thành nền tảng đạo đức. Nó thiết lập được mối liên quan nhân quả giữa giá trị đạo đức của hành động và kết quả vật lý của chúng. Thuyết nghiệp cũng hệ thống được nguyên tắc đạo đức, thiếu nó xã hội trở nên hỗn loạn. Do năng lực của nghiệp mà chúng sinh tạo tác, nó khiến cho chúng sinh sinh ra trong hình dáng và cảnh giới khác nhau, như trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sinh ra trong gia đình giàu sang hạnh phúc hoặc nghèo khó bất hạnh. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo cũng nói đến nghiệp: nghiệp là nguyên nhân của sự khác nhau giữa chúng sanh. Thông qua nhiều loại nghiệp mà “tất cả chúng sanh không giống nhau, có người yểu mạng, có người thọ mạng, người khỏe, người bệnh, giàu, nghèo, đẹp xấu, mạnh, yếu, ngu, trí”.
6. Kết luận
Thuyết nghiệp (karma) là một trong những thuyết quan trọng nhất của Phật giáo. Nghiệp điều hành cuộc sống của chúng ta. Khi hiểu được nó, sống và hành động theo sự hiểu biết của mình, chúng ta sẽ có được cuộc sống an tịnh. Nếu không sống phù hợp, không hiểu được hậu quả của việc làm, chúng ta sẽ khổ đau. Con người là nghệ nhân của chính mình, thay vì như những họa sĩ tạo những hình tượng, họa phẩm, đối với chúng ta, qua thân, khẩu, ý tạo nên những kinh nghiệm cảm xúc tinh thần, thể xác. Phật dạy, để thoát khỏi nghiệp, chúng ta loại trừ tham, sân, si. Vô tham, vô sân, vô si sẽ giải tỏa được nghiệp. Khổ đau khởi lên từ vô minh, diệt vô minh tất cả chuỗi duyên khởi cũng chấm dứt. Con người phải hiểu rõ tính chất và sự vận hành của nghiệp để làm chủ và thăng hoa bởi “… Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các lòai hữu tình” (Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt).
Câu hỏi ôn tập
1. Nghiệp là gì? Nghiệp nhân và nghiệp quả liên hệ với nhau như thế nào?
2. Nguồn gốc và tính chất của nghiệp là gì?
3. Con người có thể chuyển hóa nghiệp được không? Bằng cách nào?