Việc luyện tập “Khai giác” của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo viết để trình diễn tại “Đại lễ Phật đản Liệp Hợp Quốc 2008” tổ chức ở VN, đang giai đoạn hoàn thiện.
Chưa bao giờ ở nước ta lại có một tác phẩm âm nhạc thể loại giao hưởng – hợp xướng lại huy động đến một dàn hợp xướng đông tới 350 người và dàn nhạc giao hưởng 150 người để trình diễn trong 40 phút liên tục.
Đó vừa là biểu hiện sự nỗ lực của nhà soạn nhạc và những người tổ chức, vừa là biểu hiện lòng thành của con người Việt với đạo Phật từ ngàn năm nay.
Nguyễn Thiên Đạo từ Paris về quê hương từ ngay sau ngày thống nhất đất nước. Khoảng mười năm nay, ông mới thực sự có điều kiện thường xuyên ở VN và thường xuyên đắm chìm trong “Con âm xứ sở” để mong ước tạo ra những tác phẩm âm nhạc đậm chất phương Đông, đậm chất quê hương. Dù đã kề tuổi “Nhân sinh thất thập”, Nguyễn Thiên Đạo vẫn không ngừng tìm kiếm những cuộc hoá thân mới trong sáng tạo. Và ông đã gặp được Đại đức Thích Đức Thiện.
Trong không gian tịch mịch của chùa Phật Tích, Nguyễn Thiên Đạo đã choáng ngợp bất ngờ khi nghe giọng thỉnh kinh đầy mê lực của vị đại đức trẻ, nhưng thông minh đĩnh ngộ với trí lự sâu sắc. Ham muốn viết một tác phẩm âm nhạc tầm vóc về Phật giáo đã bén bùng trong tâm hồn nhà soạn nhạc. Ham muốn ấy đã gặp nhân duyên.
Để có thể thực hiện được một tác phẩm âm nhạc tầm vóc về Phật giáo, Nguyễn Thiên Đạo đã nghiên cứu rất kỹ bài kệ dài của Phật tử Ngô Minh Thơm được viết ra bằng linh giác kỳ lạ, nhưng kỳ lạ hơn là nó lại mang đầy tinh thần của “Khoá hư lục” – một bộ kinh Phật giáo VN hiếm hoi của Vua Trần Thái Tông (1218-1277). Sau nhiều trăn trở, Nguyễn Thiên Đạo bước tới nhất nguyên thật sự của sự đốn ngộ. Vượt qua ngôn ngữ âm nhạc phi cung, phi điệu tính, ông trở về với ngôn ngữ âm nhạc điệu tính, với ngũ cung, nhưng với lối tiến hành không như những nhà soạn nhạc dùng ngôn ngữ điệu tính, nhưng chưa trải qua ngôn ngữ âm nhạc phi cung, phi điệu tính.
Nguyễn Thiên Đạo đã quyết định chọn cấu trúc cho tác phẩm âm nhạc của mình gồm 7 chương dựa trên tích 7 tuần Thái tử Sĩ-Đạt-Ta (Siddharta) tham thiền nhập định giác ngộ hoàn toàn trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni – Giáo tổ khai sáng đạo Phật.
Chương mở đầu mang tên “Thiền quán tưởng” nhằm mô tả không khí thiền định khi thái tử mới bắt đầu tĩnh tâm thoát khỏi những vướng bận trần thế trong ý nghĩ. Câu niệm “Na mô A Di Đà Phật” được khai thác như một môtuýp lặp lại tả cảnh mới nhập thiền của thái tử.
Chương hai mang tên “Tử” tả sự đau buồn của loài người trước cái chết sinh vật. Dòng nhạc từ trầm lên cao vút trong tiếng thét rồi xuống trầm để nổi lên tiếng ma hú rùng rợn. Nhưng chính khi con người ý thức rằng mình sẽ chết thì khát khao sống mới mạnh mẽ vượt qua cái chết sinh vật
Chương ba mang tên “Sinh” tả sự ngoái nhìn xa hơn về đời sống con người trên dương thế với những trạng thái tâm lý đặc biệt như cuồng, hỷ, nộ. Ơ đây, tinh thần “Khoá hư lục” đã thấm vào những đoạn niệm của Phật tử Ngô Minh Thơm và đã được tác giả thổi vào âm hưởng dân gian của tuồng, chèo, tài tử Nam Bộ. Mạnh Dũng – giọng nam cao, Quốc Hưng – giọng nam trầm, Bích Thuỷ – giọng nữ cao hát với dàn nhạc đã thể hiện rất xuất sắc ba trạng thái tâm lý này.
Chương bốn mang tên “Trừ tà” miêu tả sự trừ ma chướng và cám dỗ. Dàn nhạc như thác đổ lở đất long trời. Hợp xướng như những tiếng gầm thét của ác quỷ.
Chương năm mang tên “Thiền nhập định” với sự xuất hiện tụng kinh “Bát nhã Ba La Mật” của tốp hợp xướng tăng ni đem lại sự độc đáo đột ngột. Một giọng nam đọc thơ Ngô Minh Thơm và tốp hợp xướng tăng ni quyện nhau cùng dàn nhạc. Kết thúc bằng cụm nốt đẹp của hợp xướng nữ.
Chương sáu mang tên “Bay lên”. Đàn dây trữ tình nổi lên dần dần. Tiếng chuông đổ lưng trời mừng Đại lễ Phật đản, mừng Phật bay lên Niết bàn.
Chương bảy mang tên “Niết bàn” tràn đầy một cảm xúc mênh mang của cõi Niết bàn như lời Trần Thái Tông trong “Khoá hư lục”: “Ngàn sông có nước ngàn trăng chiếu/ Muôn dặm không mây muôn dặm trời”.
Để thực hiện trình diễn được tác phẩm âm nhạc tầm vóc về Phật giáo như thế, những người tổ chức đã chọn lực lượng nghệ sĩ là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Một tốp chỉ huy giúp cho nhạc trưởng từng bè gồm có các nhạc sĩ Nguyễn Hoà Bình, Phạm Ngọc Khôi và Đặng Châu Anh. Ngày 21.4.2008, toàn bộ nửa ngàn người tham gia “Khai giác” đã có buổi trình diễn trên sân khấu lớn của Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
“Khai giác” với sự giác ngộ và tài năng của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo xứng đáng là một đóng góp vào dòng chảy của dòng Phật nhạc đã được khởi sự từ buổi đầu tân nhạc VN suốt 70 năm qua (1938-2008) mà bắt đầu từ tác phẩm “A Di Đà Phật” của nhạc sĩ Thẩm Oánh, được giới thiệu nhân tuần lễ khánh thành chùa Quán Sứ – Hà Nội (ngôi chùa được trùng tu cuối năm 1942) và sau đó là sự đóng góp của nhiều nhạc sĩ khác như Hoàng Quý, Trần Văn Khê, Nguyễn Hữu Ba, Văn Giảng v.v…
“Khai giác” dường như gợi nhớ đến những lời thơ của Trần Thái Tông trong “Khoá hư lục”: Mây sinh đỉnh núi nhiều màu trắng/ Nước đến Tiêu Tương một vẻ trong/ Mưa xuân không cao thấp/ Cành hoa có ngắn dài/ Nước chảy xuôi non đâu có ý/ Mây tuôn qua núi vốn vô tâm/ Chớ bảo vô tâm là có đạo/ Vô tâm còn cách mấy trùng quan…