Trang chủ PGVN GHPGVN Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

131

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) năm 968 lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Sau khi lên ngôi, ông đã phong Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Thái sư (vị thiền sư có công khuông phù nước Việt), Pháp sư Trương Ma Ny được phong làm Tăng Lục Đạo sĩ, thiền sư Đặng Huyền Quang được phong làm Sùng Châu Uy nghi. Thời vua Lê Đại Hành có quốc sư Vạn Hạnh và pháp sư Đỗ Thuận. Từ đây, đạo Phật được vương triều công nhận như nền tảng đạo đức của quốc gia và hàng ngũ tăng sĩ Phật giáo chính thức tham gia cố vấn ở nơi triều chính.


Như vậy, các vị quốc sư, thiền sư, pháp sư là những người có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Các vị đã khai phá nền văn hóa quốc gia, đã giáo hóa toàn dân, hộ trì triều đình để cùng nhau giữ gìn non sông gấm vóc và đấu tranh giành quyền độc lập, tự do cho quốc gia trong gần 5 thế kỉ, kể từ nhà Đinh trở về sau (968-1504).


Nhà Lý kế nghiệp nhà Lê hơn 2 thế kỉ. Vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) vốn là học trò của quốc sư Vạn Hạnh và trưởng thành trong môi trường Phật giáo. Do đó, ngài rất thấm nhuần tư tưởng giáo lí đạo Phật và đã có sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời nhằm hướng toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Và chính vì vậy, có thể coi triều đại nhà Lý là triều đại của Phật giáo.


Tinh thần đó đã được nhà Trần kế tiếp và tạo dựng đất nước trong gần hai thế kỉ trị vì. Vua Trần Nhân Tông là người đã từng lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Nguyên-Mông. Sau khi giành thắng lợi, ông đã nhường ngôi cho con trai và lên núi Yên Tử để xuất gia tu hành. Ông đã trở thành vị tổ sư đầu tiên sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được mọi người tôn là vị Phật Tổ của Việt Nam với danh hiệu Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.


Dân tộc Việt Nam đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, song dù ở giai đoạn nào thì những hình ảnh của các vị thiền sư, pháp sư, quốc sư, phật tử đứng ra hộ trì đất nước đã trở nên rất gần gũi, thân quen đối với người dân. Trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và Mỹ của dân tộc, nhiều cơ sở tự viện của Phật giáo đã trở thành những căn cứ nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều tăng ni, phật tử trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, như cố Hòa thượng Thiện Chiếu, cố Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, cố Hòa thượng Thích Thiện Hào, cố Hòa thượng Thích Thế Long, … và còn nhiều vị trực tiếp tòng quân cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận. Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống đạo đức văn hóa, nhiều vị tăng ni, phật tử trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, là chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của đạo Phật Việt Nam hòa mình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.


Phật giáo đồ Việt Nam xuất phát từ trong lòng dân tộc, lại được rèn luyện trong tinh thần vô ngã, phá chấp, lục hòa nên có ý thức sâu sắc về sức mạnh vạn năng của sự đoàn kết và coi đó là tiền đề quan trọng để đưa đến những thành công bền vững của mọi sự nghiệp. Chỉ kể từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến trước năm 1981, tăng ni, phật tử Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành 4 cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.


1. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1951


2. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1960


3. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964


4. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1980


 


Như vậy, nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong cả nước đã được chư tôn giáo phẩm, cư sĩ phật tử các tổ chức hệ phái Phật giáo quan tâm khởi xướng từ rất sớm. Cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba diễn ra trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh chia cắt, cơ duyên chưa hội đủ để thực hiện đúng ý nghĩa, danh xưng thống nhất Phật giáo trong cả nước.


Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi, đất nước thống nhất, giang sơn liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà. Đó là yếu tố quyết định để tăng ni, phật tử cả nước khơi dậy nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã từng ấp ủ lâu nay mà chưa thực hiện được. Đó chính là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.


Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời vào mùa xuân năm 1980 (tháng 2 năm 1980), với sự tham gia tích cực của chư tôn giáo phẩm, phật tử cư sĩ lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo. Đó là niềm cổ vũ lớn đối với giới tăng ni, phật tử cư sĩ Phật giáo Việt Nam mà đỉnh cao là Hội nghị thống nhất Phật giáo được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, với sự hiện diện của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước.


1. Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam


2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất


3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam


4. Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh


5. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam


6. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ


7. Giáo hội Khất sĩ Việt Nam


8. Giáo hội Phật giáo Thiên Thai giáo quán tông


9. Hội Phật học Việt Nam


Sau những ngày làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, đoàn kết, hòa hợp, đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo đã quyết nghị hợp nhất với danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, trên tinh thần thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, nhằm mục đích chung là duy trì chính pháp, đề cao chính tín, góp phần tích cực cùng toàn dân xây dựng đất nước. Hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước thành công chính là kết quả của tinh thần đại hoan hỉ, đại hòa hợp của tăng ni, phật tử Việt Nam, lại nhờ đại duyên nước nhà hoàn toàn độc lập thống nhất.


Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Phật giáo, thực hiện sứ mệnh tiếp nối truyền thống vẻ vang của 2.000 năm truyền bá giáo lí Đức Phật và viết tiếp những trang sử mới của Phật giáo Việt nam ở cuối thế kỉ XX.


Trải qua hơn 22 năm xây dựng và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và kết quả đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển trong kỉ nguyên mới. Thành tựu quan trọng nhất là công tác xây dựng và củng cố tổ chức Giáo hội ngày càng hoàn thiện, ổn định, thống nhất, vận hành có hiệu quả. Tăng ni, phật tử không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Hệ thống giáo dục của Giáo hội được đổi mới về nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục về nội điển và ngoại điển. Công tác hoằng dương chính pháp được phát huy, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan. Quan hệ quốc tế được mở rộng trên nền tảng chính sách chung của Nhà nước, thúc đẩy việc hợp tác bảo vệ hòa bình của nhân loại. Công tác từ thiện xã hội thiết thực, kịp thời. Những thành tựu đó là cơ sở để khẳng định phương châm hoạt động của Giáo hội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của đất nước và thời đại. Đó chính là sự kế thừa có chọn lọc tư tưởng giáo lí Đức Phật và truyền thống lịch sử Phật giáo Việt Nam trong suốt 2.000 năm qua.


Hòa cùng với những thành tựu chung của đất nước, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hòa hợp, đoàn kết tích cực hoạt động trên các lĩnh vực vì đạo, vì đời, làm cho Phật giáo ngày càng xương minh. Tại Điều 4, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật Pháp và tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần an lạc cho thế giới”.


Để thực hiện mục đích cao cả đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động Phật sự. Qua đó đã cổ vũ tăng ni, phật tử trong nước cũng như ngoài nước tham gia thực hiện các hoạt động Phật sự chung của Giáo hội thể hiện trên các lĩnh vực sau.


Về mặt tổ chức: Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ trung ương đến các tỉnh thành và quận huyện trong cả nước (với những địa phương có đủ điều kiện để thành lập theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), với 10 ban ngành chuyên môn hoạt động do các tăng ni, phật tử, cư sĩ trực tiếp tham gia điều hành, tổ chức các hoạt động trên tinh thần đường lối phát triển chung của Giáo hội.


1- Ban Tăng sự hoạt động với chức năng là y cứ giới luật của Phật giáo, Hiến chương Giáo hội, giám sát hộ trì việc tu học, hành đạo của tăng ni, tự viện, báo cáo với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, nghiên cứu đề xuất các dự án chương trình hoạt động thuộc phạm vi ngành tăng sự, giữ gìn quy củ thiền gia.


Trong toàn quốc có 48/61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ điều kiện thành lập tỉnh, thành hội Phật giáo, với trên 38.866 tăng ni, trong đó có 28.365 vị thuộc Bắc tông, 8.147 vị thuộc Nam tông và 2.354 vị thuộc Khất sĩ. Tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường có 14.401 ngôi trong toàn quốc, trong đó có 12.036 tự viện thuộc Bắc tông, 539 tự viện thuộc Nam tông – Khmer, 361 tịnh xá thuộc Khất sĩ và 998 niệm Phật đường (số liệu hết năm 2003).


2- Ban Giáo dục tăng ni có chức năng hình thành và quản lí hệ thống giáo dục tăng ni của Giáo hội trên khắp cả nước qua 3 cấp đào tạo: sơ cấp Phật học, trung cấp Phật học, đại học Phật học (cử nhân và cao học). Ngoài ra còn có lớp cao đẳng Phật học dành cho các tỉnh, thành hội có điều kiện để tổ chức nâng cao chuyên môn và đào tạo nhân sự.


Về đào tạo bậc đại học và cao đẳng Phật học, giáo hội có 3 học viện trực thuộc trung ương: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đang đào tạo năm thứ hai khóa IV, với 205 tăng ni sinh theo học hệ cử nhân Phật học và 74 tăng ni sinh theo học cao đẳng Phật học. Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế đang đào tạo năm thứ hai khóa II, với 155 tăng ni sinh và Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo năm thứ ba khóa V, với 348 tăng ni sinh. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh còn mở lớp cao đẳng Phật học với tổng số trên 700 tăng ni sinh theo học.


Về đào tạo bậc trung cấp Phật học, Giáo hội có 30 trường trung cấp Phật học trực thuộc các tỉnh, thành hội Phật giáo. Phía Bắc có 08 trường, phía Nam và miền Trung có 22 trường. Tổng số theo học trên 3.000 tăng ni sinh.


Về đào tạo sơ cấp Phật học, Giáo hội mở các lớp Phật học dành cho chư tăng Khmer và Phật giáo Nam tông ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, cũng như một số Ban Đại diện Phật giáo tại các tỉnh, thành hội mở các lớp Phật học dành cho người mới xuất gia.



Song song với quá trình đào tạo Phật học tại các trường trung cấp Phật học, cũng như sơ cấp Phật học, tăng ni sinh còn được học tập về mặt bằng học vấn theo quy định của cấp học phổ thông cơ sở và phổ thông trung học theo hệ thống giáo dục quốc gia.


Ngoài ra, Giáo hội còn tạo điều kiện cho trên 120 vị du học nước ngoài, trong đó có 15 vị đã tốt nghiệp tiến sĩ Phật học và trở về nước để đảm trách các công việc Phật sự của Giáo hội, số còn lại đang tiếp tục hoàn thiện chương trình cao học và tiến sĩ Phật học.


4- Ban Hướng dẫn phật tử với chức năng hướng dẫn hàng phật tử tại gia học Phật, tu Phật, hộ trì Tam bảo; xây dựng nếp sống đạo đức cho các hàng phật tử góp phần xây dựng cuộc sống hòa bình, an lạc cho xã hội; tổ chức thực hiện các chỉ đạo, chủ trương công tác của Giáo hội đối với phật tử. Hiện nay, trong toàn quốc có 1.076 đơn vị Gia đình Phật tử, 45.000 đoàn sinh và 1.080 huynh trưởng các cấp. Bên cạnh đó, các cơ sở, tự viện còn thành lập và tổ chức cho các đạo tràng thường xuyên sinh hoạt, tu tập nhằm nâng cao trình độ học tập giáo lí và hộ trì Phật Pháp.


5- Ban Hoằng pháp thực hiện chức năng hướng dẫn tăng ni, phật tử phát huy tư tưởng trong sáng của giáo lí đạo Phật, làm cho ý nghĩa đích thực của đạo Phật được thể hiện trong công cuộc xây dựng đất nước, mang lại hạnh phúc an vui cho mọi người; tổ chức biên soạn những bài giảng cho các ngày lễ lớn, biên soạn chương trình học giáo lí của phật tử; đào tạo các giảng sư của Ban Hoằng pháp, mở khóa tập huấn cho giảng sư, điều phối, phân bổ giảng sư thuyết giảng Phật Pháp trong phạm vi cả nước.


Điểm nổi bật trong công tác hoằng pháp ngày nay là không những thực hiện đúng theo tôn chỉ và mục đích của chính pháp, mà còn được vận dụng một cách “khế lí, khế cơ” vào hiện thực cuộc sống trên hai phương diện lí thuyết và thực hành. Kết quả đạt được chứng tỏ rằng, chính yếu tố đoàn kết thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trên quy mô cả nước đã đưa đến sự thống nhất về quan điểm tư tưởng và giáo lí trong chương trình thuyết giảng Phật Pháp tại các đạo tràng, tự viện và trong tăng ni, phật tử ngày nay.


6- Ban Nghi lễ thực hiện chức năng nghiên cứu, biên soạn và sắp xếp các nghi lễ của Phật giáo, nhằm mục đích thống nhất và xây dựng các nghi thức thờ cúng, lễ bái, tụng niệm cho tăng ni, tín đồ theo đúng chính pháp và phù hợp với từng miền, từng hệ phái. Giáo hội cũng đã có những hướng dẫn đúng đắn trong lĩnh vực vận động tăng ni, phật tử thực hiện nếp sống văn hóa, hạn chế các hủ tục và những hành động mang tính mê tín dị đoan, hoàn toàn xa lạ với chính pháp, không phù hợp với trào lưu tiến bộ của xã hội.


7- Ban Văn hóa tập trung vào việc giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp, trong sáng của nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và nền văn hóa Phật giáo nói chung; hướng dẫn và khuyến khích tăng ni, phật tử sống và hoạt động đúng chính pháp, với tinh thần từ bi, trí tuệ và nhân bản của đạo Phật; thường xuyên liên lạc và hợp tác với các đoàn thể, cơ quan để góp phần cùng toàn dân xây dựng một nền văn hóa dân tộc, nhân bản, văn minh và tiến bộ. Trên lĩnh vực này, tăng ni, phật tử cả nước đã có những hoạt động tích cực trong việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo các cơ sở, tự viện xuống cấp; tổ chức in ấn, phát hành các kinh sách, báo chí nhằm mục đích xây dựng nếp sống văn hóa theo đúng chính pháp, cũng như phổ biến đến kiều bào ta ở nước ngoài các hoạt động chung của Giáo hội.


8- Ban Kinh tế Tài chính thực hiện chức năng vận động tăng ni, phật tử thuộc các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong cả nước tận dụng đất vườn, đất ruộng, trồng tỉa canh tác để tăng phần kinh tế tự túc cho các cơ sở và đóng góp công đức phí hằng năm cho Trung ương Giáo hội; tiếp nhận tài vật hiến cúng hợp pháp của các hàng phật tử hay đoàn thể trong nước và ngoài nước; thiết lập những cơ sở, xí nghiệp tùy theo điều kiện thích nghi, hợp pháp, có nguồn kinh tế tự lợi, lợi tha để góp phần tài chính hoạt động của Giáo hội. Nhìn chung, trên lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của tăng ni, phật tử tại các cơ sở tự viện được ổn định.



9- Ban Từ thiện Xã hội hỗ trợ cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trong các công tác theo tinh thần vô ngã vị tha, nhằm góp phần thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật; kêu gọi lòng nhân ái của các giới không phân biệt tôn giáo, giai cấp, tạo sự cảm thông, xây dựng và phát triển cộng đồng, theo phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Giáo hội khuyến khích các cơ sở tự viện tổ chức mở các lớp học tình thương, mở phòng khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ nhân đạo, quỹ vì người nghèo… Hiện nay, trong toàn quốc có 126 Tuệ Tĩnh đường, nổi bật nhất là Tuệ Tĩnh đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Cà Mau, Vĩnh Long, với 115 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả; có trên 1.500 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú với diện tích trên 20.000 m2, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật…; bên cạnh đó còn là các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Kinh phí cho các hoạt động từ thiện xã hội hằng năm trên 10 tỉ đồng.


10- Ban Phật giáo quốc tế có trách nhiệm liên hệ, hợp tác hỗ trợ cho các ban ngành khác trực thuộc Trung ương Giáo hội trong việc mở rộng mối giao lưu quốc tế, với vai trò là cầu nối cho các ban, ngành; giới thiệu tình hình Phật giáo cả nước, các vấn đề thời sự, các công trình biên khảo về Phật học; xây dựng cơ sở đại diện của Giáo hội trong đạo hữu người Việt Nam ở nước ngoài. ở lĩnh vực này, trong những năm qua, Giáo hội đã tổ chức nhiều đoàn giáo phẩm cấp cao thăm viếng, hội thảo, trao đổi với các tổ chức Phật giáo quốc tế cũng như các tôn giáo bạn nhằm tăng cường đoàn kết, củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác như với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, …


11- Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam hỗ trợ và kết hợp chặt chẽ với các trường đào tạo Phật học của Giáo hội để định hướng và cố vấn tổ chức tăng ni sinh tập sự các hoạt động nghiên cứu; tổ chức biên dịch, in ấn và phát hành Đại tạng kinh Việt Nam, hợp tác với các viện nghiên cứu khác trong việc trao đổi học thuật và các vấn đề cùng quan tâm.


Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, gắn bó với dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, trang nghiêm cho thế gian là trang nghiêm Tịnh Độ chư Phật tại thế gian, với tư cách là thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động vì Tổ quốc hùng cường, nhân dân an lạc, xã hội công bằng, văn minh. Các Ban Trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo trong toàn quốc đã thường xuyên động viên tăng ni, phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các công tác ích nước, lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư; góp phần củng cố chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; góp ý kiến cho các báo cáo chính trị của Đảng; tham gia các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Nhiều chư tôn giáo phẩm được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Điều đó thể hiện truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” của tăng ni, phật tử trong cả nước xuất hiện và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương cao quý các loại. Hàng trăm thanh niên tu sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự góp phần bảo vệ Tổ quốc trở lại đời sống tu hành, nêu cao tinh thần phụng đạo yêu nước. Phật tử Việt Nam thực sự chứng tỏ là một lực lượng công dân to lớn đã và đang hăng hái đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Những kết quả khái quát nêu trên cho thấy, các hoạt động thiết thực của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều xuất phát từ giáo lí trong sáng của Phật giáo và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Để kết thúc bài viết này, tôi xin được trích lời phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại chùa Quán Sứ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào ngày Đại lễ Phật Đản rằm tháng Tư âm lịch – Phật lịch 2548, dương lịch 2004: “Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần hai ngàn năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời thực hiện cứu khổ độ sinh: vận động tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chính tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn; thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Kết quả của những việc làm đó càng khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, đó là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc”.