Trải qua chặng đường gần 40 năm từ ngày thành lập đến nay, với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và triết lý vì con người, muốn mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc, an lạc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc, vận động tăng, ni, phật tử cả nước sống trong chánh tín để ánh sáng giác ngộ của Phật pháp đi vào đời sống thực tiễn.
Tích cực triển khai các hoạt động cứu khổ độ sinh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo nên nét đẹp văn hóa, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tham gia tích cực vào công tác từ thiện. Không chỉ hỗ trợ về tinh thần, mà các nhà sư còn hỗ trợ người dân cả về vật chất như: Bốc thuốc không lấy tiền; làm đường, sửa cầu; dạy học; giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa; tham gia chống hạn hán, lũ lụt…
Những năm qua, tham gia bảo đảm an sinh xã hội luôn được coi là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động ngày càng nhiều tăng, ni, phật tử, các nhà hảo tâm, người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần vào các phong trào xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hướng về cội nguồn do Đảng, Nhà nước phát động với số kinh phí, vật chất năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thông qua báo cáo cụ thể các hoạt động từ thiện của các tỉnh, thành phố tính đến ngày 5/9/2022, Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận được trong nhiệm kỳ 2017-2022, các Phân ban Trung ương và Ban Từ thiện xã hội các tỉnh, thành phố đã ủng hộ hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập trung nguồn lực ủng hộ người dân trong cuộc chống dịch Covid-19; đã ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 hàng trăm tỷ đồng. Tăng, ni, phật tử đã cứu trợ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các siêu thị 0 đồng, ATM gạo, lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm… đã được chuyển đến các khu cách ly, vùng tâm dịch…
Giáo hội cũng đã mua các trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn, kít thử Covid-19, máy thở, máy tạo ô-xy, phòng áp lực âm… ủng hộ các cơ sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Long An, Bình Dương…
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao và ủng hộ 2 tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hàng hóa nhu yếu phẩm trị giá hàng trăm tỷ đồng được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trao cho Mặt trận Tổ quốc các địa phương, cứu trợ đồng bào khó khăn, đối tượng yếu thế, cũng như ủng hộ các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch.
Cùng với sự đóng góp, ủng hộ về kinh phí, vật chất, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, góp phần chia sẻ kịp thời với nhân dân trong thời gian khó khăn do đại dịch. Với hệ thống gần 200 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa và hàng trăm phòng thuốc nam, châm cứu đang hoạt động có hiệu quả tại các thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã khám và phát thuốc đông-tây y, châm cứu, bấm huyệt cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân. Ngoài ra, hằng năm, Giáo hội còn mở các lớp đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, lớp đào tạo đông y để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân; ấn hành các tập kỷ yếu về y học… phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc miền núi.
Được sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF, thông qua chủ đề “Sáng kiến của lãnh đạo Phật giáo về tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS”, Hội Phật giáo nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên tổ chức các lớp dạy châm cứu, dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức… Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội rất lớn, giúp xóa đi sự kỳ thị, mặc cảm xã hội đối với các bệnh nhân, đồng thời hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này.
Ngoài ra, hằng năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện lớn trong cả nước, điển hình như: Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Lê Lợi (thành phố Vũng Tàu); Bệnh viện K (thành phố Hà Nội), Bệnh viện An Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Phước…
Mô hình “Nồi cháo tình thương” của Giáo hội Phật giáo ở nhiều tỉnh, thành phố đã thể hiện tình cảm thiết thực đối với người dân, phật tử nghèo trong cả nước. “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện đa khoa (thành phố Đà Nẵng), Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Nhi (tỉnh Thanh Hóa)… hằng năm đã hỗ trợ cuộc sống cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo cùng người nhà đang điều trị vượt qua khó khăn.
Phát huy tinh thần “Phụng đạo, yêu nước”, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cùng tăng, ni, phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, hoạt động từ thiện xã hội, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh ■
LÊ TRƯỞNG/ BÁO NHÂN DÂN