Trang chủ Thời đại Giáo dục Giáo dục xã hội: Trở về những giá trị của chính Phật...

Giáo dục xã hội: Trở về những giá trị của chính Phật giáo Việt Nam

72

1. Phật giáo là đạo của giáo dục

Trước loạt bài viết về hoạt động giáo dục xã hội cần có ở Phật giáo Việt Nam đương đại, có ý kiến e ngại rằng như thế có thể là đã theo chân, bắt chước một tôn giáo nào đó chăng?

Chỉ thấy giáo dục xã hội là giá trị của riêng tôn giáo nào khác là đã có một cái nhìn phiến diện đối với Phật giáo Việt Nam.

Trong giai đoạn Phật giáo Việt Nam hưng thịnh, giai đoạn Lý – Trần, thì nhà chùa là một trung tâm giáo dục của xã hội, bên cạnh vai trò là trung tâm tín ngưỡng tâm linh. Vị hoàng đế lỗi lạc Lý Thái Tổ văn võ song toàn là kết quả đào tạo của giáo dục Phật giáo Việt Nam 1000 năm trước.

Nho giáo khi phát triển đã từng bước giành lấy hoạt động giáo dục của Phật giáo. Trước việc nhu nhập khoa cử Nho giáo, hoạt động giáo dục của nhà chùa lần lượt thoái hóa. Khi Phật giáo Việt Nam hoàn toàn triệt tiêu hoạt động giáo dục, thì đó là khi trình độ tu sĩ Phật giáo Việt Nam bắt đầu xuống dốc, mà cái đáy suy thoái là thế kỷ XIX. Ở tận đáy suy thoái, nhà chùa không còn dấu vết gì của trường học, người tăng sĩ Phật giáo chỉ còn là thầy cúng, thậm chí thất học.

Nhìn vào hiện trạng đó, dễ ngộ nhận Phật giáo Việt Nam không có liên hệ gì với giáo dục xã hội, tu hành là không liên hệ gì đến giáo dục. Cho nên khi đề xuất hoạt động giáo dục, xã hội ở Phật giáo thì lại có ý kiến lầm là bắt chước học theo tôn giáo khác.

Về vấn đề này cũng không nên chỉ tìm câu trả lời từ lịch sử. Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ là hình mẫu cho việc gắn bó với hoạt động giáo dục xã hội. Chùa Nam tông Khmer Tây Nam Bộ hầu hết đều là những trường học, bên cạnh nhiều chức năng khác như nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp địa phương…

Tiến trình xây dựng hệ thống trường Bồ Đề và Đại học Vạn Hạnh của Phật giáo miền Nam Việt Nam không hề được coi là một động tác bắt chước một tôn giáo nào đó.

Khi Phật giáo Việt Nam được chấn hưng, thì đó cũng là khi người tu sĩ Phật giáo trở lại vai trò của người thầy đúng nghĩa, và như thế thì đồng thời sẽ là sự phục hồi chức năng trường học của nhà chùa.

Quan niệm người tu sĩ Phật giáo phải là trí thức đa ngành và là nhà sư phạm là trở về những giá trị nền tảng của Phật giáo Việt Nam, không phải học theo ai hết. Đức Phật cũng xuất thế với vai trò người thầy, không phải với vai trò đấng sáng thế hay là một vị thần linh. Bản chất của Phật giáo là tôn giáo giáo hóa, là đạo của giáo dục.

2. Hoàn thiện giáo dục trong Phật giáo

Tuy nhiên, vì giáo dục là một hoạt động được khôi phục trong Phật giáo Việt Nam đương đại, thì nếu trong công việc đó có sự học hỏi từ tôn giáo khác thì cũng là điều đương nhiên và không nên loại trừ điều như thế.

Đạo Ca tô La Mã ở Việt Nam, nhờ dựa vào thế lực thực dân Pháp trong 80 năm đô hộ, đã từng thiết lập được một hệ thống giáo dục tương đối phát triển ở Việt Nam. Đó là một thực tế hiển nhiên phải công nhận.

Đây cũng không chỉ là một thành quả riêng ở Việt Nam, mà đó là thành quả của một hệ thống quốc tế, tuyệt đối không thể xem thường hay đánh giá không đúng mức.

Quan niệm về loại trường đạo này rất chặt chẽ, vừa nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị của loại trường này, mà còn nhằm vào mục tiêu giữ thương hiệu, ngăn chận việc mạo nhận.

Theo Giáo Luật đạo Ca tô La Mã thì: Trường học được gọi là Công giáo khi được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội hay một công pháp nhân trong Giáo hội điều khiển, hoặc được Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn kiện”.

Định nghĩa như trên được làm rõ với nhiều quy định, như:

Các dòng tu có sứ mệnh chuyên môn về giáo dục, trong khi trung thành theo đuổi sứ mệnh riêng của mình, phải nỗ lực chu toàn việc giáo dục công giáo kể cả nhờ các trường của mình được thiết lập với sự đồng ý của Giám mục giáo phận”.

“Việc huấn luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ trên những nguyên tắc của giáo lý Công giáo. Các giáo viên phải trổi vượt về giáo lý chân chính và đời sống thanh liêm”.

“Không có một trường học nào, mặc dù trong thực tế là công giáo, có thể mang tên “trường công giáo” nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội”.

Ngoài những điều quy định trong giáo luật như thế, còn có những quy định trên những văn bản “dưới luật” của đạo Ca tô La Mã, như trích một thư mục dưới đây:

Không có một trường học nào cũng là trường Công giáo. Trường học Công giáo cũng như bất cứ hình thức nào khác để truyền bá học vấn và giáo dục Công giáo phải là:

1. Dấu chỉ của Nước Trời và là phương tiện cứu độ.

2. Phải luôn luôn được đổi mới – canh tân, thích nghi với thời đại.

3. Là nơi người nghèo có thể đến học.

4. Phải dành ưu tiên cho chất lượng các lớp Huấn Giáo.

5. Tạo mọi điều kiện cho việc tăng tiến khả năng của giáo viên phụ trách, giáo lý viên, người phục vụ các dịch vụ…

6. Quan tâm và thường xuyên tổ chức các buổi cầu nguyện, thánh lễ, bí tích Hòa Giải, tĩnh tâm, việc đồng hành (tư vấn và linh hướng), các hoạt động nhằm thông tin và nhạy cảm hóa người trẻ với giáo lý về xã hội của Giáo Hội”.

Như thế, đạo Ca tô La Mã đã có những quan niệm rất chặt chẽ về hoạt động giáo dục. Không những vấn đề tổ chức, trực thuộc, nội dung hoạt động đã được làm rõ mà theo đó còn là xác định yêu cầu, quan hệ với tôn giáo.

Truyền đạo vào những quốc gia có truyền thống tôn giáo lịch sử, thì đương nhiên xác định là “phương tiện cứu độ” thì tức là đã xác định chức năng cải đạo của trường học. Đây là điều mà chúng tôi đặc biệt lưu ý và thường xuyên nhắc lại ở các bài viết về giáo dục xã hội Phật giáo. Trong đó, giáo dục xã hội Phật giáo luôn được xác định là vô cùng cần thiết để gìn giữ đạo Phật.

Vì vậy, đến đây chúng ta có thể một lần nữa xác định rằng giáo dục xã hội Phật giáo Việt Nam đương đại không phải là việc bắt chước giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã mà sẽ là một phản ứng tự nhiên đối với giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã, một hệ thống đang phục hồi và có nhiều hoạt động vận hành thích nghi với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.

Giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã như thế sẽ có 2 loại trường, trường thực tế là trường công giáo nhưng không công nhận và trường công giáo chính thức. Hệ thống giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã như thế biến hóa khôn lường. Có thể có dạng trường “mặc dù trong thực tế là công giáo”, nhưng vẫn không gọi là công giáo, vì có thể không thỏa mãn một số tiêu chí. Tuy nhiên, loại trường này vẫn có thể được sử dụng như một phương tiện với đích nhắm đến là cải đạo tín đồ các tôn giáo khác, mà ở Việt Nam là Phật giáo.

Quả thật là một hệ thống giáo dục như vậy không phải chỉ nhằm trong ý hướng phục hồi, mà thực tế đang được triển khai với nhiều hình thức, vỏ bọc thích hợp sao cho phù hợp với những điều kiện cụ thể hôm nay.

Trong gần 40 năm qua, không phải là không có giáo dục xã hội tôn giáo, dù trên thực tế có vẻ như vậy. Thế nên, nêu vấn đề giáo dục xã hội ra với Phật giáo Việt Nam hiện nay, không phải là chuyện mới, chuyện sớm, mà có thể đã trở nên muộn màng. Dù rằng có thể không còn trường lớp đúng nghĩa trong tay, nhưng với quan điểm “học đường là khí cụ tốt nhất”, thì đạo Ca tô La Mã chưa bao giờ thật sự buông tay ra với giáo dục. Đó là khác biệt căn bản so với Phật giáo chúng ta, về cơ bản là không còn giáo dục xã hội Phật giáo từ sau khi không còn Viện Đại học Vạn Hạnh và hệ thống trường Bồ Đề.

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh