Trang chủ Diễn đàn Giáo dục: Nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam...

Giáo dục: Nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam (Phần một)

92

Qua chứng tích của lịch sử cho thấy, Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành nền văn hóa của dân tộc, từ văn hóa hình tượng như thi ca, mỹ thuật cho đến các loại văn hoá phi hình tượng, như đạo đức phong tục tập quán, bao gồm cả truyền thống yêu nước của dân tộc. Có thể nói đây là điểm đặc thù của truyền thống văn hoá của dân tộc Việt nam không ai có thể phủ nhận điều đó.


Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại khoa học kỷ thuật tiên tiến, nhất là ngành viễn thông, đã làm cho thế giới thu hẹp lại, không còn sự ngăn cách, một thông tin từ bên đây quả địa cầu cũng trong giây phút bên kia kia địa cầu đều biết. Tôi tin rằng, trong tương lai sự dị biệt về văn hoá truyền thống của từng dân tộc cũng theo đó mất dần. Định hướng phát triển kinh tế cho đất nước việt Nam không thể không tuân thủ những nguyên tắc chung của thế giới. Do vậy, trong những năm gần đây Việt nam tất bậc trong công việc sửa đổi và biên soạn pháp luật, đôi bên cùng thương lượng và cam kết để trước khi Việt nam gia nhập vào sân chơi chung của thế giới. Sự hội nhập này có ý nghĩa tích cực trong việc phát triển nền kinh tế Việt nam, và cũng từ đó, nó làm đoàn bẩy kích thích cho mọi mặc khác của xã hội phát triển, trong đó có cả vấn đề tôn giáo….Tất nhiên sự hội nhập này, không sao tránh khỏi những mặt trái của nó, những loại văn hoá phi đạo đức phi dân tộc làm băng hoại xã hội cũng theo đó du nhập. Thế thì chúng ta bằng cách nào để ngăn chận những loại văn hoá này ? Theo tôi, đây không phải là vấn đề riêng của nhà nước mà là vấn đề của dân tộc. Nếu như Phật giáo Việt nam là một tôn giáo lớn của dân tộc thì Phật giáo cũng phải có trọng trách trong vấn đề này. Nếu tôi nghĩ không lầm chủ đề hội thảo hôm nay mà Viện đã đề ra nói lên ý nghĩa đó. Với chủ đề hội thảo này, tôi chỉ thảo luận chung quanh một vấn đề nhỏ là, trứơc bối cảnh đó Phật giáo chúng ta cần làm gì ? Câu trả lời của tôi là công việc giáo dục và đào tạo.


Nếu như Phật giáo là một Tôn giáo lớn của dân tộc Việt Nam, thì vấn đề chung của dân tộc, nhất là mặt văn hoá đạo đức, Phật giáo không thể là kẻ bàn quan, đứng ngoài cuộc, phải chung vai gánh vác với dân tộc. Vì sự tồn tại dân tộc là sự tồn tại Phật giáo; sự phát triển Phật giáo biểu thị sự lớn mạnh của văn hoá dân tộc và ngược lại. Do đó, Phật giáo phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc, giữ gìn và phát huy mối quan hệ gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc. Muốn hoàn thành trách nhiệm đó, bản thân Phật giáo phải ý thức rõ câu “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” trong kinh Viên giác. Điều đó có nghĩa là Bản chất truyền thống văn hoá và và tinh thần gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc là cái không thay đổi, tức là cái ‘bất biến’, nhưng khi xã hội chuyển sang một hình thức sinh hoạt mới, Phật giáo cũng phải thay đổi cách suy tư và phương pháp làm việc của mình, để thích nghi với xã hội mới, đó là cái ‘tùy duyên’. Nếu như ngày xưa ngôi chùa là cơ sở giáo dục cho dân làng, hình thức giáo dục của Tăng già mang tính gia giáo, thầy truyền cho trò thì vào những năm 1950~60 hình thức Phật Học Viện đã ra đời. Có thể nói hình thức giáo dục này đã mang lại cho Phật giáo Việt nam một bộ mặt mới, tiến bộ hơn, hiệu quả hơn. Năm 1964 Đại học Vạn hạnh ra đời, là Đại học đầu tiên của Phật giáo, nó đã góp phần không nhỏ cho cho sự nghiệp tô bồi làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc, nhưng đến năn 1975 vì yếu tố đặc thù của lịch sử, Ðại Học Vạn Hạnh đã ngưng hoạt động, cho đến nay vẫn chưa được phục hồi, Giáo dục Phật giáo sinh hoạt dưới hình thức giáo dục Phật Học Viện cho đến ngày nay. Nhưng với tình hình phát triển và hội nhập của xã hội Việt Nam hiện nay, hình thức giáo dục Phật Học Viện của Phật giáo còn nhiều hạn chế, rất trở ngại trong vấn đề hành chánh, cản trở cho sự phát triển Phật giáo trong lãnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu. Do vậy Phật giáo Việt nam có nhu cầu hình thành trường Đại học họp pháp là nhu cầu hết sức chính đáng và quan trọng, không những nó giải quyết những vấn đề khó khăn của Phật giáo mà tích cực góp phần xây dựng cho xã hội ngày càng phồn vinh và ổn định.


Nếu như nhà nước quản lý xã hội bằng luật pháp thì Tôn giáo quản lý con người bằng niềm tin và đạo đức. Có nghĩa là luật pháp chỉ trừng phạt, khi con người vi phạm luật pháp, bằng hành vi cụ thể được biểu hiện bên ngoài, nhưng luật pháp không thể cấm đoán con người suy tư phi pháp ở bên trong. Ngược lại, cách giáo dục của tôn giáo, nhất là Phật giáo không những khuyên con người không được làm ác mà còn khuyên con người không được suy nghĩ bất thiện, từ trong ý thức. Từ những yếu tố này, nó cho chúng ta nhận thức, giáo dục Tôn giáo là một công cụ khá tích cực trong việc giúp cho nhà nước ngăn chận hành vi bất chính, phi đạo đức của con người, nó không phải hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa xấu như một số người tưởng.


Việt Nam là một đất nước thuộc vùng Đông Nam Á, Bắc giáp Trung Quốc, Tây giáp Lào và Campuchia, Nam giáp Thái Lan là những đất nước lấy Phật giáo là quốc giáo hay có đa số người dân theo đạo Phật. Cũng vậy, ở Việt Nam Phật giáo cũng được đa số người dân tin theo, vì Phật giáo hòa mình cùng với dân tộc, cùng cam cọng khổ với dân với nước, lấy sự ưu lo của dân tộc làm sự ưu lo của Phật giáo. Trải qua bao thăng trầm, vinh nhục của non sông, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc và Phật giáo vẫn giữ một tấm lòng keo sơn, không thể chia cắt, và cho đến thời điểm hiện nay, Phật giáo và dân tộc Việt Nam vẫn còn giữ nguyên tinh thần đó. Do vậy chúng ta cần phải duy trì và phát huy tinh thần đó.


“Lấy Giáo Dục và Đào Tạo làm nền tảng cho sự phát triển Phật GiáoViệt Nam” là đề tài tác giả tham dự hội thảo. Với nội dung bài viết này, tác giả thảo luận gồm những vấn đề: Thứ nhất:  Đặc tính giáo dục của Phật giáo; Thứ hai:  Sự gắn kết giữa Phật giáo và văn hoá dân tộc; Thứ ba:  Hiện tình Phật giáo Việt Nam và những nhu cầu của nó; Thứ tư:  Sự ra đời Trường Đại Học Phật Giáo là phương án thích đáng cho sự phát triển Phật giáo và dân tộc. Đây là toàn bộ nội dung của bài viết. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các Giáo sư, các nhà nghiên cứu.


1. Đặc tính giáo dục của Phật giáo


Phật giáo là một trong những tôn giáo của Ấn độ, nhưng bản thân Phật giáo không đồng tình các lễ nghi cúng tế phiền toái vô ích của Bà-la môn(1), cũng không chấp nhận những quan điểm phi đạo đức, bất hợp lý của các phái ngoại đạo(2); Phật giáo không chấp nhận lối sống khổ hạnh(3), cũng không đồng tình với đời sống hưởng thụ thấp hèn(4); Phật giáo là một Tôn giáo nhưng không đề cao niềm tin(5), ngược lại Phật giáo xem trọng vai trò hiểu biết, tức ‘trí tuệ’ (panna)(6), vì Phật giáo lấy sự giác ngộ và giải thoát là mục tiêu hướng đến của Phật giáo. Có nghĩa là ai muốn được giải thoát thì trước tiên người ấy phải có sự giác ngộ, không có giác ngộ thì không thể có sự giải thoát. Đây là biện chứng giải thoát trong đạo Phật. Trong quá trình tu tập của Phật giáo, niềm tin chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình tu tập (5 căn: tín, tấn, niệm, định và tuệ), tuệ là kết quả của việc tu tập. Như vậy, niềm tin là phương tiện, trí tuệ là mục đích. Đây chính là lý do tại sao Phật giáo đề cao vai trò trí tuệ, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Để minh chứng cho quan điểm này, chúng ta cần tìm hiểu đoạn kinh dưới đây:


“Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy.  Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý.  Này các Tỷ kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.  Này các Tỷ kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.”(7)


Qua đoạn kinh vừa dẫn, đức Phật xác định giáo lý mà Ngài nói ra là giáo lý dành cho ‘người thấy’(passato) và ‘người biết’(jŒnato), không phải là ‘người không thấy’ (apassato) và ‘người không biết’ (ajŒnato). Ở đây, danh từ jŒnato có nguồn gốc từ động từ là passati, có nghĩa là ‘thấy’ ‘biết’, thuộc về nhận thức suy luận của ý thức, không phải đơn thuần chỉ là thị giác. Như vậy, hai từ này mang ý nghĩa chỉ cho người có suy tư, có hiểu biết, không phải là người không biết suy tư, nói bừa nói càn, không tôn trọng đạo lý. Thật ra, quan điểm này là quan điểm mà đức Phật phản bác lối giáo dục truyền thống của Bà la môn, đề cao việc tế tự, với lễ nghi phiền toái, hoặc các học thuyết phi đạo lý của 6 phái ngoại đạo(8), vì cách giáo dục này không mang lại lợi ích cho con người, dù có lập đàng tràng cúng tế cầu nguyện, nhưng lòng tham sân si không đoạn trừ thì sự cúng tế ấy trở thành vô ích; Dù có chủ trương cho rằng, không có nhân quả nghiệp báo, nhưng khi con người làm những việc bất thiện thì hậu quả xấu sẽ đến với người ấy và ngược lại. Đó là lý do tại sao đức Phật không đồng tình lối giáo dục của Bà la môn cũng như 6 phái triết học.


Thế thì cách giáo dục của đức Phật như thế nào? Cũng qua đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật chỉ ra phương pháp giáo dục của Ngài chính là: Yoniso manasikara, HT Minh Châu dịch là ‘như lý tác ý’. Thật ra, câu này Hoà thượng đã vay mượn cách dịch của người Hoa vốn chữ Hán là 如理作意 (yoniso=如理,manasikara=作意). Cách vay mượn này, mặc dù người Việt đọc hơi khó hiểu, nhưng nó diễn đạt trọn ý nghĩa của câu PŒli, nếu câu này dịch sang tiếng Việt có nghĩa là ‘đạo lý của nó như thế nào thì (chúng ta) suy nghĩ như thế ấy’. Đây là phương pháp đánh giá nhận xét vấn đề rất khoa học của đức Phật, Ngài không chấp nhận lối suy tư mơ hồ không thật tiễn. Bản thân của sự việc như thế nào, thì chúng ta suy tư đánh giá như thế ấy, không thêm cũng không bớt. Bản thân mình có khuyết tật gì, nếu muốn sửa chửa nó, thì chính mình cần phải thấy rõ khuyết tật ấy. không nên che dấu, hoặc biện minh như thế này hay thế khác. Có thể nói đây là nguyên lý giáo dục của đạo Phật, nó không những chỉ có giá trị trong quá khứ, mà còn có giá trị ở hiện tại và tương lai; cũng không phải chỉ có giá trị cho dân Ấn, mà cho tất cả mọi người và ở mọi nơi. Những người làm công việc lảnh đạo xã hội cũng có thể vận dụng phương pháp này, để giải quyết những vấn đề nan giải từ xã hội. Chúng ta có thể xem câu này như là một phương pháp nghiên cứu khoa học, cũng là đường hướng giáo dục của Phật giáo.


Thật vậy, nếu chúng ta suy tư về việc gì một cách qua loa, không căn cứ vào đạo lý của nó, thì việc ấy chắc chắn sẽ không được rõ ràng. Cái gì không rõ ràng mà vẫn quyết định làm thì tính nguy hiểm của nó rất cao, phiền não khổ đau cũng từ đó phát sanh. Đó chính là ý nghĩa của câu: ‘… do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng’ . Ngược lại, chúng ta suy tư công việc một cách cẩn thận, căn cứ vào đạo lý của nó mà hành sử, việc ấy chắc chắn sẽ được rõ ràng. Việc gì đã rõ ràng minh bạch, khó có thể vấp phải sai lầm, có nghĩa là phiền não khổ đau không phát sinh từ việc ấy. Đây là ý nghĩa của câu: ‘do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.’


Từ ý nghĩa này, nó cho chúng ta nhận thức, Phật giáo là một Tôn giáo, nhưng Phật giáo vốn không đặt nặng niềm tin, ngược lại Phật giáo đề cao vai trò ‘tri tuệ’ là sự hiểu biết. Theo tôi, đây là một trong những lý do mà nhà vua A Dục (A§oka) lấy Phật giáo làm quốc giáo, mặc dù Phật giáo là một Tôn giáo rất nhỏ so với Ấn giáo hay Kỳ na giáo là những Tôn giáo lớn của Ấn độ. Tại sao nhà vua không chọn lấy những tôn giáo truyền thống làm quốc giáo mà lấy Phật giáo làm quốc giáo? Có lẽ mọi người sẽ có câu trả lời khác nhau, riêng người viết cho rằng, theo nhà vua, trong hệ thống giáo lý của những tôn giáo truyền thống không giúp được nhà vua trong chính sách cai trị của mình là: Bảo vệ sự thống nhất và chính sách phát triển đất nước. Trong yếu tố thứ nhất, nếu như một trong những tôn giáo truyền thống này trở thành quốc giáo, tôn giáo đó sẽ có ý tưởng loại trừ những tôn giáo khác, nó là nhân tố dẫn đến sự bất hoà giữa các tôn giáo, là nguyên nhân dẫn đến đất nước sẽ rơi vào loạn ly hoặc chia cắt; Ở yếu tố thứ hai là chính sách phát triển đất nước. Trên nguyên tắc chung, bất cứ quốc gia nào muốn nền kinh tế phát triển, quốc gia đó phải có chính sách tốt về đường hướng giáo dục, tức là đề cao vai trò trí thức, người dân biết suy tư và nhận thức chính là nhân tố cơ bản để đưa xã hội phát triển. Thế thì, ở hai yếu tố này không thể có trong những tôn giáo truyền thống, ngược lại Phật giáo đề cao vai trò ‘trí tuệ’ và tinh thần ‘bao dung’ là hai yếu tố mà nhà vua A Dục cần. Đó là lý do tại sao nhà vua lấy Phật giáo làm quốc giáo. Có lẽ cũng chính từ điểm này mà Albert Einstein đã đánh giá chỉ có hệ thống giáo lý của Đạo Phật mới phù hợp ở thời đại khoa học(9).


Đức Phật cho rằng, nguồn gốc đau khổ của con người là do vô minh, tức là thiếu sự hiểu biết. Thế nào gọi là thiếu hiểu biết? Nói một cách dễ hiểu là những gì xuất phát từ lòng tham lam, giận hờn và mê muội là những nguyên nhân mang lại sự khổ đau cho con người. Thật ra, lòng tham và sân là sự thể hiện tính hai mặt của lòng ngu si. Ví dụ, khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng đẹp, dễ thương nào đó, thì chúng ta thường có thái độ muốn chiếm đoạt đối tượng ấy, do vậy lòng tham xuất hiện; Ngược lại, khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng không tốt đẹp nào, chúng ta thường có thái độ không muốn tiếp xúc với đối tượng ấy, không muốn mà nó vẫn hiện hữu cho nên lòng sân hận xuất hiện. Cả hai trạng thái tham và sân này đều có nguồn gốc từ lòng ngu si, vì không biết khả năng của mình cho nên tham xuất hiện; vì không biết sự hình thành của các pháp là do nhân duyên (prat´tya-samutpŒda), nhân duyên của nó vẫn còn mà ý thức chúng ta không muốn nó hiện hữu mà nó vẫn hiện hữu, cho nên sân xuất hiện, do vậy khổ sanh. Như vậy, ngu si là nguồn gốc của khổ đau. Phật giáo giáo dục con người diệt trừ lòng ngu si, điều đó cũng có nghĩa là lối giáo dục của Phật giáo mang tính chất tiến bộ, thúc đẩy xã hội phát triển.


Giáo lý ‘Tứ đế’ (catvŒri-Œryasatyani) đức Phật cho rằng, cuộc đời là khổ (duúkha-satya), nó không mang ý nghĩa, đức Phật khuyên chúng ta nên từ bỏ lẩn tránh thế giới này, đi tìm một thế giới xa lạ nào khác mà đức Phật khuyên chúng ta nên hành trì giáo lý ‘Bát chánh đạo’(10), để chúng ta đạt được trạng thái Niết bàn (nirvŒna), là cuộc sống đã chấm dứt trạng thái khổ đau, không còn tham lam thù hận và si mê.  Như vậy, cảnh giới Niết bàn không phải là cảnh giới nào xa lạ, chính là cảnh giới của những người đã đoạn trừ lòng tham, sân, và si. Bất cứ ai có trí tuệ thì người ấy có hạnh phúc an lạc, người nào có an lạc, người ấy không còn tham sân si; Bất cứ nơi nào, người sống ở trong ấy không còn tham sân si thì nơi ấy là thế giới của Niết bàn, Cực lạc.


Từ ý nghĩa giáo dục trong đạo Phật mà chúng ta vừa tìm hiểu, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ một vấn đề quan trọng: Mục tiêu mà đạo Phật hướng đến là giác ngộ và giải thoát, đối tượng giáo dục của đạo Phật là con người. Như vậy, giáo lý mà đã được đức Phật thuyết giảng, nó có mối quan hệ thiết thân với con người, không phải là những lời nói vô nghĩa, hay chỉ để thờ phụng và lễ lạy, chúng ta cần phải hiểu và thực hành nó. Cũng vậy, phương pháp giáo dục của nhà Phật không phải là lối giáo dục thuần túy tín ngưỡng, đề cao vai trò thần linh, lễ lạy van xin, mà là giáo lý đề cao vai trò sự hiểu biết, có bổn phận và trách nhiệm (11), xem ‘như lý tác ý’ là phương pháp để dứt trừ mọi khổ đau phiền lụy từ cuộc sống.


Tôi cho rằng, mục đích và phương pháp giáo dục của đạo Phật, không những phù hợp với khuynh hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giời, mà còn đáp ứng những nhu cầu cho con người và đất nước Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng, nhất là thế hệ trẻ ở thời đại khoa học kỷ thuật hôm nay.


Nếu như nạn tham nhũng (tham lam) đang là bức tường cản trở cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước; Lòng sân hận không những chỉ phá vỡ niềm vui và hạnh phúc của chính mình, đôi khi nó còn có tác hại đến xã hội; Tâm trí ngu muội thiếu sáng suốt là nhân tố cho mọi sự thất bại và mầm mống cho mọi khổ đau, thì giáo dục Phật giáo là loại giáo dục ngăn chận lòng tham lam, sân hận và ngu si của con người. Do vậy, quan điểm và đường hướng giáo dục Phật giáo không những là nhu cầu riêng cho Phật giáo, mà còn là nhu cầu chung cho đất nước và dân tộc Việt nam. Nếu như thế giới hiện nay đang âu lo về tình trạng khủng bố, phát triển vũ khí giết người hàng loạt, thì Phật giáo là một tôn giáo yêu chuộng sự hòa bình và mở rộng lòng bao dung; Nếu như mê tín dị đoan và yếu tố tâm lý nương tựa vào kẻ khác, không làm chủ chính mình, có thể dẫn đến làm chậm phát triển xã hội thì Phật giáo là tôn giáo đề cao vai trò trí tuệ. Như vậy, giáo dục Phật giáo là đường hướng giáo dục giáo phù hợp với quan điểm thời đại, ích nước lợi dân, là bức tường vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ nền văn hóa của dân tộc Việt Nam và sự hoà bình trên toàn Thế giới.


2. Sự gắn kết giữa Phật giáo và văn hoá dân tộc


Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam gần 2000 năm lịch sử. Với chiều dài lịch sử ấy, nó cũng đủ chứng minh cho chúng ta thấy rằng, Phật giáo và dân tộc thật sự đã có mối quan hệ thân thiết như keo sơn, không thể phân chia cách biệt. Nếu chúng ta quan sát từ các mặt sinh hoạt của xã hội Việt Nam, thì mặt nào trong ấy không ít thì nhiều cũng ẩn chứa đậm nét văn hóa Phật giáo. Chúng ta có thể ngang qua những mặt khác nhau trong xã hôi để hiểu về mối quan hệ này.


a. Về giáo dục – đạo đức


Giáo dục là một ngành rất quan trọng cho việc phát triển đất nước, chính sách giáo dục tốt hay xấu là nguyên nhân dẫn đến xã hội đó chậm tiến hay phát triển. Có thể nói giáo dục là đòn bẩy kích thích cho mọi mặt hoạt động xã hội phát triển. Trong ngành giáo dục lại được phân hai lãnh vực: Khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn tư tưởng. Ở lãnh vực khoa học tự nhiên, nó không phải là đối tượng nghiên cứu của Phật giáo, nhưng quan điểm chung vẫn đề cao vai trò hiểu biết, lấy tư duy và sự hiểu biết định hướng cho sự phát triển xã hội. Trong lãnh vực nhân văn tư tưởng, đạo đức chính là mối quan tâm của Phật giáo, cụ thể là xã hội Việt Nam. Ở đây chúng ta không cần viện dẫn những hệ thống triết lý sâu xa của Phật giáo, chỉ nêu ra quan niệm đạo đức Phật giáo được nhân dân Việt Nam thực thi và được xem như là triết lý sống, đạo lý làm người của người dân Việt Nam. Nó không phân biệt là Bắc hay Nam là già hay trẻ, nam hay nữ, người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, bất cứ ai cũng phải biết, và tuân theo đạo lý đó. Như là ‘Ở hiền gặp lành’, ‘Nhân nào quả nấy’, ‘tu nhân tích đức’… Quan điểm đạo đức này rõ ràng chịu ảnh hưởng thuyết ‘nhân quả nghiệp báo’ trong đạo Phật rất sâu đậm. Thật ra lý thuyết ‘nhân quả’ và ‘Nghiệp’ (kamma) của Phật giáo hàm chứa triết lý khá sâu sắc, nhưng ở đây nhân dân Việt nam tiếp thu nó như là một đạo lý làm người, nói lên một quan điểm sống phân biệt rạch ròi giữa phải và quấy, giữa đúng và sai, giữa thiện và ác; biết tôn trọng lẽ phải, khinh chê hành vi sai quấy, ca ngợi người làm lành, quở trách kẻ sống ác. Đó là quan niệm đạo đức của người dân Việt nam, bất cứ ai cũng phải tôn trọng đạo lý này.


Mỗi người dân đều nhận thức đạo lý nhân quả nghiệp báo như vậy, cho nên nếu người nào có đời sống bất hạnh, họ không oán trách ai, ngược lại cho rằng, nguyên nhân của bất hạnh này do kiếp trước không ‘tu nhân tích đức’, không ăn hiền ở lành, cho nên gặp phải quả báo như vậy. Tự mình kiểm điểm và cố gắng vươn lên, làm điều lành lánh điều dữ, ra sức giúp đỡ người khác. Và ngược lại, ai đó được giàu sang phú quí, cho rằng do ăn hiền ở lành, tu nhân tích phước mà được. Do vậy, cần phải tiếp tục làm phước thiện để kiếp sau tiếp tục có được cuộc sống tốt đẹp. Có thể nói đây là một quan niệm sống của dân tộc Việt nam, bất cứ sống ở đâu cũng mang trong lòng nguyên tắc sống đó. Nếu nguyên tắc này bị phá vỡ, không tuân thủ thì mọi người sẽ nguyền rủa, nào là loài ‘súc sinh’, chết sẽ bị ‘đoạ vào địa ngục’. Súc sinh là gì, địa ngục ở đâu, cũng không ai tra hỏi làm gì, chỉ cần hiểu đó là những hình phạt của hành vi bất thiện, và cũng đơn giản chỉ có thế mà người dân Việt Nam ai cũng tôn trọng đạo lý nhân quả nghiệp báo. Sợ nhân quả nghiệp báo mà người dân không làm bậy, nổi sợ ấy là tốt hay xấu? là mê tín hay chánh tín? Dù được hiểu như thế nào đi nữa, tôi cho rằng nổi sợ đó là tốt, quan niệm sống đó là lành mạnh, cách giáo dục đó mang tính tích cực, cần được phát huy trong lòng xã hội Việt nam.


Ngày xưa luật pháp Việt Nam còn rất lỏng lẻo, không nhiều như ngày nay, thế mà cuộc sống đạo đức xã hội vẫn được tôn trọng, không phức tạp như ngày hôm nay.  Có thể nói đây là sự thành công của lối giáo dục Phật giáo, chính quan điểm giáo dục này đã gián tiếp giúp cho các triều đại giữ được kỷ cương, xã hội không bị rối loạn.  Đây không phải là sự đóng góp của Phật giáo trong sự nghiệp giáo dục, giữ gìn những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá Việt Nam sao?


b. Về kiến trúc – mỹ thuật


Nói đến những công trình văn hoá kiến trúc cổ của Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến nền văn hóa văn bia chùa tháp. Việt nam không giống như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, hay Miến Điện, là những nước có những công trình kiến trúc Chùa Tháp vĩ đại, Phật giáo ở Việt nam có tính cách khiêm nhường hơn, khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam thì những ngôi chùa tháp cũng dần theo thời gian và không gian được xuất hiện, với mục đích làm nơi lễ bái và cơ sở giáo dục cho dân làng, không mang tính dành cho giới quí tộc hay vua chúa. Do vậy, nó mang đậm nét bình dị mộc mạc của người dân hơn là công trình kiến trúc quốc gia. Vượt qua thời gian, cùng với tuế nguyệt tồn tại, cho đến nay, không ít những ngôi chùa tháp này đã trở thành những công trình kiến trúc mang tính đặc trưng tiêu biểu cho nền văn hoá dân tộc, và được xếp vào di tích văn hóa tầm cỡ quốc gia. Như Chùa Dâu (Thế kỷ III), chùa Bút Tháp, Chùa Keo, Chùa Một Cột, Chùa Thầy, Chùa Hàng (Thế kỷ XIII) ở Hải Phòng, Chùa Trấn Quốc, Chùa Tây Phương, Chùa Thiên Mụ, Chùa Thập Tháp, chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, Chùa Phụng Sơn…Trong đó mỗi ngôi chùa lại là một viện bảo tàng nho nhỏ của Phật giáo, giữ lại những nét đặc thù văn hoá của dân tộc.  Ngoài những danh lam cổ tự này, còn có biết bao ngôi chùa khác nữa cũng mang đậm nét văn hoá dân tộc.


Ngoài yếu tố yếu tố di sản văn hoá của dân tộc, ngôi chùa còn có một loại di sản văn hoá không thể diễn tả bằng lời, không thể dùng mắt để thấy, mà bằng trái tim thương yêu, thật sự ngôi chùa đã để lại trong lòng mỗi người dân Việt một ấn tượng thật đẹp.  Nếu ai đó đã rời xa quê hương, chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó. Nhắc đến quê hương là nhắc đến bụi tre, khóm chuối, ngôi chùa… là những hình ảnh không thể quên. Những người Việt sống xa quê hương, hình ảnh ngôi chùa xưa thân thương chỉ có còn lưu lại trong ký ức. Mặc dù cuộc sống thật là bận rộn, thế nhưng không phải vì vậy mà ngôi chùa không còn nữa, mọi người cùng nhau góp phần tái tạo ngôi chùa thân thương ấy ngay nơi mình đang sống, để hoài cố hương. Ở đây ngôi chùa trở thành không những chỉ là nơi lễ bái tín ngưỡng, còn là trung tâm văn hoá của cộng đồng người Việt, là ngôi trường Việt ngữ. Tóm lại là nơi để bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc. Mỗi ngày lễ hay ngày tết, người Việt đến chùa dâng hương cúng Phật, để hoài niệm về quê hương về cha ông đất tổ, cầu nguyện cho người thân, cho họ hàng cho cho đất nước được bình yên.


Ngôi chùa với người dân Việt Nam có mối thâm tình như vậy, thâm tình đó thật đẹp và thật có ý nghĩa, nói lên tính keo sơn giữa Phật giáo và dân tộc. Có lẽ chính vì vậy mà người dân Việt Nam có câu: Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tiên. Thử hỏi, cái gì có thể thay được thâm tình đó?


c. Về mặt văn học – thi ca


Trong những tác phẩm văn học và thi ca Việt nam, có không ít tác phẩm liên hệ đến Phật giáo. Ví dụ, tập “Văn thơ Lý Trần” là một điển hình cụ thể, nó là tác phẩm gồm nhiều tác giả, là những nhân vật nổi tiếng trong văn học của thời Lý Trần, trong đó không ít nhà thơ là những Thiền sư. Họ không những chỉ cống hiến cho dân tộc những bài thơ hay mà còn để lại cho dân tộc một quan điểm sống thật lạc quan, có ảnh hưởng rất sâu đậm đến hậu thế. Như bài thơ ‘nhâm vận’ của Mãn giác Thiền sư (1052-1096).


Xuân khứ bách hoa lạc,


Xuân đáo bách hoa khai.


Sự trục nhãn tiền quá,


Lão tùng đầu thượng lai,


Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,


Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Nội dung và ý nghĩa bài thơ này, có lẽ mỗi người có những cảm xúc khác nhau, nhìn nhận khác nhau. Ở đây, theo người viết, bài thơ này nói lên nhân sinh quan của Thiền sư hay nói đúng hơn là nhân sinh quan của Phật giáo. Vì Phật giáo không có bi quan như một số người đã lầm tưởng, Phật giáo thừa nhận một thực tại thiên biến vạn hóa, nhưng không phải vì thế mà bi quan yếm thế. Cuộc đời có đổi thay, từ giàu đền nghèo, từ làm quan vị đến làm dân, nhưng khi gặp cảnh bất hạnh, không nên vì thế mà buồn khổ, nên nghĩ rằng chúng ta vẫn còn có nhiều cơ hội để tiến thân, chỉ cần chúng ta biết kiểm điểm nhìn nhận những nguyên nhân đưa đến thất bại, và nổ lực tạo điều kiện những yếu tố tốt đẹp kết duyên thì cái xuất hiện mới đó phải là cái thiện cái tốt. Đó chính là ý nghĩa của hai câu thơ cuối:


Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,


Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Ngoài ra, tác phẫm “Tuyện Kiều” của Nguyễn Du (?) cũng là một tác phẩm có nội dung tư tưởng chứa đựng tư tưởng của Phật giáo. Ví dụ câu:


Đã mang lấy nghiệp vào thân


….


Rõ ràng đây chính là quan điểm nghiệp lực của Phật giáo. Nếu như Nguyên Du làngười không chịu ảnh hưởng quan điểm giáo dục của Phật giáo, tôi tin rằng Nguyễn Du không thể đưa quan điểm nghiệp lực vào thi ca của mình. Ngoài ra còn có biết bao tác phẩm tác giả có liên hệ đến văn hoá Phật giáo.


Ngoài những tác phẩm văn học và thi ca, trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt nam còn có một loại văn học thuộc về tục ngữ ca dao. Trong đó có biết bao nhiêu là câu tục ngữ ca dao mang đâm nét Phật giáo.


Từ đó, nó gợi ý cho chúng ta thấy, quan điểm tư tưởng của Phật giáo không chỉ được thấy qua những di tích lịch sử mà nó đã ăn sâu vào lòng người vào lòng dân tộc, và trở thành một loại văn hoá của dân tộc. Biểu thị văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc đã quyện chặt vào nhau, không thể chia cắt.


(Hết phần một)