Trang chủ Thời đại Giáo dục Giáo dục mầm non: Nhìn từ chấn hưng Phật giáo

Giáo dục mầm non: Nhìn từ chấn hưng Phật giáo

90

1.    Cuối năm 2013, giáo dục mầm non và nhà trẻ được báo chí quan tâm nhiều, với tin bài dồn dập về việc 2 cô bảo mẫu hành hạ nhẫn tâm trẻ được coi giữ và các trường mầm non ở Đà Nẵng được chuyển từ trường công lập sang tư thục.

Sự việc 2 bảo mẫu bạo hành trẻ em được coi là một ca điển hình cho các nhà giữ trẻ, cơ sở giáo dục mầm non tư nhân thiếu chuyên môn, kém chất lượng.

Việc chuyển đổi các trường mẫu giáo công lập sang tư thục, tuy không phải là chủ trương, nhưng cũng phản ánh xu thế tư nhân hóa các trường mầm non công lập, một xu thế đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Những sự kiện trên, gộp chung lại, đều có tác dụng tôn cao giá trị, nếu không muốn nói là “quảng cáo” gián tiếp cho hệ thống trường mầm non tư thục do đạo Ca tô La Mã quản lý, điều hành, thường được coi là nằm trong hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới của đạo Ca tô La Mã, được các nữ tu sĩ Ca tô La Mã trông nom, đứng lớp. Khi các cô bảo mẫu trở thành tội phạm hình sự do phản sư phạm trong nuôi dạy trẻ, còn trường mầm non công lập chuyển sang trường tư, thì cả 2 việc đó tạo ra sự định hướng nhằm vào hệ thống giáo dục mầm non của Ca tô La Mã. Nhà trẻ, trường mẫu giáo tư trở nên mất chất lượng, không đáng tin cậy, còn trường công lập, vốn được coi là bảo đảm hơn về chất lượng trở thành trường tư, thì phụ huynh chỉ còn hướng vào trường tư của tu sĩ đạo Ca tô La Mã, một loại trường mầm non tư thục khá đặc biệt, dù học phí rất cao.

Điều này làm cho sự phát triển hệ thống trường mầm non của đạo Ca tô La Mã tiến sang một giai đoạn mới, khẳng định chất lượng của mình, tất nhiên là thu hút đông đảo học sinh hơn, có thể với học phí cao hơn nữa. Điều đó có nghĩa là hệ thống trường này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động.

Thực ra, hệ thống trường học mầm non này đã rất phát triển, và không chỉ là dùng cơ sở nhà thờ, tu viện. Mùa Noel, đi các trường mẫu giáo, chúng ta sẽ nhận rõ được hệ thống trường này qua các sinh hoạt tôn giáo nổi bật.

Điều này cũng có nghĩa là sau những sự cố giáo dục mầm non và nhà trẻ cuối năm 2013, thì khoảng cách giữa giáo dục xã hội Phật giáo và giáo dục xã hội của tôn giáo khác sẽ trở nên lớn hơn nữa. Tu sĩ và tín đồ Phật giáo cần nhìn rõ hiện trạng này và có nỗ lực cao hơn.

2.    Giáo dục, đối với một tôn giáo khác, là một phương tiện rất hữu hiệu để truyền đạo, cải đạo. Do đó, họ đã rất quan tâm đầu tư cho giáo dục, và điều đó đã trở thành truyền thống qua hàng ngàn năm. Họ phấn đấu có được một hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới và cơ bản đã đạt được điều đó.

Quan điểm về giáo dục như thế đã chi phối cả quan điểm đào tạo tu sĩ. Người tu sĩ tôn giáo đó, trong quá trình đào tạo, luôn hướng đến mục tiêu đồng thời trở thành nhà giáo, nhà sư phạm. Có những dòng tu lấy sư phạm là hoạt động chính, chuyên tâm vào việc mở trường, dạy học. Họ không những đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục riêng mình, mà người tu sĩ, chức sắc tôn giáo còn được định hướng để nắm quyền quản lý hệ thống giáo dục công lập. Do vậy, trước năm 1975, chúng ta vẫn nghe nói những chức danh như linh mục viện trưởng viện đại học…, linh mục khoa trưởng… Cũng như, nhiều chuyên gia học thuật đầu ngành trên bục giảng đại học đều là tu sĩ, chức sắc.

Phật giáo Việt Nam đã ý thức vấn đề, nên giáo dục xã hội đã trở thành một mục tiêu lớn của chấn hưng Phật giáo. Xin nhấn mạnh, đây là giáo dục xã hội, có nghĩa là Phật giáo tham gia vào hoạt động giáo dục nói chung, không chỉ là giáo dục tăng ni trong nội bộ Phật giáo. Ý tưởng xây dựng các trường sơ học bên cạnh nhà chùa, do các nhà sư quản lý, điều hành, nhà sư đồng thời là nhà giáo, nhà sư phạm, đã được các nhà lý luận chấn hưng Phật giáo nêu ra. Ý tưởng này đã được thực hiện ở miền Bắc trước năm 1954 và tiếp tục ở miền Nam trong 20 năm với hệ thống trường Bồ đề và Viện Đại học Vạn Hạnh.

Đến thập niên 1970, hệ thống giáo dục xã hội Phật giáo tuy về cơ bản vẫn còn thua kém so với giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã, nhưng đã có một số điểm vượt trội, như trường hợp Viện Đại học Vạn Hạnh. Điều đáng ghi nhận là về cơ bản, đã hình thành hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo và hoạt động đã đã có định hướng đúng, góp phần xác lập một đạo Phật nhập thế, khẳng định vai trò của Phật giáo trong hệ thống giáo dục xã hội nói chung.

3.    Sau năm 1975, việc tham gia của tôn giáo vào hoạt động giáo dục xã hội bị gián đoạn một thời gian. Đến khi được phép phục hồi ở cấp giáo dục mầm non, thì mạng lưới các trường mầm non do tu sĩ đạo Ca tô La Mã quản lý điều hành đã được tái lập mau chóng, phát triển khá mạnh mẽ. Đầu tiên, là các trường nằm trong khuôn viên nhà thờ. Sau đó, một số cơ sở kiến trúc cũng được thuê mướn để mở rộng hệ thống. Đến nay, thì những biểu hiện hình thức tôn giáo rất đặc biệt vượt quá mức bình thường vào dịp Noel của một số không nhỏ cơ sở giáo dục mầm non tư thục cho thấy sự phát triển đã đến mức khá đều khắp của hệ thống giáo dục này.

Trên thực tế, không phải chỉ một mạng lưới giáo dục xã hội đã hình thành, và đáng nói, hơn là theo đó, đã hình thành một thương hiệu giáo dục tư thục, thường được gọi nôm na là trường “bà xơ”.

Nay khi trường mầm non công lập bị chuyển thành trường tư thục, bảo mẫu tay ngang ra tòa, ở tù vì hành hạ trẻ em, thì thương hiệu giáo dục nói trên càng sáng giá.

4.    Dường như, có rất ít nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam hiện nay tư duy như những nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam thời kỳ chấn hưng. Do đó, việc tái khởi động hệ thống giáo dục xã hội Phật giáo đã không được quan tâm, cũng như bối cảnh đã có tôn giáo khởi động thành công hệ thống giáo dục xã hội tôn giáo ở cấp mầm non như thế không tạo được sự chú ý ở những nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Có một số ít trường mầm non do nữ tu sĩ Phật giáo quản lý, điều hành được thành lập nhưng hoạt động và ảnh hưởng rất giới hạn. Nữ tu sĩ Phật giáo không mặn mà với việc đồng thời trở thành nhà giáo, nhà sư phạm, nên dù có vận động, nhưng không đủ số tham gia. Dĩ nhiên, sẽ là không có thương hiệu trường tư thục “ni cô”. Một vài trường dạng “Bồ đề” cũng được thành lập, nhưng tác động xã hội có thể còn nhỏ hơn nếu so với hệ thống trường mầm non, vì ở xa thành phố.

Sự chậm trễ của giáo dục xã hội Phật giáo sẽ càng trở nên trầm trọng hơn với những sự kiện giáo dục mầm non cuối năm 2013. Kết quả của việc chậm trễ này sẽ thấy trong chỉ khoảng 10 năm nữa, khi các cháu bé mầm non đến tuổi lựa chọn cho mình một tôn giáo. Nhưng không phải chờ đến 10 năm, mà qua Noel vừa rồi, đã thấy một bước thay đổi ở bề mặt hoạt động giáo dục mầm non ở các thành phố lớn. Ở đó, các học sinh mầm non như đã được nhà trường chọn cho sẵn một tôn giáo, và không có lựa chọn nào khác nếu cứ học ở trường đó.

Hiện nay, bộ phận lo về giáo dục Phật giáo vẫn là Ban Giáo dục Tăng ni. Có nghĩa là Phật giáo vẫn không có giáo dục xã hội, chỉ có giáo dục nội bộ và riêng cho tu sĩ.

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh